Liên kết di sản, nâng tầm lễ hội

  • 09:16 | Thứ Tư, 14/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm, biến thiên, đã có lúc tưởng chừng bị mai một, lễ hội mừng cơm mới (LHMCM) của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) không chỉ được phục dựng thành công mà còn được bảo tồn, phát huy và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia. Đây chính là “cơ hội vàng” để những giá trị của lễ hội được nâng tầm, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hút khách, góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào.
 
Tự hào di sản
 
Với đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, ngày 18/11/2023 trở thành một ngày đặc biệt, bởi đó là ngày LHMCM của họ được tôn vinh là DSVHPVT quốc gia. Tại bản Khe Giữa, địa điểm tổ chức lễ đón nhận, người dân khắp các bản làng tề tựu, tất bật chuẩn bị cho ngày trọng đại của quê hương. Từ sáng sớm, không khí rộn ràng đã lan khắp bản. Các chị, các mế dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị củi lửa, nấu cơm, thổi xôi, luộc khoai, sắn… Đám thanh niên trai tráng làm lợn, mổ gà, tiếng cười nói râm ran. Khói bếp vương vít bay lên từ chái bếp của người dân trong bản quyện với mùi thơm của các món ăn truyền thống như xua tan tiết lạnh ngày đông. Niềm hân hoan hiện hữu trên gương mặt mỗi người.
 
Già làng Hồ Nham (bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy) chia sẻ, đến bây giờ, già cũng không thể nhớ hết mình đã trải qua bao nhiêu mùa LHMCM, nhưng đây là lần đầu tiên nó mang một ý nghĩa, một sắc thái đặc biệt như thế. Lễ hội được trình diễn hôm nay không chỉ mang ý nghĩa tâm linh như bình thường mà đó là lễ hội của niềm tự hào và lòng kiêu hãnh mà đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây sẽ lưu giữ như một mốc son trên hành trình phát triển của quê hương, bản làng.
 
Được tổ chức vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm, khi vụ mùa kết thúc để bước vào một vụ mùa mới, LHMCM của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, vụ mùa bội thu, đồng thời cầu cho mùa màng luôn tốt tươi, nhà nhà, người người đều dồi dào sức khỏe. Lễ hội có 2 phần, gồm phần lễ với các nghi thức có “tính thiêng” và phần hội với các trò chơi dân gian, như: Xà hùa, đẩy gậy, kéo co… và diễn xướng văn nghệ dân gian với các làn điệu Xà nớt, Tà oải…
 
Ngay sau lễ hội, dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ. Trong bữa cơm mới đầm ấm, sum vầy bên ly rượu cần thơm nồng, sau lời chúc sức khỏe là những câu chuyện về quá khứ đã qua cùng lời nhắn nhủ, răn dạy của trưởng họ, các già làng và của bố mẹ dành cho con cháu. Trong không gian tưng bừng, nhộn nhịp, đất trời và lòng người giao hòa, dường như con người cũng trở nên khoáng đạt hơn, ai ai cũng rạng rỡ nụ cười, không có chỗ cho những lo toan thường nhật.
Trình diễn lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).
Trình diễn lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).
Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái khẳng định, LHMCM của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy thể hiện rõ ý chí, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tôn vinh giá trị lao động, góp phần nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa trong việc giữ gìn, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Việc lễ hội được công nhận là DSVHPVT quốc gia là sự ghi nhận những nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng người Bru-Vân Kiều trong việc phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.
 
"Cơ hội vàng" phát triển du lịch 
 
LHMCM của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy là bức tranh sinh động về đời sống tinh thần, là nét văn hóa độc đáo, tiêu biểu của đồng bào nơi đây. Thực hiện các chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT, tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động, như: Thống kê, sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học, đào tạo, bồi dưỡng hạt nhân, nghệ nhân, tổ chức phục dựng, truyền dạy, vinh danh lễ hội…
 
Nhờ đó, lễ hội không những được bảo tồn mà còn phát huy giá trị, khơi mở tiềm năng phát triển du lịch. Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị LHMCM của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch” được tổ chức vào tháng 11/2023, các chuyên gia khẳng định, xây dựng các sản phẩm du lịch liên quan LHMCM là cách làm hiệu quả để di sản tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào. Việc được công nhận là DSVHPVT quốc gia chính là “cơ hội vàng” để hiện thực hóa những hoạch định ấy.
 
Không thể phủ nhận, bản thân LHMCM đã có sức hấp dẫn nội tại đối với du khách, tuy nhiên, để biến nó thành sản phẩm du lịch là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức, nguồn lực và phải bảo đảm tính liên kết bền vững.
 
Ông Hà Minh Tuân, Trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển du lịch, Sở Du lịch cho rằng, để đưa LHMCM vào hoạt động du lịch, ngoài việc xây dựng chương trình khai thác dài hạn, thiết lập hệ thống cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh lễ hội, thì nhất thiết bảo đảm tính liên kết giữa việc khai thác giá trị của lễ hội với các sản phẩm du lịch khác. “Việc kết nối các điểm tham quan tại địa phương và các vùng phụ cận, như: Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, Bang Onsen Spa&Resort… với trình diễn LHMCM sẽ làm phong phú thêm các chương trình du lịch”, ông Tuân khẳng định.
 
Nhấn mạnh đến tính liên kết, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Netin, đơn vị hiện đang khai thác nhiều tour du lịch tại xã Ngân Thủy cho rằng, kết hợp du lịch tự nhiên với du lịch văn hóa là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Chính vì vậy, việc lồng ghép trình diễn LHMCM vào các tour khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa bản địa sẽ bổ trợ, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, mang đến trải nghiệm đa dạng, hấp dẫn cho du khách.
 
Để làm được điều đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngành Du lịch và người dân trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội. Chính quyền địa phương xây dựng định hướng phát triển, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ; người dân tham gia vào quá trình vận hành, phát triển du lịch văn hóa với vai trò là chủ thể và doanh nghiệp chịu trách nhiệm kết nối, quảng bá sản phẩm du lịch, thiết lập các tour tham quan, trải nghiệm kết hợp…
 
Ngày 6/3/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 471/QĐ-BVHTTDL đưa LHMCM của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) vào danh mục DSVHPVT quốc gia.

Để bảo đảm tính liên kết khi khai thác giá trị lễ hội, thời gian qua, Sở Văn hóa-Thể thao đã tích cực phối hợp với Cục Di sản văn hóa triển khai mô hình kết nối DSVHPVT LHMCM/lúa mới của người Bru-Vân Kiều trong hành trình du lịch di sản Quảng Bình-Quảng Trị thông qua hoạt động trưng bày, thực hành trình diễn lễ hội. “Mặc dù mới được triển khai bước đầu, nhưng mô hình đã gợi mở hướng đi lâu dài trong việc khai thác lễ hội để liên kết, phát triển du lịch giữa hai tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị. Những điểm tương đồng lẫn khác biệt về không gian, sắc thái văn hóa, nghi thức… trong LHMCM/lúa mới của đồng bào Bru-Vân Kiều hai tỉnh sẽ được khai thác, bổ trợ, hoàn thiện, làm phong phú thêm cho nhau. Và sự phong phú đó sẽ mở ra tiềm năng rất lớn cho việc phát triển du lịch cộng đồng của các địa phương”, tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái khẳng định.

Ngoài ý nghĩa văn hóa tâm linh, ở khía cạnh kinh tế, lễ hội là một sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, nếu được khai thác hợp lý thì không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn giúp người dân có cuộc sống ổn định và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương theo hướng bền vững. Với những hoạch định cụ thể, rõ ràng, hy vọng, trong tương lai gần, LHMCM của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy sẽ là điểm nhấn níu chân du khách khi đến với vùng đất giàu tiềm năng này. 
Tâm An

tin liên quan

Huyền ảo Phong Nha

(QBĐT) - Ta thành người siêu thoát
Theo thuyền chơi động tiên
Phong Nha tòa thiên nhiên
Bao nhiêu là huyền diệu

Gần 10.000 lượt người vãn cảnh, dâng hương chùa Hoằng Phúc

(QBĐT) - Đại đức Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã có gần 10.000 lượt người đến vãn cảnh, dâng hương tại chùa Hoằng Phúc.

Quảng Ninh: Lễ rước nước tại lễ hội chùa núi Thần Đinh xuân Giáp Thìn 2024

(QBĐT) - Chiều 13/2, huyện Quảng Ninh phối hợp với chùa Thần Đinh tổ chức lễ rước nước tại lễ hội chùa núi Thần Đinh xuân Giáp Thìn 2024.