Hơn cả tình thương!

  • 08:15 | Thứ Ba, 11/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bằng trách nhiệm, tình yêu thương và trên hết là sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia, nhiều năm qua, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh đã dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật (NKT). Những ân cần, yêu thương ấy đã góp phần giúp NKT có thêm động lực đương đầu với sự nghiệt ngã của số phận để bước trên hành trình cuộc đời đầy chông gai nhưng không hề đơn độc.
 
Như một phép màu
 
Đến bây giờ, có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện về cô bé Dương Thùy Nhi (SN 2013), đứa trẻ bất hạnh vừa sinh ra đã bị bỏ rơi vì bị đa dị tật nặng, tim nằm bên phải. Người mẹ trẻ sau khi sinh, thấy con chân tay co quắp, không có phản xạ bú, nuốt, cơ hàm không hoạt động thì lẳng lặng bỏ đi không một lời từ biệt.
 
Thương cảm sinh linh bé nhỏ quá nhiều thiệt thòi, các y bác sĩ đã chăm sóc, nuôi dưỡng Thùy Nhi suốt gần 4 năm tại đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý thuộc Khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Đến cuối năm 2016, Thùy Nhi chính thức được Trung tâm CTXH tỉnh (lúc đó là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) tiếp nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng.
 
Suốt 8 năm qua, nhờ sự chăm sóc ân cần, chu đáo của những người mẹ đặc biệt nơi đây, sức khỏe Thùy Nhi ngày càng tiến triển. Ít ai ngờ được rằng, cô bé dị tật nặng ngày nào giờ đây đã là một đứa trẻ thông minh, sáng dạ.
 
Theo anh Nguyễn Thanh Chương, phụ trách Trung tâm CTXH tỉnh, ngày mới vào trung tâm, hệ vận động của Thùy Nhi rất yếu, tay không thể cầm nắm được, ăn uống phải qua đường bơm. Theo thời gian, mọi thứ chuyển biến như một phép màu. Giờ đây, Thùy Nhi không chỉ tự cầm thìa ăn cơm, tự vệ sinh cá nhân, cầm nắm được mọi thứ mà em còn thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu-đi học.
 
Thùy Nhi được đi học tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật TP. Đồng Hới và năm học tới, em sẽ vào lớp 2. Điều đáng mừng hơn, năm học 2023-2024, Thùy Nhi là một trong những học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc của trường. Chừng ấy thôi cũng đủ thấy những nỗ lực của các cán bộ, nhân viên Trung tâm CTXH tỉnh, bởi lẽ, chăm sóc một đứa trẻ khuyết tật lại là khuyết tật nặng như Thùy Nhi khó khăn gấp nhiều lần so với chăm sóc một đứa trẻ bình thường.
Cô bé Thùy Nhi bị dị tật nặng ngày nào giờ đã là một đứa trẻ thông minh, sáng dạ.
Cô bé Thùy Nhi bị dị tật nặng ngày nào giờ đã là một đứa trẻ thông minh, sáng dạ.
“Mọi việc từ ăn, ngủ, sinh hoạt, phục hồi chức năng cho cháu đều được các mẹ chăm chút cẩn thận. Tính ra, cháu có rất nhiều ba, mẹ. Trước đây là các mẹ ở Khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Còn bây giờ, cháu có thêm những 5 người cha và 32 người mẹ tại trung tâm. Tất cả đều dành cho cháu sự quan tâm, yêu thương hết lòng”, Thùy Nhi bảo.
 
Tiếp xúc, trò chuyện và nhìn nụ cười luôn thường trực trên môi cô bé giàu nghị lực ấy, chúng tôi hiểu rằng, cuộc sống với em bây giờ tuy không thể vẹn tròn nhưng luôn đầy ý nghĩa, bởi em được sống trong sự quan tâm và những yêu thương rất đỗi chân thành, ấm áp.
 
Không chỉ là trách nhiệm
 
Như thường lệ, một ngày làm việc của chị Đinh Thị Thanh (SN 1995), Phòng Quản lý chăm sóc và phục hồi chức năng đối tượng, Trung tâm CTXH tỉnh, bắt đầu từ sáng sớm. Sau khi lo cho hai đứa con nhỏ đến trường, chị lại tất tả đến nơi làm việc cho kịp giờ làm. Hôm nào đúng ca trực trẻ, chị phải dậy sớm hơn 1 tiếng đồng hồ để chuẩn bị.
 
Hôm chúng tôi đến, đúng ca trực trẻ của chị. Lo cho các cháu vệ sinh, ăn uống xong, chị lại bắt tay vào trị liệu, phục hồi chức năng cho em Ngô Ngọc Nghĩa (SN 2000), bị khuyết tật hệ vận động không thể đi lại. Nghĩa được trung tâm tiếp nhận từ năm 2022 với thể trạng rất yếu nên việc tập luyện, phục hồi chức năng cho em gặp rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng như không thể cứu vãn.
 
Ấy thế mà, với sự chăm sóc tận tình của mẹ Thanh và các mẹ tại trung tâm, sức khỏe Nghĩa ngày càng tiến triển tốt, bây giờ em đang được tập di chuyển bằng nạng. Nhìn cách chị Thanh chăm sóc, nấn bóp nhẹ nhàng, tỉ mẩn cho Nghĩa, chúng tôi hiểu, đó không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm.
 
“Thương lắm chị ạ! NKT, đặc biệt là trẻ khuyết tật chịu rất nhiều thiệt thòi nên ngoài trách nhiệm, chúng tôi luôn chăm sóc họ bằng tình yêu thương, sự quan tâm hết lòng”, chị Thanh chia sẻ.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh luôn tận tâm chăm sóc người khuyết tật.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh luôn tận tâm chăm sóc người khuyết tật.
Đến Trung tâm CTXH tỉnh, điều khiến chúng tôi ấn tượng, cảm động hơn cả là tình yêu thương chan hòa, ấm áp mà các cán bộ, nhân viên trung tâm dành cho những phận đời kém may mắn. Cũng như chị Thanh, mọi người ở đây đều dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho NKT và các đối tượng yếu thế đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm. Có lẽ ít ở đâu, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật có nhiều người mẹ, người cha và người cao tuổi có nhiều con, cháu như ở đây. Tình cảm họ dành cho nhau chẳng khác nào tình thân.
 
Anh Nguyễn Thanh Chương bảo, trung tâm như một gia đình lớn, một gia đình đặc biệt mà ở đó, niềm vui của người cha, người mẹ không phải là thấy con cái đỗ đạt thành tài, mà đôi khi rất đỗi giản đơn-con biết tự cầm thìa ăn cơm, tự bước chập chững trên đôi chân tật nguyền, con ê a đánh vần, học chữ… Và để có được những niềm vui ấy, các cán bộ, nhân viên trung tâm phải rất nỗ lực, cố gắng.
 

Trung tâm CTXH tỉnh hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 38 NKT, trong đó có 12 NKT đặc biệt nặng, 17 NKT nặng và 9 NKT nhẹ.

Với NKT, để họ vơi đi cảm giác mặc cảm, tự ti, ngoài việc chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc, phục hồi chức năng, trung tâm còn rất quan tâm đến đời sống tinh thần. Hiện tại, Câu lạc bộ NKT được trung tâm thành lập thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, đọc báo, thể dục dưỡng sinh… để NKT cùng nhau sinh hoạt. Mỗi người đến với trung tâm có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều nhận được sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc như người thân trong gia đình, giúp họ vơi đi nỗi đau, mặc cảm để vươn lên hòa nhập cộng đồng.

“Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực để NKT nói riêng và những người yếu thế nói chung nhận được sự quan tâm, chăm sóc tốt nhất có thể. Và để làm được điều đó, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm, bởi lẽ, hiện nay, công tác chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại trung tâm vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu thốn về cơ sở vật chất; cơ chế, chính sách miễn, giảm học phí cho trẻ khuyết tật đi học tại các cơ sở giáo dục vẫn còn hạn chế…” anh Nguyễn Thanh Chương, phụ trách Trung tâm CTXH tỉnh chia sẻ.

Tâm An

tin liên quan

Phấn đấu có ít nhất 3.600 trẻ em từ 6-15 tuổi được dạy bơi an toàn

(QBĐT) - Sáng nay, 10/6, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc họp Ban điều phối dự án 3 cấp và hướng dẫn triển khai các hoạt động thuộc dự án "Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững phòng chống đuối nước trẻ em" giai đoạn 2024-2025 tại tỉnh Quảng Bình.
 

Vơi bớt gánh nặng tuổi già

(QBĐT) - Là chính sách an sinh xã hội giàu tính nhân văn, bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng thu hút nhiều lao động tham gia. 

Tỷ lệ cứu hộ thành công động vật hoang dã đạt gần 92%

(QBĐT) - Hiện nay, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đang chăm sóc và cứu hộ 73 cá thể động vật hoang dã, với tỷ lệ cứu hộ thành công đạt gần 92%.