Xây dựng người nông dân mới, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước
(QBĐT) - Nhân dịp Hội Nông dân tỉnh đón Huân chương Độc lập hạng Nhì và tổng kết phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau và giảm nghèo bền vững” (gọi tắt là nông dân SXKDG) giai đoạn 2017-2021, Báo Quảng Bình phỏng vấn đồng chí Trần Tiến Sỹ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về những thành tựu quan trọng và định hướng phong trào giai đoạn 2022-2026.
P/V: Phong trào nông dân SXKDG được xác định là phong trào trọng tâm, xuyên suốt của các cấp Hội Nông dân, đồng chí có thể đánh giá khái quát những kết quả đạt được của phong trào giai đoạn 2017-2021, thưa đồng chí?
- Đ/c Trần Tiến Sỹ: 5 năm qua, phong trào nông dân SXKDG phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế, tạo động lực quan trọng trong khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực của nông dân, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Giai đoạn 2017-2021, bình quân hàng năm có hơn 120.000 lượt hộ hội viên nông dân (HVND) đăng ký danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, chiếm gần 80% so với số hộ nông dân, tăng hơn 30.000 hộ so với giai đoạn 2012-2016. Đến nay, có 76.885 hộ nông dân SXKDG các cấp, chiếm 60% so với số hộ đăng ký.
Chất lượng và hiệu quả của phong trào ngày càng được nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động; doanh thu hàng năm từ 500 triệu đồng đến hơn 5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của hộ SXKDG các cấp tăng cao so với giai đoạn 2012-2016.
Phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân. Nhiều nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn, tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc", như: ông Nguyễn Văn Bồn (xã Trung Trạch, Bố Trạch), ông Đinh Đăng Tuân (xã Hưng Thủy, Lệ Thủy), ông Ngô Văn Dương (xã Hải Ninh, Quảng Ninh), Phạm Văn Tam (xã Võ Ninh, Quảng Ninh)...
P/V: Với những con số và kết quả ấn tượng nêu trên, phong trào nông dân SXKDG giai đoạn 2017-2021 đã có những đóng góp và tác động như thế nào đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thưa đồng chí?
- Đ/c Trần Tiến Sỹ: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định những đóng góp rất quan trọng của nông dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần hai năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”.
Cùng với nông dân cả nước, giai đoạn 2017-2021, nông dân Quảng Bình nói chung, nông dân SXKDG nói riêng, đã góp phần quan trọng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các cấp hội đã tuyên truyền, vận động HVND tham gia có hiệu quả “Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020”.
Phong trào đã tác động tích cực đến dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Nông dân SXKDG đã có những sáng chế, giải pháp kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất và đời sống, được giải thưởng trong các cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”, “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình”, điển hình là ông Đặng Văn Lâm, HVND xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy), được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.
Đã có nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX nông nghiệp do nông dân SXKDG làm chủ. Hiện toàn tỉnh có 150 doanh nghiệp, 138 HTX nông nghiệp, 521 tổ hợp tác nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn thành lập 127 HTX, 474 tổ hợp tác; có 381 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại.
Những kết quả quan trọng của phong trào nông dân SXKDG đã tác động tích cực vào quá trình xây dựng NTM. 5 năm qua, HVND toàn tỉnh đã đóng góp trên 1.134 tỷ đồng, trên 500.000 ngày công, hiến hơn 566.000 m2 đất để xây dựng các công trình NTM. Các hộ nông dân SXKDG hỗ trợ gần 7 tỷ đồng tiền vốn, hơn 19.000 ngày công lao động, gần 750 triệu đồng tiền cây, con giống giúp các hộ nghèo thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Các cấp hội đã vận động HVND đóng góp kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ phát triển sản xuất, trực tiếp giúp đỡ 1.217 hộ thoát nghèo. Nhiều nông dân SXKDG đã trở thành hạt nhân tập hợp đoàn kết HVND và là nhân tố hòa giải có uy tín trong cộng đồng dân cư.
HVND nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, đô thị, 100% các cơ sở hội hưởng ứng thực hiện trên 1.200 mô hình “Con đường nông dân tự quản”; xây dựng “Tuyến đường nông thôn kiểu mẫu”, trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, vệ sinh môi trường nông thôn. Hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, các cấp hội đã trồng hơn 64.000 cây xanh phân tán.
