Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023)

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 1: "Đội quân nhà Phật"

  • 06:26 | Thứ Tư, 26/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 3 thập kỷ đánh Pháp, đuổi Mỹ xâm lược, nỗi đau vẫn còn nhức nhối, mất mát chưa kịp nguôi ngoai, Việt Nam lại bước vào một cuộc chiến mới tàn khốc, đau thương nhưng cũng rất đỗi tự hào. Đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, những người lính quân tình nguyện Việt Nam lại tiếp tục lên đường chống lại sự tàn bạo của tập đoàn phản động Pôn Pốt-Iêng Xari.
 
Gác lại bộn bề, những người con của đất lửa Quảng Bình đã hòa vào từng đoàn quân tình nguyện chiến đấu trên đất nước Chùa Tháp. 10 năm ấy (1979-1989) có vinh quang, có mất mát và cả những hy sinh. Máu của các anh đã hòa sông, thấm vào đất, tuổi xuân đã gửi lại nơi núi rừng nước bạn để nghĩa tình Việt Nam-Campuchia son sắt như dòng Mê Kông vẫn miệt mài chảy mãi.
 
“Chúng tôi thấy mình thật may mắn”, Thiếu tướng Phạm Văn Sinh, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1, cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đã nói trong sự nghẹn ngào. May mắn bởi ông đã được trở về quê hương sau những ngày tháng ác liệt nơi chiến trường phía bên kia biên giới, còn đồng đội ông, có người mãi mãi không thể trở về. 10 năm, “đội quân nhà Phật” kiên trung nơi xứ sở Angkor khắc nghiệt, máu đã đổ để hoa lại nở trên đất nước Chùa Tháp bình yên.
 
Bộ đội Cụ Hồ trên đất bạn
 
Sau thắng lợi vĩ đại ngày 7/1/1979, tuy bộ máy thống trị của tập đoàn Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở đã bị đánh đổ nhưng tàn quân Pôn Pốt dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài tiếp tục chống phá cách mạng Campuchia. Ngày 18/2/1979, Chính phủ hai nước Việt Nam-Campuchia đã ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Các chuyên gia Bình Trị Thiên và nước bạn.
Các chuyên gia Bình Trị Thiên và cán bộ nước bạn.
Thực hiện những cam kết ghi trong hiệp ước, sau ngày chiến thắng, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Theo lời kêu gọi, hàng nghìn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được cử sang, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở lại tiếp tục giúp cách mạng và nhân dân Campuchia.
 
Thiếu tướng Phạm Văn Sinh khi ấy mới tròn 20 tuổi. Ký ức người lính trẻ nơi xa xôi lấp đầy hình ảnh về đồng đội, về chiến trường ác liệt với bộn bề mất mát, hy sinh. Campuchia thời điểm đó là những thành phố chết, là những bản làng nghèo đói và chết chóc bởi sự giết hại man rợ của tàn quân Pôn Pốt. Chúng giết dân lành, tàn phá làng mạc, phá hỏng tất cả những chùa chiền, trường học. Đi đến đâu, chúng gieo rắc tội ác đến đó.
 
Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam vừa chiến đấu với kẻ thù, vừa phải chống chọi với điều kiện sống khắc nghiệt nơi rừng thiêng, nước độc, thiếu thốn đủ bề. Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống. Nhiều cán bộ đổ gục bởi những cơn sốt rét rừng nơi thâm u. Như nhà thơ Vương Trọng đã từng khắc khoải trong từng câu chữ: “Suốt ngày gạo sấy không kịp bốc ăn/ Giặc tan rồi mới hay mình đang đói/ Túi gạo sấy trúng đạn nhiều lần vung vãi/ Tay đói run nhặt gạo lẫn đất hầm”.
 
Hòa vào đoàn quân của cả nước, hơn 3.500 người lính tình nguyện quê hương Quảng Bình đã anh dũng vượt biên giới, chiến đấu trên chiến trường ác liệt Campuchia. Trong số họ, hơn 750 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống. Tên tuổi các anh hòa vào trời xanh, mây trắng, thân thể đã nằm lại nơi đất bạn xa xôi, giữa thâm u núi rừng. Những người lính may mắn trở về quê hương nhưng trên thân thể chằng chịt vết dấu bom đạn, “cứ trở gió lại đau nhức nhối”.
Đại tá Lê Văn Quang và thượng tá Đoàn Văn Bảo là những người lính, chuyên gia Việt Nam trở về từ Campuchia.
Đại tá Lê Văn Quang và thượng tá Đoàn Văn Bảo là những người lính, chuyên gia Việt Nam trở về từ Campuchia.
Thượng tá Đoàn Văn Bảo, nguyên cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh từng là người lính quân tình nguyện Việt Nam tham gia từ những ngày đầu năm 1979. Sang Campuchia được vài tháng, ông bị thương nặng trong một trận đánh ở tỉnh Tà Keo rồi được đưa về nước dưỡng thương tại Cần Thơ. Sau 3 tháng, vết thương đã ổn định, thay vì trở về quê nhà, ông quyết định xin được trở lại chiến trường cùng đồng đội.
 
“Lúc đó, tôi không đành lòng trở về khi mà nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành, đồng đội tôi vẫn còn ở lại. Trở lại Campuchia đồng nghĩa với việc đối diện với cái chết, với điều kiện sống, chiến đấu khắc nghiệt nhưng mình là lính Cụ Hồ mà, sá chi những điều đó”, ông bồi hồi.
 
10 năm, những người lính Cụ Hồ ấy đã bền gan, vững chí cùng đồng đội Campuchia chiến đấu để gìn giữ những ngôi đền cổ Angkor uy nghi, để điệu múa Apsara huyền diệu lại tiếp tục được miên man bay bổng trên khắp xứ sở Chùa Tháp. Họ chiến đấu anh dũng chống lại kẻ thù. Họ hỗ trợ người dân nước bạn trồng cây, nuôi con giống. Họ nhiệt thành kề vai cùng bạn dựng lại chùa, xây lại lớp học.
 
Với người dân Campuchia, họ là “đội quân nhà Phật”, là người lính gieo mầm hy vọng, ươm cây hạnh phúc. Bởi thế, ngày các chuyên gia, những người lính tình nguyện Việt Nam rút về nước vào cuối năm 1989, người dân Campuchia đứng hai bên đường bịn rịn chia tay, cờ hoa rực rỡ. Nhiều người trong số họ đã khóc vì những năm tháng gian khó bên nhau đã để lại những tình cảm yêu thương đặc biệt.
 
Cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại
 
Để giúp bạn hồi sinh lại đất nước, cùng với quân tình nguyện, hàng nghìn chuyên gia Việt Nam đã được cử sang Campuchia, trong số đó có 193 chuyên gia người Quảng Bình. Họ là chuyên gia về chính trị, kinh tế, an ninh, quân sự, là nòng cốt của đoàn chuyên gia Bình Trị Thiên. Gác lại những bộn bề nỗi lo gia đình, tạm xa quê hương, đất nước, họ sẵn sàng lên đường.
 
Đoàn chuyên gia Quảng Bình được bố trí ở 16 tỉnh, thành và phân tán về một số huyện lẻ vùng biên. Vượt qua những khó khăn, trở ngại, những người con quê hương “Hai giỏi” hăng hái thâm nhập cơ sở, tìm hiểu đất nước, con người, phong tục, tập quán nước bạn rồi hỗ trợ bạn phục hồi lại kinh tế, văn hóa, giáo dục…
 
Ông Phạm Quang Lịch, nguyên Giám đốc Sở Tài chính nhớ lại, nước bạn có ngành gì, chúng ta có chuyên gia ở lĩnh vực đó. Thời gian đầu, chúng ta giúp bạn với phương châm “Việt Nam làm giúp Campuchia”. Sau khi đã có cơ sở, ta chuyển sang khẩu hiệu “Ta, bạn cùng làm”, giai đoạn tiếp theo là “Bạn làm, ta giúp”. Cứ thế, bằng sự giúp đỡ nhiệt tình, trong sáng, các chuyên gia Việt Nam đã giúp bạn phục hồi lại đất nước, kiến thiết lại quê hương.
Người dân Campuchia bịn rịn chia tay những người lính tình nguyện Việt Nam trở về quê hương vào năm 1989. Ảnh tư liệu.
Người dân Campuchia bịn rịn chia tay những người lính tình nguyện Việt Nam trở về quê hương vào năm 1989. Ảnh tư liệu
Trong những năm tháng ấy, đã có những mất mát, cả máu và nước mắt. Những hạnh phúc bình dị, những nỗi đau riêng tư đã được gác lại để vun vén cho những lý tưởng cao đẹp hơn.
 
Hồi ức của ông Phan Xuân Thiết, nguyên Phó Văn phòng Ban lãnh đạo, Tổng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia ghi lại: “Được 4 tháng, có điện ở nhà báo tin vợ tôi đã qua đời. Được phép nghỉ 1 tuần về theo đám tang của vợ… Đến nơi, đám tang vợ tôi đã qua rồi. Được sự giúp đỡ quan tâm của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, của Huyện uỷ Lệ Ninh và Thị uỷ Đồng Hới, đám tang vợ tôi đã vượt qua bão lũ đem về tận quê nhà.
 
Nghe thuật lại, quá xúc cảm, tôi không còn nước mắt để khóc. Chỉ biết lặng lẽ cảm ơn tấm lòng quý hóa của các đồng chí đã vì nhiệm vụ chung và tình cảm riêng đã lo cho vợ tôi về nơi yên nghỉ cuối cùng. Trước thịnh tình của quê hương, đúng ngày, tôi lại lên đường sang Phnom Penh, tiếp tục công tác, càng cố gắng…” 
 
10 năm “chung lưng, đấu cật”. 10 năm có máu và hoa. 10 năm các chuyên gia và những người lính Việt Nam chịu đựng mất mát, gian khổ để khép lại một trang sử đau thương, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do cho đất nước Campuchia.
Diệu Hương
 
Bài 2: Cuốn nhật ký xuyên biên giới

tin liên quan

Bài 1: Mưu sinh nơi cửa sông

(QBĐT) - Nơi cửa sông, những phận người vẫn sấp ngửa mưu sinh bất kể nắng mưa của trời, chật vật của đời. Với họ, nơi chốn này là tất cả những buồn vui, sướng khổ, là bao hy vọng đổi đời sau những tháng ngày nổi nênh cùng con nước.

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Trong "ánh chớp lửa đạn"

(QBĐT) - "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" là cuốn sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng do NXB Thông tấn ấn hành.