Phòng, chống đuối nước cho trẻ em:

Đừng để nỗi đau còn mãi

  • 08:09 | Thứ Bảy, 20/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tuyên Hóa là huyện miền núi, địa hình nhiều ao hồ, sông suối chảy qua. Vì vậy, nguy cơ trẻ em bị đuối nước rất cao. Trong khi đó, mùa nắng nóng là thời điểm thường xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, nhất là trẻ em.
 
Nỗi đau đuối nước
 
Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 20 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Điều đáng nói, hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra vào thời điểm trẻ em đang nghỉ học, thiếu sự quản lý, theo dõi của gia đình. Xin nhắc lại, ngày 17/3/2020, trên địa bàn xã Thạch Hóa xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 2 anh em ruột T.Đ.H. (10 tuổi) và T.M.H. (7 tuổi) tử vong. Theo đó, T.Đ.H. và T.M.H. ở xã Phong Hóa, nhưng ba mẹ đều đi làm ăn xa. Hai em phải sống với ông bà nội.
 
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa Hoàng Văn Phúc cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các trường học triển khai, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trong trường học, bảo đảm sâu sát đến mỗi lớp học, học sinh. Trước kỳ nghỉ hè, các trường cũng sẽ phối hợp với gia đình và địa phương để bàn giao học sinh, bảo đảm các em được giám sát, quản lý chặt chẽ trong thời gian nghỉ học. Đối với 2 trường có bể bơi là Trường tiểu học Xuân Mai, xã Mai Hóa và Trường tiểu học Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, chúng tôi yêu cầu các trường tổ chức dạy bơi cho các em. Tuy nhiên hiện tại, việc dạy bơi trong trường học trên địa bàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu kinh phí và bể bơi”.
Trong thời gian đang nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, hai anh em lên nhà ông bà ngoại ở xã Thạch Hóa để chơi. Trưa 17/3, Đ.H. và M.H. rủ nhau ra đập nước Cây Xoài ở gần nhà ông bà ngoại chơi thì bị trượt chân xuống hồ dẫn đến đuối nước. Khi mọi người phát hiện ra vụ việc thì cả hai em đều đã tử vong.
 
Tương tự, vào tháng 5/2019, trên địa bàn xã Thanh Thạch cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 3 học sinh tử vong.
 
Trước đó, sau khi dự lễ tổng kết năm học, một nhóm học sinh THCS đã rủ nhau ra sông Gianh (thuộc địa phận xã Thanh Thạch) để tắm. Trong lúc tắm, 3 em học sinh nữ, gồm: N.T.H.T., N.C.L. và N.T.H., cùng sinh năm 2007 không may bị đuối nước. Sau khi nghe tiếng hô hoán, nhiều người dân ở gần đó xuống sông để cứu nhưng khi đưa các em lên bờ thì cả 3 em đã tử vong.
 
Cuối tháng 6/2022, trên địa bàn thị trấn Đồng Lê cũng có một cháu bé bị đuối nước. Nạn nhân được xác định là cháu B.Th.H. (SN 2014). Trước đó, khoảng 12 giờ trưa ngày 24/6/2022, gia đình cháu H. phát hiện cháu không về nhà, nên đã đi tìm. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, người dân đã tìm thấy thi thể cháu ở khe nước gần nhà.
 
Điều đáng tiếc là hầu hết các vụ việc trẻ em đuối nước, khi được phát hiện thì mọi sự đã muộn màng. Rõ ràng, nỗi đau trẻ em đuối nước không còn là chuyện của riêng ai, mà là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, cần sự vào cuộc có trách nhiệm của mỗi gia đình và cộng đồng.
 
Cần sự vào cuộc có trách nhiệm
 
Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tâm cho biết, UBND xã đã triển khai cho các tổ chức, đơn vị, trường học trên địa bàn các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Hiện, trên địa bàn xã có 5 địa điểm, khu vực sông suối, ao hồ người dân và trẻ em thường đến tắm.
 
“Các địa điểm, sông suối này đều ở gần khu dân cư, nên người dân và trẻ em thường đến tắm. Vì vậy, chúng tôi đang tổ chức cắm biển cảnh báo cấm tắm”, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tâm cho hay. 
Dạy bơi trong trường học là một trong những biện pháp phòng, chống đuối nước hiệu quả cho trẻ em.
Dạy bơi trong trường học là một trong những biện pháp phòng, chống đuối nước hiệu quả cho trẻ em.
Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa Trần Văn Bằng, hiện trên địa bàn xã có 3 địa điểm, khu vực nguy hiểm, trẻ em thường tự ý đến tắm. Bên cạnh việc cắm biển cảnh báo, xã giao cho lực lượng thanh niên và Công an xã bám sát các địa điểm nói trên để thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Tuy nhiên, để phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em hiệu quả, đòi hỏi mỗi một gia đình phải chủ động theo dõi, giám sát và nhắc nhở con em mình không được tự ý tắm sông, suối, ao hồ để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
 
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa Lương Công Đức cho biết, ngay từ đầu tháng 4/2023, UBND huyện Tuyên Hóa đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm hạn chế tai nạn đuối nước xảy ra ở trẻ em.
 
Theo đó, UBND huyện yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đặc biệt là tuyên truyền gia đình thường xuyên quan tâm, theo dõi, giám sát các hoạt động của con em, không được tự ý tắm ao hồ, sông suối, kênh mương, nhằm phòng ngừa nguy cơ xảy ra đuối nước.
 
Cùng với đó, các địa phương cần rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm (hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước…) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước trên địa bàn và triển khai lắp đặt các biển cảnh báo, rào chắn.
 
D.C.H

tin liên quan

Để mùa hè không còn nỗi lo đuối nước

(QBĐT) - Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ là do không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng về an toàn trong môi trường nước.

Triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

(QBĐT) - Ngày 19/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

TP. Đồng Hới: Nâng cao kỹ năng cứu hộ, cứu nạn tại bãi tắm biển

(QBĐT) - Sáng 19/5, tại bãi biển Nhật Lệ, Đội Quy tắc và Trật tự đô thị TP. Đồng Hới tổ chức tập huấn xử lý tình huống và phương pháp cứu đuối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm biển trên địa bàn thành phố.