"Cho chữ" ngày xuân

  • 07:25 | Chủ Nhật, 11/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày giáp Tết, khi sắc hoa rực rỡ sưởi ấm phố phường, hòa cùng dòng người du xuân, sắm Tết, hình ảnh những “ông đồ” áo dài, khăn đóng say sưa múa bút như đánh thức xúc cảm mùa xuân xao xuyến, bồi hồi. Những nét thư pháp tinh tế, uyển chuyển không chỉ thể hiện tài năng của các “ông đồ” mà còn mang theo bao nguyện ước chân thành của người “xin chữ” về một năm mới an lành, yên vui.
 
Những "ông đồ" nay
 
Khác với hình ảnh râu tóc bạc phơ, gương mặt đầy nếp chân chim, bàn tay chai sạm vì tuổi tác của những ông đồ xưa, người “cho chữ” ngày nay đa phần là những người trẻ tuổi hoặc trung niên. Họ không chỉ có năng khiếu viết thư pháp mà ẩn sâu trong những tâm hồn nghệ sĩ là sự hoài cổ, là tình yêu, niềm đam mê và mong ước gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc khi Tết đến, xuân về.
 
Dù hiện tại không thường xuyên viết thư pháp, nhưng bất kể lúc nào có thời gian anh Nguyễn Quốc Vượng lại mài mực, múa bút.
Mong muốn của anh Nguyễn Công Thông là mở lớp dạy học chuyên về thư pháp cho những ai có nhu cầu, yêu thích môn nghệ thuật này. 
Trong hiu hiu gió lạnh của những ngày cuối năm, tại góc đường dưới chân núi Thần Đinh (xã Trường Xuân, Quảng Ninh), hình ảnh “ông đồ” Trần Công Thông (SN 1978, ở phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới) hí hoáy bên nghiên mực, xung quanh là khung tranh giấy đỏ gợi nhắc về một không gian xưa cũ: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu, giấy đỏ/Bên phố đông người qua…”. Chỉ có điều “ông đồ” này tóc vẫn còn xanh, dáng dấp nhanh nhẹn, tinh anh với nụ cười đôn hậu.
 
Vốn là một họa sĩ tự do, anh Thông có nhiều thời gian để thỏa mãn đam mê với thư pháp. Anh bảo, nghề viết chữ trông thì đơn giản nhưng thực ra lại lắm kỳ công. Nếu chỉ viết để thành hình hài con chữ thì đơn giản, nhưng cái cốt yếu là phải đạt đến trình độ nghệ thuật và phải “có hồn”. Muốn vậy, người viết phải biết sắp xếp bố cục chữ, thơ, hình ảnh minh họa thật hợp lý, cân xứng, phải biết nhấn nhá, đưa nét uyển chuyển, dứt khoát để tạo nét thanh, nét đậm. Và để làm được điều đó, ngoài năng khiếu vốn có, người viết phải chịu khó rèn luyện. 17 năm gắn bó với thư pháp, dù đã thuần thục, điêu luyện trong cách viết nhưng hễ có thời gian rảnh, anh Thông lại mài mực, luyện chữ.
 
“Thông thường, trung bình mỗi tháng tôi nhận vẽ khoảng 20-30 bức tranh thư pháp, còn dịp lễ, Tết có khi cả trăm bức. Tuy nhiên, với tôi, thư pháp không chỉ là “nghề kiếm cơm” mà còn là đam mê. Càng viết, càng say, cứ như thể nó cuốn hồn mình vào từng nét bút. Nếu có điều kiện, tôi muốn mở lớp dạy học chuyên về thư pháp cho những ai có nhu cầu, yêu thích với môn nghệ thuật này”, anh Thông chia sẻ.
 
Bén duyên với thư pháp từ năm 2011, đến nay, “ông đồ” Đặng Ngọc Sơn (SN 1986, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) đã có 13 mùa xuân gắn bó với nghiên mực, giấy đỏ. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân sang, người ta lại bắt gặp hình ảnh “ông đồ” trẻ ấy áo dài, khăn đóng say sưa mài mực trên góc phố, sân chùa hay tại các trung tâm thương mại. Là giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường tiểu học Bắc Nghĩa, công việc chính là dạy học, nhưng vì đam mê với thư pháp nên anh Sơn dành nhiều thời gian, tâm sức tìm hiểu, học hỏi và rèn luyện bộ môn này.
“Ông đồ” Đặng Ngọc Sơn đã có 13 mùa xuân gắn bó với thư pháp.
“Ông đồ” Đặng Ngọc Sơn đã có 13 mùa xuân gắn bó với thư pháp.
“Khi mới viết thư pháp thì người học phải tuân thủ theo từng nét căn bản, nhưng khi đã thành thục, có kinh nghiệm, có thể thoải mái sáng tạo, cách điệu theo yêu cầu của người viết”, anh Sơn chia sẻ. Với sự đam mê và “hoa tay” của một giáo viên dạy mỹ thuật, từ những nét chữ bỡ ngỡ ban đầu, tranh thư pháp của anh Sơn ngày càng được thổi hồn với các đường nét bay bổng, phóng khoáng. Sau giờ lên lớp, anh Sơn vẫn thường nhận lời tham gia các sự kiện để “cho chữ”, nhận viết thư pháp trên gỗ, đá… cho khách đặt theo yêu cầu, nhưng Tết mới thật sự là dịp để anh thỏa niềm đam mê và thả hồn theo từng nét chữ, khuôn giấy.
 
Trong hình dung của nhiều người, “ông đồ” là người văn hay, chữ tốt. Họ không chỉ rèn chữ, luyện thơ mà còn mang cả tâm tình vào mỗi bức thư pháp. Mỗi nét chữ hiện ra dưới tay các “ông đồ” không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Những ước vọng tốt đẹp cho một năm mới hạnh phúc, bình an được lồng trong từng nét mực uyển chuyển vì thế càng có sức cuốn hút, lay động.
 
Gìn giữ nét xưa
 
Từ xưa, người Việt Nam vốn rất coi trọng chữ viết. Tục xin chữ-cho chữ có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng chữ viết, nên ngày xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Đây là một nét đẹp thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, cũng chính là mạch nguồn để nghệ thuật thư pháp vượt qua những thăng trầm của thời gian và duy trì bền bỉ đến hôm nay.
 
Theo quan niệm của văn hóa phương Đông và Việt Nam, tranh thư pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt phong thủy. Treo tranh phong thủy trong nhà không chỉ giúp cho không gian sống thêm độc đáo mà còn mang lại nguồn sinh khí dồi dào và những điều tốt lành cho gia đình. Không giống những dòng tranh khác với nhiều chi tiết và màu sắc, tranh thư pháp mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, giúp không gian mang đậm chất hoài niệm, cổ điển. Bởi vậy, với không ít người, tranh thư pháp có một sức hút khó cưỡng.
 
“Với tôi, trang trí cho không gian ngôi nhà ngày Tết có thể thiếu nhiều thứ, nhưng tranh thư pháp thì không thể thiếu. Bởi vậy, năm nào tôi cũng đi “xin chữ” ở các thầy đồ. Chẳng hiểu sao, nó luôn mang đến cho tôi cảm giác ấm áp, an lành”, anh Đặng Văn Duận (phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới) chia sẻ.
 
Ngày nay, giữa nhịp sống xô bồ, hối hả, vẫn có những người nặng lòng với quá khứ, âm thầm gìn giữ các phong tục đẹp từ ngàn xưa. Không ít người gắn bó với thư pháp từ những ngày gian khó, đói khổ và đến khi điều kiện đã đủ đầy, họ vẫn thủy chung với nó.
 
Đến với nghệ thuật thư pháp như một cái duyên, đến nay, dù bận bịu với nhiều công việc, nhưng anh Nguyễn Quốc Vượng, hiện đang công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh và là Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Beautiful Space (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới) vẫn luôn dành cho thư pháp một vị trí đặc biệt trong lòng và trong quỹ thời gian eo hẹp của mình.
 
Thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết bảo đảm các yếu tố, như: Điểm hoạch (đường nét), kết thể (bố cục), thần vận (cái hồn của tác phẩm)… Thư pháp vốn xuất thân từ Trung Hoa. Ở Việt Nam, thư pháp chữ Hán-Nôm đã từng rất phổ biến, về sau cùng với sự phát triển và phổ biến của chữ quốc ngữ, thư pháp Việt ra đời vừa mang tính đổi mới vừa đậm nét truyền thống với phong cách nghệ thuật cổ xưa.

Anh kể, khi mới tốt nghiệp ra trường, là một họa sĩ tay ngang nghèo khó, chính thư pháp đã giúp anh vượt qua những ngày tháng cơ hàn. Hiện tại, dù bận rộn với nhiều công việc, không thường xuyên viết thư pháp, nhưng bất kể lúc nào có thời gian anh lại mài mực, múa bút. Các tác phẩm thư pháp tâm đắc được anh Vượng đóng khung kính, treo trang trọng trên tường. Trên mặt bàn, nghiên mực, giấy bút luôn sẵn sàng để mỗi khi anh có cảm hứng là kịp thời luyện chữ. Theo anh Vượng, cho chữ cũng chính là cách để tự tu thân, bởi mỗi người xin chữ ngoài cầu may mắn còn muốn xin đức độ, tài năng của người cho chữ để răn mình. Cái hay của nghệ thuật thư pháp cũng chính là ở chỗ ấy…

Dù hiện tại không thường xuyên viết thư pháp, nhưng bất kể lúc nào có thời gian anh Nguyễn Quốc Vượng lại mài mực, múa bút.
Dù hiện tại không thường xuyên viết thư pháp, nhưng bất kể lúc nào có thời gian, anh Nguyễn Quốc Vượng lại mài mực, múa bút.
Một mùa xuân mới lại về. Hình ảnh các “ông đồ” say mê “cho chữ” tô điểm cho bức tranh mùa xuân những nét văn hóa đậm “màu dân tộc”. Dù không thể “phục dựng” ý nghĩa nguyên bản của phong tục “cho chữ” ngày xuân, nhưng những “ông đồ” thời nay với mong muốn lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc vẫn là một nốt trầm du dương trong nhịp hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại.
Tâm An

 

tin liên quan

TP. Đồng Hới: Rực rỡ pháo hoa chào năm mới Giáp Thìn 2024

(QBĐT) - Chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, TP. Đồng Hới tổ chức bắn pháo hoa tại 2 địa điểm cầu Nhật Lệ 1 (phường Đồng Hải) và công viên hồ Đồng Sơn (phường Đồng Sơn). 

Thân thương hai tiếng "Quảng Bình"

(QBĐT) - "Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới, rằng có đắng cay nên chờ mới có ngọt bùi...", đã 60 năm trôi qua, giai điệu thân thương đó đã theo chân biết bao thế hệ người dân Quảng Bình... 

Chúng ta đã đến kịp mùa

(QBĐT) - Qua những đỉnh núi mùa đông điệp trùng mây xám
Những eo biển cát vàng chói chang mùa hạ