Lòng như mây trắng

  • 10:03 | Thứ Ba, 24/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tết Nguyên đán là dịp lễ trọng đại, thiêng liêng nhất, biểu trưng cho văn hóa, cốt cách và tinh thần của người Việt Nam, được gọi bằng nhiều cái tên rất dân dã, gần gũi: Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết Cả… Một năm dẫu có tất bật theo công việc, lao động, học tập, đi ngược về xuôi,… nhưng không một ai không nóng lòng, thổn thức, rạo rực, chờ mong mỗi khi Tết đến xuân về: Đi đâu mặc kệ đi đâu/Đến ngày giỗ chạp phải mau mà về.
Quảng Bình quan. Ảnh: Bùi Cường
                                         Quảng Bình quan.                             Ảnh: Bùi Cường
Khoảng thời gian quý giá ấy đưa chúng ta trở về, tắm táp trong dòng suối mát rượi, trong lành của gia đình, quê hương, tổ tiên, cội nguồn. Đó cũng là khoảng thời gian chúng ta được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, lắng nghe tiếng nói của bản thể, không bị vùi lấp, đổi thay bởi sắc lạnh của đồng tiền, danh vọng và quyền lực, từ đó thêm yêu quý cuộc sống, con người và thiên nhiên.
 
Mùa xuân là bản hòa điệu đẹp nhất của đất trời và của lòng người. Khoảng hai tuần trước Tết, không khí nhộn nhịp, khẩn trương, tất bật nhưng đầy háo hức hiện rõ từ trong nhà ra ngoài phố. Mọi người dường như đều gói lại những vất vả, lo toan, buông bỏ những muộn phiền, hướng về một cái Tết ấm áp, đoàn viên. Trong chiếc nôi biếc xanh, lúc lỉu của mùa xuân, tâm hồn con người trở nên thanh tân, yêu đời: Từ nay anh đã có nàng. Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca. Mùa xuân trên những mái nhà. Có con chim hót tên là ái ân (Đóa hoa vô thường-Trịnh Công Sơn).
 
Tết vì thế được xem như là khoảng thời gian làm tròn bổn phận, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, cúng lạy ông bà; là giây phút hạnh phúc nhất, cảm nhận những yêu thương thuở chúng ta cất tiếng khóc chào đời; là lúc con người như xích lại gần nhau hơn, tận hưởng và hết mình trong mối giao hòa tuyệt diệu của đất trời, vạn vật, cỏ cây: Sẽ thênh thang cho bốn phía ùa vào/Những ngôi nhà mở ra trăm cửa sổ/Niềm vui thơm mùi sơn/Những niềm vui tở mở/Như mùa xuân xanh non/Những chồi tơ bật vỏ/Làm lòng ta nôn nao” (Đi trên nền phố cũ-Hải Kỳ).
 
“Về quê ăn Tết” do vậy không phải là những cuộc về bình thường mà là cuộc về long lanh lòng biết ơn và in đậm tâm thức cội nguồn. Mới hay, một năm bôn ba thăng trầm chỉ nguyện ước đổi lấy dăm ba ngày Tết ấm áp với mái nhà đơn sơ, nồng nàn với muôn sắc hoa và thảnh thơi lắng nghe tiếng chim hót!
 
Một trong những tục lệ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán là viếng mộ tổ tiên ông bà, làm mâm cơm cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời, bữa tiệc tất niên quây quần bên nhau chúc mừng năm cũ đã trôi qua, tục gói, nấu bánh chưng, muối dưa hành, cúng giao thừa, xông nhà, chúc Tết, thăm hỏi,…
 
Trong đó, tục thờ cúng và chăm sóc bàn thờ những ngày Tết là một trong những bản sắc văn hóa, truyền thống của người Việt. Tục thờ cúng còn diễn ra ở các ngày giỗ chạp, lễ, ngày rằm, ngày mùng một, cưới vợ, gả chồng, làm nhà, đi xa… Những ngày giáp Tết, nhà nhà đều ý thức trang trí, quét dọn sạch sẽ. Bàn thờ gia tiên luôn được sắp đặt, sửa soạn cẩn trọng, trang hoàng, thơm tho. Công việc này thường diễn ra sau 20 tháng Chạp.
 
