Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

​"Người sáng lập" chuyên ngành đào tạo công nghệ hóa dược Việt Nam

  • 11:29 | Chủ Nhật, 20/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - GS.TSKH Phan Đình Châu sinh ngày 2/2/1949 tại xã Hạ Trạch (Bố Trạch). Hiện nay, gia đình ông sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình nông dân vào thời kháng chiến chống Pháp và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ nên tuổi thơ của ông chịu nhiều khó khăn, vất vả.
 
Đất mẹ Quảng Bình nghèo khó, phải oằn mình hứng những trận mưa bom bão đạn của kẻ thù khiến cho ông nuôi trong mình quyết tâm làm một điều gì đó cho bản thân và quê hương, đất nước. Chính vì vậy, Phan Đình Châu đã trở thành một học sinh xuất sắc của Trường cấp 3 Bố Trạch (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) và đạt được những thành tựu trên con đường nghiên cứu khoa học, trở thành một người thầy được nhiều thế hệ học trò tôn kính.
 
Ông là người học khá toàn diện tất cả các môn trong đó có môn Hóa, tuy nhiên, môn Hóa lại là môn ông không thích lắm, môn ông thích nhất là Toán. Vậy nên sau khi tốt nghiệp Trường cấp 3 Bố Trạch, khi đăng ký ngành vào đại học, ông chọn ngành Điện tử viễn thông, Trường đại học Bách khoa Hà Nội với mơ ước được trở thành kỹ sư điện tử viễn thông. Do tốt nghiệp phổ thông loại giỏi nên năm 1967 ông được Nhà nước chọn đi du học ở Hungary. 
Một góc Hạ Trạch hôm nay. Ảnh: Phạm Văn Thức
Hạ Trạch (Bố Trạch) - quê hương của GS.TSKH Phan Đình Châu. Ảnh: Phạm Văn Thức
Tưởng rằng ông sẽ toại nguyện theo nguyện vọng khi được cử đi học ngành Điện tử viễn thông của một trường đại học ở Budapest, Hungary, nhưng sau khi học xong dự bị đại học, Đại sứ quán điều ông sang học ngành Kỹ sư hóa học, chuyên ngành Công nghệ hóa dược theo nhu cầu của Nhà nước.
 
Cuối năm 1974, sau khi tốt nghiệp đại học và hết thời hạn thực tập sinh sau đại học (12 tháng), ông trở về nước và được phân công về dạy Trường đại học Dược Hà Nội. Ông tâm sự với tôi: “Vốn là người rất yêu quý các thầy cô giáo nhưng lại không thích nghề sư phạm, nay lại được phân công về giảng dạy ở Trường đại học Dược Hà Nội”, tuy lúc đầu không thích nhưng ông cũng vui vẻ chấp hành. Một lần nữa, ông lại nghĩ: “Thôi, nghề chọn người”, nên đầu năm 1975, ông vui vẻ nhận quyết định về công tác ở Trường đại học Dược Hà Nội.
 
Từ năm 1975-2001, tại Trường đại học Dược Hà Nội, ông trải qua các vị trí: Cán bộ nghiên cứu, trợ lý giảng dạy, giảng viên, giảng viên chính, Phó Giáo sư (1996), trưởng phòng thí nghiệm, tổ trưởng tổ Công nghệ hóa dược, tổ trưởng Công đoàn bộ môn Công nghiệp dược. Ở cương vị nào, ông cũng luôn ý thức phải phấn đấu trở thành người công dân tốt, người đồng nghiệp tốt, người thầy giỏi để đúng với câu căn dặn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “...Thầy ra thầy, trò ra trò...”. Ông luôn ý thức phải rèn luyện để trở thành vừa là một nhà giáo, vừa là một nhà khoa học giỏi.
 
Vào năm 2001, khoảng 93-95% nguyên liệu làm thuốc đều đang phải nhập ngoại do ngành công nghiệp sản xuất hóa dược nước ta hầu như chưa có gì. Vào thời điểm đó, cả nước chưa có nơi nào, trường nào đào tạo chuyên ngành Công nghệ hóa dược (kể cả bậc kỹ sư, cử nhân, trung cấp). Do đó, điều đau đáu trong ông là phải xây dựng và phát triển ngành công nghiệp Hóa dược của đất nước.
 
Muốn xây dựng ngành công nghiệp Hóa dược, theo ông, điều cần trước tiên là phải có nguồn nhân lực mà muốn có nhân lực thì trước hết phải có ngành đào tạo kỹ sư, cử nhân Hóa dược. Và ông cũng nghĩ, nếu việc này mình không làm, không khởi đầu thì có thể phải đến vài ba thập kỷ sau chưa chắc đã có người đứng ra làm được. Chính ý nghĩ này thôi thúc ông đi tới quyết định: “Mình phải là người đề xuất, khởi xướng, sáng lập và chủ trì triển khai xây dựng chuyên ngành đào tạo kỹ sư Công nghệ hóa dược đầu tiên ở Việt Nam”. Và trường ông chọn lúc này là Trường đại học Bách khoa Hà Nội (ngôi trường mà ông cho là có đủ điều kiện phù hợp nhất). Dẫu biết trước việc xây dựng một chuyên ngành đào tạo mới cho đất nước là một việc làm không hề dễ dàng, suôn sẻ và có khi phải kéo dài từ 30-50 năm hoặc hơn thế nữa trong khi tuổi đời của ông lúc đó đã không còn trẻ, nhưng ông vẫn quyết tâm làm.
 
Tác giả và GS.TSKH Phan Đình Châu (mặc comple) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Hữu nghị Việt Nam-Hungary tại Thủ đô Hà Nội.
Tác giả và GS.TSKH Phan Đình Châu (mặc comple) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Hữu nghị Việt Nam-Hungary tại Thủ đô Hà Nội.
Năm 1991, ông đã đệ đơn đề nghị Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư Công nghệ hóa dược tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Trong thời gian từ năm 1991-2001, ông đã nhiều lần đề nghị Trường đại học Bách khoa Hà Nội xin phép Bộ GD-ĐT cho mở mã ngành “đào tạo kỹ sư Công nghệ hóa dược” và đến năm 2001, Bộ GD-ĐT mới cho phép.
 
Do vậy, đầu năm 2002, ông được điều chuyển từ Trường đại học Dược Hà Nội về công tác tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội để đảm nhận việc tổ chức, triển khai mở chuyên ngành đào tạo Công nghệ hóa dược. Ngoài ra, ông còn là người tuyên truyền, vận động, giúp một số trường đại học, cơ sở đào tạo khác trong toàn quốc mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư, cử nhân về Hóa dược; đồng thời, cố vấn soạn thảo, xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân Hóa dược cũng như giảng dạy giúp cho một số cơ sở đào tạo khác: Trường đại học Sư phạm Đà nẵng, Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2... Đây cũng là niềm vui đối với ông trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp sản xuất hóa dược sau này của đất nước.
 
Từ niên khóa 2002-2003, chuyên ngành đào tạo “Công nghệ hóa dược-hóa chất bảo vệ thực vật” của Trường đại học Bách khoa Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Khóa kỹ sư đầu tiên có 22 sinh viên được ra trường vào tháng 6/2005. Đến năm 2019, đã có 14 khóa với tổng số trên 300 kỹ sư Công nghệ hóa dược-hóa chất bảo vệ thực vật ra trường. Từ niên khóa 2018-2019, chuyên ngành đã được mở rộng cả về số lượng và chất lượng: 30 sinh viên đào tạo chương trình bình thường và khoảng 60 sinh viên đào tạo theo Chương trình chất lượng cao hay chương trình tiên tiến. Ông rất kỳ vọng, lớp kỹ sư này và những lớp học trò tiếp theo của chuyên ngành sẽ là lực lượng chủ lực, cốt cán để xây dựng nên ngành Công nghiệp hóa dược cho Việt Nam trong vài chục năm tới.
 
