Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đặt tên cho hang động

  • 07:35 | Chủ Nhật, 17/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 1997, các thành viên thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (BCRA) phát hiện một hang động khá rộng lớn phía bên trong Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Choáng ngợp trước những gì vừa được khám phá, họ bất chợt cảm thấy con người thật sự bé nhỏ trước sự hùng tráng, kỳ vĩ của thiên nhiên. “Pygmy!” (tên của một tộc người lùn nhất châu Phi), ý nghĩa thoáng qua, một thành viên trong đoàn thốt lên. Và Pygmy-được đặt tên cho hang động này kể từ ngày đó.
Hang Pygmy-hang động được đặt theo tên của tộc người lùn nhất châu Phi.
Hang Pygmy-hang động được đặt theo tên của tộc người lùn nhất châu Phi.
Không chỉ chứa đựng nhiều giá trị địa chất, địa mạo quý giá, hơn 500 hang động đã được tìm thấy ở “vương quốc hang động” Quảng Bình đều mang những cái tên hàm chứa nhiều câu chuyện ý nghĩa nhưng cũng không kém phần thú vị.
 
Mỗi cái tên, một câu chuyện
Ông Howard Limbert, chuyên gia hang động BCRA tỏ ra hào hứng khi nhắc đến hàng trăm cuộc ngược rừng kiếm tìm hang động mà ông và các cộng sự đã trải qua trong hơn 30 năm gắn bó với Quảng Bình. Với số lượng hang động khổng lồ, việc đặt tên cho hang động cũng là một trong những yêu cầu quan trọng, đòi hỏi cả tư duy, trí tuệ và sự hiểu biết về văn hóa bản địa. Nhưng cũng có những cái tên ra đời trong những hoàn cảnh vô cùng thú vị.
 
Ông Howard kể lại bằng tất cả sự háo hức và nụ cười hóm hỉnh: “Hang Over là tên do BCRA đặt trong chuyến khảo sát vào năm 1997. Trong chuyến khảo sát này, chúng tôi có uống rượu cùng nhau ngay trước cửa hang. Đến hôm sau, khi tiến hành đi sâu vào bên trong lòng hang, một nhà khảo cổ đi cùng đoàn bị say “nguội”, bước đi nghiêng ngả. Vậy là chúng tôi quyết định đặt tên là hang Over bởi vì khi viết liền “hangover” còn có nghĩa là nôn nao do rượu”.
 
Đặt chân khám phá hệ thống hang động kỳ vĩ nhưng sẽ rất ít du khách biết được bên trong mỗi cái tên là vô vàn câu chuyện thú vị. Đó ẩn chứa cả những sự kỳ vọng, tình cảm, ghi dấu kỷ niệm… của những người yêu quý và sống trọn vẹn cuộc đời mình với hang động Quảng Bình.
Hệ thống măng đá phía bên trong hang Va. ẢnhOxalis Adventure
Hệ thống măng đá phía bên trong hang Va. Ảnh: Oxalis Adventure
Vậy nên, tên của hang động không đơn thuần chỉ là tên gọi khô khan dùng để phân biệt. Hang Va-một trong những hang động phía sâu đại ngàn Phong Nha-Kẻ Bàng được ông “vua hang động” Hồ Khanh phát hiện đầu tiên vào năm 1992. Hang tọa lạc ở khu vực rừng Va nên Hồ Khanh quyết định lấy tên khu rừng đặt cho hang động đặc biệt này.
 
Năm 2012, sau nhiều năm được phát hiện, hang Va đã được các chuyên gia BCRA tiến hành đo đạc, khảo sát. Đây được coi là một trong những hang động độc đáo nhất khi sở hữu hàng trăm măng đá có kích thước đồng đều mà có lẽ không tìm được ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Háo hức trước một kiệt tác của thiên nhiên, ông Howard đã nhanh chóng gửi những bức ảnh về hệ thống măng đá này cho Báo Tuổi trẻ để nhờ bạn đọc… đặt tên. Bằng tất cả sự yêu quý dành cho tuyệt tác này, hơn 600 email đã gửi về tòa soạn, gợi mở nhiều cái tên thú vị.
 
Theo ông Howard, trong số những email đó, có bạn đọc còn đề xuất tên là “hang Bạch Đằng” vì những măng đá mọc từ nước trong hang gợi nhớ những câu chuyện lịch sử về bãi cọc trên sông Bạch Đằng. Ngoài ra, còn rất nhiều tên gọi thú vị khác. Nhưng quan điểm của BCRA là đặt tên hang cần phải dựa vào những đặc trưng, miêu tả được vẻ đẹp của hang động đó. Hệ thống thạch nhũ này sau được gọi là Măng đá dạng chóp nón. 
 
Ưu tiên người bản địa
Trong tất cả các hoạt động nghiên cứu của mình, BCRA luôn coi trọng những người bạn đồng hành là những người dân địa phương-người dẫn đường cần mẫn, tận tụy trong các chuyến đi xuyên rừng. Và không ai khác họ chính là nguyên cớ tốt đẹp để BCRA tiếp tục những cuộc hành trình xuyên biên giới suốt 30 năm qua. 
Hang Én là nơi cư ngụ của hàng triệu con chim én. Ảnh Oxalis Adventure
Hang Én là nơi cư ngụ của hàng triệu con chim én. Ảnh: Oxalis Adventure
Trân trọng họ, BCRA luôn ưu tiên cho người dân bản địa, nhất là những người có công phát hiện để đặt tên cho hang động mới. Ý tưởng ban đầu là tên hang sẽ được đặt theo tên của người tìm ra nó nhưng vì quan niệm không lấy tên người còn sống đặt cho các địa danh nên ý tưởng này bị xóa bỏ.
 
Ông Howard hài hước kể lại, trong rất nhiều câu chuyện đặt tên hang động, cũng có những tình huống mà mỗi khi nhắc lại đều thấy thú vị. Đó là chuyến đi nhiều năm trước, khám phá hàng chục hang động lớn nhỏ sâu trong đại ngàn Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
“Cứ tìm đến với hang động nào, chúng tôi cũng hỏi các bạn người địa phương tên hang là gì? Thì ở hang nào, các bạn lại bảo đó là hang mới, mà chưa đặt được tên gì cụ thể cả. Cuối cùng, chúng tôi quyết định đặt là hang Mới 1, hang Mới 2… cho đến hang Mới 10. Và ai cũng hài lòng với những tên gọi này”, ông Howard tủm tỉm cười.  
 
Đi rừng từ năm 16 tuổi, hơn 40 năm lặn lội trong những cánh rừng già, “vua hang động” Hồ Khanh không nhớ nổi mình đã phát hiện được bao nhiêu hang động lớn, nhỏ. Trong những chuyến ngược rừng với BCRA, Hồ Khanh thường được các chuyên gia ưu tiên đặt tên cho các hang động mới. Từ hang Sơn Đoòng, hang Va và nhiều hang động khác đã được chính Hồ Khanh đặt tên sau rất nhiều trăn trở. Ông bảo, với ông, đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng vừa là niềm tự hào.
 
Giữ bản sắc địa phương
Theo ông Hồ Khanh, phần lớn các hang động gắn liền với một khu rừng, một bản, một khe nước, con suối… gần nơi mà hang tọa lạc. Cũng có thể, đó là cái tên gợi nhắc đặc điểm nổi bật nhất của hang động đó mà hễ khi nhắc tên, người nghe sẽ mường tượng ra được đặc trưng của nó.

Nếu hang Én là nơi cư ngụ của hàng triệu con chim én thì hang Nước Nứt chỉ dòng suối có tên Nước Nứt ở gần đó hay Hung Thoòng gắn với tên của rừng Hung Thoòng-cái tên được cha ông truyền lại từ thời xa xưa. Vì có tận 3 lối vào lớn nên một hang động hiện đang khai thác bởi Oxalis Adventure được đặt tên là hang Ba.

“Riêng Sơn Đoòng, sau rất nhiều trăn trở làm sao để đặt tên cho tương xứng với độ hoành tráng của hang động này, tôi và các chuyên gia quyết định lấy tên Sơn Đoòng. Trong đó, “Sơn” nghĩa là núi, “Đoòng” là bởi hang thuộc khu vực rừng Hạ Đoòng”, ông Hồ Khanh hào hứng kể.  
 
Theo ông Hồ Khanh, với những hang động có tiềm năng khai thác du lịch, các chuyên gia và người dân chú trọng đặt tên mang đậm bản sắc của địa phương. Đó là cách gọi đậm phương ngữ, để khi nghe là thấy lạ lẫm, gợi sự tò mò, khó quên. Ví dụ như việc đặt tên có 2 chữ "o", như: Sơn Đoòng, Hung Thoòng, Giếng Voọc…

Cũng như hệ thống hang động Tú Làn (Minh Hóa), theo các vị cao niên, cái tên này có thể được bắt nguồn từ tiếng Nguồn rất lâu đời. “Làn” có thể tượng trưng cho dòng sông bắt nguồn từ Rào Nan chảy vào thung lũng Tú Làn. “Tú” có thể là hình dáng của những dãy núi đá vôi bao quanh thung lũng, xa xa trùng điệp đầy hùng vĩ. Hay một hang động có trần hang cao, rộng lớn mà như mô tả của những người đi rừng là “trông như mái vòm”. Vậy là tên gọi hang Vòm ra đời từ đó.

Hang động chính là di sản và tên của hang động cũng là điều quý giá cần được gìn giữ cho thế hệ con cháu mai sau. Đó cũng là nguyên cớ tốt đẹp mà các chuyên gia BCRA hay ông Hồ Khanh luôn hướng đến khi đặt tên cho các hang động, nhất là với các hang có tiềm năng khai thác du lịch. Phải làm sao để khi nhắc đến tên hang thì không chỉ nghĩ về mỗi hang động đó mà gợi nhắc cả một cánh rừng, một vùng đất, một con suối, bờ khe hay đơn giản là một kỷ niệm gắn với những chuyến ngược rừng.
 
Ông Howard chia sẻ, ở Anh và nhiều nước khác, hang động thường đặt theo số thứ tự còn ở Việt Nam, người dân địa phương chăm chút cho mỗi cái tên của hang động được tìm thấy. Tên hang động thực sự gần gũi, mộc mạc, hàm chứa bao sự trao gửi.
Diệu Hương

tin liên quan

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 3: Người lính trở về

(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.