Cảm nhận sông Son
(QBĐT) - Sông Son khởi nguyên từ các dãy núi đá vôi ở phía Tây huyện Bố Trạch, chảy qua đất trang Phong Nha cũ (nay là thị trấn Phong Nha), hợp lưu với sông Gianh ở phía hạ nguồn, rồi đổ ra biển Đông. Xưa nay, dù được cư dân ở khu vực gọi theo nhiều cách khác nhau tùy thổ ngữ, nhưng chưa bao giờ tên sông rời xa màu son bí ẩn, như một mặc định, một biểu tượng thân thuộc của quê hương: Sông Son, nguồn Son, rào Son…
Truyền thuyết kể: Tên sông là sản phẩm của câu chuyện tình bi tráng không môn đăng hộ đối theo mô típ giàu-nghèo bị cấm cản, khiến đôi trẻ đã cùng quyên sinh dưới dòng sông này để giữ sự thủy chung son sắt và từ đó được người đời gọi là sông Son. Truyền thuyết rõ ràng không làm hài lòng những người duy lý, quen với khoa học thực chứng về việc giải thích địa danh tự nhiên nhưng cũng đã dựa trên thi pháp của thể loại để giải thích thế giới con người thông qua hiện tượng tự nhiên, cấp cho dòng sông một hàm lượng tinh thần mang tính người, đầy trắc ẩn, qua đó làm giàu thêm vẻ đẹp của sông Son.
Còn cổ tích lại dựa vào một tình tiết lịch sử: Khi bị quân của Nguyễn Ánh truy đuổi, tàn quân Tây Sơn do tướng Hoằng Thùy chỉ huy đã chém giết lẫn nhau trên sông nhằm giành đường tẩu thoát ra Bắc, để phóng tác thêm cái kết nhuốm chút huyền bí, liêu trai: “Từ đó cứ mỗi lần mưa đổ, khe dâng nước là màu nước đo đỏ, đó là máu của các nạn nhân do Hoằng Thùy sát hại” (theo L.Cadiere), âu đó cũng là thủ pháp tâm linh để lý giải cách đặt tên sông Son của người xưa vậy. Sự kiện trên được chính sử triều Nguyễn chép là xảy ra năm 1801, sau khi Hoằng Thùy thất thủ ở Trấn Ninh (Đồng Hới ngày nay), với lý giải của truyện cổ dân gian này thì tên “sông Son” sớm nhất cũng có từ năm 1801.
Tuy nhiên, tại sách Phủ biên tạp lục, một công trình lịch sử-khoa học do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn năm 1776, ra đời trước sự kiện 1801 những 25 năm, đã có nhắc đến địa danh “sông Son” (bản dịch tiếng Việt): “Trên sông Son, chỗ chia địa giới cũ, có chỗ đất để trống là Cồn Bồi, Cồn Chợ, Cồn Cấm, nhân dân hai bên đều không dám trồng cấy, cây cỏ mọc như rừng”.
Sau này, sách Đồng Khánh dư địa chí do Quốc sử quán triều Nguyễn tổ chức biên soạn, trong mục “bản đồ huyện Bố Trạch” vẽ hình con sông Son kèm theo ghi chú tên sông bằng nguyên tác chữ Hán 硃 源江 (Châu Nguyên Giang); ngoài ra, ở mục “núi, sông”, sách này còn miêu tả rõ hơn: “Sông Châu Nguyên (硃 源江), bắt nguồn từ các khe ở núi Phong Nha, chảy về hướng đông bắc, đổ vào sông Gianh”. Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh giải nghĩa: Chữ 硃 (châu) là “son”, “màu đỏ”, chữ 源 (nguyên) là “nguồn nước”, “sông”; theo đó, “Châu Nguyên giang” có nghĩa là “sông Son”/“nguồn Son”.
Đáng lưu ý, trong chữ 硃 (Châu) mà sách xưa dùng để thể hiện tên sông Son lại có bộ 石 (thạch) với nghĩa “đất”, “đá”; vả chăng đó là chỉ dấu xác định màu nước đỏ (châu) của dòng sông có nguồn gốc vật chất từ một khối đất, đá màu son nào đó? Nếu vậy, với cách thể hiện này, có thể đoán định rằng màu đỏ đã từng xuất hiện trong nguồn nước sông Son từ xa xưa là màu sắc vật lý có xuất xứ tự nhiên, chứ không phải là màu sắc tâm lý (son sắt), màu sắc tâm linh (máu các chiến binh) như đã kể trong các truyền thuyết, truyện cổ dân gian. Vậy khối đất, đá son có nguồn gốc tự nhiên kia tọa lạc ở đâu trên thượng nguồn dòng sông để trường kỳ “nhả” màu nhuộm thắm nguồn nước, khiến tiền nhân vùng Phong Nha đủ ấn tượng mà gọi tên sông Son từ thuở xa xưa?
Xét các sách Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí đều cùng nhắc đến một ngọn núi trong khu vực có tên là Châu Sơn (硃山) chứa nhiều son đỏ (còn gọi là thổ châu 土硃), thứ son đất, mài ra với nước làm son chấm bài thi, hoặc làm màu tô, vẽ trang trí… một nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá đương thời: “Núi Châu Sơn: Ở phía Tây Nam huyện Minh Chính 6 dặm có nhiều thổ châu”, “núi Châu Sơn ở trang Lạc Giao, núi có nhiều son” Theo miêu tả của các thư tịch cổ “Núi Châu Sơn: Ở phía Tây Nam huyện Minh Chính” thì rõ là ngọn núi tọa lạc ở vùng ranh giới hai huyện Bố Trạch-Minh Chính, thuộc bờ Bắc thượng nguồn sông Son, hoặc ít ra thì các suối, nguồn phát nguyên từ núi này cũng đổ về thượng nguồn sông Son, dòng sông ranh giới tự nhiên giữa hai huyện.
