Triệu triệu lòng dân... ghi dấu tháng Mười - Bài 3: Ngày về...
(QBĐT) - Theo di nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Quảng Bình và gia đình Đại tướng thống nhất nơi Đại tướng an nghỉ là Vũng Chùa, vị trí Người và các con trong gia đình chọn từ cuối năm 2005. 11 giờ 40 phút ngày 13/10/2013, chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng từ sân bay Nội Bài hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới...
Hai chuyên cơ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (năm 2013 là Tổng Công ty hàng không Quốc gia Việt Nam-Vietnam Airlines) chọn phục vụ lễ tang Đại tướng gồm: Máy bay ATR72 mang số hiệu VN103 chở linh cữu Đại tướng do cơ trưởng Vũ Tiến Thắng (SN 1957) điều khiển; máy bay AirbusA321 số hiệu VN1911 do cơ trưởng Võ Tuấn Dũng (SN 1986) điều khiển chở Ban Tang lễ nhà nước và thân nhân, gia đình Đại tướng.
Về số hiệu hai chuyên cơ rất “đặc biệt”, mãi sau này khi có dịp trò chuyện với các anh chị con Đại tướng, tôi mới biết rõ sự “đặc biệt” này: Số hiệu máy bay ATR72 là VN103 đúng bằng số tuổi Đại tướng, còn số hiệu VN1911 của máy bay A321 chính là năm sinh Đại tướng.
Mười năm trước, trong triệu triệu người dân Việt tham gia đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi vinh dự được Ban Biên tập Báo Quảng Bình giao nhiệm vụ “đón” Người tại sân bay Đồng Hới. Cũng cần nói thêm rằng, Báo Quảng Bình chỉ được phân bổ 2 thẻ công vụ “đặc biệt” cho 2 vị trí then chốt tại đám tang Đại tướng trên đất mẹ Quảng Bình là khu vực Vũng Chùa do phóng viên Phan Anh Tuấn phụ trách và tại sân bay Đồng Hới do tôi đảm nhận.
Khi tôi có mặt tại sân bay Đồng Hới, hoàn thành tất cả các bước kiểm tra an ninh ngặt nghèo thì được hướng dẫn vào phía trong sân bay. Ở khu vực trong sân bay có rất nhiều đồng nghiệp báo chí, các hãng thông tấn tập trung chờ đợi khoảng khắc giờ G-giây phút chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh.
Trên sân bay, cùng chờ đón giờ G. tôi thấy sự hiện diện của nhiều lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và các thành viên Ban Tổ chức Lễ Quốc tang; gia đình, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tướng lĩnh lực lượng vũ trang...
Về phía tỉnh Quảng Bình gồm các đồng chí: Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng tại Quảng Bình; Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh...
Đúng 11 giờ 40 phút, chuyên cơ ATR72 số hiệu 103 hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới. Đội tiêu binh, đội quân nhạc từ vị trí tập kết di chuyển đến tập hợp chỉnh tề cạnh chuyên cơ ATR72 chuẩn bị đón linh cữu Đại tướng.
Trung tướng Võ Văn Tuấn (sau này là Thượng tướng), Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an ninh trong lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi linh cữu Đại tướng xuất hiện tại cửa máy bay ATR72 ra lệnh: Cho đội ngũ báo chí tác nghiệp trong vòng 5 phút!
Năm phút... thời gian như lắng đọng lại. Hàng trăm phóng viên tựa con sóng trào lên hướng về phía cửa máy bay ATR72, phía linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. May mắn hay cơ duyên cho tôi, trong cơn sóng đó, tôi chợt nhận ra mình bị đẩy lên đứng đối diện với cửa máy bay ATR72. Và thế... trong thời gian 5 phút hiếm hoi này, tôi cố gắng thu hết tất cả những hình ảnh lễ đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi rời cửa máy bay ATR72 đến lúc linh cữu người đặt lên linh xa và chầm chậm rời khỏi sân bay Đồng Hới ra phía Vũng Chùa.
Đón linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống khỏi máy bay ATR72, tôi còn nhớ ở phía bên trái là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bên phải là Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, kế tiếp sau đó lần lượt gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Bình...
Sau khi linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt lên linh xa an toàn. Tranh thủ chút thời gian ít ỏi còn lại, Trung tướng Võ Văn Tuấn vẫy tay ra hiệu cho hai cơ trưởng Vũ Tiến Thắng, Võ Tuấn Dũng đến gần đội ngũ phóng viên, ông trìu mến giới thiệu: “Võ Tuấn Dũng là con trai mình. Rất tự hào khi hai bố con cùng mang họ với Đại tướng, cùng tham gia nhiệm vụ đặc biệt trong đám tang Đại tướng. Còn cơ trưởng Vũ Tiến Thắng là một trong những phi công kỳ cựu, giỏi nhất của Vietnam Airlines”.
Cơ trưởng Vũ Tiến Thắng chia sẻ với đội ngũ phóng viên: “Hơn 20 năm làm phi công, nhiều lần đảm nhận nhiệm vụ lái chuyên cơ nhưng đây là chuyến bay rất đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử hàng không Việt Nam, chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ sân bay quốc tế Nội Bài đến sân bay Đồng Hới. Vì thế, tổ bay trên chuyên cơ ATR72 mang số hiệu 103 thực hiện nhiệm vụ trong một tâm thế quá đặc biệt, thiêng liêng!”. Riêng cơ trưởng Võ Tuấn Dũng tự hào: “Đây là vinh dự vô cùng to lớn, khó có được lần thứ hai của gia đình tôi và cả thế hệ phi công trẻ Việt Nam sau này...”.
17 giờ ngày 13/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng của nhân dân an nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ Quảng Bình.
Một câu chuyện tôi từng tham gia và chứng kiến, nhân 49 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp “trở về” quê hương, trong một đêm mùa thu đất trời se lạnh ở Vũng Chùa, thế hệ trẻ Quảng Bình tổ chức lễ thắp nến tri ân người.
Khoảng khắc ấy, 10 năm sau tôi vẫn còn nhớ mãi... Cái khoảng khắc linh thiêng, tĩnh lặng, an bình của Vũng Chùa chợt bừng sáng lên những ngọn nến hồng nối nhau dường như vô tận, thành vệt lửa thiêng hướng về phía mũi Rồng. Vệt lửa thiêng chầm chậm trôi qua trước mộ Đại tướng rồi hợp thành một vòng tròn tựa vòng luân hồi nơi khoảng trống cạnh tháp Chuông. Trong cái vòng luân hồi đó, từng ngọn nến trôi ra, nhẹ nhàng đậu xuống mặt đất Vũng Chùa và kết thành con số 103, bằng số tuổi Đại tướng.
“Gần thế kỷ xa quê, Đại tướng đã trở về mãi mãi/Sóng biển Quảng Bình hát ru Người êm ái/Như tiếng Mẹ ngày xưa xao xuyến mãi trong lòng/À ơi...Quê mình gạo trắng nước trong/Đi xa mô cũng chỉ mong ngày về...” (Đỗ Quý Doãn)
Ngô Thanh Long