Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vang mãi bản hùng ca

  • 08:11 | Thứ Bảy, 29/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ tại phường Hải Thành (TP. Đồng Hới), những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi năm xưa từng tham gia trận đánh biệt kích đêm 30/6/1964 trên bãi biển Nhật Lệ, thôn Đồng Thành (nay thuộc phường Hải Thành) giờ đã tóc bạc da mồi, cùng nhau ôn lại kỷ niệm. 60 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về trận đánh đêm mùa hạ 60 năm trước và những người đồng đội đã anh dũng hy sinh vẫn luôn sống động trong lòng họ.
 
Chủ nhân của ngôi nhà là hai vợ chồng ông Nguyễn Lâm Sung (SN 1941) và bà Hồ Thị Lô (SN 1943). Và những vị khách quen thuộc là các ông: Trần Thanh Hồng (SN 1942), Hoàng Hoa Tương (SN 1944), Nguyễn Ngọc Trúc (SN 1945). Họ là những người tham gia trận đánh biệt kích 6 thập kỷ trước, giờ là những người xóm giềng thân thuộc, thi thoảng lại gặp nhau ôn kỷ niệm.
 
Với địa bàn TX. Đồng Hới (bây giờ là TP. Đồng Hới), bãi biển Nhật Lệ, thôn Đồng Thành là vị trí chiến lược, là “cửa ngõ” bảo vệ thị xã từ phía biển. Năm 1964, trước nguy cơ phá sản của “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh hoạt động quân sự trên chiến trường miền Nam, đồng thời triển khai các hoạt động phá hoại, khiêu khích và phô trương sức mạnh trước khi leo thang chiến tranh ra miền Bắc.
 
Để bảo vệ thị xã, Đồng Hới được bố trí đầy đủ các đơn vị phòng không, lực lượng dân quân tự vệ... luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, lực lượng trực chiến tại bờ biển Nhật Lệ, gồm: 1 trung đội dân quân, Đồn Công an vũ trang Nhật Lệ và cán bộ tăng cường từ Tỉnh đội. 
Các thành viên tham gia trận đánh biệt kích tháng 6/1964 cùng ôn kỷ niệm.
Các thành viên tham gia trận đánh biệt kích tháng 6/1964 cùng ôn kỷ niệm.
22 giờ ngày 30/6/1964, Chính trị viên Trung đội dân quân thôn Đồng Thành Nguyễn Quang Thái đang đánh cá ngoài biển thì phát hiện tàu lạ. Nghi là địch đang đổ quân, ngay lập tức đồng chí quay vào bờ để thông báo cho Đồn Công an vũ trang Nhật Lệ phối hợp tuần tra. Vào thời điểm đồng chí Nguyễn Quang Thái đang trên đường về đồn thì một tốp biệt kích đã lọt vào rừng dương tại khu vực cửa biển Nhật Lệ. Lúc này, tổ dân quân thứ nhất gồm các đồng chí Hoàng Hoa Tương, Trần Thị Nồng và Hồ Thị Lô đang đi tuần ven biển.
 
Tổ dân quân thứ hai có các đồng chí: Trần Thanh Hồng, Nguyễn Văn Hai và chiến sĩ công an vũ trang Lê Văn Ngọc đang men theo rừng dương thì phát hiện địch. Thấy bị lộ, ngay lập tức nhóm biệt kích liền nổ súng, đồng chí Nguyễn Văn Hai trúng đạn và hy sinh. Các đồng chí Trần Thanh Hồng và Lê Văn Ngọc tiếp tục chiến đấu. Nghe tiếng súng, chính trị viên Nguyễn Quang Thái đã kịp thời triển khai kế hoạch bao vây và tiêu diệt địch.
 
Lúc này, đồng chí Trần Thanh Hồng nhanh chóng gặp và gia nhập cùng tổ dân quân thứ ba có các đồng chí Phan Tiến Dũng, Trương Pháp, Lê Ly, Nguyễn Lâm Sung, Nguyễn Ngọc Trúc và họ tiếp tục chiến đấu và chi viện cho đồng đội. Đồng chí Nguyễn Lâm Sung đã ném lựu đạn giết chết một lính biệt kích và làm bị thương nhiều tên khác. Đồng chí Trần Thanh Hồng với trái lựu đạn không nổ, vẫn kiên cường chiến đấu với quân địch khi chúng xông vào định bắt sống.
 
Trước tình huống hiểm nguy, đồng chí Trương Pháp (SN 1942) lao lên phía trước với lưỡi lê và hô to: “Xung phong!”. Hành động dũng cảm của đồng chí đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội. Súng hết đạn, Trương Pháp và các chiến sĩ dùng báng súng và lưỡi lê đánh giáp lá cà với bọn biệt kích. Súng và lưỡi lê gãy, anh dùng đá và cát tiếp tục chiến đấu, kiên quyết không để bị bắt sống. Biết không thể khuất phục được tinh thần của Trương Pháp, bọn địch đã liên tục nã đạn vào ngực anh. Chiến sĩ dân quân Trương Pháp đã anh dũng hy sinh. Cùng thời điểm đó, đồng chí Lê Văn Ngọc cũng trúng đạn và hy sinh.
 