Đối chiếu thêm ở mục “thổ sản” của huyện Minh Chính do hai cổ thư này ghi lại và xác nhận thì loại khoáng sản son đất có trên núi Châu Sơn đã từng được khai thác, sản xuất nhiều ở đầu nguồn Son: “son ở trang Lạc Giao, núi Châu Sơn có khá nhiều, nhưng màu không tươi lắm” (Đồng Khánh dư địa chí), “đá son, sản xuất ở nguồn son, An Niệu, huyện Minh Chính” (Đại Nam nhất thống chí). Tỉnh Quảng Bình thời đó có lẽ nguồn khoáng sản son đất chỉ có ở núi Châu Sơn, huyện Minh Chính, bởi trong mục “thổ sản”, các sách cổ trên ghi chép đầy đủ các loại lâm sản, hải sản, các sản phẩm nuôi, trồng… có sản lượng cao, chất lượng tốt mà nhiều huyện trong tỉnh đồng thời sở hữu, riêng thổ sản son đất chỉ thấy duy nhất có ở huyện Minh Chính mà thôi.
Do là nguồn nguyên liệu hiếm, nhu cầu xã hội lớn nên khoáng sản son đất trên núi Châu Sơn trở thành nguồn lợi cho nhân dân trong khu vực dùng để trao đổi, thậm chí thành hàng hóa, do đó đã được tổ chức khai thác, “sản xuất ở nguồn Son” như sách Đại Nam nhất thống chí đã đề cập. Hình dung rằng, đó là những mỏ khai thác, sản xuất son đất có công nghệ thô sơ, lạc hậu, với các công đoạn: Khai thác nguyên liệu, tuyển chọn, sàng rửa sản phẩm trên sông Son, hoặc trên các dòng suối thượng nguồn đổ về sông Son, khiến màu son đất hòa lẫn trong nước, xuôi về hạ lưu, lâu dần in đậm vào tâm trí của các thế hệ cư dân cư trú dọc hai bờ sông và cả trang Phong Nha.
Mặt khác, núi son Châu Sơn càng lúc càng trở nên rất mong manh bởi thường xuyên bị đào bới để khai thác nguồn lợi khoáng sản, do vậy đến mùa mưa lũ, núi bị sạt lở hoặc rửa trôi mạnh, kéo theo màu son trôi xuống dòng sông. Rất có thể cả hai lý do nhân tạo và thiên tai kể trên là nguồn cơn từng lặp đi lặp lại trong một thời gian dài làm cho nước dòng sông thường xuyên nhuốm màu son đỏ, khiến cư dân trong vùng dựa vào tính chất thường gặp này để gọi tên dòng sông như một biệt danh và gọi mãi thành địa danh: Sông Son.
Có một chi tiết ngôn ngữ rất khách quan không nên bỏ qua khi khảo sát, lý giải địa danh sông Son: Các nhà chép sử triều Nguyễn ghi danh ngọn núi Son ở thượng nguồn bằng Hán tự 硃山 (Châu Sơn), còn với dòng sông Son chảy phía dưới đó là 硃 源 (Châu Nguyên). Châu Sơn (núi Son), và Châu nguyên (sông Son) là hai thực thể địa lý khác biệt nhau (núi-sông), nhưng cùng mang một danh xưng “Châu” của cùng một tự dạng chữ Hán (硃), với nghĩa là “son”, “màu đỏ”; vả chăng, tiền nhân qua đó để ngụ ý rằng giữa chúng có sự liên quan đến nhau, hoặc là hệ quả của nhau bởi màu son này?
Nhưng một thời gian rất dài sau đó và cho đến nay, không ai một lần còn được nhìn thấy nước sông Son đổi màu son nữa, mà chỉ có màu xanh ngọc trong vắt vào mùa khô và màu vàng đất đục ngầu vào mùa mưa. Ấy là do từ lâu các cơ sở sản xuất son đất ở núi Son không còn hoạt động bởi khoáng sản đã bị khai thác và xói lở cạn kiệt. Từ bấy đến nay, thời gian cũng đủ dài khiến nguồn cơn tự nhiên về màu son hòa lẫn trong nước dòng sông bị biến mất trong tâm trí người đời, mặc dù địa danh sông Son đã “chết tên” vào lịch sử và trong giao tiếp ngôn ngữ của nhân gian. Sự “bí ẩn” của địa danh sông Son thôi thúc người đời sau giải mã, theo đó, truyền thuyết và truyện cổ về dòng sông đã ra đời.
Lạm bàn về tên sông Son, chúng tôi không có ý định phản bác các truyền thuyết, truyện cổ, sản phẩm tinh thần gắn với dòng sông, mà chỉ trình bày một hướng tiếp cận khác, thực chứng, dựa vào các hiện tượng tự nhiên từ các ghi chép lịch sử, địa lý của người xưa lưu lại, để bạn đọc rộng đường thảo luận. Bên cạnh giá trị là thắng cảnh tự nhiên, sông Son còn có giá trị khoa học, giá trị dân sinh, giá trị văn hóa, mà trong đó, tên dòng sông là một bí ẩn phi vật thể thú vị, đã và đang thu hút biết bao người say mê giải mã xưa, nay.
Trần Hùng
Sách, tài liệu tham khảo:
- Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn (Ngô Lập Chí dịch), Khoa xã hội, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, 1959, bản online.
- Đại Nam nhất thống chí, NXB Lao động, 2012.
- Đồng Khánh dư địa chí, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe dịch và hiệu đính, bản online.
- Từ điển Hán-Việt, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 2000.
- Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L.Cadiere, Đỗ Trinh Huệ, NXB Thuận Hóa, 2006.