Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2023

  • 14:28 | Thứ Ba, 14/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Sáng 14/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã tiến hành biểu quyết thông qua 2 nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Tại Kỳ họp thứ năm và sáu năm 2023, Quốc hội quyết định sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề liên quan các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng, cùng chuyên đề về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Sáng nay, với 475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, trong đó có 469 đại biểu tán thành (chiếm 94,18% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Kết quả biểu quyết Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)
Kết quả biểu quyết Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)
Nghị quyết nêu rõ phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát, trong đó phạm vi giám sát là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 1/1/2018 (sau khi Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017) đến ngày 31/12/2022 trên phạm vi cả nước.
 
Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
 
Nghị quyết nêu rõ nội dung giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng.
 
Cùng với đó, nội dung giám sát cũng bao gồm kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
 
Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Kết quả biểu quyết Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Kết quả biểu quyết Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Theo đó, với 471 đại biểu tham gia biểu quyết, có 465 đại biểu tán thành (chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
 
Nghị quyết nêu rõ phạm vi giám sát về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023, và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước.
 
Đối tượng giám sát là Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan ở cấp Trung ương; trong khi ở cấp địa phương, các đối tượng giám sát là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 51 tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Nội dung giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
 
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng tiếp tục kế thừa những đổi mới đã được thực hiện có hiệu quả trong triển khai giám sát chuyên đề năm 2022, quy định mang tính nguyên tắc về phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.
 
Nội dung cụ thể sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, bao gồm báo cáo kết quả giám sát của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ đề xuất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cơ quan, địa phương đến giám sát trực tiếp.
 
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khả thi và giám sát đạt chất lượng, hiệu quả, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết với các nội dung cụ thể về mục tiêu, phạm vi, nội dung, phương thức giám sát. Đồng thời, trong quá trình tổ chức triển khai, Đoàn giám sát có thể mời đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành để giải trình, làm rõ thêm nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.
 
Cả 2 Nghị quyết trên đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Quốc hội thông qua.
 
Theo TRUNG HƯNG (Nhân Dân)

tin liên quan

"Xung kích, sáng tạo, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới"

(QBĐT) - Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tiếp Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện song phương, hợp tác về thương mại, đầu tư.
 

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động

Luật Cảnh sát cơ động được thông qua gồm 5 chương, 33 điều, trong đó quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động.