Ông nội tôi được gặp Bác Hồ

  • 06:03 | Thứ Năm, 28/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Cảnh Hóa, tập 1 (1930-2000) xuất bản tháng 8/2018 ở trang 98 có ghi: “Trong khí thế thi đua lao động sản xuất, các phong trào cách mạng đạt nhiều kết quả tích cực, mở ra cuộc sống mới trên quê hương. Như được tiếp thêm luồng sinh khí mới, ngày 16/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm Quảng Bình và Vĩnh Linh, Người đã để lại cho Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình và Vĩnh Linh những lời dạy ân cần, những tình cảm sâu sắc. Xã Cảnh Hóa vinh dự có ông Hoàng Khiêm (bố đẻ đồng chí Hoàng Tọa) ở thôn Vịnh Thọ là cá nhân tiêu biểu của phong trào lao động sản xuất được chọn đi dự lễ mít-tinh gặp Bác Hồ tại Đồng Hới”…
 
15 năm sau khi được gặp Bác Hồ ở sân vận động TX. Đồng Hới (16/6/1957), năm 1973, ông nội tôi qua đời ở tuổi hơn 80, ông ra đi gần 50 năm rồi, nhưng hình ảnh của ông với chòm râu bạc trắng, bộ áo quần nâu sòng và chuyện kể của ông về kỷ niệm lần được gặp Bác Hồ ở TX. Đồng Hới với con cháu, tôi không thể nào quên được.
 
Ông tôi kể: Khi được xã, huyện chọn là cá nhân tiêu biểu vào TX. Đồng Hới dự lễ mít-tinh, ông vui mừng và tự hào lắm, nhưng bất ngờ khi vừa đến thị xã, thông báo sẽ được gặp Bác Hồ, ông lại càng hồi hộp và vui mừng khôn xiết. Gần như cả ngày 16/6/1957, mọi người được đến TX. Đồng Hới đều có tâm trạng như ông. Thị xã ngày ấy nắng đẹp. Dọc đường, ở các điểm tập kết đông nghịt người, băng cờ biểu ngữ từ các vùng phụ cận đổ về thị xã, nhộn nhịp không khí ngày hội phấn khởi, chờ mong.
 
Tại sân vận động Đồng Hới, hàng vạn người dân hàng ngũ chỉnh tề hồi hộp đón chờ giây phút Bác Hồ đến. Gần xế chiều, khoảng 16 giờ, Bác Hồ xuất hiện trên lễ đài. Bác Hồ ôm hôn các cháu thiếu nhi tặng hoa cho Người và nồng nhiệt vẫy tay chào đồng bào. May mắn được đứng gần sân khấu lễ đài nên ông nội tôi nhìn rất rõ hình ảnh của Bác Hồ.
 
Trong không khí vừa trang nghiêm vừa thân thiết, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển đến nhân dân lời thăm hỏi ân cần, lời chào thân ái. Bác biểu dương thành tích của Quảng Bình và Vĩnh Linh trong những năm kháng chiến chống Pháp và những năm sau hòa bình. Bác cũng nêu một số nhiệm vụ trước mắt phải làm để xứng đáng là hậu phương vững chắc vì tiền tuyến lớn miền Nam.
 
Ông kể, Bác Hồ căn dặn rất nhiều việc, nhưng có ý Bác Hồ phê bình mà với suy nghĩ của người nông dân lao động, ông cứ trăn trở và ghi nhớ mãi: Do liên tiếp mấy năm được mùa nên hơi chủ quan. Xem thường việc hoa màu, sợ làm ra ăn không hết. Không sợ. Nước ta thường có thiên tai bất ngờ (bão, lụt) nên thường hay bất ngờ mất mùa. Cho nên đã được mùa cũng cần phải chú ý trồng màu; rồi Bác nói: Cần trâu bò cày thì phải chăm nom, nhưng đồng bào khi cày thì cày mà không chăm nom, cho nên mùa rét qua, trâu bò đã chết rét rất nhiều…
 
Sau chuyến thăm của Bác Hồ, Tỉnh ủy Quảng Bình mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân. Đảng bộ xã Cảnh Hóa cũng như nhân dân cả tỉnh Quảng Bình thấm sâu lời dạy của Bác, ra sức thi đua phấn đấu giành thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng của giai đoạn mới. Trong đó, tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
 
Hưởng ứng phong trào của tỉnh, huyện và địa phương phát động, mang niềm tin và sức mạnh thôi thúc của dịp được gặp Bác Hồ ở TX. Đồng Hới, ông nội tôi càng tích cực hăng hái tăng gia sản xuất, chăn nuôi trâu bò. Do vậy, ruộng vườn do ông chăm sóc lúc nào cũng tốt tươi, trâu, bò của ông chăn nuôi béo chắc nịch. Ông luôn  ghi nhớ lời Bác Hồ căn dặn và tích cực miệt mài làm theo lời Bác từ những công việc rất gần gũi, thiết thực.
 
