Khi ngư dân đưa rác thải vào bờ

  • 21:33 | Chủ Nhật, 08/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dưới sự tài trợ của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), trong khuôn khổ dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam'', mô hình “Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom rác vào bờ và bảo vệ môi trường" xã Bảo Ninh, Quang Phú và phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) được triển khai. Qua đó, đem lại những tín hiệu tích cực làm thay đổi suy nghĩ, hành động và thói quen của ngư dân, của cộng đồng đối với rác thải từ nhựa.
 
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại rác thải từ nhựa không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người mà còn là nguy cơ cho hệ sinh thái nói chung, đặc biệt là đại dương. Các xã Bảo Ninh, Quang Phú và phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) là những địa phương tiếp giáp với bờ biển với đa số người dân tham gia nghề đánh bắt hải sản và có nhiều cơ sở đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Chính vì thế, các địa phương này được chọn triển khai mô hình "Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom rác vào bờ và bảo vệ môi trường" là hết sức thiết thực và ý nghĩa.
 
Đến nay, trên địa bàn thực hiện dự án đã có 400 tàu thuyền ký cam kết thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ; có 2.224kg rác thải nhựa được ngư dân mang từ biển vào bờ, trong đó có 1.910kg rác tái chế và 314kg rác không tái chế.
Hiện tại, TP. Đồng Hới có gần 1.500 tàu thuyền và hơn 4.600 thuyền viên đang tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Điều này đồng nghĩa với việc các đồ dùng bằng nhựa để bảo quản lương thực, thực phẩm cho các chuyến ra khơi của ngư dân là rất lớn và hầu như bị thả xuống biển sau khi sử dụng.
 
Theo các chủ tàu thuyền, mỗi tháng tàu thuyền ra khơi một lần, bình quân phải mang theo khoảng 5 thùng mì tôm, 5 thùng nước ngọt, nhiều thùng bia, khoảng 30 túi ni lon đựng thức ăn, 1 thùng bánh kẹo 10 gói, 1 thùng sữa, muối, mì chính và nhiều vật dụng sử dụng bằng ni lon khác. Toàn bộ rác thải nhựa từ lâu cơ bản đều bỏ xuống biển do ý thức từ thuyền viên chưa cao, các thuyền chưa trang bị dụng cụ đựng rác, việc xử lý rác cũng phức tạp.
 
Từ tháng 8/2021-3/2022, dưới sự tài trợ của WWF,Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và môi trường bền vững (SEEDS) đã triển khai mô hình vận động ngư dân mang rác từ biển vào bờ tại xã Bảo Ninh. Mặc dù thời gian triển khai ngắn và quy mô dự án nhỏ nhưng bước đầu đã có các kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân địa phương.
 
Đến nay, xã Bảo Ninh đã có 220 tàu, thuyền đánh bắt xa bờ tham gia dự án và chấp hành nghiêm túc việc thu gom rác thải từ biển vào bờ sau mỗi chuyến đi biển về. Đặc biệt, số rác thải từ thuyền đã được Hội LHPN xã Bảo Ninh phân công các chi hội gom lại để bán phế liệu, xây dựng quỹ “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, dành để tặng quà cho trẻ em và phụ nữ nghèo trên địa bàn xã, thăm hỏi các trường hợp ốm đau, đỡ đầu cho các cháu mồ côi tại địa phương.
 
Với những hiệu quả tích cực, tháng 9-12/2022, SEEDS tiếp tục triển khai mô hình tại phường Hải Thành, xã Quang Phú, Bảo Ninh. Mô hình đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng, đặc biệt là các chủ tàu thuyền, ngư dân. 
Ngư dân xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đem rác thải vào bờ.
Ngư dân xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới đem rác thải vào bờ.
Ngay từ khi triển khai thực hiện, mô hình đã tổ chức các buổi truyền thông đến chị em phụ nữ và các chủ tàu thuyền ở địa phương. Bằng hình thức trực quan sinh động, các buổi truyền thông đã truyền đạt đến các chị em phụ nữ và các chủ tàu thuyền những thông tin về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường cũng như cách phân loại, tái chế rác thải nhựa an toàn cho sức khỏe và thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Cũng từ đó, chị em phụ nữ và các chủ tàu thuyền trở thành những tuyên truyền viên tích cực đến các thành viên trong gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, thái độ hành vi của người dân về rác thải nhựa.
 
