Học tập Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thực tiễn công tác dân vận hiện nay

  • 06:46 | Thứ Sáu, 14/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là học trò xuất sắc và gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hiểu rõ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “trọng dân”, “lấy dân làm gốc” của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc. Yếu tố nhân dân luôn bám rễ sâu trong tư tưởng, đạo đức sáng ngời và tư duy quân sự sắc bén, thiên tài của ông. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ góp phần quan trọng để làm tốt hơn công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay.
 
Ngay trong buổi đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp soạn thảo “Mười lời thề” cho đội. Trong đó có nhiều nội dung đề cập đến quan hệ quân-dân. Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lớn cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và toàn quân ta đưa quan hệ quân-dân trở thành một trong những nét đẹp truyền thống quý báu của QĐND Việt Nam, cũng như trong việc tạo dựng hình ảnh cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân.
 
Việc Đại tướng và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã góp phần quan trọng xây dựng một lực lượng quân đội đoàn kết, vững mạnh, đánh thắng mọi đội quân xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.
 
Với tư cách là Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ, noi gương và thực hiện lời căn dặn sâu sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “dĩ công vi thượng”, tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết; đồng thời, ông luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức. Điển hình, tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, tuy là người chỉ huy cao nhất được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao toàn quyền quyết định các vấn đề, nhưng trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng, bao giờ Đại tướng cũng đưa ra thảo luận ở tập thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, tham khảo ý kiến của đoàn cố vấn, nhằm tạo sự thống nhất cao trong tập thể. Và từ đó, Đại tướng đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, quyết định sự thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
 
Việc thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, lấy lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân làm nòng cốt để giành chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay cũng có sự đóng góp rất lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hết lòng yêu thương bộ đội. Với cán bộ, chiến sỹ dưới quyền, ông như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh, Đại tướng đã viết thư động viên, nhắc nhở và thăm hỏi tình hình sức khỏe của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong… Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn tại chiến trường, Đại tướng vẫn thường xuyên quan tâm, nhắc nhở lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị chăm lo sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội…
 
Đại tướng còn là người rất coi trọng nhân nghĩa, khoan dung đối với những cán bộ, chiến sỹ dưới quyền có khuyết điểm, cũng như khoan dung, độ lượng với cả kẻ địch đã đầu hàng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau trận đánh mở màn tiến công của ta vào cụm cứ điểm Him Lam, địch bị thương vong rất lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho cán bộ dưới quyền thảo ngay một bức thư chuyển cho chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ đề nghị cho người ra Him Lam nhận tử thương. Ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã chỉ thị cho các đơn vị dựng hàng chục chiếc lều từ vải dù trên cánh đồng Mường Thanh và dọc theo bờ sông Nậm Rốm để cứu chữa cho tù binh, hàng binh bị thương của địch…
 
Trong suốt sự nghiệp cách mạng cũng như sau khi đã về với đời thường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là tấm gương sáng ngời về sự nghiêm khắc, nhưng khiêm tốn, bình dị, bao dung và độ lượng. Khi có dịp đề cập đến thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, bao giờ và trước hết Đại tướng cũng nói đến vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; nhắc đến công lao, cống hiến của đồng đội, đồng chí, đồng bào cả nước. Ông rất khiêm tốn, ít khi kể về công lao, đóng góp của bản thân mình.
 
Trong cuộc sống thường ngày, Đại tướng cũng thường nói về cái tốt, cái đúng của đồng chí, đồng đội, mà ít khi thấy ông thanh minh bất cứ một vấn đề nào thuộc về bản thân mình. Để từ đó, những điều cao quý, tốt đẹp của Quân đội, của đồng chí, đồng đội ông ngày càng lan tỏa, nhân rộng trong thực tiễn công tác, góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của QĐND Việt Nam, đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”....
 
Những tư tưởng, tấm gương đạo đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi sáng ngời, trở thành “kim chỉ nam” sâu sắc, là những bài học, kinh nghiệm hết sức quý giá đối với cán bộ, đảng viên đang trực tiếp thực hiện công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay.
 
Trước hết, để làm tốt công tác dân vận, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ, noi gương và thực hiện lời căn dặn sâu sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, cốt cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Làm cách mạng là phải “dĩ công vi thượng”. Tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết.
 
Do vậy, trước khi ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, các cơ quan, đơn vị chủ trì ở các cấp nghiên cứu, xem xét, đánh giá thật khách quan chủ trương, chính sách đó có tác động trực tiếp như thế nào đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân tại các địa bàn có liên quan. Muốn ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách thực sự “dĩ công vi thượng”, thì đòi hỏi người mỗi cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham mưu, tổ chức thực hiện phải thường xuyên và trực tiếp sâu, sát cơ sở, nắm chắc địa bàn, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của nhân dân. Đó chính là yêu cầu rất cần thiết và kịp thời để chúng ta có được những chủ trương, chính sách thực sự vì dân, hợp lòng dân và phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển.
 
Học tập và làm theo tư tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về xây dựng mối quan hệ “quân với dân như cá với nước”, mỗi cán bộ, công chức, viên chức theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng phải thường xuyên bám nắm địa bàn, sâu sát cơ sở, từ đó xây dựng được mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền. Đây cũng chính là một trong những điều kiện, tiền đề hết sức quan trọng để làm tốt công tác dân vận, nhất là trong giai đoạn hiện nay. 
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng”. Học tập đường lối quân sự chiến tranh nhân dân của Đảng mà Đại tướng đã vận dụng sáng tạo và hiệu quả, trong thực tiễn công tác dân vận hiện nay, các cấp, ngành cũng phải biết huy động sự vào cuộc và sức mạng tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách. Kết quả thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thời gian qua hay các hoạt động thiết thực, cụ thể của đồng bào và cán bộ, chiến sỹ cả nước đang chung tay hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay cũng chính là những minh chứng cụ thể cho sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng...
 
Ngoài ra, tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tình cảm yêu thương và mối quan hệ gắn bó giữa người chỉ huy với cán bộ, chiến sỹ cấp dưới, về đức tính khiêm nhường, vị tha, nhân nghĩa hay sự bao dung, cao thượng của Đại tướng... cũng chính là những điều hết sức quý giá mà những người trực tiếp làm công tác dân vận cũng cần phải học tập, làm theo và vận dụng vào thực tiễn công tác.         
 
Trương Văn Hà
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)

tin liên quan

Quảng Ninh: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

(QBĐT) - Chiều 13/1, Huyện ủy Quảng Ninh tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) của Đảng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Quảng Trạch: Gặp mặt các bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng chòm

(QBĐT) - Sáng nay, 13/1, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Trạch tổ chức gặp mặt 346 đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng chòm trên địa bàn huyện. 

Thông qua quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(QBĐT) - Vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, quy hoạch tỉnh đã chủ trì phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.