Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Triệu triệu lòng dân... ghi dấu tháng Mười - Bài 2: "Quảng Bình là nhà tôi!"

  • 17:44 | Thứ Ba, 03/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT)- Tháng 11/2004, lần cuối cùng khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Quảng Bình. Ngày chia tay trở ra Thủ đô Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo tỉnh băn khoăn lúc nào người lại về. Đại tướng trả lời: “Quảng Bình là nhà tôi. Lúc nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Một đời vì nước, vì dân, trong tâm hồn Đại tướng vẫn luôn đau đáu hai chữ “quê hương”. Để rồi 9 năm sau... người về an yên trên đất mẹ Quảng Bình.
 
Những ngày ở Thủ đô Hà Nội, lúc tôi ra thăm và thành kính dâng nén tâm nhang lên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu, thời điểm trọn 10 năm người đi xa. Chị Võ Hòa Bình, con gái của Đại tướng dành cho tôi khoảng thời gian nhớ về Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tất cả năm người con. Chị Võ Hồng Anh sinh năm 1939, chị Võ Hòa Bình sinh năm 1951, kế tiếp là chị Võ Hạnh Phúc sinh năm 1952, anh Võ Điện Biên sinh năm 1954 và cuối cùng là anh Võ Hồng Nam sinh năm 1956. Sinh thời, Đại tướng một đời lo việc nước, việc quân, những lúc rảnh rỗi người lại về với gia đình, sống dung dị giữa cháu con, giữa khoảng không gian xanh, ngát ngàn hoa trái ở 30 Hoàng Diệu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm quê hương (ảnh: Trọng Thái)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm quê hương. Ảnh: Trọng Thái
“Quê hương, gia đình chính là nơi hun đúc ý chí, nhân cách và quyết định con đường đi của tôi” là một câu nói mang tính đúc kết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương.
 
Một chi tiết khá thú vị về Đại tướng mà tôi mới được biết trong thời gian thăm 30 Hoàng Diệu. Suốt cuộc đời... người luôn mang theo tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Sau khi Đại tướng mất, gia đình Đại tướng tặng cuốn Truyện Kiều này cho Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long để trưng bày trong tủ sách tại phòng làm việc của Đại tướng ở Nhà D67, nơi Đại tướng và Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đặt đại bản doanh trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Truyện Kiều làm bạn với vị tướng “Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm” như câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng. Vì theo Đại tướng, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn... mới hiểu rằng Truyện Kiều đối với vận mệnh nước ta có một cái quý giá vô ngần... Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta...” (Phạm Quỳnh, 1892-1945).
 
“Khi tôi và em Võ Hạnh Phúc học lớp ba, lớp bốn, nghĩa là đủ cảm nhận được hai tiếng quê hương, đất nước thiêng liêng như thế nào thì những câu chuyện về Quảng Bình ba kể cho chúng tôi nghe trong mỗi bữa cơm gia đình. Cứ thế... cứ thế, Quảng Bình lớn dần lên trong chúng tôi, là máu thịt của chị em chúng tôi. Bây giờ, ba đi xa nhưng sợi chỉ đỏ quê hương vẫn xuyên suốt từ thế hệ ba đến tận con cháu. Chúng tôi yêu, nhớ thương, trân quý những điều bình dị nhất nơi ngôi nhà nhỏ tại An Xá, Lệ Thủy trường tồn theo năm tháng. Đó là cái gốc cho chúng tôi hướng về”, chị Võ Hòa Bình hoài niệm.
: Năm 1999, trong lần về thăm Quảng Bình, Đại tướng đến thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc (ảnh: Trọng Thái)
 Năm 1999, trong lần về thăm Quảng Bình, Đại tướng đến thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc. Ảnh: Trọng Thái
Chị Hoàng Thị Ái Nhiên, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh Quảng Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: Gia đình chị và gia đình Đại tướng có một mối giao tình rất đặc biệt từ những năm 1985. Không chỉ là người cùng quê mà chị như một người con Đại tướng, còn là người bạn, người em gắn bó với Giáo sư, Tiến sỹ Võ Hồng Anh khi chị Anh đang sống và những người con khác trong gia đình Đại tướng. Hà Nội, những ngày mùa thu tháng Mười, khi tôi ngỏ lời muốn biết thêm những ân tình giữa chị với gia đình Đại tướng, giữa Đại tướng dành cho chị, chị Hoàng Thị Ái Nhiên rưng rưng: “Những tình cảm đó chị mãi giữ trong trái tim mình. Rất khó diễn tả bằng lời, em ạ!”.
 
Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà sinh thời vợ chồng ông, bà Nguyễn Thanh Đàm, Nguyễn Thị Kim Cúc, nguyên Chủ nhiệm và cán bộ cấp dưỡng Cơ quan Giao tế-Chuyên gia Quảng Bình kể lại: Ấy là năm 1973, Đại tướng vào công tác Quảng Bình, nghỉ tại Cơ quan Giao tế-Chuyên gia Quảng Bình. Bà Kim Cúc được giao nhiệm vụ chăm lo việc ăn uống cho Đại tướng. Khẩu phần buổi sáng thường là xôi đậu đen, món Đại tướng ưa thích. Đại tướng ăn sáng, khen xôi đậu ngon, cháu gái khéo người, khéo việc, lễ phép. Bữa ăn của Đại tướng trong những ngày lưu lại đây cũng rất đơn giản. Đại tướng thích trứng gà chấm muối, rau khoai luộc, thịt lợn chấm mắm quầy, bún chấm ruốc, xôi đậu chấm muối mè... Đại tướng ăn tấm tắc khen mãi: “Không mô có những món ăn ngon như Quảng Bình!".
Tuổi trẻ Quảng Bình viếng mộ Đại tướng tại Vũng Chùa
Tuổi trẻ Quảng Bình viếng mộ Đại tướng tại Vũng Chùa.
Quê hương Quảng Bình trong tâm Đại tướng rất dung dị, gần gũi, đời thường. Con em Quảng Bình, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ mà tôi từng tiếp xúc, kể rằng: Mỗi lần ra công tác Hà Nội, đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quà quê mang theo biếu người là cân gạo ngon xứ Lệ, nhút tép vùng phá Hạc Hải, mắm ruốc biển bãi ngang Ngư Thủy..., rứa là ấm lòng Đại tướng, mỗi lần như thế, người rất vui. “Quảng Bình là nhà tôi. Lúc nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”, câu nói của Đại tướng vào tháng 11/2004, để rồi... 9 năm sau người lại về nhà, an yên “ở nhà” tại Vũng Chùa.
 
Trong câu chuyện với tôi ở 30 Hoàng Diệu, chị Võ Hòa Bình nhớ lại: Trước năm 2005, khi tuổi đã cao, Đại tướng cũng từng chọn nơi mình an nghỉ sau khi mất. Có một vài địa danh Đại tướng nhắc đến như ATK Thái Nguyên, nơi đồng bào các dân tộc chiến khu Việt Bắc bao bọc, chở che người trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, kế đến là Ba Vì (TP. Hà Nội), cuối cùng là quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình). Cuối năm 2005, Đại tướng mới thống nhất cùng các con trong gia đình chọn Quảng Bình, nhưng không nhất thiết là quê nhà An Xá, Lệ Thủy mà người chọn Vũng Chùa (xã Quảng Đông, Quảng Trạch).
 
Chị Võ Hòa Bình kể: Khi các con giới thiệu về vùng đất Vũng Chùa, Đại tướng bảo lấy bản đồ quân sự ra cho người xem, xác định vị trí rồi đồng thuận. Đại tướng quyết định, nơi người an nghỉ sau này phải trên một sườn núi cao, rộng thoáng, dễ dàng cho đồng bào cả nước thăm viếng. Đến năm 2009, một lần nữa Đại tướng nhắc lại với các con, nếu Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ có đề xuất nơi an nghỉ của mình thì truyền đạt lại ý nguyện cuối cùng của người là Vũng Chùa!
 
17 giờ, ngày 13/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng của lòng dân an nghỉ vĩnh hằng tại Vũng Chùa.
Ngô Thanh Long
 
>>> Bài 3: Ngày về

tin liên quan

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 3: Người lính trở về

(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.