Mai lên biên giới

  • 09:31 | Thứ Tư, 25/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xe chật như nêm, những chuyến xe nội tỉnh cuối năm càng ngày càng quá tải. Hôm nay Mai lên biên giới. Nói mãi, bố mẹ mới đồng ý để cho cô con gái vàng ngọc lên chốn thâm sơn cùng cốc thăm gã bạn trai chỉ ghé qua nhà chào hỏi vài lần.
 
Thì thôi mẹ à, con gái mẹ ngoài 30 rồi, ế lắm rồi, mẹ giữ càng ế thêm. Là Mai nói thế, Mai ế hay không bố mẹ Mai quá biết. Bao nhiêu người tìm hiểu, toàn người tử tế, nhưng Mai chưa gật người nào. Người thì Mai nói, anh ấy tốt nhưng phải cái tật thuốc rượu nặng quá. Người thì Mai bảo, anh ấy hội đủ mọi thứ, chỉ thiếu mỗi việc quan tâm đến bố mẹ. Đang tìm hiểu đã thế, sau này thành con rể chẳng biết thế nào. Người thì Mai bảo, họ chỉ chọn người hợp tuổi để làm ăn chứ không quan tâm con là người thế nào, không có tình cảm làm sao sống được?…
 
Thế nhưng, chỉ cần một chuyến công tác lên vùng cao, được Thiên dẫn đi tác nghiệp mấy hôm, Mai đã chết đứ đừ với anh lính trầm lặng ít nói nhưng kỹ lưỡng đến từng việc rất nhỏ. Ít nói, nhưng thốt ra câu nào dí dỏm và trí tuệ câu ấy. Anh lại “galang”, không chỉ với Mai mà tất cả phụ nữ trong đoàn anh đều chu đáo như thế.
 
Những buổi tối giao lưu, anh ôm đàn và hát. Giọng trầm, khỏe với gương mặt u buồn khiến Mai không thể làm ngơ. Hỏi ra mới biết, vợ anh vừa mất đã 5 năm. Chị chọn cách tự vẫn trong cơn trầm cảm mà anh không về kịp. Thiên không nguôi cảm giác có lỗi. Trước đây anh vui vẻ, hoạt bát bao nhiêu, giờ đây anh trầm lắng, thu mình bấy nhiêu.
 
Và rồi Mai xuất hiện. Sự tự tin và ấm áp của Mai mang lại cho anh những tia nắng tươi vui. Nhất là khi Mai chống cằm say sưa nhìn anh hát. Anh đã hơi bối rối với ánh mắt dịu dàng, trong veo ấy. Nhưng thật kỳ lạ, ngay sau đấy tiếng hát của anh du dương hơn, cảm xúc khôn cùng. Tuyệt nhất là lúc anh đệm đàn cho Mai hát, một sự ăn ý hòa quyện thật hoàn hảo. Giây phút ấy, có một cái gì đó vô cùng đẹp đẽ đã len lỏi vào mọi ngóc ngách, đánh thức bao cảm xúc bấy lâu ngủ quên trong tâm hồn buồn thảm của anh. Nó khiến tim anh bắt đầu lạc nhịp.
 
Chẳng ai tin được một nơi cách trung tâm tỉnh lỵ chưa đầy 30km mà lại không có sóng wifi, sóng điện thoại lại rất tậm tà tậm tịt, gọi để nói cho nhau nghe là phải hét to lên. Chuyện bình thường không sao, gọi cho người yêu mà thế, xấu hổ chết, mất hết sự lãng mạn. Vậy mà Thiên đang ở nơi ấy. Nơi phải qua một con ngầm lổn nhổn đá mới đến được chỗ đơn vị anh đóng quân.
Ảnh minh họa: Minh Quý
Nhớ nhung, mong chờ nó không nằm ở facebook hay zalo theo cách yêu đương của các cặp đôi hiện giờ. Ngày gọi cho nhau một lần, chỉ để nghe tiếng nhau chứ không nói cho nhau được gì nhiều. Thì đành viết thư. Hay thật. Mai không thể ngờ được sang thế kỷ 21, Mai quay lại kiểu liên lạc hồi sinh viên. Tại Mai chứ, ai bảo Mai chọn Thiên, anh lính biên phòng đóng quân vùng biên giới hẻo lánh.
 
Xe bắt đầu vào vùng có những cua tay áo. Ai đó bâng quơ hỏi Mai: Lên biên giới thăm chồng hả. Ồ! Cái dáng vẻ của Mai thế nào mà để người ta phát giác ra dễ vậy? Mai nhìn quanh, chẳng thể đoán được ai đang đi hay về trên hành trình này. Chỉ thấy sự điềm nhiên trên những gương mặt đang cùng Mai đồng hành. Nhưng điều dễ nhận ra nhất là không khí Tết tràn ngập trong xe. Ai đó bóc gói mứt gừng ra nhóp nhép nhai, mùi gừng cay thoảng nhẹ.
 
Một cây quất mini nép ở cuối xe, quả vàng ươm chấp chới. Mai lỉnh kỉnh những khăn, những áo mua từ xuôi lên cho Thiên. “Mùa này, biên giới lạnh thấu xương em à!”. Nét chữ nghiêng nghiêng bảo thế, nó xiết nhẹ vào trái tim đa cảm của Mai. Hóa ra, không phải vì Mai kén chọn, vì số phận đã sắp xếp để Thiên đợi Mai nơi đó, chốn biên giới xa xôi để hôm nay, trong buổi chiều cuối năm sương giá, Mai không cầm được nhớ nhung, lặn lội lên thăm anh.
 
“Tết này anh phải trực, ưu tiên cho những anh em có bố mẹ già, con nhỏ dại, anh một thân một mình, bố mẹ còn khỏe. Thôi thì, Tết xong mình bên nhau cũng được em nhỉ! Anh sẽ về thưa chuyện với bố mẹ em luôn. Cho phép anh nhé! Đợi anh!”. Nét chữ nghiêng nghiêng thủ thỉ với Mai vậy. Người vợ của anh, mãi không đậu được con sinh ra trầm cảm, anh ở xa, không gần gũi vợ thường xuyên, liên lạc thì phập phà phập phù, cuối cùng chị chọn sự ra đi, để lại trong anh một vũng buồn nặng nề.
 
“Liệu rồi em có như vợ anh không, khi anh cứ biền biệt?”. Mai đã khóc òa khi Thiên hỏi câu ấy, là lúc Thiên cảm thấy không thể thiếu Mai và sợ mất Mai nhất. Mai đã không trả lời, cứ áp khuôn mặt nhòe nước vào lồng ngực vạm vỡ khóc nức. Thiên không thể biết được, lúc đó lòng Mai đau như xé, Mai thương nỗi buồn của anh bao năm, thương sự dè dặt của anh lúc bắt đầu một quan hệ mới. Nhưng Mai không thể thốt ra lời. Thiên về đơn vị mang một nỗi buồn thắc thỏm chưa có câu trả lời trọn vẹn.
 
Thì đây, chuyến đi này là câu trả lời của Mai. Dù chưa cưới hỏi, dù Thiên chưa có lời chính thức với bố mẹ Mai. Nhưng “Con đã trưởng thành, con biết nên làm gì là đúng, bố mẹ đừng quá lo”. Bố mẹ Mai buộc phải đồng ý cho cô con gái bướng bỉnh lặn lội lên non. Chấp nhận giao thừa đầu tiên không có nó. Rồi Mai sớm muộn cũng phải lấy chồng, bố mẹ phải làm quen với sự thiếu vắng ấy thôi.
 
Từ bữa đó, Thiên không gọi điện về nữa, điện thoại im lìm, chắc anh giận. Mai cũng không thông báo cho Thiên về cuộc viếng thăm này. Nhỡ anh đi tuần tra cột mốc biên giới mấy ngày mới về thì sao nhỉ? Bỗng nhiên Mai hốt hoảng. Mai sẽ làm gì khi không có anh ở đó? Sắp đến nơi rồi, chỉ còn một đoạn đường nữa thôi. Đâu đó cuối xe, ai mở nhạc: “Em ơi có nơi nào đẹp hơn/Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở/Khi mùa sở ra cây/…”.
 
Mai nhìn ra bên đường, đào rừng bắt đầu bung cánh. Những bông đào phai mỏng manh, reo vui trong ánh sáng ban chiều bắt đầu chuyển sẫm. Núi cũng thẫm hơn trong màn sương giá lan dần. Mai nghe lòng mình nhẹ đi. Ừ! Nếu không gặp anh, Mai sẽ đợi anh về. Không đợi được, Mai sẽ gửi các thứ ở lại. Anh về, chắc chắn sẽ cảm nhận được hơi ấm của Mai thôi.
 
Điện thoại đổ chuông, là Thiên. “Giữ ấm em nhé! Xong Tết anh sẽ về”. Mai ngắt máy, vui ngập lòng vì biết chắc anh đang ở đơn vị. Nhưng Mai vẫn không nói với anh: Tết này, Mai lên biên giới!
Nguyễn Hương Duyên

tin liên quan

Nhìn mai lại nhớ đến người

(QBĐT) - Nhắc đến các bậc danh nhân triều Nguyễn, không ai không nhớ câu truyền tụng: "Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán; Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường".

Độc đáo trò chơi "cờ người"

(QBĐT) - Là trò chơi dân gian phổ biến của làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch), mỗi khi Tết đến xuân về, những ván "cờ người" luôn thu hút đông đảo người xem, tạo nên nét văn hóa rất riêng của ngôi làng gần 400 năm tuổi.


 

Trọng một nhân cách, thương luôn một miền quê

(QBĐT) - Không dùng kỹ xảo, không "chạy đua" với công nghệ nhưng những bức ảnh của ông vẫn bền bỉ sống và khẳng định chỗ đứng trong lòng những người yêu nhiếp ảnh. Ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nên thương hiệu cho đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Hồng không chỉ bởi bản thân Đại tướng đã là một sự bảo lãnh lớn lao cho giá trị từng bức ảnh mà còn vì ông đã bấm máy bằng tất cả sự trân trọng, ngưỡng mộ với người Anh Cả.