"Tái sinh"

Những hoài niệm không quên

  • 07:49 | Thứ Hai, 10/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nối tiếp mạch cảm xúc của thơ ca truyền thống, thơ ca đương đại đang từng bước “lột xác”, vươn mình theo xu hướng cách tân, không ăn theo lối sáo mòn, quy cũ. Cùng với các cây bút hiện đại, Nguyễn Tiến Nên đã tạo nên một giọng thơ, một ý niệm riêng về cảm quan thế giới. Tập thơ “Tái sinh” tỏ bày những suy tưởng, cảm xúc của ông về hiện thực đời sống.
 
Tập “Tái sinh” của Nguyễn Tiến Nên gồm trên 60 bài thơ. Mỗi bài thơ là một thanh âm, một lời đồng vọng nhưng xuyên suốt tập thơ là những hồi ức, kỷ niệm được dồn nén của một con người/một nhân chứng sống đã trải qua nhiều nỗi niềm, mất mát, khổ đau trong cuộc đời. Mở đầu tập thơ là những lời tự trào sâu cay và mộc mạc của tác giả: “Vụng về/gieo đường cày hoang hoải/dụi mắt/ngắm mùa màng thiên hạ/ tôi xa xót gặt về/xác ve…” (Khao khát).
 
Trang bìa tập thơ
Trang bìa tập thơ "Tái sinh" của Nguyễn Tiến Nên.
 
Thể thơ tự do với những câu từ rời rạc, đứt gãy cho người đọc thấy được tâm trạng khắc khoải của Nguyễn Tiến Nên. Ông nhìn thẳng, soi chiếu bản thân mà không một chút do dự. Tác giả đã can đảm vượt qua cái tôi của bản thân để không chỉ tự nhận mình “vụng về”, mà từ cái "vụng về” ấy để “gieo đường cày”. Ý thức được trách nhiệm của mình với thơ ca, ông luôn đau đáu trăn trở phát hiện, bồi đắp, làm mới trong sáng tạo nghệ thuật. Và càng thấm thía được chân lý đó, ông càng nhận về mình nỗi chua chát, xót xa: “Tôi xa xót gặt về/xác ve”.
 
Nguyễn Tiến Nên khơi nguồn ý tưởng không chỉ bằng cách sắp xếp từ ngữ mà còn bằng xúc cảm chân thành. Câu thơ “bật dậy!thấy mình đã khác/hôm qua” là một lời khẳng định, một tuyên bố sòng phẳng, rạch ròi rằng tác giả không chịu thỏa hiệp và bằng lòng với cái cũ.
 
Nguyễn Tiến Nên luôn “tỉ mẩn”, chăm chút cho “vườn hoa chữ nghĩa” của mình ngày một thêm sắc. Nếu bài thơ “Khao khát” thể hiện ý thức trách nhiệm của một người cầm bút thì “Bến K15” là hoài niệm của tác giả khi gặp lại địa danh mang dấu ấn lịch sử-đường Hồ Chí Minh trên biển. Đọc những câu đầu của bài thơ, người đọc dễ dàng bắt gặp hình ảnh thú vị, giàu sức liên tưởng dưới con mắt tưởng tượng của nhà thơ: “Cưỡi bão giông/những con rồng gồng mình giữa lằn ranh/chân trời và thủy táng”.
 
“Những con rồng” ở đầu bài thơ là hình ảnh ẩn dụ cho hành trình làm việc miệt mài, bất chấp nguy hiểm của đoàn tàu không số. "Bến K15" là xuất phát điểm của những con tàu không số, chuyên làm nhiệm vụ bí mật chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Bởi giữ vai trò chiến lược như vậy nên bến K15 có ý nghĩa lịch sử lớn. Đó không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm của riêng tác giả mà còn của nhiều thế hệ cha ông trong hành trình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
 
Ngoài hình ảnh đoàn tàu không số thì bến K15 còn là nơi lưu giữ nhiều hoài niệm. Đó là hình ảnh gần gũi và thân quen gắn chặt với tuổi thơ, cuộc đời của mỗi người: “Cha như bóng câu một chiều/gió tứ phương tả tơi vành/nón mẹ/góc lớp lùi thùi/chú dế cụp râu”. Những lời thơ dài ngắn, đứt quãng như lớp sóng ngôn từ dập dềnh trên mặt hồ chữ. Hình ảnh cha, mẹ luôn là nguồn cảm xúc vô tận mà những người con luôn nâng niu, cất giữ vào lòng để mỗi khi nhớ về cảm xúc lại trào dâng.
 
Trong “Bến K15”, hình ảnh cha, mẹ được cất lên sao nghe bùi ngùi và xót xa đến thế. Cha được so sánh với sự vô định, mông lung là “bóng câu một chiều”. Hình ảnh mẹ dù không được so sánh nhưng người đọc vẫn có thể hình dung được sự mong manh, yếu ớt, tảo tần qua câu thơ nhói buốt “gió tứ phương tả tơi vành/nón mẹ”. Những mã tự trầm luân này giúp người đọc hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh. Dòng thơ viết về mẹ được bóc tách thành hai câu, thể hiện sự xúc động nén chặt bấy lâu chợt vỡ òa trong lòng tác giả.
 
Hình dáng người mẹ như cái cây bị quăng quật trước giông gió vì mưu sinh nhưng chưa bao giờ chịu gục ngã. Vì tương lai của những đứa con, vì mưu toan cho gia đình, vì vận mệnh của đất nước, mẹ sẵn sàng đánh đổi thanh xuân, đánh đổi sức khỏe thậm chí cả tính mạng của mình: “Mẹ nuốt tháng năm lầm lũi/gạch nối/con vào đời”. Hình ảnh đối lập “mẹ nuốt tháng năm” và “con vào đời” cho thấy sự hy sinh vô bờ, chẳng có gì sánh nổi của mẹ để hoán đổi sự trưởng thành và ước vọng của con. Ngoài hình ảnh bố mẹ, đoàn tàu không số, bến K15 còn là địa điểm in dấu “vô số” kỷ niệm của tác giả. Đó là những kỷ niệm không tên nhưng cứ “ngồn ngộn”, ăm ắp trong lòng ông:“Gặp lại trên bến K15/vô số hình ảnh vô số âm thanh/những hoài niệm không tên/như những con tàu không số”.
 
Thâu suốt tập thơ “Tái sinh” của Nguyễn Tiến Nên là những mảng ngôn từ đầy hoài niệm. Các mã tự này dung chứa xúc cảm chân thực và sâu lắng của tác giả khi nhớ về những nơi chốn, địa danh mà ông từng đi qua: “Chùa Cầu cung điện/đáy sông/quyến rũ thế nhân/hoài niệm” (Đêm phố cổ). Đối với Nguyễn Tiến Nên, mỗi một vùng đất đều có những dấu ấn và kỷ niệm riêng; bất kể đó là nơi ông từng gắn bó hay tình cờ được dịp ghé thăm. Điều này giúp người đọc thấu hiểu hơn tâm hồn nhạy cảm và ngập tràn yêu thương của tác giả. Ông mang hơi ấm tình yêu của miền Trung đến vùng đất tận cùng đất nước: “Cà Mau ơi!/huyền thoại mỗi rạch vàm/vùng đất thân thương/đi cùng trang tiểu thuyết” (Hơi thở Cà Mau).
 
Ngoài những hoài niệm, những khát khao cháy bỏng trong hành trình sáng tạo nghệ thuật thì thơ của Nguyễn Tiến Nên luôn có bóng dáng của sự hồi sinh: “Cảm ơn bà đã cho con hơn tất cả/Những gì còn lại nơi này!” (Những chân hương cũ); “bó hoa trên tay tôi líu lo/cửa phòng màu trắng hé mở…” (Đợi); “anh hạnh phúc níu bầu vú Tổ quốc/trái tim rộn ràng vỗ cánh” (Níu)... Có lẽ vì thế ông chọn bài “Tái sinh” để đặt tên cho tập thơ. Hình ảnh “nó” ở bài thơ này mang tính ẩn dụ. Câu thơ “nó ra đời sau tôi phù thủy hơn tôi thích làm sư phụ tôi” giúp người đọc liên tưởng đến bản chất của “nó”. “Nó” chẳng phải là gì xa xôi mà chính là “cái khác” tồn tại trong mỗi con người. Đó là những ti tiện, tham lam, đớn hèn… trú ngụ trong cơ thể. Phân tâm học gọi “nó” là cái vô thức. Khi phần vô thức hoạt động mạnh, mất cân bằng, thì nó sẽ lấn át phần ý thức.
 
