Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Gần lắm... Trường Sa!-Bài cuối: Nghe hò khoan Lệ Thủy ở Trường Sa

  • 07:24 | Thứ Sáu, 07/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trung tá Đỗ Văn Diễn, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông tâm sự cùng tôi: “Gặp đồng hương Quảng Bình giữa Trường Sa, còn hạnh phúc nào bằng. Nhưng niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu được nghe đôi làn điệu hò khoan Lệ Thủy và những ca khúc về đất mẹ Quảng Bình”. Không riêng gì trung tá Đỗ Văn Diễn, lính đảo Trường Sa ai ai cũng thèm nghe hát. Những lời ca về quê hương, đất nước “chở” từ đất liền ra luôn nặng nghĩa, nặng tình, cho lính đảo thỏa “cơn khát”... như một thời lính đảo chờ mưa!
 
 
 
 
 
Câu hò mang nặng nghĩa tình
 
Trong Đoàn công tác số 22 thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, “hạt nhân” văn nghệ chủ yếu đến từ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam với nguyên một dàn nhạc mang theo cùng các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp. Góp thêm lời ca, tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa, quê hương Quảng Bình chỉ có ca sĩ Thanh Oai (Đoàn Nghệ thuật truyền thống) và Nguyễn Thị Lan (Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Lệ Thủy).
 
Suốt chuyến hải trình, Đoàn công tác số 22 tổ chức 4 đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ trên tàu 561 và 6 buổi biểu diễn phục vụ quân dân trên các đảo: Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông C, Đá Tây A, Trường Sa và nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Như lời đánh giá của Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân: “Các tiết mục văn nghệ rất đặc sắc, phong phú, mang đậm dấu ấn vùng miền, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đảo xa. Tình quân-dân, đất liền-biển, đảo càng thêm cố kết, nhân lên niềm tin, ý chí, tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.
Đoàn đại biểu tỉnh cùng cán bộ, chiến sĩ quê Quảng Bình tại đảo Trường Sa.
Đoàn đại biểu tỉnh cùng cán bộ, chiến sĩ quê Quảng Bình tại đảo Trường Sa.
Trở lại với những tiết mục hò khoan Lệ Thủy-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Nguyễn Thị Lan sưu tầm, sáng tác và biểu diễn. Khi câu hò cất lên, khó lẫn vào đâu được. Ở các đảo Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông C, Đá Tây A, Trường Sa, nhà giàn DK1/8 Quế Đường hay trên tàu 561, lời hò khoan xứ Lệ như mời, như gọi... trở thành “sợi chỉ” tinh thần níu kéo người với người xích lại gần nhau hơn. Cũng nhờ hò khoan xứ Lệ mà đồng hương nhận ra đồng hương-“Quê ơi! Tôi người Quảng Bình”.
 
Điệu hò khoan “Gửi người lính đảo” Nguyễn Thị Lan sáng tác chỉ trong vòng một tuần, cùng ca sĩ Thanh Oai tập luyện ngay trên tàu 561 khoảng hơn 40 giờ đồng hồ... rồi tham gia biễu diễn phục vụ tại các đảo. Không ngờ “Gửi người lính đảo” lại tạo nên ấn tượng mạnh, Nguyễn Thị Lan và Thanh Oai cùng các thành viên đoàn Quảng Bình “hát không ngại ngần” trên đầu ngọn sóng, bên mốc chủ quyền, dưới tán bàng vuông, giữa những người lính đảo hòa thanh cùng:
 
Xin cất giọng hò từ quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” gửi tới các anh, những người lính đảo Trường Sa (hô hô hố khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan)/Gian khó, cực khổ trăm đường quyết tâm giữ vững (ơi là hố)/Ơ hơ ơ hờ... quyết tâm giữ vững biên cương quê nhà (ơi là hố)/Hỡi anh lính đảo thân yêu, thương anh năm tháng chịu nhiều gió sương (hô hô hố khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan)/Giữ cho đất nước yên lành/Ngày đêm tay súng (ơi là hố)... Ơ hơ ơ hờ, ngày đêm tay súng anh canh biển trời (ơi là hố)/Nơi anh đứng trời xanh và gió lộng, giữa mênh mông sóng nước đại dương (hô hô hố khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan)/Lắm gian nguy mà dạ vẫn kiên cường/Tay anh chắc súng (ơi là hố), tay anh chắc súng mà vững trí bền gan (ơi là hố)/Anh đứng gác ngày đêm không ngơi nghỉ, lòng kiên trung bảo vệ lấy biển khơi/Bóng anh in lồng lộng giữa mây trời/Bên tiếng sóng vỗ... Bên tiếng sóng vỗ... anh lắng nghe lời quê hương/Anh đứng đó giữa trời xanh bát ngát, giữ yên bình cho Tổ quốc, quê hương/Đông lạnh lùng hay nắng cháy thịt da/Thì anh vẫn thế... thì anh vẫn thế, tuần tra không mệt nhọc/Anh lính đảo ra đi vì đất nước, rộng chí trai cho thỏa những khát khao/Cả quê hương ca khúc tự hào/Yêu thương anh lắm/Ơ hơ ơ hờ, hỡi người lính đảo Trường Sa/Hụi bơ hò hụi là bơ hò hụi, hết hụi ta hò khoan (là hố là khoan).
 