Trong thời gian hơn 14 năm xây dựng, triển khai chuyên ngành đào tạo Công nghệ hóa dược, bản thân ông đã một mình vừa soạn thảo chương trình tóm tắt, chương trình chi tiết các môn học cho chuyên ngành, vừa tổ chức, giảng dạy và biên soạn giáo trình các môn học chính của chuyên ngành với 17 cuốn sách được xuất bản (vừa giáo trình vừa sách tham khảo). Mặc dù vậy, ông vẫn trăn trở cần tiếp tục hoàn thiện chương trình hiện tại.
 
Cùng với việc chuẩn bị nguồn nhân lực, ông cũng đã nghĩ tới việc chuẩn bị nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật và thay đổi vị trí quản trị về pháp lý cho ngành Công nghiệp hóa dược. Ngay từ những năm 2000, ông đã nghĩ tới việc định vị cho ngành công nghiệp này, ông cho rằng ngành Công nghiệp sản xuất hóa dược là ngành công nghiệp nặng nên về lâu dài không thể do Bộ Y tế quản lý mà phải thuộc ngành sản xuất Công nghiệp nặng. Điều đó có nghĩa là sau này, ngành Công nghiệp hóa dược sẽ phải thuộc ngành sản xuất hóa chất (mà là hóa chất cao cấp, hóa chất tinh khiết, hóa chất đặc biệt), thuộc Bộ Công thương.
 
Chính vì thế, từ năm 2000, ông đã tìm gặp lãnh đạo Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đề xuất Viện đứng ra đề nghị với Nhà nước triển khai một chương trình nghiên cứu cấp quốc gia để làm "cú hích" ban đầu nhằm huy động cán bộ nghiên cứu và cơ sở vật chất cho sự phát triển ngành Hóa dược. Đề nghị này được Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam chấp thuận, sau đó ông đã cùng với viện dự thảo nội dung của chương trình gửi trình Chính phủ. Năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển Hóa dược. Năm 2008, chương trình bắt đầu được cấp kinh phí, mỗi năm tuyển chọn cấp kinh phí cho 5-7 đề tài nghiên cứu quy mô R và một vài đề tài quy mô R-D, cho tới nay có khoảng 70-80 đề tài khoa học về nghiên cứu Hóa dược đã được triển khai.
 
Hiện nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn dõi theo công việc mà các đồng nghiệp đang tiếp bước. Ông luôn hy vọng ngành Công nghệ hóa dược Việt Nam sớm sánh vai với các nước phát triển. Với những cống hiến của mình, Nhà giáo-GS. TSKH Phan Đình Châu xứng đáng được đề nghị vinh danh là “Ông tổ-Người sáng lập” chuyên ngành đào tạo Công nghệ hóa dược Việt Nam.
 
                                                            Trần Thanh Toàn

tin liên quan

GS.TS Nguyễn Anh Trí-một người Quảng Bình sống để tri ân

(QBĐT) - Thật tình cờ và may mắn khi tôi được nhà thơ Lê Cảnh Nhạc mời tham gia đoàn ngược Hòa Bình thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn gọi là MEDDOM Park. Nghe tiếng từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên có cơ hội. MEDDOM Park được khai sinh bởi một con người đặc biệt, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí. Ông đã từng được vinh danh 2 lần trong chương trình "Vinh quang Việt Nam".

Sò huyết… lên mâm

(QBĐT) - Quán nằm đầu con ngõ nhỏ. Gọi là quán nhưng kỳ thực chỉ là một khoảng sân rợp bóng cây xanh với đôi ba bộ bàn ghế, không bảng hiệu, không nhân viên mời chào. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", du khách mỗi khi đặt chân đến phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) lại tìm đến đây để thưởng thức món ăn có 1 không 2: Sò huyết lên mâm. 

Làng lặn Vịnh Sơn

(QBĐT) - Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương.