Tác giả trẻ văn học nghệ thuật Quảng Bình: Kế thừa và phát triển

  • 09:26 | Chủ Nhật, 05/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tác giả trẻ là lực lượng quan trọng trong các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) hiện nay của Quảng Bình, sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao thế hệ, tiếp nối mạch sáng tạo của một vùng đất nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng.
 
Quảng Bình là quê hương của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã tạo dựng nên bề dày về các giá trị VHNT, có chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật khu vực và cả nước. Những người trẻ hoạt động VHNT trên nền tảng vững chắc này là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm để tiếp tục hành trình tạo nên các giá trị thẩm mỹ mới.                     
 
Năm 2015, Ban Sáng tác trẻ, Hội VHNT Quảng Bình được tái lập, hoạt động sáng tác có nhiều tín hiệu đáng ghi nhận. Hiện nay, số lượng hội viên trẻ ở các chuyên ngành khoảng 20 người và đông đảo cộng tác viên. Các hoạt động tham quan thực tế sáng tác chủ đề về văn hóa và đời sống của đồng bào miền núi, biển, đảo quê hương… được tổ chức trong và ngoài tỉnh; bên cạnh đó là các cuộc gặp gỡ giao lưu và hội thảo với lực lượng sáng tác trẻ tỉnh Quảng Trị (2015), Hà Tĩnh (2019), giao lưu với các nghệ sĩ trẻ của các tỉnh, thành trong cả nước đến thực tế sáng tác tại Quảng Bình… Ngoài ra, phải kể đến các cuộc báo cáo, trưng bày triển lãm...
 
Nhiều tác giả đã tham gia trại sáng tác VHNT các cấp tổ chức ở nhiều tỉnh, thành, như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Đà Nẵng… Một số sân chơi cấp quốc tế và toàn quốc có sự tham gia của tác giả trẻ Quảng Bình, như: Trại viết văn toàn quốc, trại sáng tác mỹ thuật quốc tế tại Hà Nội, Malaysia, Thái Lan, triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Festival mỹ thuật trẻ toàn quốc…
 
Qua đó, xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu. Về văn học, có nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh (Tạp chí Nhật Lệ). Chị là gương mặt nữ trẻ có năng lượng làm việc dồi dào, xuất bản nhiều tập phê bình lý luận với hàm lượng học thuật chuyên môn sâu, sắc bén tạo dấu ấn và đoạt nhiều giải thưởng. Chị còn là gương mặt thơ với tập “Người đàn bà sinh ra từ mưa” được đọc giả đón nhận.
 
Trác Diễm là một tác giả tiểu thuyết có nội lực. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng đã tích lũy cho mình vốn liếng đáng trân trọng với 5 tập tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn. Tác phẩm của chị mang nhiều tầng suy nghĩ, có sự giao thoa uyển chuyển giữa thực và ảo. Lĩnh vực văn học còn một số tác giả khác, như: Ngô Mậu Tình, Xuân Hoàng, Nhung Nhung, Lê Thị Diệu, Lê Hương, Phạm Thùy Ngân… làm dịu đi phần nào “cơn khát” thiếu vắng gương mặt trẻ văn học trước đó.
Đoàn tác giả trẻ cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho và đồng bào tại Bản Mới (xã Lâm Thủy, Lệ Thủy).
Đoàn tác giả trẻ cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho và đồng bào tại Bản Mới (xã Lâm Thủy, Lệ Thủy).
Đối với mỹ thuật, Trương Trần Đình Thắng với các tác phẩm gỗ đã tạo nên sự nồng ấm của biểu cảm chất liệu. Điêu khắc của anh lấy ứng biến tạo khối trên cấu trúc có sẵn là chủ đạo. Những đề tài quen thuộc như tình cảm gia đình, những người phụ nữ… đã giúp cho tác phẩm của anh đến gần hơn với công chúng, được giới chuyên môn đánh giá cao.
 
Lê Thuận Long là họa sĩ trẻ lựa chọn con đường sáng tác tranh cổ động thông qua cách nhìn của người trẻ với các vấn đề cuộc sống, mang nhiều thông điệp tích cực. Nguyễn Xuân Thành lại thành công với thể loại gò kim loại trong điêu khắc. Tác phẩm của anh luôn có sự khúc chiết, tinh tế trong tạo mảng khối. Nguyễn Lương Sao mạnh mẽ trong hội họa và làm mới mình bằng điêu khắc. Một số tác giả như Nguyễn Lương Du, Nguyễn Thành Trung, Hồ Trọng Lâm cũng đã bước đầu tạo nên những dấu ấn cá nhân đáng vui mừng.
 