Giây phút chia tay... giai điệu hò khoan trở nên lưu luyến, bồi hồi chẳng muốn rời xa. Người về đất liền, người ở lại nơi biển, đảo Trường Sa: “Hỡi anh lính đảo yêu ơi (là hố là khoan)/Gởi đến anh đó (là hố hò khoan)/Ngàn lời yêu thương (là hố là khoan)/Chúc anh mạnh mẽ, kiên cường (là hố là khoan)/Luôn luôn may mắn (là hố là khoan”/Trên đường tương lai (là hố là khoan a li khoan ta hò khoan, là hố là khoan)...
 
 
Hẹn ngày chiến thắng... ta sẽ về chung một nhà!
 
Bài hát “Quảng Bình quê ta ơi!” được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác năm 1964, 60 năm trôi qua, “Quảng Bình quê ta ơi!” không còn bó hẹp trong phạm vi “tỉnh ca” mà đã vượt tầm không gian, thời gian với sức sống trường tồn.
 
Suốt hải trình thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/8 Quế Đường, dù trên tàu 561 hay ở các điểm đảo, hoặc trong mỗi chương trình văn nghệ, nếu ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi!” chưa cất lên... nghĩa là chưa trọn vẹn, chưa kết thúc. “Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới/Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi/Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt/Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa...”.
 
Không chỉ có ca sĩ biểu diễn, không chỉ đồng hương Quảng Bình hát mà tất cả mọi người có mặt đều đứng lên hòa cùng bài ca kết đoàn. Lời ca khi mượt mà, dịu êm tựa lời ru; khi hoan ca, hào sảng; khi tự tình, mộc mạc như trao gửi, dặn dò nhau... Giữa sóng nước Trường Sa... “Quảng Bình quê ta ơi!” mạch trào cảm xúc, gợi lên hình ảnh về một Quảng Bình “chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi” vững bước từng ngày trên con đường đổi mới.
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình tham gia biểu diễn văn nghệ trên quần đảo Trường Sa.
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình tham gia biểu diễn văn nghệ trên quần đảo Trường Sa.
Ơi chị dân quân canh gác ven biển/Ơi anh chiến sĩ canh gác bầu trời/Mỗi một ngày qua quê ta trưởng thành/Hạt giống cách mạng đã nảy mầm/Nảy mầm xanh tươi”... Lời ca da diết như lời trao gửi, như lời Bác Hồ căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Với Trường Sa, hạt giống cách mạng đã “nảy mầm xanh tươi” trên tất cả các đảo tiền tiêu Tổ quốc.
 
“Quảng Bình quê ta ơi/Giữ lấy đất trời của quê hương ta/Giữ lấy những gì mà ta yêu quý/Quảng Bình quê ta ơi/Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son/Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà”... Đoàn công tác số 22, quê hương Quảng Bình tạm biệt quân, dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/8 Quế Đường, hẹn ngày gặp lại. Để Trường Sa mãi mãi không xa. Để đất liền gần lại với Trường Sa. “Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà!”.
 
Kết thúc chuyến thăm quần đảo Trường Sa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu chia sẻ: Năm 1957, Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, Bác căn dặn “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Xưa nay Quảng Bình nghèo khổ là vì đế quốc, phong kiến bóc lột kìm kẹp, vì chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chúng ta đã có hòa bình để xây dựng xã hội; nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”. Chuyến thăm quần đảo Trường Sa lần này giúp chúng ta hiểu hơn về lời dặn dò của Bác. Phát triển kinh tế biển gắn liền với nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ vững chắc tuyến biên giới biển. Mỗi đại biểu sau chuyến đi sẽ làm lan tỏa hơn tình yêu biển, đảo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chúng ta thêm yêu Trường Sa vì trong những người đang ngày đêm canh giữ biển đảo Trường Sa có rất nhiều con em Quảng Bình.
Trường Sa, tháng 5/2024
 Ngô Thanh Long

tin liên quan

Hành trình "thức giấc"

(QBĐT) - "Một Việt Nam thu nhỏ", "viên kim cương xanh" hay "vùng đất của những bí ẩn bất tận"… không đơn giản mà những mỹ từ này được khoác lên cho du lịch Quảng Bình. Từ một tỉnh nghèo "chang chang cồn cát", Quảng Bình đặt mục tiêu phát triển ngành Du lịch để địa phương trở thành một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á. 

Làng còn… "di sản" còn

(QBĐT) - Với lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, trên mảnh đất Quảng Bình đã ghi dấu bao tên đất, tên làng với bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử đi suốt chặng đường dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Dẫu thời gian có trôi qua với những biến thiên thời cuộc, nhiều làng quê vẫn vẹn nguyên các giá trị trường tồn, bởi sâu thẳm còn đó không ít "di sản" của làng được bảo tồn vẹn nguyên…

Không cam chịu số phận

(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ xinh nằm bên đường vào bản Mò O Ồ Ồ của tộc người Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa), rất nhiều giấy khen, bằng khen được treo trang trọng ở gian phòng khách. Một điều hiếm thấy ở những bản làng xa xôi lại hiện diện nơi ngôi nhà bà Hồ Thị Pấy-người phụ nữ phải trải qua những năm tháng cùng cực nhưng không cam chịu số phận, đã vượt lên hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời.