Nguyễn Hữu Quý, quê hương đắp đổi tiếng lòng

  • 07:37 | Thứ Sáu, 07/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đọc thơ, nhất trường ca “Chín cơn mưa và mẹ”, NXB Quân đội nhân dân năm 2020 của nhà thơ, đại tá Nguyễn Hữu Quý, không ai không nghĩ đến Quảng Bình và nghĩ suy về hạt cát. Quê hương ông mở mắt ra thấy cát, cát ở góc độ hiện thực, đi cả vào giấc ngủ, cuộc sống thường nhật. Về mặt siêu hình, con người “cõi về” hay “cõi đi” đều gắn với cát.
 
Cát là cả khoảng trời ký ức của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. “Những câu thơ xác nhận/cát là một phần của con/miền Trung là một phần của con/biển Đông là một phần của con/không thể khác" (trang 11, Chín cơn mưa và mẹ). Cát không chỉ là “Những cánh đồng van vát miền Trung/neo vào Trường Sơn để không trôi ra biển” (trang 13) mà còn là biển Đông, là chủ quyền và quyền chủ quyền Việt Nam về biển, đảo.
 
Tôi nghĩ hạt cát quê hương với Nguyễn Hữu Quý không còn là hạt cát, quê hương Thanh Khê không đơn giản là nơi nhà thơ được sinh ra, lớn lên về mặt địa lý mà rộng lớn hơn đó là hồn vía quê mình, đất nước mình, dân tộc mình. Đọc trường ca này mới biết từng hạt cát, ngọn lông chông cô đơn trên trảng cát... dù là bình dị nhưng thiêng liêng. Bao hạt cát li ti trên những trảng cát dài là thế giới nội tâm, phổ cảm xúc trong thơ Nguyễn Hữu Quý, không riêng trong trường ca mới nhất của anh “Chín cơn mưa và mẹ”. Yêu quê đến da diết, và chính anh xác nhận: “Con đã gắn đời con và xứ sở/để con được là mình/để mãi mãi là con của mẹ/tảo tần, ngay thẳng, thương yêu" (trang 13). 
Bìa tác phẩm “Chín cơn mưa và mẹ”.
Bìa tác phẩm “Chín cơn mưa và mẹ”.
Cuộc đời của con người cũng như những hạt cát li ti ấy, gió cuốn đi. Những hạt cát bay đi, e cũng sẽ quay về với chính nơi nó ra đi. Những doi cát Quảng Bình, doi cát quê hương sẽ đầy lên mãi, tồn tại mãi. Đằng sau hạt cát của Nguyễn Hữu Quý ẩn chứa triết lý cuộc đời.
 
...
 
Tuổi thơ con tắm gội quê hương
 
da thấm mặn như sinh ra từ muối
 
đi đâu, về đâu con cũng nghe sông gọi
 
từ eo lưng của Tổ quốc mình
 
(trang 23, Chín cơn mưa và mẹ)
 
Với những người sinh ra, từ khi là hạt bụt đến với trần gian này, trần gian hạn hẹp hay rộng lớn, đều bắt đầu từ suy nghĩ của mỗi người. Một người, với tâm tư rộng lớn, họ nhìn thấy một thế giới bất tận không vượt ngoài hạt cát; ngược lại, một người với tâm tư nhỏ hẹp, chứa đầy thiên kiến, họ nhìn thấy ngôi nhà nhỏ của họ là một thế giới vô biên. Trần gian rộng hay hẹp còn tùy theo vào chiều kích tâm lý. Với Nguyễn Hữu Quý, anh tìm thấy sự cứu rỗi khi nhớ về những trảng cát quê nhà, dẫu vạn vật có thể thay đổi.
 
Gặp nhà thơ Nguyễn Hữu Quý ngoài đời, dễ nhận ra tính cách anh là tính cách của dải cát trắng miền Trung. Nắng sục sôi đấy nhưng yên bình, lặng thầm qua bao giông tố. Cát với Nguyễn Hữu Quý là thi ảnh, ngôn ngữ trữ tình, tạo nên sự khác biệt. “Trên trảng cát chim chiền chiện hót/chúng bay ra từ trái tim con/ chiếc tổ ấm lót đầy rơm ký ức” (trang 110, Chín cơn mưa và mẹ). Cát vẫn là nơi phồn sinh cuộc sống, con chim chiền chiện ký thác cuộc đời, trái tim nhà thơ vì thế có tiếng hót phồn sinh, nẩy nở.
 
Hạt cát trong thơ, trường ca Nguyễn Hữu Quý từ hiện thực vào đời sống, từ đời sống vào tâm linh. Có nhà phê bình đã nâng lên thành khái niệm, nội hàm “mật ngôn” trong thơ anh. “Mật ngôn” có thể “giải mật” được, đọc kỹ thơ anh thì thấy có hẳn “triết lý cát”.
 
Xã Thanh Trạch (Bố Trạch) thuộc dư địa cuối sông Gianh, nơi có cảng Giang-một “địa chỉ đỏ” của lòng yêu nước là quê hương nhà thơ, đại tá Nguyễn Hữu Quý. Anh mất mẹ lúc mới 12 tuổi “Chúng con mồ côi mẹ/khi vẫn còn trẻ thơ”. Đó là những năm tháng không thể buồn hơn của anh em nhà thơ.“Quang gánh còn đây mẹ đã xa rồi/thúng mủng đựng cái nhìn con trống trắng/trong ngôi nhà rất nhiều im lặng/con nhận ra những con số không”.
 
