Đường xuân khát vọng
(QBĐT) - Thọ Lộc ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi yên nghỉ của hàng trăm người con ưu tú là liệt sỹ thanh niên xung phong (TNXP) của Ban Xây dựng 67 (sau này Cienco5), một thời thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Hôm ấy trời quá nắng. Gió Lào chuẩn bị ghé qua Quảng Bình.
Tôi có mặt trên nhiều nghĩa trang bộ đội, TNXP, khi đến Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Bến phà Long Đại thì quá trưa. Tôi bảo lái xe: “Em vào chỗ nào tránh nắng,chờ anh”. Vừa kịp nghe tiếng “dạ” tôi đã đóng cửa xe, bước từng bậc.
Tôi lần lượt đọc bia di tích, thắp từng nén hương lên phần mộ của 16 liệt sỹ đơn vị C130 Bộ đội Trường Sơn. Hoa đại nở trắng. Trước mặt, cầu Long Đại phơi mình giữa nắng. Hai cầu song song. Sông Long Đại khoe mình xanh ngăn ngắt.
Hồi chiến tranh, trên địa bàn này có cầu phao và phà cùng mang tên Long Đại. Theo hồi ký của Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng, sau là Tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559 thì mở đường, làm phà Long Đại được triển khai từ năm 1959. Lúc ấy “nhiệm vụ quân sự công khai là mở đường tiếp tế cho Đồn Biên phòng Cù Bai, Hướng Lập”. Phà tọa lạc ở vị trí khá đặc biệt, ngã ba của ba dòng sông Kiến Giang, Long Đại, sau đó cùng đổ về sông Nhật Lệ trước khi trườn ra biển.
Đứng ở vị trí này, tôi nhớ rất nhiều người con ưu tú, tên tuổi họ đã đi vào lịch sử. Long Đại hôm nay dẫu đã thay đổi rất nhiều, nhưng còn in dấu chân bao người, trong đó có những người nằm lại. Họ đã góp phần tạc nên sông núi này. Dấu ấn của họ khắc sâu trong từng thớ đất con đường.
Mặt trận Long Đại thời đó, ác liệt. Quốc lộ 15 qua đây nham nhở, gian truân. Tôi nhớ câu thơ của ông Lê Đức Thọ, lúc ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương: “Ai đi qua Trường Sơn/Không nếm mùi cát bụi/Cứ mỗi chiếc đi qua/Bụi tung lên từng khối” (Bụi Trường Sơn). Không chỉ bụi của thổ nhưỡng, còn có bụi của mồ hôi trên lưng bộ đội, TNXP dọc tuyến đường. Hanh hao và mặn chát.
Những năm tháng chiến tranh, trên vùng “đất lửa” Quảng Bình, mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều phải cõng trên thân mình cả quả bom, nơi ấy sự sống và cái chết mong manh nhất. Trên bản đồ “tọa độ lửa” có Long Đại-một địa chỉ nằm trên con đường huyết mạch vào miền Nam.
Thế nhưng vì khát vọng độc lập tự do, đất nước không thể chia cắt, bộ đội, lực lượng ngành giao thông, thanh niên xung phong và nhân dân Quảng Bình vẫn bám trụ kiên cường ở những nơi được gọi là “túi bom”, “túi lửa” này, chiến đấu dũng cảm, lạc quan. Người dân Quảng Bình nguyện “Xe chưa qua, nhà không tiếc”; họ động viên nhau, truyền lửa cho nhau: “Nhà tan cửa nát cũng ừ; đánh tan giặc Mỹ cực chừ, sướng sau”.
Những năm tháng đó, làn gió lạc quan góp phần xua tan mùi khét của đạn bom, nối lành những con đường... Quảng Bình chính là nơi khởi xướng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Quảng Bình những năm tháng đó là quê hương “Hai giỏi”, vừa chiến đấu giỏi vừa sản xuất giỏi được Bác Hồ gửi thư khen và chính Người đã đến Quảng Bình.
Tôi bừng tỉnh khi đoàn tàu SE1 chạy qua. Bánh sắt toa tàu nghiến vào đường ray ken két, nhắc nhở điều xa xăm...
Nếu như những năm chiến tranh, giao thông được xác định “Đi trước một bước” thì nay, hạ tầng giao thông vẫn là “đi trước mở đường”. Trên sông Long Đại này, cầu Long Đại, thuộc gói thầu XL-02, dự án thành phần Bùng-Vạn Ninh, thuộc “đại dự án” đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đang khẩn trương được thi công. Công trình có chiều dài 1,2km bắc qua sông Long Đại, khu dân cư, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc-Nam, với tổng giá trị đầu tư là 495 tỷ đồng. Công trình được khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến tháng 10/2025 sẽ hoàn thành.
Theo như kỹ sư Hoàng Văn Thuyết, cầu Long Đại này được đánh giá là cây cầu hiện đại, nằm trong tốp những cây cầu có chiều dài nhất trong hệ thống cầu thuộc dự án đường bộ cao tốc, với bề rộng mặt cắt 17,5m, 4 làn xe. Cầu chính vượt sông Long Đại có kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng, 27 mố trụ, trong đó 2 trụ chính vượt sông là trụ đặc bê tông cốt thép, hệ thống móng cọc gồm 13 cọc khoan nhồi đường kính 2m, chiều dài cọc từ 31-39m.
Kỹ sư Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, nói với tôi rằng: “Với Quảng Bình, Quảng Trị, đầu tư ở đó là thể hiện tình cảm tri ân”. Quảng Bình vừa có ga xe lửa chạy qua trung tâm, biển uốn mình quanh thành phố. Biển cùng với dòng sông mang tên Nhật Lệ khoác lên Đồng Hới vẻ đẹp tuyệt mỹ.
Với những chuyên gia ngành logistics thì Quảng Bình là nơi “hội tụ” của các tuyến đường: sắt, sông, thủy, bộ, hàng không-hay nói cách khác, Đồng Hới là nơi gặp nhau, lan tỏa của năm phương thức vận tải. Điều đó tạo nên năng lực, kiến tạo nên trung tâm logistics của Quảng Bình, trong lộ trình kết nối chuỗi giá trị.
Tôi từng có cơ duyên gặp gỡ, đối thoại với hai người con kiệt xuất của Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Còn nhớ, tháng 12/2003, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đoàn công tác của Cục Hàng hải Việt Nam có đến chúc mừng và thăm Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có “tầm nhìn biển” bằng tư duy của một nhà khoa học, nhà quân sự lỗi lạc, vừa chú trọng phát triển kinh tế biển, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong câu chuyện, Đại tướng nhắc đến vịnh Hòn La của quê hương Quảng Bình. “Hòn La có đủ điều kiện tự nhiên để xây dựng thành cảng biển nước sâu”, giọng Đại tướng chậm rãi. Khuôn mặt ngời minh triết.
Trên hành trình “Giao thông đi trước một bước”, Quảng Bình đã làm được những công việc khổng lồ. Quảng Bình có thêm sân bay, cảng biển. Cầu Nhật Lệ 1, Nhật Lệ 2 đã và đang mở rộng không gian Đồng Hới. Cầu Nhật Lệ 3 đang thi công. Đường cao tốc phía Đông đã và đang hình hài trên đất Quảng Bình, hòa cùng xa lộ thời chuyển đổi số.
Con đường từ quá khứ chảy đến hiện tại và mở hướng tương lai, đó là con đường xuân, hiện thực mơ ước. Tạm biệt mảnh đất Long Đại với dòng sông xanh chiêm nghiệm.
Tôi nhìn thấy mây qua nơi này vời vợi và cuồn cuộn như cơ bắp tráng sĩ.
Tùy bút của Ngô Đức Hành