Thương nhớ gửi Tây Trường Sơn
(QBĐT) - Chúng tôi gọi đó là cung đường “cực phẩm” khi dường như tất cả những vẻ đẹp kỳ vĩ, huyền ảo đều được thiên nhiên ưu ái cho cung đường này. Một lần theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây từ Kim Thủy (Lệ Thủy) vào đến Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị), ngắm nghía vùng đất phía Tây Trường Sơn mới hiểu hình như một phần yêu thương đã neo lại nơi điệp trùng núi, bồng bềnh mây trắng này.
1. Chọn cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây từ bản Rum Ho (xã Kim Thủy, Lệ Thủy) để khám phá vùng đất phía Tây Quảng Bình-Quảng Trị nghĩa là chọn lấy khó khăn, hiểm trở. Đường dẫu xa, dẫu khó nhưng dọc những khúc khuỷu và hoang sơ là bao nhiêu địa danh mà vừa nghe tên đã gợi thương, gợi nhớ: Thác Dương Cầm, cầu Khỉ, đèo Sa Mù, thác Tà Puồng, thung lũng Xa Ry, sân bay Tà Cơn, đỉnh Cu Vơ… Cung đường uốn lượn bao đồi dốc với những thác nước tự nhiên chảy tràn. Mây vờn núi, núi lẩn khuất trong làn sương giăng.
Nếu may mắn, ngay phía cầu Khỉ (xã Kim Thủy), bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng đàn voọc quý hiếm vô tư chuyền cành. Để giữ được màu xanh mướt mắt, nơi mà muôn thú vẫn vô tư sống trong thế giới hoang dã của mình, những cán bộ bảo vệ rừng của Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong (Quảng Bình) và Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đánh đổi cả máu và nước mắt cho những chuyến tuần rừng đầy ắp hiểm nguy.
Vượt qua cung đường len giữa rừng già, chiêm ngưỡng thác Tà Puồng, chúng tôi đến với đèo Sa Mù-con đèo nằm giữa hai xã Hướng Việt và Hướng Phùng (Hướng Hóa). Sa Mù dài 20km được coi là ngọn đèo hiểm nguy bậc nhất phía Tây Quảng Trị. Như tên gọi, cung đường ấy mịt mờ sương phủ, đêm cũng như ngày, mùa nắng cũng như mùa mưa.
Lên đến đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra giữa bàng bạc đất trời, trong làn sương giăng, thấp thoáng những ngôi làng của đồng bào Bru-Vân Kiều sống ẩn mình dưới tán rừng Trường Sơn. Nơi đó, dòng Sê Băng Hiêng uốn lượn, vượt biên giới trôi về phía nước bạn Lào. Mùa này, Sa Mù bạt ngàn lau lách. Những bông hoa dại mặc nắng gió nơi đỉnh đèo vẫn vươn lên mạnh mẽ như ý chí của đồng bào Bru-Vân Kiều giữa khắc nghiệt thiên nhiên.
2. Ngôi làng Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) nằm yên bình dưới chân đèo Sa Mù. Cái tên làng vừa nghe thôi đã thấy chênh chao và man mác một hảo cảm lạ kỳ. Bằng một tình yêu dung dị mà bền bỉ, người làng Chênh Vênh đã gìn giữ cánh rừng thiêng liêng mà bao đời nay họ đã tựa nhờ. Và rừng Chênh Vênh trở thành một trong những rừng cộng đồng đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận FSC dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ CO2.
Chênh Vênh nay đã là làng du lịch sinh thái, được biết đến với các tour du lịch gắn với phát triển rừng, kết hợp tìm hiểu đời sống người Bru-Vân Kiều. Bước chân đến những mái nhà sàn, du khách có thể thưởng thức món xôi nếp rẫy, hay măng rừng, rượu bản… giữa bập bùng điệu đàn, điệu hát dân ca của người Bru-Vân Kiều.
Rời làng, trong ánh mắt của bà con, chúng tôi bắt gặp bao hy vọng về một ngày không xa, cuộc sống của đồng bào sẽ không còn chênh vênh như cái tên của làng.
3. Bóng chiều chập choạng. Chúng tôi dừng chân ở Năm Mùa Bungalow (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa). Con đường độc đạo dẫn vào đây đã bắt đầu mờ ảo sương giăng. Năm Mùa Bungalow tựa lưng lên một ngọn đồi của thung lũng Xa Ry. Nơi này, quanh năm mây phủ nên được ví như một “tiểu Đà Lạt” ngay giữa vùng đất của gió Lào rát bỏng.
Đêm ấy, giữa không gian mờ sương và se sắt lạnh, chúng tôi ngồi bên bếp lửa bập bùng, cùng nhấp môi ly rượu cay nồng nổi tiếng của làng Kim Long. Ông chủ của Năm Mùa tên là Hoàng Thông, vốn là một người đàn ông gốc Huế thành đạt nhưng sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh. Năm Mùa ra đời sau gần 1 thập kỷ người đàn ông này lỡ bén duyên và yêu thương thung lũng mờ sương Xa Ry.
Ngày này qua tháng nọ, tự tay ông chăm chút cho từng góc nhỏ, nhặt nhạnh từng viên đá đắp kín lối đi hay tỉ mẩn đóng từng khung cửa sổ. Bao nhiêu yêu thương, tâm huyết ông gửi cả vào những góc nhỏ không vẹn tròn ấy. Năm Mùa không phải là chốn lưu trú với đủ đầy tiện nghi cao cấp, đó chỉ là những mái nhà đơn sơ nằm trên đỉnh đồi cheo leo, lẩn khuất trong những gốc cà phê cổ thụ, vững chân trên những hố bom ngày cũ.
Những ngôi nhà mang tên các loài hoa lan, dựng lên từ vật liệu tái chế được ông chủ của nó đi khắp nơi thu vén về. Nhà Hoàng Thảo được chắp nối từ những mảnh gỗ tái chế chở về từ phía bên kia đại dương, nhà Giáng Hương thực ra là một chuồng bò được cải tạo lại, rồi Hồ Điệp, Vân Đài… Tất cả chứa chất bao yêu thương và đam mê tột cùng nên suốt 10 năm qua, để dựng lên từng mái nhà của Năm Mùa, ông Hoàng Thông nhất định không chặt đi bất cứ thân cây nào trên ngọn đồi ấy.
“Đến chốn tận cùng của thế giới, trong thẳm sâu rặng Trường Sơn hùng vĩ để tìm mùa thứ 5 của mình”, ông Hoàng Thông đã giải bày như thế khi nhắc đến cái tên Năm Mùa đặc biệt. Không chỉ cảm nhận cả 4 mùa cùng trôi qua trong một ngày, mà ở đây, bạn sẽ tìm thấy mùa thứ 5 của chính mình: Mùa của yêu thương, của cảm xúc, của những rung động riêng có. Để rồi, khi lưu luyến rời đi, bạn sẽ thấy một chút thương nhớ đã neo lại thung lũng này, nơi những bông dã quỳ vẫn rực nở sau bao chát nắng của mùa hè, lạnh ngắt của mùa đông.
4. Rời Năm Mùa khi sương sớm vẫn còn nấn ná trên con đường quanh co. Cánh đồng điện gió Hướng Phùng, Hướng Linh thấp thoáng trong làn sương bàng bạc. Mùa này, sẽ không còn gì hấp dẫn hơn là vượt con dốc cao vời vợi, “săn mây” trên đỉnh Cu Vơ bồng bềnh. Cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây xanh mướt với những nương cà phê vào mùa thu hoạch, trĩu trịch, mọng đỏ. Mùa này, những vườn cà phê rộn rã bước chân lữ khách bởi những “tour cà phê” có sức hấp dẫn đặc biệt.
Anh Trần Thái Thiên, thành viên Cộng đồng du lịch Hướng Hóa dẫn chúng tôi đến một vườn cà phê ở trên một đỉnh đồi chót vót thuộc xã Hướng Phùng. Ở đó, du khách vẫn đang rộn rã nói cười bên những gốc cà phê trĩu trịch quả chín. Thiên bảo, nơi này, xưa vốn là ngọn đồi chằng chịt hố bom. Bằng ý chí, người dân Hướng Hóa đã vun bồi nên thành những vạt cà phê mỡ màu. Rồi du lịch nông nghiệp manh nha phát triển, cũng là khi những ngọn đồi hiu hắt chỉ có bóng người làm vườn đã bắt đầu chộn rộn bước chân lữ khách.
Một màu xanh của ấm no, hy vọng đã phủ lên ngọn đồi của đau thương ngày cũ. Trong bóng nắng dịu ngọt của mùa đông biên viễn, tiếng cười nói của những người khách lạ thi thoảng vẳng lại giữa điệp trùng cà phê, xóa đi cái tĩnh lặng vốn sẵn của núi đồi Tây Trường Sơn.
Rum Ho, Sa Mù, Chênh Vênh, Xa Ry, Cu Vơ hay Tà Puồng… những cái tên gợi nhớ, gợi thương ấy rồi đây sẽ trở thành ký ức đẹp đẽ trong hành trang xê dịch của những tâm hồn ưa khám phá. Ký ức ấy bảng lảng nụ cười thật đẹp của đứa trẻ Vân Kiều nơi làng Chênh Vênh hay thấp thoáng bóng dáng lẩn khuất trong mờ sương của những bà, những mẹ nơi đỉnh đèo Sa Mù. Hành trang ấy, có một Trường Sơn Tây đẹp đẽ, kỳ vĩ lạ lùng nhưng vẫn chan chứa yêu thương và lấp lánh hy vọng.
Ghi chép của Diệu Hương