Việc chăm sóc bàn thờ tổ tiên không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây, mà còn giúp chúng ta ý thức chăm sóc, gìn giữ phần hồn của mình, làm cho tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái. Nén hương như là cầu nối, gửi gắm những ước nguyện, lòng thành của người đang sống với người đã khuất. Làn khói mong manh nhưng chứa đựng biết bao ân tình. Ân tình theo khói hương bay lên thơm ngát. Đứng trước bàn thờ tổ tiên, cuộc gặp gỡ dẫu vô hình, mang tính tâm linh nhưng đóng vai trò quan trọng, giúp chúng ta thấu suốt bản thể.
 
Cảm thức về mối quan hệ, kết nối giữa thế giới hữu hình và vô hình, giữa sự sống và cái chết của người Việt, vì vậy vừa biểu thị giá trị nhân văn, cung kính, tri ân những thế hệ đi trước, vừa thể hiện mong ước được giúp đỡ, chở che, yên ổn. Xét trong hoàn cảnh này, yếu tố tâm lý lo lắng, sợ hãi, cần điểm tựa từ thế giới bên kia có thể xem như là một chỉ dẫn dẫn đến sự thanh tịnh, an lành. Từ đó, chúng ta có ý thức, trách nhiệm hơn, biết nâng niu, ơn nghĩa cội nguồn và lan tỏa tình yêu vĩnh cửu này cho các thế hệ sau. Đây chính là gốc rễ, truyền thống tốt đẹp của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, là hồn Tết Việt.
 
Công việc lau dọn bàn thờ, thờ cúng tổ tiên được mở rộng hơn về mặt đạo đức, đạo lý, từ vấn đề gắn kết, tôn trọng của gia đình còn hướng đến vấn đề gắn kết, tôn trọng của xã hội, của dân tộc. Công việc tưởng giản đơn nhưng trong đó ẩn chứa những giá trị nhân văn lớn lao. Về phía các thành viên trong gia đình, họ như được tiếp thêm niềm tin, nguồn sống, bản lĩnh để có thể chống chọi những va đập nghiệt ngã của cuộc sống. Sự thanh sạch trong tâm hồn sẽ mở ra những hành động, lối sống văn minh và lành mạnh.
 
Lúc này, tín ngưỡng thờ cúng vừa gắn bó các thành viên trong gia đình vừa gắn bó giữa các thành viên với xã hội. Ý thức, trách nhiệm công dân theo đó cũng toàn diện hơn. Cứ thế, thế hệ này đến thế hệ khác đảm nhiệm trọng trách gìn giữ nền nếp gia phong, trở thành một tập quán góp phần bảo tồn, phát triển, tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc: Con người có tổ có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn.
 
Giây phút thiêng liêng, đặc biệt nhất của năm là giao thừa. Lúc đất trời giao hòa tống cố, nghinh xuân cũng là lúc chúng ta với lòng thành chỉnh tề thắp hương cúng bái tổ tiên, uống nước nhớ nguồn, mong ước những điều may mắn, thuận lợi sẽ đến. Giao thừa là món quà, là sự ban cho của trời đất, tăng thêm sự sum vầy trong gia đình và cũng là giây phút thăng hoa tình yêu, lòng thênh thang, trinh bạch như mây trắng: “Và chúng ta lại đón giao thừa/Phút giây lặng lẽ mong chờ, lắng nghe mùa xuân về/Để biết ta còn mãi trong đời/Phút mong chờ ấy tuyệt vời, chứa chan niềm tin yêu…” (Lắng nghe mùa xuân về-Dương Thụ).
 
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan

Vị thần và địa danh Phong Nha

(QBĐT) - Hệ thống hang động vùng Phong Nha-Kẻ Bàng không những có giá trị địa chất, địa mạo, giá trị tự nhiên toàn cầu, mà còn có giá trị thắng cảnh, giá trị văn hóa, tâm linh phong phú, trong đó, động Phong Nha là một trong những hang động có "linh hồn" nhất.
 

Mùa xuân và chim én

(QBĐT) - Về đi về đi
ta nghe mùa xuân gọi
cánh én ngang dọc trên cao như cây cọ vẽ giữa tấm voan tươi rói

Lan tỏa nét đẹp văn hóa ngày xuân

(QBĐT) - Chùa Hoằng Phúc, Đền Liễu Hạnh công chúa, các khu du lịch sinh thái là điểm đến yêu thích của nhiều người dân và khách du lịch trong dịp đón Tết Nguyên Đán 2023.