Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật:

Để dòng sông tinh thần không cạn nước…

  • 08:41 | Thứ Sáu, 31/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vừa vinh dự nhận Giải thưởng văn học-nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ 2 vào đầu tháng 12 vừa qua. Trong những thời khắc cuối của một năm 2021 nhiều biến động, phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật để cùng chia sẻ câu chuyện xung quanh giải thưởng, suy nghĩ về giới trẻ và thơ cùng những cách tiếp cận mới mẻ với thơ ca hiện đại.
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật
 
PV:  Đầu tháng 12-2021, ông cùng nhà thơ Đỗ Nam Cao vinh dự nhận giải thưởng văn học “Thành tựu trọn đời” thuộc Giải thưởng văn học-nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ 2. Vậy, đâu là cơ duyên với giải thưởng này, thưa ông?
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Đây là giải thưởng được các nghệ sĩ tên tuổi lập ra, do nhà văn Nguyễn Đình Chính làm giám đốc điều hành để nhìn nhận giá trị sản phẩm văn học nghệ thuật nước nhà, tránh không bỏ sót. Nhà nước xem các giải thưởng đó như một điều tất yếu trong hoạt động văn học-nghệ thuật.
 
Chúng ta đã biết Nguyễn Đình Thi là nhà văn hóa lớn, là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhạc sỹ, họa sỹ xuất sắc. Những tác phẩm như bài thơ “Đất nước”, bài hát “Người Hà Nội”, “Diệt phát xít”, tiểu thuyết “Vỡ bờ”, vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Con nai đen”… đã đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao tài năng.
 
Việc lấy tên và vị thế của ông làm giải thưởng là phù hợp mong muốn của công chúng. Lần thứ nhất (năm 2019), giải thưởng được trao cho nhà thơ Thanh Thảo và một tác giả trẻ, lần thứ hai (năm 2021) giải thưởng trao cho nhà thơ Đỗ Nam Cao (đã mất) và tôi, được nhận “Thành tựu trọn đời” là niềm vinh dự.
 
PV: Mới đây, một trường học ở Quảng Bình đã đưa bài thơ “Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi” của ông vào chương trình dạy thêm. Và trước đó, một số trường học ở TP. Hồ Chí Minh hay TP. Đà Nẵng đã đưa thơ ông vào giảng dạy và đề thi.
 
Nhân đây, ông có thể chia sẻ về cách thức để giới trẻ Quảng Bình ngày nay có thể tiếp cận gần hơn, sâu hơn với các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác giả nổi bật của chính quê hương mình?
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Tôi nghĩ sách giáo khoa không thể ôm đầy đủ hết cả. Vì vậy, việc giáo viên có thể tìm thêm tác phẩm để phát huy năng lực thẩm thụ cho học sinh là cần thiết.
 
Mỗi địa phương có địa lý, lịch sử và phông văn hóa riêng. Một trường học ở xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) tiếp giáp Hà Tĩnh đã đưa bài thơ “Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi” của tôi vào giảng dạy là kịp thời và trân trọng một tác phẩm văn học.
 
Giới trẻ, nhất là giáo viên có điều kiện cập nhật thông tin, dễ dàng tìm đọc những tác phẩm liên quan đến quê hương, đất nước để đưa vào chương trình dạy học hiện nay. Sở Giáo dục-Đào tạo nên chú ý đến vấn đề này nhằm nâng cao việc đánh giá, sự hiểu biết đối với văn nghệ sỹ quê hương, bồi dưỡng niềm say mê văn học trong học sinh. 
 
PV: Vừa qua, có nhiều đề xuất về việc lấy tên của cố nhà thơ Xuân Hoàng, Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình đặt tên đường ở TP. Đồng Hới. Được biết, đây cũng là đề xuất của ông ngay từ giai đoạn ông là Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh?
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Lấy tên các danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử, văn nghệ sỹ nổi bật, nhà khoa học nổi tiếng… đặt tên cho đường phố, trường học, cơ quan nghiên cứu văn hóa… là công việc có truyền thống thiết thực từ lâu của dân tộc ta.
 
Chúng ta luôn nhắc nhở mọi thế hệ không quên quá khứ của nhân loại và dân tộc. Trong đại dịch này, việc làm đó lại càng nâng cao giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân.
 
Từ khi chia tỉnh, tôi và các thế hệ quản lý sau tôi tại Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh đã tham gia nhiều hội nghị đặt tên đường. Đường phố Đồng Hới đã có tên các nhà thơ như Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... Đề xuất một con đường mang tên cố nhà thơ Xuân Hoàng nằm trong ý nghĩa đó.
 
PV: Năm 2021, ông xuất bản tiếp tập thơ thứ 17 của mình mang tên “Sự hiện diện của em”, được giới phê bình hàn lâm đánh giá cao. Đặc biệt, cuốn sách có mặt ở hầu hết các trang bán hàng trực tuyến, như: Tiki, Lazada… và khá cháy hàng.
 
Ngoài ra, ông cũng thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến văn học, nghệ thuật và các tác phẩm mới trên trang Facebook cá nhân. Đây là điều hiếm với một nhà thơ U70 như ông và có phải đó cũng là một cách thức ông tiếp cận lớp công chúng trẻ?
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: “Sự hiện diện của em” ra đời được đông đảo bạn đọc đánh giá tốt, tôi không muốn dùng chữ “cao” như trong câu hỏi này. Mấy ai vào U70 còn hăng say viết nữa. Gác bút nghỉ ngơi là việc đương nhiên. Tôi đã sắp U80 rồi. Thú thật, tôi không hiểu sức bình sinh trong tôi. Có cái gì đó như trời cho vậy!
 
Tôi nhớ ai đó nói, càng sáng tạo não bộ con người sẽ trẻ hóa. Giới trẻ yêu thơ tôi vì họ đồng điệu chăng? Họ tìm thấy nơi nguồn sáng tác còn tươi mới trong tôi chăng? Nhiều người viết về thơ tôi có chung nhận định ấy, dù tôi chưa gặp họ. Các bạn hãy tìm đến “Sự hiện diện của em” như đến với thế giới của tôi vậy!
 
PV: Thời gian qua, do dịch bệnh, hoạt động văn học-nghệ thuật tỉnh nhà có phần tầm lắng, bước sang giai đoạn bình thường mới, theo ông, cần có những “động lực” nào để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo từ đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà?
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Một câu hỏi khó trả lời. Bởi sáng tạo là thế giới riêng của mỗi nhà văn. Biết đâu trong hoàn cảnh không thuận lợi, mỗi người lại âm thầm vượt lên. Động lực cho cỗ máy sáng tạo chính là từ tim anh.
 
Còn cảm xúc thì sự sáng tạo còn nhập vào người viết. Đời sống vui buồn, lo âu, yêu thương, chờ đợi là hơi thở không thể thiếu. Anh phải tìm trong bông hoa khô héo một làn hương kín đáo như nỗi khát vọng của con người. Anh phải thấy mọi hiện tượng quanh mình đang sống và đối thoại với mình. Đấy là cái nhìn của sáng tạo.
 
PV: Giới trẻ hiện nay dường như thờ ơ với thơ, nhưng vẫn còn đó những bạn trẻ thực sự yêu và chìm đắm trong thơ, nhưng ở một địa phương như Quảng Bình, dường như còn thiếu sân chơi cho khách thơ trẻ?
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Đúng vậy! Ngày xưa người làm thơ thường tìm gặp nhau để đọc cho bằng được bài thơ mới viết. Tôi đã từng tham gia đọc thơ ở các trường đại học ở TP. Hà Nội, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Tây Nguyên…
 
Bây giờ hiếm hoi mới gặp. Giới trẻ bây giờ chạy theo nhịp sống thị trường. Cái đẹp ẩn đâu đó. Ai cũng biết mục tiêu lớn nhất của xã hội là phát triển đời sống văn hóa tinh thần. Thơ ca, văn học nghệ thuật là bộ phận của văn hóa không thể thiếu.
 
Thờ ơ với thơ ca làm cho đời sống tinh thần khô khan, như dòng sông cạn nước. Nhưng không cứ ai cũng phải đọc, phải nhớ. Thơ có sức sống nhiệm mầu, len vào tâm hồn ta mà ta không biết, ẩn trong trí nhớ ta mà ta không hay. Một người mẹ đang ru con ngủ, lời ru ấy đã là thơ rồi. Hãy thuộc dăm ba câu thơ như chính bạn cất giấu trong trái tim mình hình bóng ai đó.
 
PV: Xin ông đôi điều chia sẻ về văn nghệ sỹ trẻ Quảng Bình hiện nay ạ, những triển vọng và khó khăn, thách thức trong chặng đường sáng tác của họ. Và cả những đổi mới cần phải có để thích ứng xu thế thời đại?
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Văn nghệ sỹ trẻ Quảng Bình hiện đang đứng giữa hai con đường truyền thống và hiện đại. Xin được giải bày, “truyền thống” hay “hiện đại” thì cũng từ sáng tạo mà ra. Đã sáng tạo là làm ra cái đẹp, làm mới.
 
Cái sau phải hơn cái trước, cái ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua. Mình cũng không thể giẫm dấu chân chính mình. Đó là cuộc vận động và biến đổi không ngừng trong văn chương nghệ thuật.
 
Mặt khác, chúng ta phải tạo ra sân chơi cho văn nghệ. Đó là các câu lạc bộ, nhóm thơ văn, các diễn đàn, các lễ hội, quảng bá... Ngày xưa, tôi dự định thành lập “Thơ Kiến Giang”, nhưng không hình thành được.
 
Các nhóm sáng tác, giao lưu trao đổi, khích lệ với nhau, làm cho công việc sáng tạo được sống trong môi trường của mình. Cá không có nước, cá sẽ chết, làm sao vẫy vùng được nữa?
 
Mai Nhân
(Thực hiện)

tin liên quan

LÀM ĐẦY KÝ ỨC

(QBĐT) - Ký ức là một thứ cần làm đầy và nuôi dưỡng. Đến một tuổi nào đó, như tôi bây giờ chẳng hạn, hẳn sẽ thấy mình "giàu có" theo nghĩa tinh thần đầy đủ nhất. Sự "giàu có" tuy vô hình nhưng lại là điểm tựa vững chắc cho tôi, cho bạn mỗi khi gặp sóng gió chênh chao giữa đời.
 

Phát động cuộc thi sưu tập và tìm hiểu tem bưu chính về biển đảo Việt Nam

Ngày 30-12, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Hội Tem Việt Nam chính thức phát động Cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem bưu chính năm 2022 với chủ đề "Biển đảo Việt Nam qua con tem bưu chính".  

Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2021-2026

Mục tiêu của Chương trình phấn đấu 70% đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.