"Chân trời mùa hạ" nhìn từ một làng quê Quảng Bình

  • 16:26 | Thứ Bảy, 04/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Như báo Quảng Bình đã đưa tin: Nhà văn Hữu Phương, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình (1998-2009) và Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình từ năm 1993 đến năm 2022, đã qua đời ngày 3/2/2023 vì bạo bệnh.
 
Ông là tác giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, như các tập truyện ngắn: “Con người thánh thiện” (1991), “Đêm hoa quỳnh nở” (1995), “Hoa cúc dại” (1997), “Khách má hồng” (2002), “Anh bộ đội và cô gái mặc quân phục xanh” (2011), “Ba người trên sân ga” (2014)… và các tập tiểu thuyết: “Chân trời mùa hạ” (2011), “Súng nổ bến Thiên Đường” (2014), “Quay đầu lại là bờ” (2019)...
Nhà văn Hữu Phương.   <em>Ảnh:<strong> qdnd.vn</strong></em>
Nhà văn Hữu Phương.   

"Chân trời mùa hạ” là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2007 và đã được tái bản nhiều lần. Bối cảnh tiểu thuyết là một làng quê đất lửa Quảng Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tác phẩm đã được Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết năm 2007-2009 của Hội nhà văn Việt Nam. Tháng 11-2011, Hội nhà văn đã tổ chức buổi tọa đàm nghiệp vụ về cuốn tiểu thuyết này.

Thương tiếc nhà văn Hữu Phương, Báo Quảng Bình điện tử xin trích giới thiệu một số ý kiến tại buổi tọa đàm trên đây, do nhà thơ Mai Nam Thắng lược ghi:

Nhà văn Hữu Phương phát biểu tâm sự: Tôi có tham vọng viết cuốn tiểu thuyết này đã lâu. Làng tôi là một làng quê nghèo ở Quảng Bình. Bao đời nay dân làng sống nhờ trời, khi gieo trồng thì lo nắng hạn; mùa thu hoạch thì lo mưa bão. Đói thì vào rừng kiếm sống, nhưng ăn của rừng rưng ưng nước mắt. Nhờ phong trào thủy lợi mà làng có được cái đập Đá Mài để trồng lúa nước năm 2 vụ. Nhưng chiến tranh ập đến, máy bay Mỹ phá mất, nên lại phải quay lại thời cơ cực mưa nắng nhờ trời và trụ vững trên mảnh đất ấy mà đánh Mỹ. Quê tôi là điển hình cho miền Trung, cái eo đất hẹp mà cả cuộc kháng chiến phải chảy qua đấy. Thậm chí có cái bến nước mà hình người lính nào cũng rửa mặt chao chân ở đấy để vào chiến trường.

Tôi viết “Chân trời mùa hạ” không phải để viết về chiến tranh, mà qua chiến tranh để nói về những số phận trên mảnh đất quê tôi, về sức mạnh của hậu phương đối với tiền tuyến lớn…

GS Phong Lê: Văn học Việt Nam hơn nửa cuối thế kỷ 20 có 2 đề tài lớn là nông thôn và chiến tranh. Trong chiến tranh lại có 2 loại là chiến tranh thuần túy và nông thôn trong chiến tranh. “Chân trời mùa hạ” thuộc loại thứ hai này, nó không hề phủ định những thành tựu trước đó; kể cả những tác phẩm viết thời hậu chiến, như: “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường... “Chân trời mùa hạ” như biên niên sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở một vùng đất cửa ngõ chiến trường, nó đặt ra nhiều bi kịch nhân gian. Nhiều nhân vật như Sơn, ông Duẩn, Hòa, Thiện... là những những số phận điển hình.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Hữu Phương đã viết về những người ở ngay sát mình, thấy rất thật, như đều là những nguyên mẫu đã được anh theo dõi rất lâu, hiểu rất sâu, vì vậy mà những điều anh kể dễ tin cậy. Tuy nhiên, tiếc là hình như tác giả chưa có sự chuẩn bị để có những đột phá trong xử lý, đẩy nhân vật đến những nút thắt gay cấn. Văn học Xô viết khiến ta nhớ mãi là vì họ có những dồn ép để nhân vật bột phát trở nên thế này hay thế khác, rất con người.

Nhà văn Lê Minh Khuê: Tôi thấy anh Hữu Phương đã làm được cái việc là kể về một vùng đất của chiến tranh. Ở đó có những sự kiện, những số phận, những bi kịch... là những gì đã làm nên diện mạo của vùng đất ấy trong hoàn cảnh ấy. Qua trường hợp này, thấy Hội nhà văn nên đầu tư khuyến khích cho các nhà văn viết về những vùng đất, những sự kiện... một cách “thản nhiên, thân thuộc” như vậy. Chẳng hạn thành cổ Quảng Trị, hay lính đánh thuê cho Mỹ ở vùng Khu 5 trước đây... Vì thế tôi rất thích nội dung cuốn tiểu thuyết này và cách kể này của Hữu Phương.

Nhà văn Hữu Phương phát biểu tại cuộc toạ đàm.
Nhà văn Hữu Phương phát biểu tại cuộc toạ đàm.   
Nhà văn Văn Chinh:  Đây là tác phẩm “con bá con dì” cùng chủ đề với nhiều cuốn trước đó của Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường ... Theo tôi đây là một câu chuyện có văn. Một số nhân vật kiểu như bí thư đảng ủy xã là rất khó viết hay, nhưng ở đây đọc thấy hấp dẫn. Hoặc như mối tình già trong cuốn sách này là chân thực, chân phương, được chấp nhận. Đặc biệt có 2 trường đoạn rất hay, rất gần với điện ảnh. Đó là đoạn hai thằng tình địch vốn là bạn cũ đánh nhau và đoạn ông giáo Duẩn đi lang thang cố tìm cái chết, một cái chết có thể khiến ông “hả hê” vì đã tự xử tội mình. 
 
Nhà thơ Đặng Hiển:  Vì sao Việt Nam có thể chiến thắng được đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh gần như hủy diệt trên mảnh đất hẹp miền Trung? Câu trả lời bằng văn học là vì con người Việt Nam mà cụ thể ở đây là những con người Quảng Bình rất anh hùng, đã vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Sản xuất thì đang chống hạn đã phải lo chống úng; ngoài trồng lúa, khoai, sắn còn phải lo kiếm các thức ăn phụ như hạt mít, hạt sót và cả các thứ rau quả…
 
Trong chiến đấu thì phải vừa trực tiếp bắn máy bay Mỹ, vừa phải phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh... Ăn thì không đủ no nhưng vẫn "thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”. Có vụ nào thất bát thì xin nợ lại, bù trả ở vụ sau chứ không xin miễn giảm. Tất thảy đều yêu nước, yêu quê hương trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, tình yêu ấy được thử thách, càng biểu hiện rõ rệt… Ngay cả một người tinh thần khủng hoảng, muốn tìm đến cái chết như ông giáo Duẩn, cũng vẫn căm thù giặc và khi có cơ hội đến, vẫn trực tiếp chiến đấu và lập được chiến công.
 
Nhà văn Tô Đức Chiêu: Hữu Phương đã thành công khi dắt dẫn ta theo dõi cuộc đời của bao người con gái và cả những người cha, người anh dấn thân vào binh đao khói lửa vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Khi những người con trai ào ạt lên đường thì những người con gái bồn chồn, khấp khởi. Các cô gái miền khói lửa ấy dễ gần, dễ quen, nhưng cao thượng và đặc biệt chỉ miền đất ấy, trong binh đao khói lửa ấy, lí trí mới càng vời vợi nâng những bước chân bay bổng nghìn trùng. Một người con gái xinh đẹp như Cẩm mà Thiện từng theo đuổi nhưng chưa kịp thổ lộ, bỗng dưng vào phút giây thăng hoa, cô nghiêm cẩn tuyên bố yêu Phong, một chiến sĩ vừa hi sinh. Sự vô lí xem ra có lí ở thời buổi con người tình cảm đậm đà nhưng lí trí và lí tưởng luôn luôn ở tầm cao vút. 
 
PGS-TS Lý Hoài Thu: Tôi cùng quê với anh Hữu Phương. Tôi thấy nhiều nhân vật, nhiều sự kiện, chi tiết... trong tiểu thuyết này đều có thật và thế hệ chúng tôi đã được chứng kiến. Có nhiều chuyện nếu viết cách nay 10-15 năm thì có thể khó được chấp nhận, nhưng nay thì thấy hợp lý. Thậm chí loại nhân vật lừa thầy phản bạn như Sơn, nếu bây giờ mà viết, còn có thể “cho” chui sâu leo cao hơn nữa. Về cách viết, cách kể chuyện, theo tôi không nhất thiết cứ phải theo “thi pháp mới”. Với câu chuyện này thì cứ kể như thế này vẫn thấy hay, và có lẽ cái tạng của tác giả là thế, không cần loay hoay đổi mới, chỉ cần “hiện đại” hơn một chút nữa mà thôi.
 
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Cuốn tiểu thuyết này tái hiện được phần nào không khí một vùng văn hóa. Tất nhiên văn chương không nhất thiết mô phỏng một hiện thực đã qua, nhưng việc tái hiện cái hiện thực ấy phải khách quan, nhân bản. Ở đây tôi thấy việc tái hiện vẫn chưa thoát khỏi tâm lý địch-ta khá phổ biến của thời ấy, thành ra người đọc hôm nay ở phía bên kia đôi khi khó chấp nhận. Và nữa, hơi tiếc là tác giả còn thiếu kiến thức quân sự, cho nên khi tả sinh hoạt bộ đội, tả về các loại vũ khí, về kỹ thuật, chiến thuật trong tác chiến còn... hơi giả.
 
