Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chùa Đặng Lộc

  • 07:15 | Thứ Hai, 05/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cái nắng hanh vàng của tiết trời đầu đông, theo chân ông Ngô Quốc Thỉ (75 tuổi, trú tại thôn Đặng Lộc 3, xã Cam Thủy, Lệ Thủy) chúng tôi tìm đến ngôi chùa mang tên Đặng Lộc. Chùa tọa lạc tại thôn Đặng Lộc 3, phía sau nhà văn hóa thôn. Khung cảnh mở ra trước mắt chúng tôi một ngôi chùa đã hoang tàn, đổ nát. Chỉ còn bức tường là mái hiên của chùa đã hóa rêu phong.
 
Ông Thỉ cho biết, chùa được xây dựng từ rất lâu, tuy nhiên thời điểm xây chùa chẳng còn ai nhớ. Thậm chí tên chữ của chùa cũng chẳng còn ai biết mà chỉ quen gọi là chùa Đặng Lộc. Trong ký ức của ông Thỉ, trước đây kiến trúc của chùa có nhiều đặc điểm khác biệt so với các chùa trong vùng.
 
Chùa nằm theo hướng Tây Nam, lưng tựa vào động Chùa. Phía trước đường vào chùa có bức tường thành, trên trụ cổng gắn 2 con nghê bằng sành sứ. Ngoài bức tường thành đắp nổi hai con voi ở hai bên rất đẹp. Cạnh đó là cây bàng rất to, ở góc phía Nam là cây mù u sum suê. Kế đến là hồ sen, sau mới đến bức bình phong được thiết kế rất đẹp. Giữa sân chùa trồng nhiều loại hoa. Phía bên trái có căn nhà nhỏ thờ các vị nhân thần. Phía bên trái là nhà tăng, nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của tăng ni, phật tử.
 
Tòa nhà sau cùng là chính điện. Chính điện được thiết kế theo kiểu nhà rường truyền thống 3 gian, 2 chái, phía trước là mái hiên. Phần mái hiên khá rộng, hiện vẫn còn dấu tích. Nhìn từ ngoài vào, bức tường phía trái được xây bằng gạch mộc, lối đi xây vòm, cuốn gạch, tường tô vôi vữa, còn bức tường phía phải được xây bằng đá. Móng nhà xây bằng đá tổ ong.
 
Bàn thờ được bố trí ngay ở giữa. Muốn đi vào phía trong chính điện, phải đi qua hai cửa hai bên. Cột nhà  làm bằng gỗ, hình bát giác, gồm 4 cạnh lớn và 4 cạnh nhỏ xen kẽ nhau. Cột nhà được kê trên táng bằng đá tổ ong vuông thành sắc cạnh. Xuyên trến không có chạm trỗ, mái lợp ngói âm dương.
 
Ở gian giữa thờ 3 pho tượng Phật tam thế làm bằng gỗ, sơn màu nâu. Hai bên tường trang trí hai bức tranh vẽ ngụ ý giáo dục, nhắc nhở mọi người cần phải làm điều thiện, tránh làm điều ác. Chùa có chuông đồng khá lớn. Chùa có 2 giếng, một giếng thường gọi là giếng Tiên, nước rất trong và mát, chuyên dùng lấy nước để thờ cúng. Giếng còn lại dành cho tăng, ni, phật tử sinh hoạt.
Bức tường là mái hiên của chùa còn sót lại.
Bức tường là mái hiên của chùa còn sót lại.

Năm 1968, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Kẻ thù trút xuống vùng đất Quảng Bình hàng triệu tấn bom đạn hòng chặn đường chi viện của quân và dân ta. Hưởng ứng phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc/Đường chưa thông, không tiếc máu xương”, chùa được phá bỏ, gạch đá vận chuyển làm vật liệu lót đường để đưa hàng vạn cán bộ chiến sĩ, hàng nghìn tấn hàng hóa vào chiến trường miền Nam.

Còn cột, kèo được sử dụng làm hầm chữ A cho bộ đội, dân quân, người dân trong làng tránh trú bom. Hòa bình lập lại, cột, kèo được đào lên làm nhà cho đội sản xuất của thôn, rồi hư hỏng theo thời gian. Còn chuông chùa được dùng để báo động khi có máy bay Mỹ đến ném bom, báo hiệu lao động sản xuất, họp hành cũng đã bị hư hỏng. Ba pho tượng Phật tam thế dãi dầu nắng mưa trong chùa, nay không còn.

Đáng chú ý, trong chùa hiện còn thờ 2 thần vị. Hai thần vị được làm bằng gỗ, hoa văn chạm trổ rất đẹp. Thần vị, long vị hay bài vị là hình thức ghi lại danh tính người đã mất tương tự như di ảnh. Thần vị lớn khắc dòng chữ “Hoàng triều Hiệp biện Đại học sĩ, tặng thiếu sư, tứ thuỵ Văn Chính, Nguyễn Quý Công chi thần vị”, nghĩa là: Thần vị của ngài họ Nguyễn, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, hàm Thiếu sư (thầy dạy cho các hoàng tử), tên thuỵ là Văn Chính. Long vị lớn được thiết kế theo kiểu dáng triều Nguyễn, chạm nổi rất độc đáo. Phần trên hình tròn, ở giữa là lưỡng nghi cách điệu, xung quanh là hoa văn lá lật, nậm bầu, vân mây. Đây chính là thần vị thờ Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân, quê ở làng Phù Chánh, nay là xã Hưng Thủy (Lệ Thủy).
 
Sách Đại Nam nhất thống chí chép về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Đăng Tuân: “Học hạnh đoan chánh. Năm Gia Long thứ nhất (1802), thụ chức Hàn lâm viện. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820) quản phòng văn thư, thăng cai bạ Quảng Nam, lại dời sang Lễ hộ hữu tham tri, sung làm thầy dạy các hoàng tử, hoàng đệ. Sau có bệnh xin hưu. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đến kinh, thăng Thự hiệp biện Đại học sĩ, rồi xin về hưu, được thực thụ (Hiệp biện Đại học sĩ). Ông mất tại nhà riêng, được tặng Thiếu sư, thuỵ là Văn Chính”[1]. Dù quê ở Phù Chánh, Hưng Thủy, nhưng Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân lại có thần vị thờ tại chùa Đặng Lộc. Đây là điều rất đáng lưu tâm. Còn thần vị nhỏ ghi “Phục vị hiệp tiến Cao tổ giá tỷ Lương Cung Nhân chi thần vị”, nghĩa là đây là thần vị thờ bà cao tổ là Lương Cung Nhân. Hoa văn trên thần vị nhỏ là lá lật, được chạm lộng rất mềm mại, uyển chuyển.
 
Có một thông tin liên quan đến chùa Đặng Lộc chính là việc xuất gia của Trưởng lão hòa thượng Thích Thiện Hạnh viên tịch ngày 21/5/2021 tại chùa Từ Hiếu, TP. Huế “Trưởng lão Hòa thượng tân viên tịch, thế danh Nguyễn Thanh Bình, sinh năm Tân Mùi (1931), tại thôn Mỹ Duyệt Hạ, Thanh Thủy (Lệ Thủy)… Lúc lên 11 tuổi (1942), được sự cho phép của song thân, Hòa thượng đến chùa Đặng Lộc đảnh lễ ngài Hòa thượng Thích Định Tuệ xin được xuất gia và được bổn sư ban cho pháp danh Lệ Chân, pháp tự Thiện Hạnh[2].
 
Trong chùa, hiện còn sót lại một số hiện vật như 1 cái mõ chạm trổ rất đẹp, 1 cây đèn, 2 cái tráp đựng cau trầu, 2 lọ hoa, tất cả đều làm bằng bằng gỗ, đã bị hư hỏng khá nhiều; 2 lư hương bằng đá sa thạch và bộ tam sự bằng đồng. Có một số viên đá xám còn sót lại, được cắt xẻ theo hình khối chữ nhật, góc cạnh khá thẳng. Loại đá này là đá sa thạch, còn được gọi là đá Trường Đinh chỉ có ở Quảng Nam, thường được người Chăm dùng để xây dựng các công trình kiến trúc.
 
Đá xây móng là đá tổ ong, có thể được khai thác ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh). Các viên đá này được xếp ngay ngắn trước chùa. Rất có thể trong thời gian làm Cai bạ ở Quảng Nam, Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân đã phát tâm công đức, mua loại đá sa thạch này và 2 lư hương bằng đá về cung tiến. Ngoài ra, ông còn đóng góp công đức xây dựng hoặc tu bổ, tôn tạo nên sau khi qua đời, được dân làng, phật tử suy tôn, tòng tự trong chùa.
 
Dù đã hoang tàn, đổ nát do hoàn cảnh chiến tranh, nhưng không gian chùa và những địa danh như động Chùa, bến Chùa vẫn còn hiện hữu. Trong tâm thức của người dân thôn Đặng Lộc 3 vẫn lưu giữ những hình ảnh, hoài niệm sâu đậm về mùa Phật đản, muôn rằm tứ quý, sinh hoạt của đội đồng ấu… của chùa Đặng Lộc.
 
Với những giá trị lịch sử, văn hóa xuyên suốt hành trình lịch sử dân tộc, chùa Đặng Lộc cần sớm được các ban, ngành hữu quan quan tâm giải mã về thời điểm xây dựng, tên chùa qua các thời kỳ để có kế hoạch phục dựng làm nơi sinh hoạt tôn giáo và là nơi quy hướng tâm linh cho quần chúng, tín đồ trong vùng.
Kỳ Sơn
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nhà xuất bản Lao động, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2012, tr.541.
 
[2] https://giacngo.vn/truong-lao-hoa-thuong-thich-thien-hanh-vien-tich-tai-hue-thuong-tho-91-tuoi-post56493.html

tin liên quan

GS.TS Nguyễn Anh Trí-một người Quảng Bình sống để tri ân

(QBĐT) - Thật tình cờ và may mắn khi tôi được nhà thơ Lê Cảnh Nhạc mời tham gia đoàn ngược Hòa Bình thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn gọi là MEDDOM Park. Nghe tiếng từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên có cơ hội. MEDDOM Park được khai sinh bởi một con người đặc biệt, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí. Ông đã từng được vinh danh 2 lần trong chương trình "Vinh quang Việt Nam".

Sò huyết… lên mâm

(QBĐT) - Quán nằm đầu con ngõ nhỏ. Gọi là quán nhưng kỳ thực chỉ là một khoảng sân rợp bóng cây xanh với đôi ba bộ bàn ghế, không bảng hiệu, không nhân viên mời chào. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", du khách mỗi khi đặt chân đến phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) lại tìm đến đây để thưởng thức món ăn có 1 không 2: Sò huyết lên mâm. 

Nhà thờ họ Hồ làng Lý Hòa

(QBĐT) - Họ Hồ là một trong những họ lớn đầu tiên có công lập nên làng Lý Hòa (nay thuộc xã Hải Phú, Bố Trạch), xây dựng truyền thống học hành, khoa bảng của làng Lý Hòa văn hiến, một trong ba trụ cột lớn về văn hóa của huyện Bố Trạch.