Nhiếp ảnh Quảng Bình xuất hiện hai tác giả có nhiều nỗ lực trong hành trình tìm kiếm cái đẹp. Nguyễn Hải thành công với nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước với thể loại ảnh ý tưởng, ảnh di sản văn hóa, phong ảnh về hang động Quảng Bình. Bùi Cường là những khoảnh khắc cuộc sống đời thường trên mọi miền Tổ quốc. Điều đáng quý của hai tác giả trẻ nhiếp ảnh này là thực sự đam mê và có cái nhìn mới lạ trong sáng tác.
 
Trong thời đại 4.0, các thông tin được cập nhật, chuyển giao một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Các hoạt động sáng tác, giao lưu nghệ thuật diễn ra thường xuyên và đa dạng. Tác giả trẻ luôn nỗ lực tham gia vào các diễn đàn mở trên internet thông qua mạng xã hội, chủ động tìm kiếm cơ hội để xuất hiện trong các sân chơi VHNT và nói lên tiếng nói của riêng mình thông qua tác phẩm đến với công chúng trong nước, quốc tế. Việc tiếp cận công nghệ giúp người trẻ tích lũy được nhiều kiến thức, xóa đi ranh giới giữa các quốc gia, các nền văn hóa… làm dày vốn tri thức và bồi đắp nội lực sáng tạo.
 
Với sự nỗ lực của mình, nhiều tác giả trẻ đã đoạt các giải thưởng quan trọng cấp khu vực và quốc gia, quốc tế, được giới chuyên môn đánh giá cao, như: Hoàng Thụy Anh (giải C giải thưởng Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam), Trác Diễm (giải khuyến khích Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam), Trương Trần Đình Thắng (2 giải C triển lãm mỹ thuật khu vực)…và một số giải thưởng, bằng danh dự các cấp của các tác giả trẻ khác.
 
Tuy nhiên, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong lực lượng sáng tác trẻ nhưng khách quan mà nói, hiện nay, vẫn chỉ tập trung một số gương mặt quen thuộc, ở một số chuyên ngành. Một số tác giả sáng tác còn mang tính phong trào, chưa đi sâu tìm tòi để tạo nên những tác phẩm có giá trị. Có thể từ nhiều nguyên nhân, như: Những người trẻ bắt đầu tạo lập cuộc sống đa số còn khó khăn, đang tìm kiếm con đường định hình được phong cách riêng.
 
Mặt khác, số lượng lớn các tác giả đang làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc giáo viên ở các cấp, một số phải thường xuyên thực hiện các công trình ở ngoại tỉnh (ngành điêu khắc)…, nên việc tập hợp tổ chức các hoạt động cũng như thời gian dành cho sáng tạo còn nhiều hạn chế.
 
Để sáng tác trẻ phát triển về bề rộng và chiều sâu, thiết nghĩ mỗi tác giả mạnh dạn cất lên tiếng nói riêng của mình về xã hội, sự vận động của cuộc sống nhân sinh trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của quê hương, đất nước. Cần phải nghiêm túc và xem sáng tạo là trách nhiệm, bổn phận của một người sáng tác VHNT, tự tìm kiếm cơ hội để cùng đứng trong không gian của nhiều hoạt động VHNT khu vực và toàn quốc, bên cạnh các tác giả lớn.
 
Cần luôn trăn trở làm mới trong các tác phẩm của mình bằng nhiều hình thức thể nghiệm mới mang hơi thở đương đại tạo nên cá tính riêng biệt. Qua đó, xứng đáng “làm tròn trọng trách chuyển giao giữa các thế hệ” mà các thế hệ nghệ sĩ Quảng Bình đi trước kỳ vọng.
 
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng
(Trưởng ban Sáng tác trẻ Hội VHNT Quảng Bình)

tin liên quan

Báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chuyên nghiệp hơn và sát thực tiễn hơn

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023 - hoạt động truyền thống đầu năm mới của những người làm báo trong cả nước.
 

Nét mới trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21

Sau ba năm gián đoạn bởi dịch Covid-19 không thể tổ chức tập trung, Ngày thơ Việt Nam sẽ trở lại với nhiều sự kiện và nét mới vào Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023, tức ngày 5/2/2023.

Bao nhiêu sắc biếc đong đầy cho nhau

(QBĐT) - Thời gian nghệ thuật thường không trùng với thời gian vật lý/tự nhiên. Thời gian vật lý/tự nhiên luôn đổi thay, vận động theo chiều quay của đồng hồ, theo thứ tự các mùa trong năm.