HVND còn tích cực tham gia xây dựng gia đình, làng, bản, tổ dân phố văn hóa; tham gia các tổ tự quản, an ninh nhân dân, hòa giải ở cơ sở…, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Số hộ nông dân đạt "gia đình văn hóa" hàng năm gần 140.000 hộ, chiếm hơn 87% số hộ nông dân. Nhiều nông dân SXKDG kiên cường bám biển, thành lập gần 300 tổ, đội đoàn kết trên biển, khai thác hải sản biển xa và chung tay giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tiếp tục tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, được HVND hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 96 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 91 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình đã tạo động lực mới trong phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là nông sản địa phương.
Thông qua các hoạt động, HVND toàn tỉnh đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 86/128 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 5 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Phong trào nông dân SXKDG cũng góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hội, nâng cao vai trò, vị thế và xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. 5 năm qua đã phát triển thêm 13.622 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 169.341 hội viên, chiếm 66% so với lao động nông thôn, tăng 6,3% so với giai đoạn 2012-2016. Toàn tỉnh có 24 chi hội và 319 tổ hội nông dân nghề nghiệp. 150/150 cơ sở hội được củng cố, kiện toàn, số cơ sở hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngày càng tăng, không còn cơ sở không hoàn thành nhiệm vụ.
P/V: Trên cơ sở kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong giai đoạn 2017-2021, phong trào nông dân SXKDG đặt ra những mục tiêu nào trong giai đoạn 2022-2026, thưa đồng chí?
- Đ/c Trần Tiến Sỹ: Giai đoạn 2022-2026, mục tiêu đặt ra là 100% cơ sở hội xây dựng và triển khai phong trào nông dân SXKDG; trên 80% hộ nông dân đăng ký tham gia. Hàng năm, mỗi cơ sở hội xây dựng được 2-3 mô hình để nông dân học tập, nhân rộng; mỗi Hội Nông dân cấp huyện hướng dẫn thành lập mới 1 HTX; cơ sở hội hướng dẫn thành lập mới được 1 tổ hợp tác trở lên. Trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn 500 người/năm; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 50.000 lượt người/năm. Phấn đấu đến năm 2025 trực tiếp giúp đỡ trên 5.000 hộ nông dân nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn vươn lên.
Giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh có 76.885 hộ nông dân SXKDG (gồm 369 hộ cấp Trung ương, 3.123 hộ cấp tỉnh, 11.540 hộ cấp huyện và 61.853 hộ cấp cơ sở), tăng hơn 20.000 hộ so với giai đoạn 2011-2016. Có 419 lượt HVND được các cấp khen thưởng trong phong trào nông dân thi đua SXKDG (gồm 13 Huân chương Lao động hạng Ba, 47 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 284 bằng khen của UBND tỉnh, 12 bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 63 bằng khen của BCH Hội Nông dân tỉnh). |
Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vai trò, vị trí phong trào nông dân SXKDG; vận động nông dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo trong SXKD. Trong đó, tập trung vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, tích hợp các giá trị như văn hóa vùng miền, các giá trị lợi thế (du lịch)… vào sản phẩm nông nghiệp để gặt hái những kết quả cao hơn.
Quá trình thực hiện, các cấp hội tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, bám sát tình hình thực tế để triển khai, đưa phong trào trở thành động lực trong phát triển kinh tế-xã hội. Để tạo điểm tựa vững chắc cho HVND, hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay. Quỹ hỗ trợ nông dân cũng là một kênh quan trọng để xây dựng mô hình SXKD theo hướng tập trung, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt tập trung vào các dự án, mô hình sản xuất các loại cây trồng, con nuôi có nhiều sản phẩm OCOP...
Bên cạnh việc đẩy mạnh việc giúp nông dân tiếp cận chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về khoa học kỹ thuật và công nghệ, thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp, nông sản hàng hóa..., hội sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân tiếp cận với công nghệ thông tin, sử dụng mạng internet phục vụ phát triển SXKD; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, đây là một nhiệm vụ trọng yếu trong tổ chức, thực hiện phong trào, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội Nông dân tỉnh trong thời gian tới.
Xây dựng tổ, hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX để tăng cường công tác vận động hợp tác, liên kết, tạo sức mạnh trong phát triển SXKD; tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao hơn; gắn phong trào nông dân SXKDG với công tác xây dựng hội vững mạnh, phát triển hội viên... là những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2022-2026. Hội sẽ tập trung các giải pháp tập hợp nông dân SXKDG gắn với xây dựng người nông dân mới trở thành lực lượng đi đầu, nòng cốt trong các phong trào nông dân thi đua yêu nước, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững!
P/V: Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Mai (thực hiện)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.