Kỷ niệm 10 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4/10/2013 - 4/10/2023)
Báo Quảng Bình trong ngày mất của Đại tướng
07:21 | Thứ Hai, 02/10/2023
(QBĐT) - Thấm thoắt mới đó mà đã 10 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê yên nghỉ trong lòng đất mẹ Quảng Bình. Bây giờ lần giở lại từng trang Báo Quảng Bình xuất bản trong những ngày Đại tướng ra đi, chúng ta như thấy hiện lên đầy đủ quang cảnh, bầu không khí và tâm trạng của con người Quảng Bình 10 năm trước.
Ngày 30/9/2013, cơn bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng mấy chục năm qua. Bão số 10 đi qua để lại cho Quảng Bình quang cảnh xơ xác tiêu điều, hậu quả nặng nề, mất mát nhiều mặt. Đang buồn đau vì bão lũ, 5 ngày sau cơn bão vừa tan thì Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà lại nhận được thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 4/10. Dẫu biết rằng Đại tướng tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng khi nhận được thông tin này người Quảng Bình vẫn thấy hụt hẫng, buồn đau lại như nhân lên…
Khoảng 20 giờ đêm 5/10, tôi nhận được điện thoại từ Văn phòng Tỉnh ủy yêu cầu sang gấp để thực hiện nhiệm vụ quan trọng. Khi chúng tôi đến đã thấy đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đang ngồi trao đổi công việc (thời gian này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính đang dự hội nghị ở Trung ương). Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đi thẳng vào vấn đề, yêu cầu lãnh đạo Báo Quảng Bình phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy chuẩn bị bài phát biểu cho lãnh đạo tỉnh tại lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê nhà.
Bài viết đã được các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy dự thảo, chúng tôi có trách nhiệm đọc, chỉnh sửa thêm cho đầy đủ và hoàn thiện đúng yêu cầu của lãnh đạo tỉnh. Khi chúng tôi đang ngồi làm việc thì được nghe một số cuộc điện thoại gọi về hỏi thông tin Đại tường từ trần, Đại tướng sẽ về yên nghỉ ở đâu. Lúc này, cũng chưa ai biết và chưa ai dám trả lời. Sau này mới biết, việc Đại tướng chọn Vũng Chùa (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) làm nơi an nghỉ ngàn thu là theo ý nguyện của Đại tướng và nguyện vọng của gia đình đã được ấn định từ mười năm trước thì mọi người mới hiểu đầy đủ và yên lòng chờ đón Đại tướng về quê.
Ngày 5/10/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra thông báo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần và Ban lễ tang do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban cùng chương trình tang lễ Đại tướng rất cụ thể. Ngay sau đó, trong ngày 5/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình do đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng ban.
Sáng 9/10, sau khi dự hội nghị Trung ương về, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 để tập trung triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu, lễ đón linh cữu và lễ an táng Đại tướng tại Quảng Bình. Chiều 9/10, UBND tỉnh ra thông báo chương trình các cuộc lễ rất cụ thể, chi tiết thời gian, thứ tự các đại biểu trong tỉnh và các tỉnh bạn đến viếng Đại tướng.
Ngay sau khi nhận được thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần và cuộc làm việc tối 5/10 ở Tỉnh ủy, Ban Biên tập Báo Quảng Bình đã lên kế hoạch, xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền cho các số báo. Khi có thông báo chính thức của Trung ương, của tỉnh về lễ tang Đại tướng, Ban Biên tập Báo Quảng Bình đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Biên tập, các trưởng, phó phòng và các phóng viên cùng nội dung chi tiết cho từng trang báo, số báo ra hàng ngày.
Tòa soạn túc trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý tin, bài. Ban Biên tập bố trí tổ phóng viên bám sát địa điểm ở Tỉnh ủy và UBND tỉnh để cập nhật thông tin. Giao 7 phóng viên phụ trách các địa bàn bám sát cơ sở, thông tin đầy đủ, kịp thời về không khí, công tác chuẩn bị và các diễn biến về lễ tang ở cơ sở.
Đặc biệt, khó khăn và cao điểm nhất là bố trí tổ phóng viên tác nghiệp trong ngày 13/10 để thông tin kịp thời lễ đón linh cữu Đại tướng tại sân bay Đồng Hới. Lo lắng, trách nhiệm, các phóng viên đã chủ động có mặt, túc trực tại sân bay từ rất sớm. Trên các cung đường, từ trung tâm TP. Đồng Hới, đến sân bay ra đèo Lý Hòa, từ đèo Lý Hòa ra cầu Gianh, từ cầu Gianh ra Vũng Chùa đều bố trí phóng viên túc trực, bám sát các diễn biến để tuyên truyền.
Trong đó, đặc biệt lưu ý tổ phóng viên được bố trí túc trực tại địa điểm yên nghỉ của Đại tướng ở Vũng Chùa phối hợp chặt chẽ với tổ phóng viên tham gia lễ đón linh cữu Đại tướng tại sân bay Đồng Hới để có tin, ảnh, bài nhanh nhất, kịp thời nhất gửi về tòa soạn…
Nhờ sự chủ động bố trí phóng viên cắm chốt các địa bàn, địa điểm nên việc cập nhật tin, bài, ảnh rất kịp thời, đầy đủ. Qua Báo Quảng Bình, nhiều báo Trung ương và báo các tỉnh bạn đã đề nghị chia sẻ và cung cấp thông tin... Thời tiết Quảng Bình những ngày này nắng nhẹ. Trên các đường quê, ngõ phố từ TP. Đồng Hới về các địa phương đâu đâu cũng treo cờ tang và ảnh Đại tướng. Không khí buồn đau bao trùm. Có mặt ở sân bay Đồng Hới trưa 13/10/2013 chúng tôi thấy sân bay đã trở nên quá chật hẹp khi thực hiện một nghi lễ đặc biệt chưa từng có, lễ đón linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tại sân bay, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của đất nước, của tỉnh nhà mắt nhòa lệ đang bước đi bên linh cữu Đại tướng. Đoàn xe tang chầm chậm rời sân bay Đồng Hới nhằm hướng Vũng Chùa. Trên đường từ sân bay ra Quốc lộ 1 và dọc hai bên Quốc lộ 1 từ Đồng Hới-Ba Dốc-Hoàn Lão-Thanh Khê-đèo Lý Hòa-cầu Gianh-Ba Đồn-Quảng Đông là hàng chục vạn người từ già, trẻ, gái, trai, tay ôm chân dung Đại tướng, nước mắt tuôn rơi, nghẹn ngào tiếc thương tiễn đưa Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Chiều thu Vũng Chùa nắng nhạt dần, trong cảnh trời mây, non nước, trong mùi hương trầm nghi ngút, vào lúc 16 giờ nghi lễ an táng Đại tướng được tiến hành trang trọng trong tiếng nhạc buồn và nước mắt rơi trên gương mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh nhà cùng hàng chục vạn người dân Quảng Bình và nhiều bà con từ các tỉnh, thành trong cả nước có mặt hôm ấy…
Mười năm-tròn một thập kỷ Đại tướng ra đi, giờ đây đọc lại các số Báo Quảng Bình với những thông tin đậm đặc, trang trọng, đầy đủ về ngày ra đi của Đại tướng, chúng tôi-những người làm Báo Quảng Bình lúc bấy giờ luôn tự hào và vinh dự, vì mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tỉnh giao, góp phần xứng đáng cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đón Đại tướng về quê yên nghỉ trọn vẹn trong lòng đất mẹ Quảng Bình.
Chúng tôi tin tưởng và hy vọng hôm nay và mai sau, mỗi khi tìm đọc lại các số Báo Quảng Bình thời gian Đại tướng từ trần, mọi người như vẫn thấy Đại tướng còn đó, vẫn nở nụ cười hiền hậu với đôi mắt nhân từ, ngời sáng, đang theo dõi mỗi bước đi lên của đất nước và của tỉnh nhà.
(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".
(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.
(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.