Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Con cua đồng ven phá Hạc Hải

  • 07:09 | Chủ Nhật, 04/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bởi ở bên phá Hạc Hải nên từ bao đời các xã thuộc vùng đất “hai huyện” Quảng Ninh, Lệ Thủy luôn được hưởng cái ân huệ của trời đất về nguồn hải sản vô tận, nào tôm, nào cá, nào rạm, nào ngao, hến. Nhưng có một thứ thủy sản ít được nhắc tới mặc dù cho hiệu quả kinh tế cao, đó là con cua đồng.
 
Dù con cua đồng không được đánh giá xứng đáng vị trí, nhưng hễ bất cứ ai ở miền quê này khi nhắc tới chúng đều không ngớt lời tấm tắc. Cua đồng sinh sống hoang dã ở nơi những đồng tự nhiên lẫn vào đất lẫn vào nước, lẫn vào cỏ. Khi mùa lũ, cua ở phá tràn về theo dòng nước rồi trú ngụ khắp đồng cao ruộng thấp ven phá, chúng tìm những gờ đập cao để mài miệt đào hang ẩn nấp. Cua đồng được xem như một sản phẩm tự nhiên nhưng lại là một nguồn thực phẩm bổ sung trong bữa ăn hàng ngày vào những tháng mùa đông và mùa xuân rất giá trị.
 
Cách đánh bắt cua đồng hết sức đơn giản. Khi nước ngập cỏ, ngập ruộng chờ cày ải thì người ta dùng nhủi làm công cụ để bắt. Nhủi được thiết kế bằng nguyên liệu tre bện thành liếp, một đầu liếp kết vào một khung có thanh gỗ phẳng dài chừng 0,8m, được bào nhẵn như lưỡi một cái máy xúc. Một phía đầu liếp cuộn tròn lại, hai mép liếp kết vào hai thân tre, tạo thành hình dấu nhân, một đầu hai thanh tre vừa cho hai tay cầm, để khi nhủi dùng sức đẩy lướt trên mặt cỏ, tạo nước thành dòng, thế là con cua đồng đi kiếm mồi bị cuốn vào lưỡi nhủi, chạy tuột ra sau tọt xuống oi. Cách bắt bằng nhủi được đủ loại cua to, nhỏ.
 
Đồng sau lũ cua đồng có sẵn, chỉ chạy nhủi vài giờ là cua đầy oi, ít ra cũng dăm bảy cân móc vào đầu cán nhủi gồng về. Khi ruộng cày ải rồi, cua đồng lặn nấp vào sá cày sâu nên càng khó bắt. Người bắt dàn hàng ngang đi từng lối ruộng lật đất mới bắt được. Cua loại này ngang lứa nên chóng đầy oi. 
Phá Hạc Hải. Ảnh: Nguyễn Văn Hải
Phá Hạc Hải. Ảnh: Nguyễn Văn Hải
Cách bắt thứ hai là thời kỳ cấy xong lúa vừa bén rễ bắt đầu xanh. Lúc này, ruộng xắp nước, nước yên lắng nên rất trong, con cua đồng đi ăn mồi trên mặt đất bùn, người đi bắt chỉ cần nhanh tay, nhanh mắt là chộp được. Con cua đồng không chạy nhanh như con còng gió biển. Nghe có sóng nước động, cua thường mài vội mai xuống bùn non ẩn mình. Người đi bắt nhìn thấy nước nơi nào có dấu vẫn đục lên, chụp tay xuống đó là có cua nấp.
 
Cách bắt thứ ba là người bắt cua lần theo từng bờ ruộng, tìm hang chúng ở, thọc tay vào thật nhanh, đừng để cua kịp thụt vào sâu, khó bắt. Bắt cua đồng trong hang thường được từng đôi đực, cái rất to. Bởi khi cua động dục thường rủ những bạn tình cùng vào hang ở “hưởng ngày hạnh phúc”. Nếu thấy những hang không lộ rõ mà có dấu vết bùn mới đắp lên thì bên trong đó ắt có con cua đồng đang thời kỳ lột xác nấp tránh kẻ thù. Dân gian gọi đơn giản là đam lột. Khi nào lột xác xong vỏ cứng lại cua mới lần ra khỏi hang đi kiếm ăn. Mỗi lần đi bắt cua hang, gặp được nhiều cua đồng sắp lột xác thì đó là điều may mắn nhất. Cua đồng sắp lột xác là cho ta một món ăn ngon lành, mọng sữa và thật bổ dưỡng.
 
