Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Gần lắm... Trường Sa!-Bài 3: Gặp nhau trên quần đảo Trường Sa

  • 06:23 | Thứ Tư, 05/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngôi nhà khang trang nằm phía sau trụ sở UBND TP. Đồng Hới là tổ ấm của gia đình trung tá Bùi Xuân Thêm (SN 1978) hiện tại đang đóng quân tại đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa và chị Phạm Thị Gấm (SN 1982), giáo viên Trường THCS Đức Ninh Đông. Ngày chị Gấm sắp lên đường thăm Trường Sa, thăm nơi đóng quân của chồng, bà con nội ngoại, hàng xóm hay tin đến chia vui. Riêng chị bâng khuâng, hết ra lại vào. Ước mơ đến với sóng nước Trường Sa nay thành hiện thực.
 
 
 
Cưới nhau xong là đi
 
Chị Phạm Thị Gấm kể quen anh Bùi Xuân Thêm (học viên Trường sĩ quan Lục quân 1, Sơn Tây, TP. Hà Nội) khi còn là sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế. Nhà chị ở tổ dân phố Diêm Hạ, anh ở tổ dân phố Diêm Thượng (cùng phường Đức Ninh Đông). Năm 2006, anh chị về chung một nhà.
 
Năm 2007, cháu Bùi Xuân Phú Thành, con trai đầu anh chị mới tròn 15 ngày tuổi, anh lên đường ra Trường Sa, công tác tại đảo Đá Đông B, để lại nơi đất liền người vợ trẻ một tay chăm sóc con thơ và ông bà nội tuổi cao, sức yếu.
 
Năm 2010, anh Bùi Xuân Thêm cắt phép về thăm nhà, hạnh phúc nhân lên nhưng khó khăn càng bộn bề khi hai vợ chồng có thêm con trai thứ hai, cháu Bùi Xuân Tấn Nguyên. Anh chỉ kịp động viên vợ: “Cố gắng em nhé, làm vợ lính đảo là chịu nhiều thiệt thòi”. Rồi anh Thêm quay lại với sóng nước Trường Sa, cùng động đội chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn biển, đảo Tổ quốc.
Giây phút suy tư của chị Phạm Thị Gấm trên tàu 561.
Giây phút suy tư của chị Phạm Thị Gấm trên tàu 561.
Ông bà nội lần lượt qua đời, ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ trở thành tổ ấm ba mẹ con chị Phạm Thị Gấm. Chị bấm đốt ngón tay, nhẩm: “Anh làm lính Hải quân gần 18 năm, trong đó 8 năm đóng quân tại các đảo Đá Đông B, Sinh Tồn Đông, Nam Yết và Sơn Ca. 18 năm ấy chị trở thành hậu phương vững chắc thay chồng đảm nhận hai vai, vừa trọn vẹn gia đạo, vừa chăm sóc con khôn lớn nên người. Nói vậy thôi, nhưng những lần con đau ốm nhập viện, thấy ai ai cũng có chồng, con cái có bố cận kề, chia sẻ, động viên, cảm giác thiệt thòi, tủi thân lắm!”, chị Gấm xúc động kể.
 
Ngôi nhà cấp bốn ông bà nội để lại theo thời gian xuống cấp. Lần anh về thăm nhà mới nhất, năm 2022, vợ chồng bàn nhau cất nếp nhà mới cho con cái có nơi tránh mưa, tránh bão, vì miền Trung mưa gió thất thường. Anh gật đầu đồng thuận. Hết phép, anh lại đi. Ngày khởi công đặt móng, vắng người trụ cột, nơi biển, đảo Trường Sa, qua cánh sóng điện thoại, anh động viên chị cố gắng chu toàn, hẹn khánh thành nhà mới, anh về. Hứa vậy, nhưng nhiệm vụ Đảng, Quân đội, Quân chủng Hải quân và nhân dân giao cho người lính đảo cao cả hơn, anh tiếp tục vắng mặt. Nhà mới hoàn thiện gần hai năm nay... vẫn vắng bóng anh.
 
Xa cách về mặt địa lý nhưng tình cảm anh dành cho vợ con nơi hậu phương luôn đầy ắp, vẹn nguyên. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Bùi Xuân Thêm nhờ đồng đội ở đất liền mua vài chậu cây cảnh đặc trưng phương Nam, đặc trưng vùng sóng nước gửi về gia đình. Khoảng sân nhỏ nhà anh chị dần dần xếp đầy cây cảnh. Nhớ đến anh, chị Gấm cùng các con ngày ngày tận tâm chăm sóc, nâng niu từng gốc cây, cành lá... Là như thấy anh hiện hữu, ấm áp, thân thương bên mình.
 
 
Những cái ôm nặng nghĩa, nặng tình
 
Bước chân lên tàu 561 từ cảng Cát Lái, rồi suốt chuyến hải trình thăm quần đảo Trường Sa, chị Phạm Thị Gấm luôn trầm tư. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp chị trên bong tàu, mắt hướng về xa xăm, mênh mông sóng nước. Tôi hiểu những ngổn ngang nghĩ suy trong tâm hồn người vợ lính Trường Sa. Anh đóng quân ở đảo Sơn Ca mà hải trình Đoàn công tác số 22 không có lịch thăm đảo. Chị hỏi tôi “Có cơ hội mô cho tôi gặp được anh không?”. Câu hỏi bâng khuâng tan theo từng con sóng xao xác dưới thân tàu.
 
Trung tá Bùi Xuân Thêm đóng quân trên đảo Sơn Ca từ năm 2023. Chuyến hải trình lần này, tàu 561 chỉ qua các đảo: Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Tây A, Đá Đông C và nhà giàn DK1/8 Quế Đường, không ghé đảo Sơn Ca.
 
Từ tàu 561, kết nối sóng điện thoại, chị Gấm hỏi chồng: “Qua thị trấn Trường Sa, anh xin cấp trên sang gặp em!”. Trung tá Bùi Xuân Thêm cười nghèn nghẹn: “Em biết từ đảo Sơn Ca đến đảo Trường Sa bao nhiêu cây số không? 187 hải lý, tức là hơn 330km... Mà giữa muôn trùng sóng nước, khoảng cách xa càng xa thêm. Em cùng đoàn Quảng Bình thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo theo lịch hải trình. Trên tất cả các đảo đều có con em Quảng Bình, có bạn thân, đồng đội của anh. Gặp bạn, xem như em đã được gặp anh!”.
Gặp gỡ những đồng đội của chồng, chị Phạm Thị Gấm càng hiểu hơn về cuộc sống người lính đảo Trường Sa.
Gặp gỡ những đồng đội của chồng, chị Phạm Thị Gấm càng hiểu hơn về cuộc sống người lính đảo Trường Sa.
Đúng như lời hẹn, hôm Đoàn công tác số 22 lên đảo Đá Tây A, trung tá Bùi Xuân Thêm điện thoại cho trung tá Nguyễn Hồng Quân, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây C đi thuyền CQ sang gặp chị Phạm Thị Gấm. Trung tá Nguyễn Hồng Quân kể: “Tôi và Thêm thân nhau từ lúc còn trong Trường sĩ quan Lục quân 1. Thêm ra đảo Sơn Ca năm 2023, mấy tháng sau tôi cũng nhận lệnh làm Chỉ huy trưởng Đá Tây C. Dù đóng quân cách xa nhau, nhưng tình bạn, tình đồng đội, đồng chí, đồng hương vẫn không bao giờ phai nhạt”.
 
Trên đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa), chị Phạm Thị Gấm gặp trung tá Nguyễn Xuân Vũ, trung úy Đoàn Khánh Linh, từng có thời gian gắn bó với trung tá Bùi Xuân Thêm ở quần đảo Trường Sa. “Gặp chị giữa biển, đảo Trường Sa, biết chị là vợ của anh Thêm, chúng em hạnh phúc lắm! Như được gặp người thân của mình”, trung úy Đoàn Khánh Linh xúc động.
 
Tôi lặng lẽ từ xa nhìn những vòng tay người lính đồng hương Quảng Bình ôm chặt chị Phạm Thị Gấm. Những cái ôm nặng nghĩa, nặng tình. Những cái ôm nối liền đất liền với đảo xa. Những cái ôm đưa đất liền đến gần Trường Sa, đưa Trường Sa sát lại với đất liền.
 
Kết thúc chuyến hải trình thăm quần đảo Trường Sa, chị Phạm Thị Gấm không giấu hết cảm xúc: “Đây chính là cơ hội quý giá nhất trong đời để tôi hiểu hơn về Trường Sa, về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, trong đó có chồng tôi đang ngày đêm chắc tay súng xây dựng và bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc. Mặc dù không gặp được chồng, nhưng giữa cái mênh mông, rộng lớn biển, đảo Trường Sa, giữa tình đồng đội, đồng chí, đồng hương của những người lính biển mà tôi gặp gỡ, chuyện trò, tôi lại thấy rõ hình bóng anh trong đó. Hơn lúc nào hết, những người lính Trường Sa kiên trung sẵn sàng gác lại tình cảm riêng tư, đảm nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ Tổ quốc, nhân dân giao phó. Rồi đây, những giờ lên lớp môn Địa lý của tôi ở trường, hình ảnh Trường Sa sẽ trở nên gần gũi, sinh động hơn, giúp học sinh hiểu hơn về Trường Sa, càng yêu quý thêm mỗi tấc đất biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc mình”.
Ngô Thanh Long
 
>>> Bài 4: Ba ơi! Con đã đến thăm ba ở Trường Sa

tin liên quan

Hành trình "thức giấc"

(QBĐT) - "Một Việt Nam thu nhỏ", "viên kim cương xanh" hay "vùng đất của những bí ẩn bất tận"… không đơn giản mà những mỹ từ này được khoác lên cho du lịch Quảng Bình. Từ một tỉnh nghèo "chang chang cồn cát", Quảng Bình đặt mục tiêu phát triển ngành Du lịch để địa phương trở thành một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á. 

Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…

Không cam chịu số phận

(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ xinh nằm bên đường vào bản Mò O Ồ Ồ của tộc người Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa), rất nhiều giấy khen, bằng khen được treo trang trọng ở gian phòng khách. Một điều hiếm thấy ở những bản làng xa xôi lại hiện diện nơi ngôi nhà bà Hồ Thị Pấy-người phụ nữ phải trải qua những năm tháng cùng cực nhưng không cam chịu số phận, đã vượt lên hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời.