icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên dược liệu

  • 07:35 | Thứ Hai, 08/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm phát triển sự đa dạng sinh học, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên dược liệu, Trường THPT Lê Quý Đôn (Bố Trạch) đã xây dựng thành công mô hình điểm vườn cây dược liệu phục vụ dạy học. Qua đó, góp phần tích cực trong bảo vệ, phục hồi và phát triển cây thuốc nam, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các loài cây thuốc quý; đồng thời, nhân rộng ra các trường học, các địa phương trong toàn tỉnh.
 
Theo nghiên cứu và qua thực tế chứng minh, Quảng Bình được đánh giá là vùng đất có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng làm thuốc; trong đó có nhiều loài cây thuốc quý... Tuy nhiên, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cây dược liệu nuôi trồng đang bị thu hẹp hoặc phát triển một cách tự phát mất cân đối. Trước thực trạng đó, trên cơ sở khoa học, Trường THPT Lê Quý Ðôn đã thực hiện nhiệm vụ: Nghiên cứu, tuyển chọn một số loài cây thuốc nam, xây dựng vườn cây dược liệu phục vụ dạy học.
 
Triển khai từ tháng 10/2023, đến nay, Trường THPT Lê Quý Đôn đã thiết kế, xây dựng vườn cây dược liệu thuộc danh mục quy định; khảo sát thực địa, tuyển chọn, thu thập cây giống, hạt giống, lựa chọn địa điểm triển khai mô hình; quy hoạch vườn, cải tạo đất, bón phân lót, bón vôi, chuẩn bị các loại cây trồng; phủ bạt, làm giàn, trồng cây, gieo hạt, cắm cọc cho cây dây leo; lắp đặt hệ thống tưới; trồng các loài cây dược liệu theo bản thuyết minh và trồng thêm các loài cây dược liệu trong danh mục cây thuốc nam của Bộ Y tế. Qua quá trình thực nghiệm chăm sóc, theo dõi, đánh giá, cho thấy khả năng sinh trưởng, thích nghi và phòng trừ sâu bệnh của các loài cây thuốc nam cơ bản phát triển tốt.
Vườn cây dược liệu xanh tốt của Trường THPT Lê Quý Đôn (Bố Trạch).
Vườn cây dược liệu xanh tốt của Trường THPT Lê Quý Đôn (Bố Trạch).
“Hiện nay, ở Bố Trạch cũng như Quảng Bình, các nguồn cây làm thuốc trong tự nhiên gần như bị cạn kiệt. Xuất phát từ tình hình thực tiễn, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tâm huyết xây dựng mô hình trồng vườn cây dược liệu trong khuôn viên trường. Từ đó, vừa bảo tồn nguồn gen các cây thuốc quý cũng như phục vụ hiệu quả cho học sinh lao động, học tập và trải nghiệm. Thông qua mô hình này, phụ huynh, học sinh, cán bộ y tế, hội đông y trên địa bàn huyện, tỉnh… tham khảo lấy nguồn giống dược liệu để trồng ở gia đình, địa phương. Với số lượng và chủng loại phong phú về cây thuốc, mô hình cũng có thể cung cấp giống, phát triển nhân rộng ra các địa bàn, trường học, trạm y tế trong toàn tỉnh”, thầy giáo Võ Văn Hùng, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ.
 
Với diện tích là 1.200m2, mô hình vườn dược liệu thực hiện trồng trên 500 cây với 55 loài thuốc nam có giá trị sử dụng cao, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện sinh thái ở Quảng Bình thuộc 4 nhóm: Cây dây leo, cây thân gỗ cao, cây thân gỗ thấp, cây thân bụi.
Theo thầy giáo Nguyễn Phú Hữu, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, từ kết quả ban đầu, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tuyên truyền cho học sinh về mục đích, ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện vườn cây dược liệu; tăng cường nghiên cứu khoa học trong học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Đồng thời, trường sử dụng vườn cây để triển khai một số nội dung, hoạt động dạy học trong chương trình giáo dục...
 
“Để mô hình được nhân rộng, phát huy hiệu quả, Trường THPT Lê Quý Đôn rất mong các cấp ngành, đặc biệt là Sở Khoa học-Công nghệ tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí… để nhà trường triển khai một số hạng mục; đặc biệt là cải tạo, nâng cấp, sửa chữa vườn cây, lối đi vào và hàng rào bao quanh khuôn viên vườn cây dược liệu…”, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Nguyễn Phú Hữu bày tỏ mong muốn.
 
“Mô hình vườn cây dược liệu phục vụ dạy học của Trường THPT Lê Quý Đôn bước đầu đã góp phần tích cực trong bảo vệ, phục hồi và phát triển cây dược liệu, bảo tồn nguồn gen các cây thuốc quý... Ngay sau khi thực hiện thành công nhiệm vụ, mô hình sẽ nhân rộng cho người dân, trường học, trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh và có thể cung cấp nguồn giống dược liệu cho thị trường nếu được đầu tư bài bản. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức cho cộng đồng trong việc bảo tồn, phát triển, sử dụng cây thuốc nam một cách hiệu quả; đồng thời, tạo việc làm cho nhiều lao động thuộc các lĩnh vực, như: Trồng trọt, chế biến, vận chuyển và kinh doanh liên quan đến dược liệu…”, Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Phan Thanh Nghiệm khẳng định.
Hương Trà

tin liên quan

Mảng băng Nam Cực đang tan nhanh đến mức không thể dự báo mực nước biển dâng

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh chỉ ra mang băng Nam Cực đang tan chảy theo một tốc độ mà các mô hình khoa học dự đoán nước biển dâng từ trước đến nay không thể áp dụng và dự báo.

Tàu Thường Nga-6 trở về Trái Đất mang theo những mẫu vật đầu tiên từ vùng khuất của Mặt Trăng

Chiều 25/6, tàu vũ trụ Thường Nga-6 đã hạ cánh xuống bãi đáp Siziwang Banner ở vùng sa mạc khu tự trị Nội Mông (miền Bắc Trung Quốc), mang theo các mẫu đất và đá thu thập được từ vùng khuất của Mặt Trăng.

Viettel eKYC phát hiện tuyệt đối các hành vi gian lận bằng giả mạo khuôn mặt

Hệ thống sinh trắc học, nhận diện khuôn mặt của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là Viettel eKYC đã phát hiện tuyệt đối các hành vi gian lận bằng giả mạo khuôn mặt 2D, 3D.