icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đại biểu Quốc hội thảo luận về các dự án giao thông và nghị quyết đặc thù

  • 18:31 | Thứ Sáu, 10/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 10/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về các dự án giao thông trọng điểm.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về các dự án giao thông trọng điểm.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm thống nhất cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết của chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với các dự án.
 
Đại biểu nhấn mạnh, các dự án này được triển khai sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, đặc biệt tạo điều kiện thông các tuyến và là vùng kinh tế động lực cho đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
 
Tán thành việc Thủ tướng phân cấp cho một số địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần đối với 3 dự án nêu trên, đại biểu nhấn mạnh sự phù hợp, tính chủ động và hiệu quả trong quá trình triển khai các dự án. Tuy nhiên, liên quan nội dung này, trong phiên thảo luận buổi sáng về Dự án đường Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh) và đường Vành đai 4 (Hà Nội) thì tại Tờ trình Chính phủ không quy định việc phân cấp cho địa phương đối với 2 dự án.
 
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu để xem xét, cân nhắc quyết định việc phân cấp cho hai dự án trên. Bởi xuất phát từ thực tiễn, đây là hai thành phố lớn, nếu phân cấp thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 2 thành phố bảo đảm tính chủ động trong điều hành bố trí vốn đối ứng vật liệu xây dựng và đặc biệt là tạo điều kiện trong quá trình chỉ đạo giải phóng mặt bằng.
 
Bên cạnh đó, về thời gian thực hiện cơ chế chính sách triển khai, 3 dự án đường cao tốc được áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù, được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Như vậy, thời gian thực hiện chỉ áp dụng trong 2 năm, đại biểu cho rằng khó có tính khả thi trong việc hoàn thành bảo đảm tiến độ.
 
Theo đại biểu, mặc dù Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có ý kiến đề nghị được áp dụng cơ chế này trong 2 năm kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành nhưng vẫn khó khả thi. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc để quy định thời gian bảo đảm phù hợp. Tương tự, thời gian thực hiện 2 dự án đường Vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh) và đường Vành đai 4 (Hà Nội) cũng cần được xem xét. Đặc biệt đối với Dự án đường vành đai 3 (TP. Hồ Chí Minh), theo báo cáo tại Tờ trình của Chính phủ, việc giải phóng mặt bằng với nguồn kinh phí rất lớn đã thể hiện tính phức tạp của dự án.
 
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng nêu ý kiến về hình thức đầu tư đối với 3 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1). Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình còn một số băn khoăn đối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Được biết, trước đây, Chính phủ đã có chủ trương  đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với dự án này.
 
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm tán thành với các ý kiến về việc chuyển đổi hình thức từ đối tác công tư sang đầu tư công là có lý do nhưng chỉ vì rút ngắn thời gian thì nên cân nhắc để không tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đã tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đã tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đã tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ.
 
Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền, Vì vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc có cơ chế đặc thù, chính sách vượt trội để Khánh Hòa thu hút được nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững.
 
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ hơn để tương xứng với vị trí đặc biệt của Khánh Hòa, đồng thời cần đảm bảo tính khả thi cao hơn cho các chính sách đã đề ra trong nghị quyết, thể hiện rõ hơn nữa quan điểm phát triển tỉnh Khánh Hòa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế.
 
Đại biểu cho rằng, cần có chính sách hấp dẫn, khả thi hơn về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Cụ thể, cần mở rộng điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao tính khả thi trong thu hút nguồn lực, cần có quy định trách nhiệm của các nhà đầu tư chiến lược khi không thực hiện được các cam kết, cần có chính sách ưu đãi khác biệt, phù hợp cho từng lĩnh vực đầu tư để tạo đột phá cho việc phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. 
 
Về việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái biển, đại biểu đề nghị cần có đánh giá kỹ lưỡng về tác động tới môi trường khi nuôi trồng thủy sản ven biển; đề nghị Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cần quy định cụ thể hơn, yêu cầu khắt khe hơn trong việc bảo vệ môi trường.
 
 Ngọc Mai

tin liên quan

Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, tặng quà tại huyện Minh Hóa

(QBĐT) - Ngày 9/6, đoàn công tác Ban Nội chính Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Lương Bình, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ phiên tháng 6/2022

(QBĐT) - Ngày 8/6, Văn phòng UBND tỉnh ra thông báo số 2042 TB-VPUBND về việc tổ chức tiếp công dân định kỳ phiên tháng 6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh.
 

Sơ kết công tác triển khai thực hiện Đề án 06

(QBĐT) - Sáng 10/6, Tổ công tác triển khai "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025" (Đề án 06) tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.