(QBĐT) - Đó là ông Đoàn Xuân Hòa (SN 1959), nguyên trung tá ra-đa về hưu ở thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa). Nhưng người dân nơi đây gọi ông là người “vác tù và hàng tổng” thứ thiệt.
36 năm mặc áo lính
Không giống với hình dung, gia cảnh của một cựu trung tá ra-đa có thâm niên 36 năm trong quân ngũ Đoàn Xuân Hòa chỉ là ngôi nhà cấp 4, nhỏ có phần cũ kỹ, xuống cấp, nằm lẩn khuất giữa vườn cây xanh um. Vài năm trở lại đây ông còn nuôi ong lấy mật để vui chân vui tay, lại có thêm thu nhập. Ông Hòa khoe, năm 2021, riêng khoản tiền thu từ việc nuôi ong lấy mật đã hơn 70 triệu đồng. Mới 1-2 năm trở lại đây, khi người con út có việc làm, gia đình ông mới dư dả chút ít. Còn trước đó, gia đình ông vẫn có lúc chật vật để trang trải cho 4 người con học đại học.
Năm 1976, chàng thanh niên Đoàn Xuân Hòa lên đường nhập ngũ tại một đơn vị của Cục hậu cần-Kỹ thuật (Quân khu 4), và đây cũng là cột mốc khởi đầu cho quãng đời binh nghiệp kéo dài 36 năm. Ông Hòa kể, đó là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện. Kết thúc 5 năm nghĩa vụ quân sự, ông được đơn vị tạo điều kiện cho đi ôn thi đại học và thi đỗ vào Trường sỹ quan chỉ huy Kỹ thuật tên lửa ra-đa (Sơn Tây, Hà Nội).
Năm 1984, ra trường, anh lính ra-đa ấy đã từng mang balô xuôi Nam ngược Bắc, có khi lên tận Yên Bái, sang Campuchia làm chuyên gia quân sự. Trước khi mang balô về quê, người sỹ quan quân đội này đã từng là Phó Tiểu đoàn trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn thông tin ra-đa (Trung đoàn 931, ở tỉnh Yên Bái), rồi Trợ lý tham mưu Sư đoàn không quân 371 (Hà Nội).
Năm 2012, trung tá Đoàn Xuân Hòa chính thức nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ. Những tưởng, đây cũng là lúc ông nghỉ ngơi, sum vầy bên vợ con, gia đình, nhưng không, vừa cởi bộ quân phục, ông lại được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lâm. Đến nay, ông đã “vác tù và hàng tổng” chẵn 10 năm. “Bao nhiêu năm xa quê, nay trở về, làm được cái gì cho quê hương thì cố gắng hết sức để làm. Tất cả cũng chỉ vì nhân dân, vì sự giàu đẹp của quê hương, làng xóm của mình”, ông Hòa nhấp ngụm chè xanh nhẩn nha nói.
Vì quê hương, làng xóm
Thời điểm ông Đoàn Xuân Hòa làm Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lâm, cũng là lúc phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Tuyên Hóa bước vào giai đoạn triển khai thực tế. Ông Hòa nhớ lại, phong trào khởi phát từ việc làm đường giao thông nông thôn. Sau 1 thời gian tuyên truyền, vận động, toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn thôn Đồng Lâm đã được cắm mốc, giải phóng mặt bằng. “Nếu theo cách làm phổ biến lúc đó, sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, thôn cứ việc huy động người dân đóng góp tiền, rồi thuê thợ làm trọn gói, thì thôn Đồng Lâm khó có thể làm được. Bởi, dân phải đóng góp rất nhiều tiền, trong khi hơn 1/3 dân số là hộ nghèo”, ông Hòa nói.
Năm 2014, huyện Tuyên Hóa có chủ trương hỗ trợ xi-măng cho các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Vậy là, xi măng đã có, xã Đức Hóa cũng đã hỗ trợ 1 phần vật liệu cát, đá. Phần còn lại là tổ chức thi công. Sau nhiều cuộc họp bàn bạc, cuối cùng ông Hòa đưa ra chủ ý, làm đến tuyến đường nào, người dân ở đó cùng “góp sức” đứng ra làm. Ai có tiền thì đóng góp theo định mức, ai không có tiền thì góp công. Nhờ cách làm đó, hơn 1 năm sau, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thôn đều đã được đổ bê tông. Sáng kiến này của thôn Đồng Lâm đã giúp người dân không phải cùng lúc đóng một khoản tiền “quá sức”, mà ai cũng tự hào vì đã chung tay góp sức để làm đẹp quê hương...
