CHÀO MỪNG TÂN HÓA NHẬN GIẢI THƯỞNG LÀNG DU LỊCH TỐT NHẤT THẾ GIỚI NĂM 2023
"Cá chép" đã "hóa rồng"
19:53 | Thứ Năm, 19/10/2023
(QBĐT) - Nằm lọt thỏm giữa thung lũng yên bình có một làng quê bé nhỏ. Ở đó, bao đời nay, người dân lựa chọn sống chung với thiên tai như một cứu cánh để sinh tồn. Ở đó, qua những ngày chật vật bởi mưa lũ, giấc mơ phía thung lũng đã vượt ra khỏi bốn bề núi đá để vươn xa, vươn cao hơn.
Thông tin Tân Hóa (Minh Hóa) giành được giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 của Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO đã làm nức lòng những người yêu mến mảnh đất này. Điều gì đã giúp cho làng quê nhỏ bé của Quảng Bình vượt qua hàng trăm đối thủ từ khắp nơi trên thế giới để chạm đến giải thưởng danh giá ấy?
Một Tân Hóa riêng có
Đến Tân Hóa, bạn sẽ thực sự ngạc nhiên khi hiếm có làng quê nào còn giữ được nhiều nét văn hóa giản dị mà đặc trưng như ở đây. Dù hàng trăm năm nay, người dân Tân Hóa sống quần tụ dưới chân thung lũng, đối mặt với thiên tai như một lẽ thường tình, nhưng mưa lũ, khó nghèo cứ bám riết lấy bao đời con cháu họ khiến Tân Hóa đã từng là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình.
Trong “cái khó, ló cái khôn”, năm 2011, người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa đã sáng chế ra nhà phao chống lũ. Từ đó đến nay, họ sống thoải mái trên những căn nhà phao, nước lên đến đâu, nhà nổi đến đó. Khi mùa mưa đến, họ dự trữ thực phẩm, nước sạch trên nhà nổi đủ cho khoảng 7-10 ngày mà không phải trông cậy vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Là người gắn bó với người dân Tân Hóa từ năm 2011 đến nay, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis) cho biết, từ những sáng kiến xây dựng nhà phao chống lũ mà người dân đã dần thích ứng với điều kiện của thời tiết và bắt đầu tham gia vào các hoạt động du lịch của Oxalis. Năm 2011, Oxalis bắt đầu triển khai các tour mạo hiểm khám phá hệ thống hang động Tú Làn.
Hơn 10 năm qua, các hoạt động du lịch đã trực tiếp tạo việc làm thường xuyên cho hơn 120 người dân Tân Hóa, với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Các hoạt động du lịch cũng gián tiếp tạo việc làm và thu nhập cho hơn 100 lao động địa phương thông qua các hoạt động homestay, ăn uống tại nhà dân, cung ứng thực phẩm và các hoạt động khác.
Từ những người sống cậy nhờ cả vào việc khai thác rừng, giờ, người dân Tân Hóa trở thành những người bảo vệ từng thân cây, từng góc rừng, coi việc bảo vệ rừng là chắt chiu từng kế sinh nhai, là bảo vệ chính nguồn sống bền vững của mình. Nhờ du lịch, cuộc sống của người dân từng bước cải thiện, có thu nhập ổn định, con cái được đến trường, từ đó, chung tay vào xây dựng và phát triển quê hương.
Tân Hóa đang từng bước trở thành một cộng đồng du lịch bền vững, cộng đồng liên kết với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch và nhiều giá trị cho du khách. Đặc biệt, với những sản phẩm khai thác từ chính bất lợi của thiên tai, biến bất lợi thành lợi thế mà Tân Hóa trở thành làng du lịch thích ứng với thời tiết, nơi mà du khách có thể trải nghiệm được nhiều dịch vụ khác biệt, mới mẻ. Người dân không còn chỉ làm du lịch theo mùa mà có thể làm du lịch quanh năm.
Ông Nguyễn Châu Á khẳng định, đó cũng chính là một trong những nét độc đáo để Tân Hóa vượt qua nhiều đối thủ và giành được giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới. Bởi thích ứng thời tiết cũng là một cách để thích ứng với biến đổi khí hậu, một chủ đề mà cả thế giới quan tâm trong những năm qua.
Hành trình “vượt vũ môn”
Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages) là sáng kiến của UNWTO nhằm thúc đẩy du lịch trở thành một trụ cột trong phát triển nông thôn. Những ngôi làng được lựa chọn nhận giải phải có sự nổi bật về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; đồng thời có các hành động đổi mới, cam kết phát triển du lịch phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tham gia giải thưởng năm 2023 có 260 làng du lịch của 60 quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam góp mặt 4 làng du lịch. Sau một hành trình dài ghi dấu ấn đậm nét bằng những điểm độc đáo nổi bật, riêng có, Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam ghi danh vào những Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023.
Được sự quan tâm của Cục Du lịch cùng với sự phối hợp của Oxalis, UBND xã Tân Hóa, UBND huyện Minh Hóa và Sở Du lịch, đầu năm 2023, Tân Hóa quyết định nộp hồ sơ tham gia giải thưởng danh giá này. Nhưng để đi đến đích như hôm nay là cả một hành trình dài hơi với sự định hướng và đầu tư bài bản theo chuẩn của UNWTO.
Công ty Oxalis đã tài trợ 1 tỷ đồng để thuê đơn vị tư vấn thực hiện xây dựng, tư vấn, đào tạo và lập hồ sơ hỗ trợ địa phương tham gia giải thưởng. Ông Nguyễn Châu Á khẳng định: “Việc Tân Hóa tham gia giải thưởng này của UNWTO là một phần trong chiến lược dài hơi mà chúng tôi cùng với chính quyền địa phương xây dựng. Từ việc tạo ra các tour du lịch chất lượng cao, đến việc người dân tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch để từng bước thay đổi nếp sống từ làm nông nghiệp đơn thuần sang làm nông nghiệp kết hợp với dịch vụ du lịch. Ngoài ra, còn có những bước chuẩn bị cho Tân Hóa, như: Các hoạt động quảng bá lớn thông qua điện ảnh, trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước… để giúp cho Tân Hóa từng bước phát triển một cách chắc chắn và bền vững”.
Gần một năm trời ròng rã, địa phương và doanh nghiệp đã cùng nhau nỗ lực, tìm hiểu các tiêu chí của UNWTO, từ đó, đánh giá lại những giá trị hiện có của Tân Hóa xem đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa? Các hoạt động homestay phải bảo đảm vệ sinh môi trường, hệ thống xử lý nước thải phải đúng tiêu chuẩn, hệ thống cung cấp dịch vụ ăn uống cũng phải bảo đảm các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều tiêu chí khác của UNWTO.
Trong năm 2023, để tạo nên nét độc đáo riêng có của Tân Hóa, mô hình du lịch thích ứng thời tiết đã được khởi xướng nhằm tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Oxalis cũng bổ nhiệm Đại sứ du lịch thích ứng thời tiết để hỗ trợ công tác quảng bá và tuyên truyền cho mô hình du lịch này. Các sản phẩm mới, như: Trải nghiệm xe địa hình ATV trong rừng lim, homestay thích ứng thời tiết hay dịch vụ trải nghiệm ăn tối ở nhà dân là các hoạt động cần có để tham gia giải thưởng.
Tự tin đón đợi ngày mới
Tin nhận giải thưởng tràn về với làng quê Tân Hóa khiến những người dân nơi đây vui mừng và bất ngờ hơn cả. Đi qua những ngày chật vật, họ hy vọng vào một tương lai tươi sáng đã và đang đón đợi. Ông Trương Sơn Bồi, 72 tuổi, thôn 2, Tân Hóa cho biết, là gia đình có 7 người con tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương nên ông hiểu những hoạt động du lịch đã làm thay đổi cuộc sống người dân như thế nào.
“Khi nghe tin, chúng tôi mừng lắm. Cuối cùng, làng quê Tân Hóa cũng được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn. Chúng tôi hy vọng đây cũng là cơ hội để Tân Hóa phát triển hơn về du lịch, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con”, ông Bồi xúc động.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tân Hóa là trung tâm du lịch phía tây bắc Quảng Bình-một trong những vệ tinh của trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng.
Với ngành Du lịch Quảng Bình nói chung và Tân Hóa nói riêng, việc làng quê này giành được giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới là một vinh dự to lớn, mở ra nhiều cơ hội trong phát triển du lịch. Tân Hóa sẽ từng bước trở thành điểm sáng du lịch trong khu vực, làm tiền đề và hỗ trợ cho các điểm du lịch lân cận trong quảng bá và thu hút du khách đến trong tương lai.
Dù có tham gia giải thưởng hay không thì với người dân Tân Hóa, họ vẫn nỗ lực mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất bằng tất cả tấm chân tình và sự hồn hậu vốn sẵn. Nỗ lực để “làng du lịch tốt nhất thế giới” không chỉ là danh hiệu, là giải thưởng mà phải là sự ghi nhận từ mỗi du khách đặt ra trách nhiệm to lớn cho chính quyền địa phương và bản thân doanh nghiệp khai thác du lịch.
Video Tân Hóa nhận giải Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 tại Uzbekistan.
(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".
(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.
(QBĐT) - Hơn 40 năm, cuốn nhật ký đã ngả màu nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia vẫn giữ bên mình như một báu vật.