Tết xưa với những trò chơi mỹ thuật dân gian

  • 10:04 | Thứ Ba, 24/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuộc sống ngày nay phát triển tiện nghi, trẻ em có thể lựa chọn nhiều hình thức vui chơi giải trí, nhiều loại đồ chơi công nghệ đắt tiền, hiện đại. Người ta có thể ngồi ở nhà, một cái “nhấp chuột” có thể đặt hàng mọi thứ. Nhưng cũng vì quá nhiều lựa chọn mà trẻ em hôm nay hầu như không biết, hoặc không được chơi những trò chơi dân gian đậm nét thẩm mỹ mang giá trị văn hóa độc đáo. Đó là một điều đáng tiếc và cũng là sự thiệt thòi.
 
Trên mọi nẻo vùng quê Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng đều có những trò chơi đặc trưng phù hợp với điều kiện địa lý, văn hóa của cộng đồng dân cư. Trò chơi được phân theo các mùa, theo giới tính. Nhưng độc đáo nhất, có lẽ là những trò chơi được diễn ra vào mỗi dịp xuân. Tuổi thơ của tôi và bạn bè được may mắn với những trò chơi dân gian như thế. 
 
Làng tôi ven TX. Đồng Hới, phía Nam xã Lý Ninh xưa, đã có lịch sử lâu đời, khoảng hơn 500 năm. Vào thời Trần, để đủ 12 cửa họ theo quy định lập làng, ông Nguyễn Đình Quang từ Bắc vào khai khẩn đã đổi họ cho 4 người con trai thành Nguyễn Đình, Nguyễn Đăng, Nguyễn Lương và Nguyễn Hữu cùng với các họ khác thành lập nên làng Minh Lý (đến thời Nguyễn, đời vua Minh Mạng thì đổi lại là Thuận Lý).
Mô phỏng lại trò  "Cha múa ".
Mô phỏng lại trò "Cha múa".
Người con trai thứ 3 là ông Nguyễn Đình Nga được đổi chữ lót thành tên Nguyễn Lương Nga, ông là tổ tiên của dòng họ Nguyễn Lương ở làng Thuận Lý xưa. Họ Nguyễn Lương nổi tiếng khéo tay, các thế hệ nối tiếp nhau làm đồ thủ công mỹ nghệ để trang trí nhà cửa, vật dụng… phục vụ lễ, Tết và đặc biệt trong đó là những trò chơi mỹ thuật dân gian phục vụ cho ngày Tết.
 
Ông nội tôi là nghệ nhân Nguyễn Lương Bân, có thể làm rất nhiều loại hình mỹ thuật dân gian, tạo nên nhiều sản phẩm, trò chơi mỹ thuật độc đáo. Đến dịp trước Tết, khoảng tháng 11 âm lịch, các vật liệu, như: Giấy màu, bùn, giấy báo, tre… được chuẩn bị để làm các sản phẩm mỹ thuật trưng bày, trang trí hay tặng, bán cho người yêu thích.
 
Các sản phẩm thường là những nhân vật, như: Anh hùng dân tộc, nhân vật trong truyện cổ tích, các điển tích văn học… bằng đất sét và giấy bồi vẽ màu. Mỗi nhân vật được tạo nên từ bàn tay của ông tôi đều có thần thái, tình cảm. Nhưng độc đáo nhất là sản phẩm trò chơi “Cha múa” được làm bằng tre và giây.
 
Trước hết, phải tìm được những thân tre cái già, chắc bóng ngả sang màu vàng đồng, mang về sau đó cưa ra thành những khúc nhỏ, dùng rựa hoặc dao chẻ thành thanh nhỏ, lép, làm sạch và phơi khô. Tiếp theo là phần tạo hình cho sản phẩm.     
      
Những thanh tre được dùng dao hoặc rựa sắc vót tạo hình thành các bộ phận đầu và thân thành một khối, chân và tay tách rời. Để làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu người sử dụng, thường làm số lượng nhiều. Như vậy sẽ có những thanh tre chỉ có tay, chân hoặc đầu và thân… tiếp theo là công đoạn tô màu.
 
Do trước đây màu sắc khan hiếm nên một số màu cơ bản tự tạo từ vật liệu địa phương, như: Màu đỏ, nâu từ đá, gạch, màu đen từ than, màu trắng từ vỏ điệp… Cọ để tô màu là rễ cây dứa gai phơi khô, đập dập một đầu. Mọi thứ sẵn sàng, ông ngồi phía giữa, xung quanh là những “chén” màu giản dị ấm áp nhưng cũng rất rực rỡ, bắt mắt. 
 
Công đoạn tô màu thực sự là một hoạt động sáng tác mỹ thuật. Tùy theo bộ phận, thớ tre để tô chứ không nhất thiết phải tô giống nhau, hoàn toàn tô bằng tay chứ không có một phương thức nào khác. Sau khi hoàn chỉnh các bộ phận, bước tiếp theo là kết nối thành sản phẩm.
 
Các bộ phận chân, tay kết nối với thân nhân vật bằng dây đồng nhỏ, có độ lỏng để dễ vận động. Phần tạo sự chuyển động cho con rối là một thanh tre cật vót mỏng dài khoảng 30-35cm được uốn cong hình chữ U bởi hai sợi dây chỉ nhỏ, hai sợi dây này xuyên qua hai lỗ trên bàn tay.
 