Do vậy, hàng năm, ngoài sản xuất bảo đảm cuộc sống cho gia đình, ông nội tôi còn đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, tích cực giúp bà con trong thôn, xóm xóa đói nghèo, đoàn kết thương yêu nhau, ông luôn là điển hình nông dân sản xuất giỏi, gương mẫu của xã nhà, được mọi người tin yêu kính trọng.
 
Trong những năm giặc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, cũng như cả tỉnh, xã Cảnh Hóa là một trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Tuy tuổi đã cao, sức yếu nhưng ông nội tôi vẫn cố gắng làm hết sức mình để đóng góp cùng con cháu và nhân dân địa phương vừa sản xuất vừa phục vụ chiến đấu. Ông vừa làm vừa căn dặn con cháu và bà con thôn xóm tích cực chăm sóc phục vụ tốt nhất cho bộ đội nơi ăn chốn nghỉ khi hành quân qua làng; chặt tre, cau trong vườn cho dân quân ngụy trang che chắn tàu chiến đấu trên sông Gianh; động viên con cháu lên đường đánh Mỹ…
 
Những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, mảnh đất Cảnh Hóa bị tàn phá nặng nề, song đây cũng là cơ hội “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Đảng bộ và nhân dân xã Cảnh Hóa đã phát huy truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bền gan, vững chí “một tấc không đi, một li không rời”, bám làng mà chiến đấu, bám hố bom mà sản xuất thâm canh.
 
Xã Cảnh Hóa đã làm nghĩa vụ cho nhà nước gần 400 tấn lương thực, 200 tấn thực phẩm, 6.000.000 viên ngói, 9.000.000 viên gạch, 4.500 tấn vôi, trên 100.000 sản phẩm gốm, sành, nhựa thông phục vụ cho Nhà nước và nhu cầu của nhân dân, góp phần chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong đó, chúng tôi luôn tự hào vì có một phần đóng góp của gia đình ông nội tôi.
 
Mỗi lần trò chuyện cùng con cháu, ông nội tôi đều căn dặn phải sống, lao động thật cần cù, đức hạnh, biết quý trọng thương yêu mọi người. Mỗi khi nhắc đến Bác Hồ, tôi thấy cử chỉ, sắc mặt của ông lại rạng ngời, vui vẻ, ông luôn nhớ và tự hào về kỷ niệm lần được gặp Bác Hồ tại sân vận động Đồng Hới năm 1957.
 
65 năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình mà ông nội tôi có dịp vinh dự được gặp Bác (16/6/1957), gần 50 năm ông nội tôi về cõi vĩnh hằng (1973), bây giờ đọc lại lịch sử dịp Bác Hồ vào thăm tỉnh, mỗi lần nhìn lên các tấm huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen treo trang trọng giữa phòng thờ, chúng tôi lại bồi hồi nhớ về hình ảnh cần cù, lam lũ và những công việc ông nội tôi đã làm cũng như những lời ông nội tôi căn dặn về học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, thế hệ chúng tôi càng trân quý thế hệ ông cha, một thế hệ nói ít làm nhiều, học và làm theo Bác Hồ từ những việc làm tưởng như bình thường nhất như “trồng hoa màu”, “đắp đê chống lũ”, “chăm sóc trâu bò để cày cấy”, “tiết kiệm từ củ khoai, bát gạo”… những việc không “đao to búa lớn” mà thiết thực và hiệu quả vô cùng.
Tân Phương

tin liên quan

Tổng Bí thư: Công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý phải tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, chống tham nhũng tiêu cực; phòng, chống tham nhũng cần phải nhuần nhuyễn hơn.
 

Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

(QBĐT) - Ngày 27/4, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức khai mạc hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Hội nghị được tổ chức kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sáng tạo trong "Dân vận khéo"

(QBĐT) - Phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở TP. Đồng Hới đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố ngày càng phát triển.