Với trách nhiệm của người cầm bút, Nguyễn Tiến Nên tỏ bày trăn trở và không ngần ngại phân trần “cái khác” trong mỗi con người. Tâm hồn của con người sẽ trở nên thanh sạch và thánh thiện khi rũ sạch, loại trừ được “cái khác”. Vì thế, nhà thơ cảm thấy được “tái sinh” khi “tống khứ” được “kẻ bần tiện” ấy ra khỏi bản thân mình.
 
                        "tôi đã vô tình để nó sống tầm gửi khác nào
 
                         ốc tha gỗ mục
 
                         nó khoác lác rằng chính nó mới cực nhọc
 
                         tha tôi
 
                         tôi cố tình tống khứ kẻ bần tiện
 
                          ai- tha- ai?
 
                          tự biết…
 
                          tôi ngộ ra khi không còn nó
 
                          tôi từ kiếp nộm tái sinh.”
 
Qua những thi ảnh, thi liệu trong “Tái sinh”, Nguyễn Tiến Nên không chỉ thổ lộ xúc cảm hân hoan, vui mừng của mình khi được “gọt giũa”, thanh lọc bản thân, khi được “tái sinh”; mà trên hết, nhà thơ muốn nhắc nhở chúng ta phải biết hài hòa và cân bằng mọi thứ trong cuộc sống, đừng để những toan tính, ích kỷ, đố kỵ len lỏi và chi phối bản thân. Nếu mỗi người có ý thức giữ gìn tâm hồn mình thanh sạch, an yên thì cuộc sống này sẽ trở nên ý nghĩa và tươi đẹp hơn.
 
Nhìn chung, tập thơ “Tái sinh” của Nguyễn Tiến Nên là bản tình ca ngôn từ đầy hoài niệm. Nó lấp lánh tầng suy tư, những khắc khoải, xúc cảm của chủ thể trữ tình trong hành trình khám phá thế giới. Những chất vấn, đối thoại, tự trào về bản thể được Nguyễn Tiến Nên hiển lộ một cách sâu cay, đậm nét; gam màu tình yêu trong thơ ông cũng tươi sáng, nồng nàn và thánh thiện. Đó là những dư ảnh đọng lại trong lòng người đọc và thôi thúc những nốt nhạc đồng cảm vang vọng. 
 
Lê Hương                                   
 
 
 
 

tin liên quan

Để dòng sông tinh thần không cạn nước…

(QBĐT) - Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vừa vinh dự nhận Giải thưởng văn học-nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ 2 vào đầu tháng 12 vừa qua. Trong những thời khắc cuối của một năm 2021 nhiều biến động, phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật để cùng chia sẻ câu chuyện xung quanh giải thưởng, suy nghĩ về giới trẻ và thơ cùng những cách tiếp cận mới mẻ với thơ ca hiện đại.
 

Làng bên sông

(QBĐT) - Câu hò đối nhau vỡ òa trên sông
 

LÀM ĐẦY KÝ ỨC

(QBĐT) - Ký ức là một thứ cần làm đầy và nuôi dưỡng. Đến một tuổi nào đó, như tôi bây giờ chẳng hạn, hẳn sẽ thấy mình "giàu có" theo nghĩa tinh thần đầy đủ nhất. Sự "giàu có" tuy vô hình nhưng lại là điểm tựa vững chắc cho tôi, cho bạn mỗi khi gặp sóng gió chênh chao giữa đời.