Trò chơi rất đơn giản, người chơi chỉ cần dùng lực của hai ngón tay cái và tay trỏ để bóp vào gọng tre, thế là con rối cứ nhảy múa tự nhiên như một nghệ sĩ thể dục dụng cụ thực thụ. Điều thú vị của trò chơi này là hình như con rối tự thân tạo động tác ngẫu nhiên chứ không tuân theo quy luật nào, điều này tạo nên sự thích thú, bất ngờ của người chơi.
Tạo hình các trò chơi mỹ thuật dân gian.
Tạo hình các trò chơi mỹ thuật dân gian.
Nghệ nhân Nguyễn Lương Cần nổi tiếng với nghề chạm khắc, dịp đón Tết chuyên làm các sản phẩm trò chơi cho trẻ nhỏ.“Chim cần” là trò chơi có nét riêng về tạo hình, vừa chơi và có thể sử dụng để trang trí. Thân chim cần làm bằng đất sét; cánh, đuôi là lông gà, vịt (hoặc giấy màu) rồi phơi khô sau đó tô màu.
 
Chim được gắn vào sợi dây buộc vào một chiếc cần tre mềm khoảng 30-40cm, vậy là có một con chim đang bay gắn với một chiếc cần cong cong, nên người ta gọi là “Chim cần”. “Lung tung” là sản phẩm trò chơi vừa có hình thức đẹp và mang cả âm thanh vui tai từ chiếc trống nhỏ có cán cầm tay, có hai sợi dây nối với hai viên đất sét khô bọc giấy màu, khi lắc thì hai viên nhỏ đánh vào mặt trống hai bên kêu tung tung. 
 
“Gà gáy” là sản phẩm trò chơi trước đây được gia đình ông Nguyễn Lương Đẩu (hiện nay đã hơn 90 tuổi) chuyên sản xuất từ nguyên liệu đất sét, thân lồ ô nhỏ và lá nón.Trước Tết khoảng 1-2 tháng thì chuẩn bị đất sét (loại đất dùng làm gạch ngói).
 
Đất sét được loại bỏ tạp chất, nhào cho đều, chuẩn bị khuôn bằng ximăng (khuôn được làm sẵn hàng loạt, sử dụng trong nhiều năm), sau đó cho đất sét vào, tạo nên nửa thân gà gồm đầu, thân rỗng bên trong, phơi khô. Sau đó, từ hai mảnh tiến hành ghép lại thành một con gà bằng đất kích thước khoảng 7-8cmx4-5cm, rồi vẽ màu trang trí.
 
Bộ phận mỏ gà tạo nên âm thanh “gáy” được làm từ thân cây lồ ô nhỏ, thân già, đường kính khoảng 1-1,5cm vát chéo, xẻ một đường và gắn một miếng lá nón (lá tơi) vào chính giữa. Gắn làm sao cho vừa với phần vát trên thân. Khi thổi lên tiếng kêu te te thì được. Phần mỏ được gắn vào thân gà tạo nên một chú gà ngộ nghĩnh dễ thương và phát ra âm thanh khi người chơi thổi. Tiếng gáy te te trong trẻo của chú gà vang xa vui tai trong không gian những ngày Tết.
 
Còn nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, như: Lồng đèn, đèn kéo quân, trống da ếch… của các gia đình làm đều thuộc dòng họ Nguyễn Lương. Cứ đến dịp Tết, cả làng nơi tôi sinh sống rộn ràng chuẩn bị để hoàn thành sản phẩm, nhiều màu sắc lấp lánh, hàng trăm sản phẩm được phơi cả sân, tràn ra cả đường… tạo nên một bức tranh quê thật lung linh đầy màu sắc.
 
Những sản phẩm mỹ thuật dân gian đặc sắc đó cùng bọn trẻ chúng tôi có mặt khắp thôn xóm. Vào dịp Tết, chúng tôi cầm trên tay những sản phẩm trò chơi dân gian đến các không gian hội xuân, như: Chơi Bài chòi, bài chắn, bài ghế, cờ tướng, cờ người… của người lớn. Chúng tôi cứ chơi như vậy hết cả những ngày xuân, tiếng cười vang vào tận giấc ngủ.
 
Ngày nay, những trò chơi giản dị như thế không đủ sức cạnh tranh nên dần mai một và thất truyền (bởi thế hệ những nghệ nhân cũng đã già yếu hoặc qua đời). Nếu có điều kiện, mong muốn phục dựng những sản phẩm mỹ thuật dân gian độc đáo đó như một nét đẹp văn hóa của cha ông, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cho quê hương trong giai đoạn hiện nay.    
 Nguyễn Sa

tin liên quan

Lòng như mây trắng

(QBĐT) - Tết Nguyên đán là dịp lễ trọng đại, thiêng liêng nhất, biểu trưng cho văn hóa, cốt cách và tinh thần của người Việt Nam, được gọi bằng nhiều cái tên rất dân dã, gần gũi: Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết Cả…

Vị thần và địa danh Phong Nha

(QBĐT) - Hệ thống hang động vùng Phong Nha-Kẻ Bàng không những có giá trị địa chất, địa mạo, giá trị tự nhiên toàn cầu, mà còn có giá trị thắng cảnh, giá trị văn hóa, tâm linh phong phú, trong đó, động Phong Nha là một trong những hang động có "linh hồn" nhất.
 

Mùa xuân và chim én

(QBĐT) - Về đi về đi
ta nghe mùa xuân gọi
cánh én ngang dọc trên cao như cây cọ vẽ giữa tấm voan tươi rói