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Tác phẩm cũng có một số trang có chất thơ tả cảnh vật quê hương và lòng gắn bó với mảnh đất quê hương của con người. Nhưng giá như lòng yêu quê hương ấy được tả kỹ hơn như một quá trình hình thành ở con người, trong những điều kiện lịch sử và địa lý ấy, từ thưở bé thơ đến khi trưởng thành, thì tác phẩm sẽ sâu sắc hơn, xúc động hơn. Những con người ở đây trong hoàn cảnh chiến tranh ác biệt vẫn sống như những con người bình thường. Họ vẫn có cuộc đời riêng, những nhu cầu riêng, tình cảm riêng bình thường của con người như tình yêu, tình bạn, tình gia đình, hàng xóm... Họ vẫn có đủ cả tính tốt lẫn tính xấu, những cái cao quý và cả những cái tầm thường của con người.
 Một số tác phẩm tiêu biểu của Hữu Phương
          Một số tác phẩm tiêu biểu của Hữu Phương.   
Nhà thơ Mai Nam Thắng: Tôi bị hơn 500 trang sách cuốn hút bởi vùng đất ấy tôi đã sinh ra và lớn lên, không khí thời chiến ấy tôi đã đi trọn thời niên thiếu... Câu chuyện chủ yếu là ở làng Đại Hòa của Quảng Bình, nhưng anh kéo nhân vật mình ra một làng trú quân ở Nghệ An, dừng lại gần trăm trang để tái hiện cuộc sống lao động, sản xuất, trực chiến... Ở đó cũng ngồn ngộn những chi tiết sinh động chẳng kém gì ở làng Đại Trạch. Rồi lại cho nhân vật vào một binh trạm dã chiến, dừng lại ở đó nhiều chương để miêu tả các hoạt động ở cái binh trạm ấy như một tác phẩm về đề tài đường Trường Sơn. Tôi hiểu là tác giả muốn tạo “đất” cho tâm lý, tính cách nhân vật phát triển. Nhưng công phu như vậy mà các nhân vật của anh thiếu những đột phá bất ngờ, độc đáo, thú vị... thì thật tiếc. 
 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn VN, kết luận tọa đàm: Trong vòng một buổi sáng, đã có nhiều ý kiến được phát biểu và được lắng nghe. Tựu trung đây là một tác phẩm đậm đặc hiện thực đời sống ở một vùng quê kháng chiến, một vùng đất văn hóa, được tái tạo trong một ngôi làng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chọn một không gian hẹp có cái thuận cho nhà văn, để khai thác hiện thực đến tận cùng các chiều kích. Nhưng trong cái không gian hẹp này, các nhân vật lại được trải ra quá rộng, nên không đi đến tận cùng tính cách, số phận...
 
Xét theo số trang thì đây là tác phẩm dày dặn; nhưng ta vẫn thòm thèm một cái gì đó ở chỗ nào đó... Một số nhân vật tròn trịa quá, tính cách không được phát triển kỹ hơn. Những câu chuyện này không chỉ xảy ra ở Quảng Bình mà có ở hầu khắp nông thôn miền Bắc trong chiến tranh. Ở đâu người phụ nữ cũng phải chôn chặt lòng mình để sống, làm việc và chờ đợi. Về phương pháp kể chuyện của tiểu thuyết này như thế là hợp lý. Mừng là thấy tác giả vẫn trường sức, càng về sau càng hay, thể hiện vốn sống và tài năng nhà văn còn tiềm tàng. Chúng ta không mô tả cuộc chiến, mà tiến gần hơn bản chất của cuộc chiến. Nhà văn không nhằm nói chuyện thắng bại, mà nhằm đến số phận của những con người trong cuộc chiến ấy. Và “Chân trời mùa hạ” đã chạm được đến điều đó!
                                                            Nhà thơ Mai Nam Thắng lược ghi

tin liên quan

Báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chuyên nghiệp hơn và sát thực tiễn hơn

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023 - hoạt động truyền thống đầu năm mới của những người làm báo trong cả nước.
 

Nét mới trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21

Sau ba năm gián đoạn bởi dịch Covid-19 không thể tổ chức tập trung, Ngày thơ Việt Nam sẽ trở lại với nhiều sự kiện và nét mới vào Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023, tức ngày 5/2/2023.

Bao nhiêu sắc biếc đong đầy cho nhau

(QBĐT) - Thời gian nghệ thuật thường không trùng với thời gian vật lý/tự nhiên. Thời gian vật lý/tự nhiên luôn đổi thay, vận động theo chiều quay của đồng hồ, theo thứ tự các mùa trong năm.