Lại nói về thơ nhân Ngày thơ Việt Nam

  • 08:42 | Thứ Sáu, 03/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Câu chuyện này xem ra còn bàn cãi mãi. Thế nào là một bài thơ hay? Nhiều người đã hỏi thế và tôi cũng hỏi như thế. Không ai trả lời đầy đủ.
 
Thơ từ xưa tới nay quả là linh diệu, thần thánh. Bởi vì thơ không phải nghe được, thấy được, sờ được. Các nhà phê bình đưa ra một mẫu mực tạm thời. Thơ hay phải mới, khác và lạ. Nghĩa là anh không là “bản sao” của cái đã được viết trước. Anh phải tạo cho được nét riêng, một thứ cá tính để không lẫn vào người khác...
 
Nhiều người nhầm tưởng rằng ông cha đã tạo ra khuôn mẫu rồi, đời sau cứ thế mà làm. Khuôn đã có sẵn, ta chỉ cần cho chất liệu của ta vào sẽ thành thứ mới. Chẳng khác gì giàn đồng ca trên sân khấu, dù giọng anh khác giọng người khác, nhưng cùng chung một giai điệu, một cung bậc, một tiết tấu khó nhận tìm ra cái riêng.
 
Tôi đã là nạn nhân chính bạn tôi. Khi thấy viết không như đường luật, lục bát, thơ năm chữ… thế là tôi bị quy tội thơ “vô lối”, tắc tị, phá hoại ngôn ngữ, phá hoại tiếng Việt. Cái mới, khác và lạ, tất nhiên khó hiểu, khó đọc, khó thuộc rồi. Tôi không đáp trả, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc.
 
Tôi nghĩ rằng, sáng tạo là cái quyền cao nhất mà anh có, khi anh không phản lại Tổ quốc, nhân dân... Vậy thì anh hãy viết theo cảm xúc, suy nghĩ của anh, tạo ra được “cái trời cho” của anh. Có thể bài thơ anh không hay, cấu tứ và xây dựng ngôn ngữ không phù hợp. Nghĩa là bài thơ còn dở. Ai cũng muốn làm được bài thơ hay, như người mẹ mong con xinh xắn, hiền ngoan vậy.
 
Khuyến khích người viết có thơ hay là điều trông chờ của bạn đọc. Ngày Thơ Việt Nam nhân dịp Nguyên tiêu hàng năm đã tạo ra sân chơi cho các nhà thơ, bạn nghe và đọc là việc làm hữu ích, tạo ra nét văn hóa tinh thần nhân văn, lành mạnh. Ai đến đó cũng mang tâm thế hòa đồng, giao lưu và muốn chính mình được đóng góp. Đây là một lễ hội cao quý cần phải nuôi dưỡng và phát huy.
 
Tuy nhiên, giao lưu trong Ngày Thơ không đòi hỏi như chuẩn bị cho một tuyển tập thơ xuất bản. Tính cộng đồng, hòa nhập, phù hợp cho lễ hội phải được chú trọng. Nhiều sân chơi mở ra. Thơ cho lớp trẻ, thơ tình yêu, thơ trình diễn, thơ trào phúng… Nhiều lần dự Ngày Thơ ở Phú Yên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, quê nhà, ở đâu tôi cũng gặp nụ cười nở trên môi.
 
Thơ đã làm cho con người yên ả, yêu thương hơn sau một năm công việc bận rộn. Có nơi như Phú Yên, từ các huyện xa, họ tổ chức những chuyến xe, dương cờ, trống giục kéo về, chẳng khác gì lễ hội đua thuyền. Tinh thần ấy là tinh thần của một dân tộc biết yêu thương tôn trọng lẫn nhau, đùm bọc lẫn nhau... Chẳng khác gì hoa mai phương Nam, hoa đào phương Bắc cứ đến mùa xuân lại nở rộ.
    Hoàng Vũ Thuật

tin liên quan

Báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chuyên nghiệp hơn và sát thực tiễn hơn

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023 - hoạt động truyền thống đầu năm mới của những người làm báo trong cả nước.
 

Nét mới trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21

Sau ba năm gián đoạn bởi dịch Covid-19 không thể tổ chức tập trung, Ngày thơ Việt Nam sẽ trở lại với nhiều sự kiện và nét mới vào Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023, tức ngày 5/2/2023.

Bao nhiêu sắc biếc đong đầy cho nhau

(QBĐT) - Thời gian nghệ thuật thường không trùng với thời gian vật lý/tự nhiên. Thời gian vật lý/tự nhiên luôn đổi thay, vận động theo chiều quay của đồng hồ, theo thứ tự các mùa trong năm.