Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nhà thờ họ Hồ làng Lý Hòa

  • 05:59 | Thứ Hai, 28/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Họ Hồ là một trong những họ lớn đầu tiên có công lập nên làng Lý Hòa (nay thuộc xã Hải Phú, Bố Trạch), xây dựng truyền thống học hành, khoa bảng của làng Lý Hòa văn hiến, một trong ba trụ cột lớn về văn hóa của huyện Bố Trạch, đó là Cao Lao-Lý Hòa- Quy Đức, niềm tự hào to lớn của quê hương Bố Trạch anh hùng.
 
Thủy tổ của dòng họ Hồ là ông Hồ Văn Chanh, là một trong những người có công lập nên làng Lý Hòa văn hiến và ông Hồ Công Thăng, người khai khoa cho việc học hành khoa bảng của làng Lý Hòa. Ông Hồ Công Thăng, vị cử nhân đầu tiên của làng Lý Hòa...
 
Tuy nhiên, cũng như nhiều nho sĩ cùng thời, không mặn mà với chốn quan trường mà lòng luôn đau đáu nghĩ về con em dòng tộc, quê hương đang phải chịu nhiều thiệt thòi vì nghèo khó, nên ông đã sớm từ quan về quê, thực hiện ước nguyện mở lớp dạy học, mở mang dân trí cho con em trong làng, ngoài xã. Ông cũng chính là người phát hiện, nuôi dưỡng, dìu dắt ông Nguyễn Duy Cần-1 trong 5 vị đại khoa của dòng họ Nguyễn Duy ở Lý Hòa.
 
Người dân Lý Hòa nói chung và con cháu họ Hồ nói riêng từ thuở sơ khai đã luôn tìm tòi, học hỏi, có bản chất chăm chỉ, cần cù, sáng tạo và ý thức làm giàu từ rất sớm. “Thượng gia, hạ thuyền” là nhà ngói, ghe bầu-tiêu chí đã được người họ Hồ xây dựng từ thuở mới bước vào làm ăn buôn bán. Nhờ vậy mà năm 1788, khi đội “Trường đà” của quân binh Nguyễn Huệ trên đường tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh đã nhận được sự hỗ trợ cả nhân lực và tài sản của người Lý Hòa, trong đó có con cháu dòng họ Hồ.
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều con em họ Hồ hăng hái tham gia cách mạng, tiên phong gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong… phục vụ chiến trường. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, trong số 211 liệt sỹ của xã Hải Trạch (cũ) cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, đã có 40 liệt sỹ con em họ Hồ; có mẹ Hồ Thị Đông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong số 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của xã Hải Trạch.
UBND xã Hải Phú và dòng họ Hồ tổ chức lễ đón nhận bằng di tích Nhà thờ họ Hồ làng Lý Hòa.
UBND xã Hải Phú và dòng họ Hồ tổ chức lễ đón nhận bằng di tích Nhà thờ họ Hồ làng Lý Hòa.
Phát huy truyền thống của cha ông, con cháu họ Hồ thế hệ ngày nay không ngừng phấn đấu học hành đỗ đạt, có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước. Tính đến thời điểm này, dòng họ Hồ có 60 vị cử nhân đã và đang giữ các vị trí cao trong các ngành khoa học. Đặc biệt, có nhiều con em vươn lên làm giàu từ các nghề truyền thống của cha ông, như: Nghề biển, nghề đóng thuyền, nghề buôn bán… trên chính mảnh đất quê hương.
 
Với những công lao to lớn đối với quê nhà, hai họ Hồ và Nguyễn làng Lý Hòa đã được triều đình nhà Nguyễn ghi nhận, đánh giá cao, trong đó dòng họ Hồ được tôn xưng là dòng họ Khai khoa và dòng họ Nguyễn là dòng họ Phát hoa. Theo đó, triều đình nhà Nguyễn đã ra sắc chỉ cho làng Lý Hòa là làng Văn hiến và cho xây dựng công trình Văn miếu tại làng để ghi nhận làng khoa bảng của tỉnh, của đất nước.
 
Để tri ân vị thủy tổ Hồ Văn Chanh, vị Khai khoa Hồ Công Thăng và các bậc tiên linh đã có công lao đối với dòng tộc, năm 1927, con cháu họ Hồ ở Lý Hòa đã xây nhà thờ để làm nơi thờ cúng các bậc tiền nhân có công của dòng họ. Nhà thờ có 3 gian khang trang, bề thế. Trong mỗi dịp đại lễ của dòng họ, con em trong dòng tộc chuẩn bị lễ vật, thành kính dâng lên tiên tổ, cầu an, cầu phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con ra khơi, vào lộng, tôm cá đầy khoang.
 
Năm 1938, nhà thờ họ Hồ được xây dựng lại khang trang, to đẹp hơn. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhà thờ bị đánh phá nên việc thờ phụng tổ tiên phải tạm thời thờ ở nhà của các vị trưởng họ.
 
Năm 2002, sau một thời gian chuẩn bị và khởi công xây dựng, nhà thờ họ Hồ đã được phục dựng lại khá quy mô với sự đóng góp của con cháu gần xa, cả trong và ngoài nước. Khuôn viên của khu nhà thờ rộng đến hơn nghìn m2, được quy hoạch theo thứ tự, quy củ. Nhà thờ chung của dòng họ gồm 3 gian 2 chái. Gian giữa cung kính thờ đức nguyên tổ của dòng họ là Hồ Hưng Dật, vị thủy tổ Hồ Văn Chanh, hai gian hai bên thờ các cụ cố, trưởng các nhánh họ.
 
Với những công lao đóng góp to lớn của con cháu dòng họ Hồ đối với quê hương, năm 2021, nhà thờ dòng họ Hồ làng Lý Hòa đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 52/QĐ-UBND, ngày 7/1/2021. Như vậy, cho tới thời điểm này, chỉ tính riêng trên địa bàn Lý Hòa đã có 5 di tích trong đó đã có tới 3 di tích cấp quốc gia. Hệ thống di tích khá phong phú về loại hình (di tích lịch sử, di tích danh thắng, di tích kiến trúc, di tích tâm linh…), lại tập trung trên vùng địa bàn có vị trí địa lí khá thuận lợi về giao thông, nhất là đường bộ, đường sông biển.
 
Chỉ trong vòng bán kính vài km, du khách vừa được ngắm cảnh, tắm biển, thưởng thức nhiều loại đặc sản biển quý hiếm tại chân đèo Lý Hòa, thưởng ngoạn danh thắng Đá Nhảy kỳ thú gắn với nhiều sự kiện lịch sử của quê hương; qua phía Nam đèo, du khách sẽ ghé thăm đình Lý Hòa, một ngôi đình bề thế, qua vài lần trùng tu nhưng vẫn mang dáng dấp của ngôi đình cổ với nhiều sự kiện lịch sử có giá trị lớn. Cách đình Lý Hòa chừng vài trăm mét về phía Bắc là Đền Thánh mẫu Thiên Y-A-Na, một loại hình di tích lịch sử chứa đựng nhiều yếu tố của nền văn hóa Chăm, đây là loại hình di tích đặc sắc chưa có nhiều trên địa bàn tỉnh.
 
Qua phía Nam sông Lý Hòa, hai di tích nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy và dòng họ Hồ-niềm tự hào không chỉ của dòng họ mà còn là vinh dự của người dân Lý Hòa, Bố Trạch nói chung về tổ tiên, những người có công khai sinh ra vùng đất Lý Hòa văn hiến ngày nay, đặc biệt là về dòng dõi khoa bảng đã được triều Nguyễn công nhận và vinh danh.
 
Thuận lợi về giao thông lại nằm trong tour du lịch của miền di sản Bố Trạch, hệ thống di tích tại xã Hải Phú nói riêng và huyện Bố Trạch nói chung sẽ là điểm đến để tham quan, du lịch vô cùng hấp dẫn đối với du khách trên mọi miền đất nước.
                                                                         Minh Cầm Nội

tin liên quan

GS.TS Nguyễn Anh Trí-một người Quảng Bình sống để tri ân

(QBĐT) - Thật tình cờ và may mắn khi tôi được nhà thơ Lê Cảnh Nhạc mời tham gia đoàn ngược Hòa Bình thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn gọi là MEDDOM Park. Nghe tiếng từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên có cơ hội. MEDDOM Park được khai sinh bởi một con người đặc biệt, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí. Ông đã từng được vinh danh 2 lần trong chương trình "Vinh quang Việt Nam".

Sò huyết… lên mâm

(QBĐT) - Quán nằm đầu con ngõ nhỏ. Gọi là quán nhưng kỳ thực chỉ là một khoảng sân rợp bóng cây xanh với đôi ba bộ bàn ghế, không bảng hiệu, không nhân viên mời chào. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", du khách mỗi khi đặt chân đến phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) lại tìm đến đây để thưởng thức món ăn có 1 không 2: Sò huyết lên mâm. 

Nhà giáo Võ Đức Tôn, niềm tự hào của trí thức Lệ Thủy

(QBĐT) - Nhà giáo Võ Đức Tôn, người con ưu tú của Lệ Thủy, niềm tự hào của biết bao thế hệ học sinh trên quê hương Đại tướng không còn nữa nhưng tấm gương vượt khó, thành công trên con đường khoa học của ông ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh giỏi Lệ Thủy sau này.