Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ

  • 17:27 | Thứ Tư, 10/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiều nay, 10/7, phát biểu tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII đồng chí Ngô Thị Nhung, Tổ đại biểu huyện Quảng Ninh nhấn mạnh: Để có thể thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch cần tiếp tục tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 
 
Những tín hiệu vui
 
Những năm gần đây, du lịch Quảng Bình có sự phát triển ấn tượng. Thương hiệu Du lịch Quảng Bình ngày càng được khẳng định, đánh giá cao thông qua kết quả bình chọn của các tạp chí uy tín và sự hài lòng của du khách. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt hơn 2,4 triệu lượt khách, tăng 37,4% lần so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu lưu trú ước đạt 255 tỷ đồng, tăng gần 15,5% so với cùng kỳ.  
Đại biểu Ngô Thị Nhung thảo luận tại hội trường.
Đồng chí Ngô Thị Nhung thảo luận tại kỳ họp.
Một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng lớn đã đi vào hoạt động; các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, làm phong phú thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch. Trong đó, Làng du lịch Tân Hóa được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới”. Những con số trên cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng. Có thể nói, tỉnh Quảng Bình đã đưa ra những quyết sách đúng đắn để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Từng bước khẳng định thương hiệu Quảng Bình trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới. 
 
Riêng đối với địa bàn huyện Quảng Ninh, hưởng ứng các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, Quảng Ninh đã xây dựng và phát huy tinh thần “mỗi người dân là một hướng dẫn viên/đại sứ du lịch”, tích cực thực hiện Chương trình “35 trip Du lịch Quảng Bình” để truyền thông giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của du lịch; giới thiệu các sản phẩm du lịch và các điểm đến du lịch của tỉnh, huyện. Giới thiệu con người, vùng đất, văn hóa, ẩm thực Quảng Ninh trên các nền tảng số do Sở Du lịch quản lý, vận hành.
 
Các điểm du lịch sinh thái, du dịch tâm linh trên địa bàn huyện Quảng Ninh, như: Núi Thần Đinh, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trường Sơn-bến phà Long Đại, Nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà thờ danh tướng Hoàng Kế Viêm và bãi tắm Hải Ninh, khe Nước lạnh, hang động Sơn Bồi-khe Kiều, suối Chà Rào-Chà Cùng xã Trường Sơn. Gắn liền với đó là những lễ hội, sản phẩm ẩm thực đặc trưng được gìn giữ và phát triển đã thu hút được đông đảo du khách, trở thành tiềm năng, thế mạnh của huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thu hút hơn 50.000 lượt khách đến tham quan vãn cảnh, trải nghiệm, vui chơi, giải trí.
 
Thiếu nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ
 
So với yêu cầu hiện nay nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng; đòi hỏi các cấp, các ngành và doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần có quyết tâm lớn, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện.   
Nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) điểm đến tâm linh của nhiều du khách khi đến Quảng Bình.
Nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh)-điểm đến tâm linh của nhiều du khách khi đến Quảng Bình.
Đồng chí Ngô Thị Nhung cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần phải có đội ngũ lao động chất lượng cao, số lượng đủ, cơ cấu hợp lý gồm những nhà quản lý, nhân viên du lịch lành nghề, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và có tinh thần trách nhiệm. Đến cuối năm 2022, toàn ngành Du lịch Quảng Bình có khoảng 4.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp. Tuy nhiên, lực lượng lao động ngành Du lịch nghiệp vụ còn thấp, hiệu quả lao động, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chăm sóc khách hàng, trình độ ngoại ngữ chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; đội ngũ có chuyên môn cao, tay nghề giỏi chiếm tỷ lệ khá thấp. Người lao động sử dụng được ngoại ngữ tại các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành, các cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch chỉ chiếm khoảng 30-35% tổng nhân lực. 
 
Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động phù hợp với vị trí công việc, thường phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc. Mặt khác, du lịch Quảng Bình ngoài mô hình “Làng du lịch Tân Hóa” thì phần nhiều vẫn mang tính thời vụ do điều kiện thời tiết, khiến nhiều nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải dịch chuyển sang các lĩnh vực khác nhằm tìm kiếm việc làm ổn định hơn, việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ. Có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực đang là một vấn đề bất cập, là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Quảng Bình chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. 
 
Một số giải pháp
 
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cần có sự tăng trưởng mạnh mẽ về chất lượng, số lượng nhân lực. Các giải pháp được đồng chí Ngô Thị Nhung đề xuất là:
 
Tăng cường công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức thích hợp, đưa hình ảnh du lịch Quảng Bình đến thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường khách nội địa, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu thị trường khách quốc tế.  
Đào tạo ngành kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường trung cấp Du lịch công nghệ số 9.
Đào tạo ngành kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường trung cấp Du lịch công nghệ số 9.
Bên cạnh chiến lược về đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phát triển thị trường, sản phẩm, cần khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch với lộ trình thực hiện cụ thể. Đặc biệt là nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao phù hợp với ngành kinh tế mũi nhọn. 
 
Phát triển kênh thông tin thị trường lao động du lịch; cập nhật kịp thời các thông tin về cơ hội việc làm trong các tổ chức, cơ quan nhà nước và các đơn vị kinh doanh về du lịch trên địa bàn tỉnh. 
 
Đồng thời, thu hút nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và cơ cấu ngành nghề. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, tay nghề giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành Du lịch. Hình thành đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; chú trọng đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. 
 
Nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ngành Du lịch theo hướng hội nhập. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đối tượng đang tham gia hoạt động du lịch thường niên để cập nhật kiến thức, chiến lược phát triển du lịch tổng thể và tạo điều kiện giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến thực tế để hoàn thiện các kế hoạch phát triển nhân lực du lịch dài hơi của tỉnh. Đặc biệt, đào tạo thêm kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách quốc tế để đón nhận những làn sóng khách quốc tế đến với Quảng Bình ngày càng tăng trong các năm sắp tới.
Nội Hà (lược ghi)

tin liên quan

Dạy bơi miễn phí cho thiếu nhi Làng trẻ em SOS Đồng Hới

(QBĐT) - Sáng 10/7, Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp với Câu lạc bộ Trần Thọ Swimming tổ chức khai mạc lớp dạy bơi và phòng, chống đuối nước miễn phí cho thiếu nhi Làng trẻ em SOS Đồng Hới.

 

"Hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT"

(QBĐT) - Được triển khai từ tháng 11/2023, đến nay, mô hình "Hội viên, phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế" ngày càng chứng minh được tính hiệu quả.

Niềm vui của người hưởng lương hưu

(QBĐT) - Từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng 15%. Đây là mức tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cao nhất từ trước đến nay, được áp dụng cho người đang hưởng lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…