Bí thư Đảng ủy xã Đức Hóa Nguyễn Tri Phương: “Suốt 10 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lâm, đồng chí Đoàn Xuân Hòa không chỉ là người đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, mà còn là người khởi xướng, trực tiếp thực hiện những công trình hữu ích cho người dân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".
Ngày nay đến thôn Đồng Lâm, người dân nơi đây còn kể câu chuyện về tuyến đèn điện thắp sáng đường quê và “phủ sóng phát thanh” của ông Hòa. Ông Đoàn Xuân Hòa bộc bạch, chuyện bắt đầu từ năm 2016, khi đó ông biết có một số địa phương triển khai làm đường điện thắp sáng đường quê. Thấy ý tưởng hay, hàng tháng, ông trích một số tiền từ chế độ của mình, rồi vận động thêm con em làm ăn xa quê đóng góp. Có được tiền, lại vốn sẵn nghề điện trong tay, ông mua bóng đèn, dây điện và các thiết bị cần thiết, rồi tự làm. Cứ như vậy, gom góp được đồng nào, ông làm bấy nhiêu. Mỗi năm làm một ít. Vậy nên, từ năm 2016-2021, hơn 4km đường điện chiếu sáng của thôn Đồng Lâm mới hoàn thành. Từ khi có đường điện chiếu sáng, an ninh trật tự được bảo đảm hơn. Làng quê cũng trở nên văn minh hơn.
Lại nói, ngày nay, thôn Đồng Lâm vẫn còn lưu giữ lại một chiếc trống cũ. Trước đây, hễ thôn có việc gì cũng đánh trống hiệu để thông báo. Người dân Đồng Lâm đã quá quen thuộc với tiếng trống đó, nhưng ở thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nó không thể đáp ứng được yêu cầu điều hành, chỉ đạo và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhận thấy sự bất tiện này, ngay năm đầu nhận nhiệm vụ Bí thư chi bộ, ông liền đi xin loa phát thanh cũ về sửa chữa, đấu nối lắp đặt loa phát thanh. Với người lính ra-đa, việc sửa chữa những chiếc loa hỏng có khó gì. Mấy tháng sau, thôn Đồng Lâm đã có 2 cụm loa phát thanh. Năm 2021, qua sự vận động của ông, 3 cụm loa được nâng cấp mới đã phủ sóng phát thanh trên địa bàn toàn thôn.
Giờ đây, sau 10 năm làm bí thư chi bộ, điều khiến ông Đoàn Xuân Hòa tự hào hơn cả là quê hương đã đổi mới, khác xa so với thuở ông khoác balô lên đường nhập ngũ. Từ một vùng quê nghèo khó, nay toàn thôn Đồng Lâm chỉ còn 9% hộ nghèo, chủ yếu người neo đơn, già yếu (theo quy định chuẩn hộ nghèo mới). Nói như ông: “Đó là động lực rất lớn để bản thân tôi và người dân thôn Đồng Lâm tiếp tục nỗ lực phấn đấu. Và khi cuộc sống của người dân ngày càng đi lên, họ sẽ tin tưởng và cùng góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuyên Hóa Cao Xuân Tín cho biết, đồng chí Đoàn Xuân Hòa, là một đảng viên gương mẫu, Bí thư chi bộ năng động, sáng tạo và có nhiều việc làm thiết thực, đóng góp cho cộng đồng, quê hương. Đồng chí cũng là một trong số ít cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (năm 2018).
(QBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử 47 năm về trước như một cuốn phim tài liệu đặc biệt đang lần lượt quay trong tâm trí hàng triệu người con dân Việt, nhất là những người đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến giai đoạn lịch sử có một không hai đó... Và ngày 30/4, tiếng reo vui "Sài Gòn giải phóng rồi!" vỡ òa khắp 3 miền đất nước!
Hôm nay, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vui mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4). Kỷ niệm chiến thắng 30/4 năm nay càng thêm ý nghĩa khi cả nước đang nỗ lực phấn đấu quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng các cấp. Chúng ta đã dần kiểm soát dịch Covid-19, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường sau hơn 2 năm quyết liệt phòng chống dịch.
(QBĐT) - Nỗ lực học tập và làm theo Bác, quê hương Quảng Bình đã có nhiều đổi thay vượt bậc. Tự hào với những thành quả đạt được, trên hành trình mới, Quảng Bình đặt ra những mục tiêu to lớn hơn.