Ông Lê Trung Lợi, thôn Tân Phú, xã Quang Phú cho biết: Thường mỗi chuyến biển, tàu của tôi đi trong khoảng 7-9 ngày nên chuẩn bị rất nhiều thức ăn, nước uống tiện lợi. Theo thói quen, sau khi sử dụng, một phần vỏ thức ăn, nước uống dạng bao bì, lon, chai nhựa, tôi và các thuyền viên thường vứt xuống biển. Điều này gây ảnh hưởng môi trường và đa dạng sinh học biển, nhất là hệ san hô ở vùng đáy. Từ khi mô hình được triển khai, chúng tôi đã nhận thức được những hệ lụy từ việc xả thải ra đại dương. Thu gom rác thải trên tàu không chỉ góp phần bảo vệ môi trường biển mà nguồn lon, chai nhựa thu gom có thể bán, tạo quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn tại địa phương.
 
Bên cạnh các lớp truyền thông, mô hình đã tổ chức các buổi tập huấn đan túi lưới cho chị em phụ nữ và nông dân các địa phương. Tại đây, các học viên được hướng dẫn kỹ thuật đan túi lưới đựng rác trên tàu thuyền và túi lưới dùng để đi chợ.
 
Chị Đinh Thị Tuyết Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Phú cho biết: Nguyên liệu để đan những túi lưới này chính là những tấm lưới đánh cá đã qua sử dụng. Thay vì vứt bỏ xuống đại dương, những tấm lưới đánh cá đã hư hỏng được ngư dân đem về bờ và đan thành túi đựng rác, túi đi chợ rất tiện lợi. Mô hình “Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom rác vào bờ và bảo vệ môi trường" phát động đã làm thay đổi nhận thức, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong ngư dân. Mọi người bắt đầu có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, sau đó mang về tận nhà để chúng tôi phân loại. Thời gian tới, bên cạnh các tàu cá đánh bắt xa bờ, chúng tôi tiếp tục vận động các tàu đánh bắt gần bờ thực hiện mô hình này.
 
Tư vấn dự án WWF tại Quảng Bình, ông Phạm Mậu Tài cho biết: Mặc dù mới được triển khai nhưng mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về rác thải nhựa, từ đó thay đổi hành vi, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường. Bên cạnh các lớp tuyên truyền, vận động, mô hình còn tổ chức được 2 khóa tập huấn kỹ thuật đan túi lưới cho 40 học viên tại xã Quang Phú và phường Hải Thành; hỗ trợ 700 túi lưới cho 400 tàu, thuyền đi biển; thực hiện thu gom rác thải theo hình thức các chủ tàu, thuyền đóng góp lưới tận dụng từ lưới hỏng và dự án hỗ trợ chi phí ngày công đan túi lưới; hỗ trợ 10 thùng rác loại 240l đặt tại các bến tàu, thuyền, cảng cá thuận tiện thu gom rác thải…
 
Thành công của mô hình là cơ sở để lan tỏa ra các khu vực khác, khơi dậy ý thức của cộng đồng trong việc làm sạch môi trường, bảo vệ môi trường sống, chung tay bảo vệ biển, đảo quê hương.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Chưa biết sợ!

(QBĐT) - Giờ tan trường, chị P. thấy con chạy ra nhưng vẻ mặt xịu xọ, nhăn nhó.

Tặng 200 suất quà Tết cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn

(QBĐT) - Sáng 8/1, đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao 200 suất quà Tết cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Quảng Bình.

Đại biểu quốc hội: Cần kiểm soát hoạt động đăng kiểm bằng "còi và roi"

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, cần nhìn nhận những sai phạm của đăng kiểm thời gian qua; nên tách dịch vụ đăng kiểm ra khỏi mối liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước.