Hát bội, múa tiên ở làng du lịch tốt nhất thế giới

  • 09:05 | Thứ Ba, 13/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) có điệu hát bội, múa tiên vốn là niềm tự hào của người dân bao đời nay. Mặc dù trải qua thăng trầm của lịch sử, bà con vẫn quyết tâm lưu giữ hai loại hình nghệ thuật này. Giờ đây, Tân Hóa đã được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới nên hát bội, múa tiên không những được hồi sinh mà còn có điều kiện để phát triển…
 
6 thế kỷ bén duyên với vùng đất Tân Hóa
 
Theo các cụ cao niên xã Tân Hóa kể, hát bội, múa tiên vốn có từ thời nhà Lý. Hai loại hình nghệ thuật này xuất phát từ triều đình nhằm phục vụ cho tầng lớp vua chúa, quan quân. Các điệu hát, múa chủ yếu để mua vui, khích lệ tinh thần yêu nước, chiến đấu của quan quân triều đình. Sau này, hát bội, múa tiên được nhiều người biết đến và có thêm những sáng tác mới, phục vụ giải trí cho nhân dân, răn dạy con người làm điều hay lẽ phải, nỗi nhớ của cha mẹ đối với những người con chinh chiến phương xa…
 
Ông Đinh Thanh Dự, người có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, dân gian tại huyện Minh Hóa cho biết: “Hát bội, múa tiên du nhập vào xã Tân Hóa đầu thế kỷ thứ XV. Đó là giai đoạn nghĩa quân Lê Lợi đánh nhà Minh để giữ nước. Lúc này, nghĩa quân Lê Lợi về đóng ở Khương Hà, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) và xã Tân Hóa mang theo điệu hát bội, múa tiên và truyền dạy lại cho người dân trong vùng. Với tinh thần trung quân ái quốc, nhiều người dân xã Tân Hóa đã học được hát bội, múa tiên để phục vụ cho quan quân triều đình và giải trí”.
Câu lạc bộ hát bội, múa tiên xã Tân Hóa đang biểu diễn một bài hát bội.
Câu lạc bộ hát bội, múa tiên xã Tân Hóa đang biểu diễn một bài hát bội.
Ông Trần Hữu Phương, ở thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa kể: “Hát bội có rất nhiều bài hát khác nhau, nói về rất nhiều chủ đề, như: Hát về quân đội có bài “Trống quân”, hát để răn dạy con cháu có bài “Mười ơn”. Ngoài ra, còn có những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa, kinh nghiệm đối phó với thiên tai… Còn múa tiên chỉ có một điệu múa với khúc hát dạo tiên. Trước đây, trong xã có rất nhiều người biết hát, biết múa. Cứ mỗi khi dịp Tết, lễ là cả làng đi xem rất vui vẻ”.
 
Loại hình nghệ thuật của “riêng” đàn ông
 
Để hát bội, múa tiên, người dân xã Tân Hóa đã ghi chép các bài hát vào một cuốn sổ bằng chữ Nôm. Cuốn sổ dày khoảng 100 trang vẫn được lưu giữ đến tận bây giờ. Theo ông Dự, hát bội, múa tiên ở huyện Minh Hóa chỉ có duy nhất ở xã Tân Hóa. Cái hay của loại hình nghệ thuật này là chỉ có nam giới hát, múa. Bởi theo quan niệm người xưa, hát bội, múa tiên thường biểu diễn cho quan quân và những nơi trang trọng, tôn nghiêm nên đòi hỏi người biểu diễn phải thanh tao, sạch sẽ.
 
Ông Trần Xuân Thủ, 61 tuổi, ở thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa cho hay: “Hát bội xong rồi đến múa tiên. Mỗi đội hát bội có 7 người, trong đó 1 người đánh trống cái, 1 người đánh trống con và hát chính, 1 người đánh xập xoảng và 4 người cầm phách gõ, vừa hát, vừa múa và di chuyển theo điệu hát. Trang phục của hát bội là quần áo dài, màu vàng chủ đạo kết hợp với màu đỏ, quần trắng, đầu đội mũ. Trước khi hát bội thường có màn dạo trống, phách. Mỗi bài hát bội đều có những điệu múa riêng. Khi biểu diễn, mỗi tiết mục thường múa, hát lặp đi, lặp lại từ 2-3 lần”.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất Nguyễn Châu Á cho hay: “Hiện, khách du lịch về thăm xã Tân Hóa khá đông. Tại các gia đình, khách đã được thưởng thức điệu hò thuốc cá, đâm bồi và tìm hiểu văn hóa bản địa. Nếu khách du lịch nào có nhu cầu tìm hiểu thêm văn hóa của địa phương thì công ty sẽ chọn hát bội, múa tiên để giới thiệu”…

Nói xong, ông Thủ cất bài hát “Mười ơn”: “Một ơn chín tháng mười ngày/Công mẹ dưỡng dục, con ràng thai sinh/Mẹ sinh một mình hai ơn/Mẹ sinh một mình, công lòng máu mủ tâm tình có ai/Mẹ sinh ra ngoài ba ơn/Mẹ sinh ra ngoài, dẫu trai, dẫu gái con tôi mẹ bồng/Củi lửa phải xông là bốn ơn/Củi lửa phải xông, thuốc thang tắm gội mới bồng con ra/Mới thành người ta là năm ơn/Là năm ơn mới thành người ta, thầy mẹ mới để đi xa, về gần…”.  

Trước khi múa tiên là có màn dạo tiên bằng những lời sau: “Hỡi dân làng nghe tôi dạo tiên/Nguyện thần tiên ở chốn bồng lai/Tiên tôi xuống múa tốt tươi đa lạ/Tiên này hồng hồng đỏ má/Mới chói rằng lòng ở thượng tiên/ Ước làm sao tiên lại gặp tiên…”. Trang phục múa tiên cũng giống trang phục hát bội, nhưng người múa chính mặc thêm cánh tiên màu trắng, đội mũ vải màu đỏ khiến bộ trang phục thêm rực rỡ. Khi múa tiên, những người đứng sau đánh trống, gõ phách làm cho điệu múa càng sôi động hơn.
 
Trao truyền vốn quý của dân tộc
 
Ngày xưa, ở xã Tân Hóa có rất nhiều người biết hát bội, múa tiên rồi truyền đạt lại cho thế hệ sau. “Tôi biết hát bội, múa tiên từ thời còn trẻ do ông nội mình truyền dạy. Bởi ông từng là một “nghệ nhân” của làng, thường đi biểu diễn trong các dịp lễ, Tết. Trước đây, trong xã có rất nhiều người biết hát bội, múa tiên. Người biết nhiều truyền dạy lại cho người chưa biết, người cao tuổi dạy lại cho người trẻ tuổi”, ông Thủ cho biết thêm.
 Ông Đinh Thanh Dự đang giới thiệu về hát bội, múa tiên và cuốn sách viết các bài hát bội bằng chữ Nôm.
Ông Đinh Thanh Dự đang giới thiệu về hát bội, múa tiên và cuốn sách viết các bài hát bội bằng chữ Nôm.
Anh Đinh Minh Huy (SN 1986) là người trẻ nhất trong Câu lạc bộ (CLB) hát bội, múa tiên của xã Tân Hóa. Anh Huy theo ông nội và cha đi hát, múa từ những ngày còn nhỏ nên sớm thuộc các bài hát, điệu múa truyền thống của quê hương. Hiện anh được chọn cho làm “tiên” trong CLB và hát chính trong các bài hát bội. “Tôi thấy hát bội, múa tiên của quê mình không chỉ là loại hình nghệ thuật giải trí mà còn mang tính giáo dục lòng yêu nước, hiếu kính mẹ cha, trân trọng giá trị lao động… nên quyết tâm theo học. Trong quá trình ru con, dạy con, tôi cũng thường hát bội cho con nghe và truyền dạy lại cho các cháu”, anh Huy chia sẻ.
 
CLB hát bội, múa tiên xã Tân Hóa hiện có 7 thành viên, thường xuyên tập luyện và biểu diễn trong các dịp Tết, lễ hội của địa phương. Để CLB hoạt động, UBND xã Tân Hóa đã hỗ trợ kinh phí mua trang phục, tập luyện, biểu diễn. Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Duẫn cho biết: “Hát bội, múa tiên là niềm tự hào của người dân xã Tân Hóa bao đời nay. Mỗi khi Tết đến, xuân về, CLB lại say sưa tập luyện để hát trên sân khấu, hoặc đến từng nhà hát chúc Tết.
 
Nhờ có hát bội, múa tiên mà ngày Tết nơi đây thêm vui vẻ, phấn khởi. Để hát bội, múa tiên được lưu giữ và phát triển, chúng tôi đang động viên những người trẻ, nhất là những người tham gia làm du lịch học để biểu diễn phục vụ cho khách và thành lập thêm CLB ở các thôn; nhờ người dịch cuốn sách lưu truyền các bài hát bội bằng chữ Nôm để có thêm những bài hát. UBND xã cũng sẽ làm việc với Công ty TNHH MTV Chua Me Đất để CLB hát bội, múa tiên phục vụ khách du lịch trong thời gian tới”…
Xuân Vương

tin liên quan

Rộn ràng xuân

(QBĐT) - Ngày với tháng những trang đời tất bật
Giọt thời gian khép, lật những non tơ
Sáng mai ra nghe mùa xuân gõ cửa
Ghé ngang qua, xuân mới mỉm cười.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên với Quảng Bình

(QBĐT) - Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, có vợ là phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết (quê Quảng Xá, xã Tân Ninh, Quảng Ninh, bà mất năm 2009).

Mùa xuân

(QBĐT) - Trời đang tầm tã mưa
Chợt bất ngờ chuyển nắng
Lá khép cánh nhủ thầm:
Úa vàng hay xanh thắm?