Những năm gần đây, cua đồng bỗng hiếm đi một cách đáng kể. Theo người dân sống quanh phá thì, cua đồng hiếm vì ruộng toàn bón phân vô cơ, đã diệt hết thức ăn của cua đồng. Vả lại đồng ruộng ngày trước quanh năm chỉ làm một vụ, còn lại đồng ngập cỏ nên con cua đồng được sống trong môi trường thuận lợi hơn, sinh đàn đẻ lũ một cách tự nhiên mà vẫn phong phú thức ăn. Một thời cua đồng nhiều đến nỗi người ta không còn quý chúng. Bây giờ đất quanh năm làm lúa hai vụ, ba vụ, cua đồng không có điều kiện sống tốt để sinh sản, phát triển.
 
Trước đây, đến mùa bắt cua đồng, người kéo nhau ra đồng rồi theo từng lứa tuổi chia tốp say sưa bắt. Cua đồng là thứ thực phẩm tự cung tự cấp. Mỗi nhà bắt cua đồng về đều có những cách chế biến món ăn phong phú, nào làm ruốc, nào ướp muối rồi chưng cất nước mắm giành ăn quanh năm. Cách chế biến rất đơn giản, nếu là món ruốc, khi cua đồng bắt về cho rửa sạch để ráo, tước vỏ riêng, thân riêng. Dùng chiếc cọng của nó khêu nhẹ gạch ở vỏ ra giành lại, thân đem bỏ vào cối giã nát, dùng rây lọc lấy nước thịt hòa một tỷ lệ muối vừa phải, tất cả gạch, nước thịt trộn lại, bỏ vào vại sành với một ít bột thính ngô khuấy đều rồi đem ra giang nắng. Một thời gian giang nắng hai tuần, ruốc chín là đến bữa múc ra chan ăn với cơm.
 
Ruốc cua đồng ăn ngọt lịm và bắt miệng, càng bắt miệng càng tốn cơm. Với cách ăn tươi thì đơn giản hơn. Cách làm cũng giống như khi làm ruốc, lấy nước thịt cua nấu ăn với khế chua vườn đã cắt lát mỏng, bỏ thêm lá nén tươi là có món canh ngon. Loại canh này gọi là canh đam lọc. Nhớ là nấu canh nước thịt cua đồng không để sôi lâu, sôi lâu quá chín sẽ làm mất vị ngọt tươi. Cũng với cách lọc nước thịt cua đồng có thể nấu canh với lá mồng tơi, với lá ngót, với lá rau đay, với lá hành tươi đều tốt. Khi dùng bữa, một bên có bát cà pháo muối là rất bắt bát, bắt đũa.
 
Cũng với cách chế biến vậy, nhưng giữ được nước lọc thịt đặc hơn, có thể ép thành miếng, để làm món bún riêu thì người ăn càng thú vị.
 
Cua đồng còn có cách ăn khác, đó là khi bắt cua về chọn ra nhiều con béo chắc thịt, bẻ hết que cọng, tước yếm, bỏ vào xoong cho chút mỡ, chút muối, đậy kín vung lại bắc lên bếp rang khô. Cua rang chín ăn cắn ngang miếng tiếng giòn khướu, có tách rượu gạo chíp thêm, không gì thú vị bằng. Chíp rượu với món cua rang này thì ăn ngậm mà nghe, có bạn kề bên càng thắm thiết tình bằng hữu. Đặc biệt, còn có cách ăn tươi hơn, dân dã hơn là nướng lửa cỏ khô ngoài đồng. Khi bạn bè bắt được những chú cua béo mập thì chuẩn bị sẵn nhúm muối mang theo, vơ cỏ khô lên, vun tất cả cua lại châm lửa, cỏ cháy rực lên một lúc, bốc mùi thơm là cua chín. Cua nướng kiểu này giữ nước nên ăn rất tươi ngọt. Khi ăn vỏ cháy bốc lên mùi hương quen quyện trong gió đồng chiều mát rượi. Tuổi thơ kỷ niệm này ai đã từng rất khó quên.
 
Thì ra, các món ăn của con cua đồng đã từ lâu được người dân vùng quê tôi xem như những sản phẩm của văn hóa ẩm thực đồng chiêm, ở miệt phá này.
 