Những câu thơ trên được trích ra từ trường ca “Chín cơn mưa và mẹ”, được anh khởi thảo từ năm 2015, hoàn thành năm 2018 và xuất bản năm 2020. Đây là trường ca xúc động trên từng con chữ, gần như nhà thơ viết bằng nước mắt nhớ thương. Tất nhiên, viết về người mẹ, dâng tặng mẹ, nhưng ngoài người mẹ “mang nặng đẻ đau”, cho anh hiện sinh còn một người mẹ đất nước, mẹ Tổ quốc. Hình ảnh “hai người mẹ” lồng vào nhau đi suốt cuộc đời binh nghiệp, từ làng ra đi rong ruổi suốt chiều dài đất nước và “Trở về” như tên chương 9 của trường ca. Hiện nay, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý và vợ về sinh sống ở Cam Lộ, Quảng Trị-không xa mảnh đất anh đã “Oa, oa..” để “chào ánh sáng”.
 
“Cát tụ thành cồn/đồng làng ta đẹt bông thắt củ/cát xộn xạo bay vào tận cửa/miếng cơm/lùa nắng chang chang” (trang 7). Dòng họ Nguyễn của anh theo chúa Nguyễn Hoàng từ Thanh Hóa vào Nam, nhiều người dừng lại ở Quảng Bình mà lập nên làng, phát triển đến bây giờ: “Lập xóm dựng làng/lên rừng xuống biển/đẵn gỗ dựng nhà, cuốc đất làm rẫy/cày xới phù sa nặng nhẹ chiêm mùa/cây lúa ngậm phèn, củ khoai nếm mặn/chèo thuyền vượt sông, giong buồm ra biển/tựa rừng, hướng sóng mênh mang” (trang 18). Từ bao đời nay, tìm kiếm sự sống ở những ngôi làng trên cát, không giản đơn. Nguyễn Hữu Quý yêu làng như máu thịt. “Đi đâu con cũng mang làng theo/bánh bột lọc, cháo canh mời láng giềng bè bạn” (trang 98).
 
Thật thú vị khi đọc “Chín cơn mưa và mẹ” thấy ngôi làng cát trắng ấy, bao hình ảnh thân thương về cây cỏ trong vườn, trong làng hiện lên mồn một. Nguyễn Hữu Quý nâng niu quê nhà từ cỏ cây, hoa lá, giản dị mà chắc nhiều người đã quên. Nuôi lớn anh không chỉ là “cá biển cá đồng/con nục, con trích, con tràu, con diếc”,  gạo ruộng, sắn đồi, “hạt thóc mỏng, củ sắn cùi eo ọt”, mà còn có cả những quả ớt mọi mọc trong vườn.
 
Nuôi lớn con cây ớt mọi đầu vườn
 
quả bé xíu chỉa lên trời chi chít
 
có bữa con nghe ông Trời hà thít
 
vị trần gian cay rựng mặt mày.
 
(Cơn mưa 2, trang 23)
 
Lớn lên giữa thời bom đạn, Nguyễn Hữu Quý như bao thanh niên khác ở làng lên đường nhập ngũ, nối gót cha anh bước vào cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Vậy nhưng hình ảnh quả ớt mọi, anh không bao giờ quên. Ở “Khúc trở về"-chương 9 của trường ca, Nguyễn Hữu Quý vẫn dành cho quả ớt mọi quê nhà với tình cảm nâng niu.
 
Miền Trung trong đó có Quảng Bình là vùng khắc nghiệt. Quanh làng, quanh đồi có cây vằng. Lá vằng đun nên là thứ nước uống giải nhiệt mùa hè. Nguyễn Hữu Quý không chỉ lớn lên nhờ ớt mọi mà còn nhờ chè vằng nơi quê nhà “van vát miền Trung”.“... hoa tía tô rung rinh đỏ/bông bầu trắng, bông bí vàng/hồn nhiên vui cười trên mặt đất/hoa xoan tim tím trên đầu/giêng hai thơm thoang thoảng/trời cao/mây trắng lang thang...”. Và cuối cùng là cây cỏ quê nhà “Cỏ là điệp khúc thời gian/ra đi, trở lại/an nhiên hồn nhiên tự nhiên/Màu linh hồn xanh biếc/cỏ ơi!” (trang 111).
 
Yêu quê, mọi thứ đều thuộc về máu thịt như thế, lần đầu tôi mới thấy trong một tác phẩm. Nguyễn Hữu Quý tự hào và nâng niu vùng trời ký ức của anh. Quê hương trong anh có vẻ đẹp lãng mạn “Trên trảng cát chim chiền chiện hót/chúng vừa bay ra từ trái tim con/chiếc tổ ấm lót đầy rơm ký ức”. Nhà văn I-li-a Ê-ren-bua có câu nói nổi tiếng: "Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.".
 
Đó cũng là nguyên nhân nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trung thành với Tổ quốc và lý tưởng, dâng hiến cả cuộc đời mình.
 
Nhà thơ Ngô Đức Hành
 

tin liên quan

Làng bên sông

(QBĐT) - Câu hò đối nhau vỡ òa trên sông
 

LÀM ĐẦY KÝ ỨC

(QBĐT) - Ký ức là một thứ cần làm đầy và nuôi dưỡng. Đến một tuổi nào đó, như tôi bây giờ chẳng hạn, hẳn sẽ thấy mình "giàu có" theo nghĩa tinh thần đầy đủ nhất. Sự "giàu có" tuy vô hình nhưng lại là điểm tựa vững chắc cho tôi, cho bạn mỗi khi gặp sóng gió chênh chao giữa đời.
 

Người lính ấy..

(QBĐT) - Người lính ấy đi qua hai cuộc chiến