Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Gần lắm... Trường Sa!-Bài 4: Ba ơi! Con đã đến thăm ba ở Trường Sa

  • 06:43 | Thứ Năm, 06/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tham gia đoàn công tác tỉnh Quảng Bình thăm huyện đảo Trường Sa có anh Nguyễn Đình Thế (SN 1985) ở Tây Thôn, xã Ngư Thủy (Lệ Thủy). Anh Thế là con trai liệt sỹ Nguyễn Đình Doãn (SN 1964) hy sinh khi cùng đồng đội giữ đảo Gạc Ma tháng 3/1988.
 
 
 
 
Hoàn thành di nguyện của bà
 
Ở xã Ngư Thủy, nhắc đến tên mệ Trần Thị Dắc, mẹ liệt sỹ Gạc Ma, người dân ai cũng biết. Vợ chồng mệ Trần Thị Dắc (SN 1931), Nguyễn Đình Thoàn (1928) sinh hạ được 6 người con: Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Tiến Doàn, Nguyễn Đình Duần, Nguyễn Thị Huỳnh, Nguyễn Đình Doãn và Nguyễn Đình Duẫn. Liệt sỹ Nguyễn Đình Doãn là con trai thứ 5 của mệ Dắc.
 
Năm 1985, anh Nguyễn Đình Doãn kết hôn với chị Phạm Thị Diễn. Đôi vợ chồng son sống với nhau chỉ được mấy tháng thì anh nhập ngũ, biên chế thuộc Trung đoàn 83, Bộ Tư lệnh Hải quân. Mấy tháng bén duyên chồng vợ, chị Diễn kịp mang bầu. Anh dặn vợ nhớ đặt tên con là Nguyễn Đình Thế. Tết Nguyên đán năm 1988, đơn vị cho anh Doãn về phép thăm gia đình. Lúc này, tình hình biển Đông quá căng thẳng nên chưa hết phép, anh được lệnh trở vào đơn vị, chuẩn bị lên tàu ra Trường Sa.
 
Tháng 3/1988, sự kiện Gạc Ma xảy ra, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh khi tham gia giữ đảo, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Đình Doãn. Tháng 11/1988, mệ Trần Thị Dắc nhận giấy báo tử của con gửi về. Thời điểm biết tin ba hy sinh, Nguyễn Đình Thế mới gần 3 tuổi.
Trước ngày lên đường ra Trường Sa, Nguyễn Đình Thế thắp hương tạm biệt ba mình.
Trước ngày lên đường ra Trường Sa, Nguyễn Đình Thế thắp hương tạm biệt ba mình.
Hai năm sau, lúc Nguyễn Đình Thế lên 5, chị Phạm Thị Diễn tái giá, kể từ đó anh sống với bà nội. “Nhiều đêm khuya thức dậy, thấy mệ thắp hương lên bàn thờ ba rồi lặng lẽ đứng vậy. Tôi biết mệ nhớ đến ba, mấy chục năm nay nằm lại với đồng đội giữa sóng nước Trường Sa. Khi tôi đến bên nội, mệ bảo: Thế à! có điều kiện thì ra thăm ba một lần. Lời nội nhắn nhủ, cũng là ước mơ lớn nhất đời tôi, nhưng tôi biết rất khó trở thành hiện thực”, Nguyễn Đình Thế chia sẻ.
 
Và rồi, ước mơ lớn nhất của Nguyễn Đình Thế cũng trở thành hiện thực. Tháng 4/2024, Thế nhận tin vui, anh được chọn vào đoàn công tác tỉnh Quảng Bình đi thăm quần đảo Trường Sa. “Biết tin... tôi không thể nào ngủ được, hạnh phúc chực vỡ òa”- Nguyễn Đình Thế tâm sự- “Rất tiếc, nội không còn nữa để trọn vẹn niềm vui, mong ước duy nhất cuộc đời mệ. Vì khi tôi nhận quyết định đi thăm ba, nội mất vừa tròn 100 ngày”.
 
Ngày lên đường thăm quần đảo Trường Sa, bác cả Nguyễn Quang Vinh sang nhà cháu ruột Nguyễn Đình Thế thật sớm. Ông Vinh cùng Thế thắp hương lên bàn thờ liệt sỹ Nguyễn Đình Doãn và bà Trần Thị Dắc, tần ngần, xúc động, ngậm ngùi: “Cháu nó ra Trường Sa, rứa là hoàn thành di nguyện của mạ rồi đó. Mạ sống khôn thác thiêng phù hộ độ trì cho cháu Thế có một chuyến hải trình bình an, đến với em con Nguyễn Đình Doãn”.
 
