Mùi khói chiều cuối năm

  • 06:08 | Thứ Hai, 12/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian trôi nhanh quá, chẳng còn mấy ngày nữa là Tết. Một năm đi qua nhanh như chớp mắt, có người nói: Thời gian như bóng câu qua cửa sổ cũng chẳng sai chút nào. Mẹ tôi, mỗi lần tất bật đi chợ mua sắm hàng Tết, thực phẩm thì bảo, mới đấy mà đã hết năm. Thời gian như một dòng chảy có chờ đợi ai bao giờ, mùa đông rét mướt rồi cũng qua đi để nhường chỗ cho mùa xuân đến. Mùa xuân là thời khắc giao hòa của đất trời, là mùa bắt đầu của một năm mới, mùa của thiên nhiên, vạn vật sinh sôi, nảy nở, mùa của cây cối đâm chồi, nảy lộc, mùa của tâm hồn, ước mơ và hy vọng, mùa của sự trở về đoàn tụ của những người con xa quê, xa xứ.
 
Con người ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi xa làng, xa quê có rất nhiều thứ để nhớ. Đặc biệt là vào những ngày cuối năm lây phây mưa bụi, Tết đến xuân về. Có người nhớ gia đình, nhớ bữa cơm sum họp ngày tất niên đến quay quắt. Có người nhớ mùi của Tết đến cồn cào, nhớ mùi của lá dong, gạo nếp, mùi của hoa đào, quất cảnh, của nồi nước mùi già còn bốc khói nghi ngút. Với tôi, trong tất cả những điều để nhớ về Tết xưa còn có thêm một thứ mùi, đó là: Mùi của khói.
 
Mùi khói là mùi của nhang trầm cha thắp đêm ba mươi, mùi của củi, lửa rực hồng trong căn bếp của mẹ, mùi của vị khói quê từ những cọng rơm vàng, mùi của đống rấm bà đốt lá sau vườn tiễn ngày cũ sang sông… Làng tôi nằm ven bờ sông, nơi có những thửa ruộng chạy dài vào tận chân núi đá. Trên cánh đồng mênh mông ấy, tôi đã biết nhớ mùi khói đốt đồng từ thủa ấu thơ, mùi của đồng đất, rạ rơm, của những ngọn khói cuộn vòng rồi tan ra như sương mỏng.
 
Tôi yêu những ngọn khói lam chiều mỗi khi ngoại bện mồi rơm nhóm lửa, khói từ gian bếp làm ấm cả chiều đông, ấm cả căn nhà tuổi thơ tôi từng sống. Quê tôi có tục lệ, cuối năm nhà nào cũng phải làm lễ cúng đồng, hồi còn sống bà bảo, đồng đất làng nào cũng có một vị thần cai quản, coi sóc cho mùa màng bội thu, cho phần mộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ được ấm cúng. Vì thế, cuối năm, nhà nào cũng phải có một cái lễ mọn gọi là lòng thành để lễ tạ thần linh cai quản ở xứ này.
 
Cúng đồng cũng là một tín ngưỡng văn hóa của người làng tôi từ bao đời nay và cũng là lời thỉnh cầu cho một năm mới an lành, may mắn. Lễ cúng là hương trầm, vàng mã, hoa quả, trầu cau, gạo, muối và một chút rượu trắng. Sau lễ cúng là lễ hóa vàng, cả cánh đồng nghi ngút khói hương bay theo ngọn khói về trời. Tuổi thơ tôi là nơi cất giữ những ký ức về làng trong tâm thức của một người con xa xứ, về những kỷ niệm thời thơ ấu bên gia đình và những ngọn khói lam chiều mang đầy vị nhớ.
Minh họa: Minh quý
Minh họa: Minh Quý
Những năm tháng xa quê, có lần tôi đi chợ phiên ngày Tết của người dân tộc Dao. Trong tất cả những sắc màu của lễ hội, trong tất cả sự vội vã, tưng bừng của ngày Tết, bất chợt, nhìn thấy một đụn khói nhà ai đốt lá trong vườn, tự dưng lòng chùng xuống, những ký ức về làng, về bà tôi gom lá trong vườn chiều ngày ba mươi Tết cứ hiện dần trong ký ức như một thước phim quay chậm. Hình ảnh bà lụi cụi trong vườn quét từng chiếc lá tre, lá ổi, lá khế rồi vun thành một đống rấm to cuối vườn và châm lửa đốt.
 
Lửa bén dần vào từng chiếc lá, khi những ngọn khói bay lên cao và tan loãng ra bà mới bảo: “Đốt lá vườn cũng là một tục lệ tâm linh ngày cuối năm con ạ, đốt đi những chiếc lá vàng vừa là để dọn vườn, cũng là để chờ đợi những mầm xanh hy vọng trên cành khi mùa xuân đến. Đốt lá cũng là để xua đi những điều không may mắn còn sót lại trong một năm cũ và làm ấm khu vườn trong đêm cuối năm”.
 
Tôi chợt nghĩ, đời người tưởng dài mà cũng thật ngắn ngủi như đời lá, khi chiếc lá còn xanh thì được rễ cây nuôi dưỡng và xanh hết mình cho tháng năm xanh, con người cũng vậy, cống hiến hết mình cho cuộc đời, cho cộng đồng rồi lại làm một cuộc hành hương trở về nguồn cội. Có ai trong cuộc đời này chống lại được quy luật của thời gian, có chiếc lá nào mãi xanh được trên cành. Biết yêu quý cuộc đời, biết hướng về quê hương chính là trân trọng và tôn vinh các giá trị truyền thống cho thế hệ tiếp theo. Những giá trị đó giúp chúng ta sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với cuộc đời, biết yêu thương, san sẻ, biết lan tỏa lá lành đùm lá rách trong những ngày cuối năm, phải chăng đó cũng chính là cội nguồn nơi khởi sinh sự sống.
 
Trở về quê, mỗi lần thắp nụ trầm hương lên bàn thờ tổ, trong khói hương nghi ngút tôi lại nhớ lời bà dạy: Phật không những ở nơi đền, chùa, miếu mạo, mà Phật còn ở trong tâm mỗi người, thắp hương là dâng nén tâm nhang, khói hương linh thiêng nơi cửa chùa, nơi thư phòng là nơi dẫn lối cho con người làm những điều thiện, nhắc nhở chúng ta chớ để thời gian trôi qua vô ích.
 
Cuộc sống ở quê tôi bây giờ đã khá giả, hiện đại hơn rất nhiều, nhiều gia đình đã sử dụng bếp từ, bếp ga, bếp điện. Nhà tôi, mẹ vẫn dùng bếp củi để luộc bánh chưng vào ngày áp Tết, vẫn dùng bếp trấu để xào, nấu thức ăn, có lẽ mẹ đã quen nếp nhà xưa từ rất lâu rồi. Mỗi lần trở về, nhìn ngọn khói lam chiều cuộn bay trên gác bếp tôi lại bồi hồi nhớ bà, nhớ những ngọn khói lam chiều trong Tết làng xa.
Đinh Tiến Hải

tin liên quan

Mời bạn đến nhà

(QBĐT) - Xin mời bạn đến nhà tôi
Một bên biển một bên trời một bên
Nhà thờ bóng đổ ngoài hiên
Như buồm một lá hiện lên mỗi ngày

Mùa xuân trong thơ Quảng Bình đương đại

(QBĐT) - Muân đến, xuân đi, xuân lại lại", nhưng xuân không bao giờ cũ!

Rồng và ước vọng về sự phát triển

(QBĐT) - Rồng là hình tượng mỹ thuật, biểu tượng văn hóa được cha ông ta xây dựng để biểu thị cho sức mạnh, quyền uy và sự cao quý gắn với những ước vọng về sự phát triển hưng thịnh, bền vững.