Những năm gần đây, cua đồng hiếm đi, nhưng chúng lại trở thành món hàng tươi sống nơi nơi ưa chuộng. Nhiều gia đình huy động con cái đi bắt cua bỏ đầy từng bao cho các thương lái để chờ khách từ ngoài Hà Nội vào mua. Mỗi ngày có đến hàng tấn cua đồng chất lên xe ở các làng dọc ven Quốc lộ 1 đoạn qua các xã: Hồng Thủy, Thanh Thủy (Lệ Thủy), Gia Ninh (Quảng Ninh)…
 
Người bắt được ít thì cặp vào các kẹp tre mỗi kẹp chừng 10 con đem rải các chợ bán cho khách ăn lẻ. Biết cua đồng là loại thực phẩm sạch nên người dùng rất chuộng. Quán bán cháo bánh canh các phố, nước cháo biết pha chế thêm nước thịt cua đồng ăn ngọt mát miệng, sáng sáng có đông đảo khách quen tìm đến ăn.
 
Nói là vậy, nhưng hiện nay có một thực tế, cua đồng ngày hiếm đi trông thấy. Điều may mắn, trời phú cho những vùng dân cư ven phá Hạc Hải, có được cái diễm phúc, hưởng món lợi cua đồng lâu nay, không phải đầu tư vốn. Nếu tính từ ra Tết đến nay, thu nhập tiền bán cua đồng chạy tuyến Hà Nội có thương lái tính ra cũng đến vài trăm triệu đồng lãi chứ không ít. Tuy nhiên, vì đây là món hàng “trời cho”, nên chưa có ai đưa vào hạch toán để biết được cụ thể lời lãi.
Cua đồng (con đam)-nguồn lợi kinh tế ở vùng phá Hạc Hải.
Cua đồng (con đam)-nguồn lợi kinh tế ở vùng phá Hạc Hải.
Con cua đồng tên gọi thật gần gũi thân thiết, với dân các miệt đồng sâu là con đam. Bắt cua đồng dễ nên được xem như là việc làm kèm những lúc nông nhàn, hay chỉ là công việc của các trẻ nhỏ.
 
Cua đồng ngày một hiếm dần lại là món thực phẩm sạch, nhiều khách chuộng, nhưng hầu như chưa có một dự án nào mạnh dạn đầu tư cho dân vùng ven phá Hạc Hải được học kỹ thuật nuôi cua đồng để phát triển. Tất nhiên đã là công việc nuôi trồng thì từ công đoạn thiết kế ao nuôi cũng phải chu đáo, kỹ thuật chăm sóc cho ăn cũng như phòng trị bệnh hẳn là cũng bài bản, nhưng chắc chắn là, ít gia công hơn, vì với cua đồng vốn tập tính sống đào hang, chui rúc và bò đi xa kiếm ăn, nên nuôi phải thận trọng. Cua đồng lại dễ nuôi, vì có thể ăn đủ thứ từ cám, tấm, sắn, khoai, ốc hay cả thức ăn công nghiệp cũng tốt.
 
Có lẽ, đã đến lúc các nhà kinh tế cần nghĩ đến những dự án khoa học phát triển nuôi cua đồng với kỹ thuật giàu tính khả thi cho người dân ven phá Hạc Hải. Điều khó nhất là phương án bảo toàn tránh mùa mưa lũ nước tràn. Nếu làm được vậy, chắc chắn nuôi cua đồng sẽ đem đến nguồn lợi kinh tế cao.
Ghi chép của Nguyễn Văn Tăng

 

tin liên quan

GS.TS Nguyễn Anh Trí-một người Quảng Bình sống để tri ân

(QBĐT) - Thật tình cờ và may mắn khi tôi được nhà thơ Lê Cảnh Nhạc mời tham gia đoàn ngược Hòa Bình thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam còn gọi là MEDDOM Park. Nghe tiếng từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên có cơ hội. MEDDOM Park được khai sinh bởi một con người đặc biệt, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí. Ông đã từng được vinh danh 2 lần trong chương trình "Vinh quang Việt Nam".

Sò huyết… lên mâm

(QBĐT) - Quán nằm đầu con ngõ nhỏ. Gọi là quán nhưng kỳ thực chỉ là một khoảng sân rợp bóng cây xanh với đôi ba bộ bàn ghế, không bảng hiệu, không nhân viên mời chào. Nhưng "hữu xạ tự nhiên hương", du khách mỗi khi đặt chân đến phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) lại tìm đến đây để thưởng thức món ăn có 1 không 2: Sò huyết lên mâm. 

Nhà thờ họ Hồ làng Lý Hòa

(QBĐT) - Họ Hồ là một trong những họ lớn đầu tiên có công lập nên làng Lý Hòa (nay thuộc xã Hải Phú, Bố Trạch), xây dựng truyền thống học hành, khoa bảng của làng Lý Hòa văn hiến, một trong ba trụ cột lớn về văn hóa của huyện Bố Trạch.