 
Ba ơi! Con đã đến bên ba thật rồi
 
Sau sự kiện giữ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, Trung Quốc chiếm giữ trái phép Gạc Ma, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hải trình tàu 561 cũng chỉ ngang qua vùng đảo thiêng liêng này. Trên tàu 561, các đại biểu đến từ mọi miền đất nước trong Đoàn công tác số 22 và những người lính biển biết Nguyễn Đình Thế là con liệt sỹ đảo Gạc Ma, tất cả đều dành cho Thế một tình cảm rất đặc biệt, thân thương, gần gũi, chu toàn.
 
Buổi chiều muộn ngày 22/5/2024, tàu 561 thả neo giữa vùng biển thuộc các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, tất cả những người có mặt trên tàu tiến hành lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ (AHLS) đã hy sinh, cống hiến trọn đời mình vì sự trường tồn, vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Giữa không khí trang nghiêm, linh thiêng, giữa sâu lắng của không gian và thời gian, Nguyễn Đình Thế cùng các đại biểu cùng nhớ về sự kiện ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc ngang nhiên bất chấp công lý, lẽ phải bất ngờ xả súng tấn công vào lực lượng giữ đảo của ta trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng...
 
Trong cuộc chiến không cân sức đó, kẻ thù bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải, làm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh. Cảm phục thay tấm gương sáng ngời của thủy thủ tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, Lữ đoàn 146. Vinh quang thay, sự hy sinh của các AHLS: Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ 604; thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Trước lúc hy sinh, thiếu úy Trần Văn Phương tay vẫn không rời lá cờ Tổ quốc và động viên đồng đội “Không được lùi bước, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
Thả hoa, hạc giấy tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Thả hoa, hạc giấy tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Cuộc chiến đấu giữ chủ quyền biển, đảo 36 năm về trước mãi mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trở thành dấu ấn thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Mặc dù nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân... cố gắng làm hết sức mình tìm đưa các AHLS trở về đất liền. Song, biển thì rộng và sâu, sức người có hạn...
 
Nguyễn Đình Thế, con trai duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Đình Doãn vinh dự cùng Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 22 lên chỉnh sửa vòng hoa bắt đầu lễ tưởng niệm.
 
Trước hương hồn ba và đồng đội, Nguyễn Đình Thế tự hào: Ba ơi, con được đến bên ba thật rồi! Ước mơ của nội và con nay trở thành hiện thực. Trong lòng con vẫn mãi mãi luôn nhớ đến ba. Ba cùng đồng đội yên lòng an nghỉ ngàn thu cùng với biển, đảo thân yêu, hòa cùng với hồn thiêng sông núi, phù hộ cho non sông thái bình, biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng bất khả xâm phạm. Con nguyện một lòng giữ vững niềm tin ba gửi trao, tôi rèn ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình giàu đẹp, góp phần cùng cả nước bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển, giữ vững quần đảo Trường Sa thân yêu.
 
Vào buổi chiều linh thiêng ấy, Nguyễn Đình Thế cùng với các thành viên trên tàu 561 nhẹ nhàng thả từng cánh hoa và hạc giấy xuống biển. Đại dương tím sẫm lại như thấu hiểu lòng người. Vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao bạt ngàn sóng nâng niu sắc hoa tri ân!
 
Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân chia sẻ: Từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể Đoàn công tác số 22 xin nguyện mãi tiếp bước thế hệ cha anh đi trước, quyết đem hết sức mình bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các AHLS, như lời cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh từng căn dặn: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa-một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Ngô Thanh Long
 
>>> Bài cuối: Nghe hò khoan Lệ Thủy ở Trường Sa

tin liên quan

Hành trình "thức giấc"

(QBĐT) - "Một Việt Nam thu nhỏ", "viên kim cương xanh" hay "vùng đất của những bí ẩn bất tận"… không đơn giản mà những mỹ từ này được khoác lên cho du lịch Quảng Bình. Từ một tỉnh nghèo "chang chang cồn cát", Quảng Bình đặt mục tiêu phát triển ngành Du lịch để địa phương trở thành một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á. 

Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…

Không cam chịu số phận

(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ xinh nằm bên đường vào bản Mò O Ồ Ồ của tộc người Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa), rất nhiều giấy khen, bằng khen được treo trang trọng ở gian phòng khách. Một điều hiếm thấy ở những bản làng xa xôi lại hiện diện nơi ngôi nhà bà Hồ Thị Pấy-người phụ nữ phải trải qua những năm tháng cùng cực nhưng không cam chịu số phận, đã vượt lên hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời.