Đồng Hới và những bài thơ đẹp

  • 09:26 | Chủ Nhật, 05/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồng Hới là thành phố đẹp, là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào đối với văn nghệ sĩ Quảng Bình. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về Đồng Hới ra đời và để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim công chúng. Có ba bài thơ được sáng tác ở ba thời kỳ nhưng các tác giả đã gặp nhau ở tình yêu thiết tha dành cho thành phố này.
 
Năm 1966, giữa đổ nát do bom đạn đế quốc Mỹ, nhà thơ Xuân Hoàng viết bài thơ “Đồng Hới”. Năm 1984, khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, Đồng Hới gần như bị lãng quên, nhà thơ Văn Lợi viết bài thơ “Phố biển tình anh”. Và sau năm 1989, Quảng Bình trở về địa giới cũ, Đồng Hới chuyển mình hồi sinh, nhà thơ Lý Hoài Xuân sáng tác “Nhật Lệ trăng huyền thoại”.
 
Mỗi thời kỳ lịch sử, TP. Đồng Hới đi vào thi ca trong một tâm thế khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn đắm say tình người nơi phố biển. Nếu nhà thơ Xuân Hoàng mở đầu tác phẩm của mình bằng hình ảnh làm dịu lòng người trước những đau thương do đạn bom giặc Mỹ: “Em đi phố nhỏ động cành dừa/Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh/Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh/Bóng em về ấm lại dải đường xưa”, theo nhà văn Nguyễn Thế Tường đó là những vần thơ vực dậy tinh thần người Đồng Hới, thì nhà thơ Văn Lợi lại nhớ về Đồng Hới với những gì gần gũi nhất “Anh sinh ra nơi phố nhỏ khiêm nhường/Bên chân sóng của sông liền với biển/Anh hiểu rõ những cánh buồm thoáng hiện/Thoáng mất đi trong bát ngát trùng khơi”. Và nhà thơ Lý Hoài Xuân thì bao giờ cũng đắm đuối yêu đương với một Đồng Hới đổi mới, hồi sinh:“Bập bềnh ru ngọn sóng/Điệu hát tình lênh đênh/Nhật Lệ trăng huyền thoại/Sóng vỗ! Trào tim anh”.
TP. Đồng Hới bên dòng Nhật Lệ đã đi vào thơ ca, nhạc họa.
TP. Đồng Hới bên dòng Nhật Lệ đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Ảnh: Nguyễn Bách Chiến

Đồng Hới xinh đẹp và ngọt ngào đã quyến rũ bao trái tim và cũng làm thắt lòng những người yêu phố bởi những thăng trầm trong lịch sử. Nhà thơ Xuân Hoàng: “Anh yêu em đâu phải chỉ riêng em/Bởi lẽ tình ta nhen từ phố nhỏ/Phố nhỏ đổ nhưng lòng ta ở đó/Vẫn ngọt ngào trong nỗi nhớ đầu tiên”.

Nhà thơ Văn Lợi:  “Năm tháng qua đi anh thêm hiểu cuộc đời/Hiểu về em như hiểu về biển cả/Nên có lúc biết mình say sóng lạ/Anh tìm về với phố biển yêu thương”. Nhà thơ Lý Hoài Xuân “Anh đi lòng còn nhớ/Hương biển chiều chênh chao/Anh đi lòng còn nhớ/Hương biển say ngọt ngào”.

Trong một cuộc trò chuyện về nguồn cơn sáng tác bài thơ “Phố biển tình anh”, nhà thơ Văn Lợi nói rằng: "Tôi viết bài thơ này trong tâm trạng giật mình khi đọc bút ký “Thành phố bị lãng quên” của anh Nguyễn Đức Tuân viết về Đồng Hới. Sau ngày đất nước thống nhất, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế sáp nhập thành Bình Trị Thiên, người ta gần như không quan tâm đến việc xây dựng tái thiết Đồng Hới. Bao năm sau hòa bình, Đồng Hới vẫn hoang vu gió cát. Người Đồng Hới thương quê hương mình, trong đó có tôi. Bài thơ “Phố biển tình anh” như một lời nhắn gửi, một sự ăn năn. Tôi viết rằng: “Nên có lúc biết mình say sóng lạ/ Anh tìm về với phố biển yêu thương” là bởi thế".
 
Có một điều thú vị là dù sáng tác ở thời kỳ nào, trong chiến tranh hay khi hòa bình, giữa tan hoang đổ nát bởi bom đạn quân thù, trên nền đất cũ xơ xác hoang vu thì Đồng Hới vẫn luôn luôn được các nhà thơ gọi tên bằng niềm tin yêu sâu sắc, vẫn đinh ninh một mai Đồng Hới đẹp. Nhà thơ Xuân Hoàng: “Nhật Lệ quê ta vốn sẵn nhiều buồm/ Mây ngũ sắc ta gửi vào một tấm/Buồm sẽ đi xa. Biển mình đẹp lắm/Đồng Hới mình sẽ đẹp vạn lần hơn”.
 
Nhà thơ Văn Lợi: “Ngày mai đây phố biển của anh/Sẽ mọc lên với mười lần khác trước/Sẽ có những công viên một thời anh mơ ước/Vẫn nguyên vẹn trong anh một Đồng Hới thuở nào”. Và những tin yêu ấy đã được nhà thơ Lý Hoài Xuân trả lời bằng một Đồng Hới lung linh mầu nhiệm: “Anh đến nắng lung linh/Miên man nồm Đồng Hới/Phải vì dòng sông xanh/Hay vì say hồng nở?/Anh đi lòng còn nhớ/ Hương biển chiều chênh chao/Anh đi lòng còn nhớ/Hương biển say ngọt ngào”.
 
Mỗi dòng thơ là một tình yêu tha thiết dành cho Đồng Hới. Bởi yêu mảnh đất này như máu thịt nên phố biển hiện lên trong mỗi tác phẩm mới yêu thương sâu lắng, mới trữ tình đắm đuối biết bao:“Ôi thương thế bài thơ lành phố nhỏ/Cặp tình nhân nào đó tiễn đưa nhau/Thơ phố nhỏ cũng như lòng ta đó/Đồng Hới ơi năm tháng đậm thêm màu” (Đồng Hới-Xuân Hoàng), “Một Đồng Hới của bọn trẻ chúng anh chơi trốn tìm nhau/Mỗi góc phố, mỗi hẻm đường đã trở thành máu thịt/Một Đồng Hới của hoa hồng thanh khiết/Như thanh khiết tình em thơm suốt cuộc đời anh" (Phố biển tình anh-Văn Lợi), “Dù đi đâu về đâu/Người ơi đừng quên nhé/Nhật Lệ trăng huyền thoại/Mắt ướt buồn chiêm bao!” (Nhật Lệ trăng huyền thoại-Lý Hoài Xuân).
 
Một đặc biệt nữa là cả ba bài thơ đều được phổ nhạc nên những ca khúc làm xao động lòng người. Ca khúc “Chia tay đầu phố nhỏ”, nhạc sĩ Thái Quý phổ thơ Xuân Hoàng, ca khúc "Phố biển tình anh” nhạc sĩ Hoàng Sông Hương phổ thơ Văn Lợi và “Nhật Lệ trăng huyền thoại” cùng do nhạc sĩ Hoàng Sông Hương phổ thơ Lý Hoài Xuân. Ca từ trong các ca khúc gần như được các nhạc sĩ giữ nguyên, bởi theo nhạc sĩ Hoàng Sông Hương chia sẻ: “Trong các bài thơ đó đã có nhạc, nhạc sĩ chỉ chép lại là đã thành một ca khúc hoàn hảo!”.  
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chuyên nghiệp hơn và sát thực tiễn hơn

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023 - hoạt động truyền thống đầu năm mới của những người làm báo trong cả nước.
 

Nét mới trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21

Sau ba năm gián đoạn bởi dịch Covid-19 không thể tổ chức tập trung, Ngày thơ Việt Nam sẽ trở lại với nhiều sự kiện và nét mới vào Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023, tức ngày 5/2/2023.

Bao nhiêu sắc biếc đong đầy cho nhau

(QBĐT) - Thời gian nghệ thuật thường không trùng với thời gian vật lý/tự nhiên. Thời gian vật lý/tự nhiên luôn đổi thay, vận động theo chiều quay của đồng hồ, theo thứ tự các mùa trong năm.