Trận đánh kết thúc trong vòng khoảng hai mươi phút. Kết quả, địch chết 1 tên, bị thương 3 tên và 1 tên bị bắt sống vào sáng hôm sau. Về phía ta, 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh, gồm: Nguyễn Văn Hai, Trương Pháp và Lê Văn Ngọc. Ta cũng thu nhiều vũ khí hiện đại của địch.
Người dân dâng hương tại bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tham gia trận đánh đêm 30/6/1964
Người dân dâng hương tại bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tham gia trận đánh đêm 30/6/1964.
Sau trận đánh, 4 chiến sĩ dân quân: Nguyễn Quang Thái, Trần Thanh Hồng, Nguyễn Lâm Sung, Phan Tiến Dũng được tặng Huân chương Quân công hạng Ba; 5 đồng chí khác được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng bằng khen. Cùng với quá trình bám đất, bám làng vừa sản xuất và chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ngày 11/6/1999, Đảng bộ và nhân dân phường Hải Thành vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sỹ Trương Pháp được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 11/2013, UBND tỉnh đã ký quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với trận đánh biệt kích đêm 30/6/1964 ở thôn Đồng Thành.
 
Không chỉ có lòng dũng cảm, quyết tâm bảo vệ quê hương mà chuyện về những người từng tham gia trận đánh biệt kích lịch sử năm xưa còn có nhiều tình tiết cảm động. Đó là mối tình của đồng chí Trương Pháp và cô dân quân Trần Thị Nồng (Trần Thị Nồng em gái của chiến sĩ dân quân Trần Thanh Hồng). Trước khi trận đánh xảy ra, gia đình Trương Pháp và Trần Thị Nồng đã ấn định đám cưới của họ sẽ tổ chức vào tháng 8/1964. Thế rồi Trương Pháp hy sinh, đám cưới của họ mãi không bao giờ đến. Nén đau thương, cô dân quân Trần Thị Nồng tiếp tục bám trận địa chiến đấu và 3 năm sau đó, vào tháng 6/1967, cô đã anh dũng hy sinh.
 
Trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông Nguyễn Lâm Sung và bà Hồ Thị Lô cùng đồng đội ôn lại những ký ức đau thương nhưng đầy tự hào của những người từng tham gia trận đánh. Câu chuyện của họ là cái kết đầy ý nghĩa khi sau trận đánh, chiến sĩ Nguyễn Lâm Sung và cô dân quân hoa khôi Hồ Thị Lô đã thành vợ chồng. Họ đã sát cánh bên nhau trong cuộc chiến hiểm nguy 60 năm trước và đồng hành, gắn bó với nhau đến tận bây giờ. Trong số những thành viên tham gia trận đánh còn có ba người là anh em ruột, gồm: Nguyễn Quang Thái, Nguyễn Lâm Sung và Nguyễn Ngọc Trúc, họ là minh chứng cho tình yêu đất nước và lòng dũng cảm, quyết tâm bảo vệ quê hương.
 
Trận đánh biệt kích đêm 30/6/1964 ở Đồng Thành là một chiến thắng vẻ vang, là niềm tự hào của không chỉ riêng quân và dân Đồng Thành mà của TX. Đồng Hới và cả tỉnh. Đây cũng là trận đánh minh chứng cho truyền thống đánh địch bằng những vũ khí hiện có và tinh thần quả cảm. Dù vũ khí thô sơ nhưng với quyết tâm và lòng dũng cảm, chúng ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ với những phương tiện chiến tranh tối tân và hiện đại.
 
Sau trận đánh lịch sử, họ lại tiếp tục hành trình của mình, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi như lời Bác Hồ khen tặng. Dù là giáo viên, công nhân, quân nhân, cán bộ, mỗi người trong số họ đều phát huy tinh thần kiên cường, anh dũng, không lùi bước trước hiểm nguy, gian khó, là những tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo. Trên hành trình phát triển của tỉnh nhà, trong đó có phường Hải Thành, những chiến sĩ công an, dân quân năm xưa đã có những đóng góp ý nghĩa cả trong thời chiến và thời bình, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Ngọc Mai

tin liên quan

Hành trình "thức giấc"

(QBĐT) - "Một Việt Nam thu nhỏ", "viên kim cương xanh" hay "vùng đất của những bí ẩn bất tận"… không đơn giản mà những mỹ từ này được khoác lên cho du lịch Quảng Bình. Từ một tỉnh nghèo "chang chang cồn cát", Quảng Bình đặt mục tiêu phát triển ngành Du lịch để địa phương trở thành một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á. 

Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…

Không cam chịu số phận

(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ xinh nằm bên đường vào bản Mò O Ồ Ồ của tộc người Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa), rất nhiều giấy khen, bằng khen được treo trang trọng ở gian phòng khách. Một điều hiếm thấy ở những bản làng xa xôi lại hiện diện nơi ngôi nhà bà Hồ Thị Pấy-người phụ nữ phải trải qua những năm tháng cùng cực nhưng không cam chịu số phận, đã vượt lên hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời.