Rồng và ước vọng về sự phát triển

  • 08:53 | Chủ Nhật, 11/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Rồng là hình tượng mỹ thuật, biểu tượng văn hóa được cha ông ta xây dựng để biểu thị cho sức mạnh, quyền uy và sự cao quý gắn với những ước vọng về sự phát triển hưng thịnh, bền vững.
 
Sau khi lên ngôi lập ra triều đại nhà Lý, năm 1010, vua Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô ra thành Đại La (Hà Nội), dấu ấn đầu tiên thể hiện cho khát vọng vươn lên của đất nước đó là đặt tên Thăng Long (rồng bay) cho kinh đô mới. Hình tượng rồng thời Lý cũng xuất hiện với dáng vẻ hoan vũ, theo cấu trúc hình sin có nhịp điệu thể hiện sự chuyển động, vươn tới và trở thành hình tượng đỉnh cao, tiêu biểu nhất trong mỹ thuật truyền thống của dân tộc.           
 
Trên bậc thềm điện Kính Thiên (Hà Nội) được xây dựng từ thời Hậu Lê, đôi rồng đá đang chầu có dáng vẻ uy dũng, thể hiện sức mạnh của một giai đoạn đấu tranh chống giặc ngoại xâm nhà Minh giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc. Các triều đại nối tiếp đều kế thừa và có sự tiếp biến, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện lịch sử nhưng luôn giữ tinh thần mạnh mẽ về sự trường tồn thông qua biểu tượng rồng. Trong văn hóa dân tộc nói chung, rồng được linh thiêng hóa nhưng cũng vô cùng gần gũi, đại diện cho những khát vọng vươn lên của đất nước nói chung và đời sống nhân dân nói riêng.
 
Có thể nói, trên khắp đất nước Việt Nam ở đâu cũng có những địa danh được lấy cảm hứng gắn với hình tượng linh thiêng, cao quý ấy. Nếu ở miền Bắc nước ta có kỳ quan thiên nhiên vịnh Hạ Long thì vùng đồng bằng rộng lớn trù phú Nam Bộ được gọi là Cửu Long… cùng rất nhiều địa danh, vùng đất khác ít nhiều gắn liền với chữ “Long”. Để thấy linh vật rồng không chỉ đơn thuần là một biểu tượng về mỹ thuật tạo hình mà đã trở thành mạch nguồn chung trong tinh thần dân tộc biểu thị cho những mong muốn được cất cánh, bay cao như khát vọng ngày nay cùng chung sức xây dựng đất nước Việt Nam “hóa rồng” trong tương lai. 
Mùa xuân mới. Tranh: Lương Sáng
Mùa xuân mới. Tranh: Lương Sáng
Ngày nay, từ một biểu tượng gắn với vương quyền thời phong kiến, hình tượng rồng đã trở thành đại chúng như một di sản, giá trị chung được kế thừa và không ngừng phát triển. Công trình mỹ thuật công cộng con đường gốm sứ ven sông Hồng được triển khai nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, tại điểm giao thông cầu vượt Chương Dương là đôi rồng thời Lý kích thước lớn cùng hướng vào biểu tượng hoa sen cách điệu và dòng chữ số 1010-2010.
 
Nhiều hình tượng hay họa tiết biến thể mang cấu trúc, đường nét của rồng qua các thời kỳ lịch sử cũng xuất hiện nhiều trong các phân đoạn của hệ thống tác phẩm đồ sộ này, trở thành công trình thẩm mỹ quan trọng và là điểm tham quan hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế thưởng lãm mỗi lần đến Thủ đô.
 
Tại TP. Đà Nẵng, cầu Rồng xuất hiện như dải lụa vàng nối đôi bờ sông Hàn, là một điểm nhấn giữa không gian của một thành phố hiện đại, năng động đang phát triển từng ngày. Dù vẫn còn nhiều ý kiến về sự chưa đồng nhất giữa kết cấu phần thân mang hơi hướng phương Tây (được thiết kế bởi kiến trúc sư người Mỹ-Tập đoàn WSP Group) để đáp ứng công năng sử dụng và tạo hình mỹ thuật phần đầu, đuôi mang tính phương Đông do một nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam thực hiện, nhưng không thể phủ nhận cầu Rồng đã trở thành một biểu tượng mới cho thành phố trẻ và niềm tự hào của người dân nơi đây, vinh dự trở thành một trong những cây cầu ấn tượng không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.
 
Lễ hội hoa xuân hàng năm trên con đường Nguyễn Huệ của TP. Hồ Chí Minh hầu như năm nào cũng xuất hiện tạo hình rồng kích thước lớn từ các loài hoa, trái Nam bộ. Đây không chỉ là mô hình phục vụ du khách du xuân mà còn thể hiện mảnh đất trù phú nhiều miệt vườn đầy cây trái, cũng là biểu thị cho tiềm năng và sức mạnh phát triển của vùng đất “Chín rồng”.
 
Cố đô Huế-nơi bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị, di sản văn hóa truyền thống, hình tượng rồng được ứng dụng nhiều trong đời sống hàng ngày như trong nghệ thuật kiến trúc, trang trí, lễ hội, ẩm thực… Festival Huế tổ chức năm 2000 (trước đây có tên là Festival Việt-Pháp, tổ chức năm 1992), biểu tượng chính là hình tượng rồng thời Nguyễn trong lá cờ ngũ sắc; trở thành lễ hội được tổ chức 2 năm một lần, du khách trong nước và quốc tế có cơ hội tìm hiểu, thưởng thức những nét đặc sản văn hóa độc đáo, trong đó có các di sản văn hóa về hình tượng rồng như trên đền đài, lăng tẩm, quốc ấn, trang phục hoàng tộc…, cùng tham gia vào các lễ hội văn hóa, ẩm thực mang đậm dấu ấn “văn hóa rồng”  của vùng đất từng là kinh đô thời Nguyễn.
 
Trong đời sống của người dân, ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, sum vầy và thịnh vượng cũng luôn gắn với những sự tích, câu chuyện về rồng, như: “Cá chép hóa rồng” biểu thị cho mong muốn con cháu học hành đỗ đạt, thành danh; “long-phụng sum vầy” là mong muốn về cuộc sống gia đình hạnh phúc, đoàn tụ… Rồng cũng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật dân gian với múa rồng, rước rồng và các loại hình nghệ thuật đương đại, như: Thơ văn, âm nhạc, hội họa, kiến trúc…
 
Trong nghệ thuật cây cảnh cũng hình thành nên một dáng thế đó là “dáng long” mang nhiều ý nghĩa về cuộc sống với các tên gọi, như: Long giáng, lưỡng long tranh châu, long quần sơn, long ẩn vân…, hay khi bắt gặp một áng mây hình rồng xuất hiện trên bầu trời, báo hiệu điềm lành và mang đến hy vọng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
 
Có thể nói, trong văn hóa Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, hình tượng và những di sản văn hóa liên quan đến rồng luôn có những tác động mạnh mẽ đến tinh thần, trở thành biểu tượng tốt đẹp của những điều muốn hướng tới trong hành trình phát triển đất nước cũng như trong cuộc sống của mỗi người dân. 
Nguyên Sa

tin liên quan

Xuân sang mừng tuổi!

(QBĐT) - Xuân sang tuổi mới ùa về
Hương đưa cổ tích chốn quê ấm nồng
Trang đời thêu dệt chỉ hồng
Chân trời khát vọng mênh mông sóng trào

"Cho chữ" ngày xuân

(QBĐT) - Những ngày giáp Tết, khi sắc hoa rực rỡ sưởi ấm phố phường, hòa cùng dòng người du xuân, sắm Tết, hình ảnh những "ông đồ" áo dài, khăn đóng say sưa múa bút như đánh thức xúc cảm mùa xuân xao xuyến, bồi hồi. Những nét thư pháp tinh tế, uyển chuyển không chỉ thể hiện tài năng của các "ông đồ" mà còn mang theo bao nguyện ước chân thành của người "xin chữ" về một năm mới an lành, yên vui.

TP. Đồng Hới: Rực rỡ pháo hoa chào năm mới Giáp Thìn 2024

(QBĐT) - Chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, TP. Đồng Hới tổ chức bắn pháo hoa tại 2 địa điểm cầu Nhật Lệ 1 (phường Đồng Hải) và công viên hồ Đồng Sơn (phường Đồng Sơn).