"Kỹ sư" nông nghiệp của bản

  • 12:24 | Thứ Năm, 19/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa đại ngàn dãy Trường Sơn hùng vĩ, anh Nguyễn Văn Lành (SN 1971), người dân tộc Bru-Vân Kiều được ví như “kỹ sư” nông nghiệp của bản Cổ Tràng, Cây Cà...  bởi anh là người hỗ trợ giống sắn, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách trồng sắn và bao tiêu sản phẩm cho bà con, giúp họ thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
 
Tiên phong làm giàu nơi thượng nguồn
 
Dưới cơn mưa rừng bất chợt nơi thượng nguồn dãy Trường Sơn, chúng tôi men theo Quốc lộ 15 tìm đến bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) gặp anh Nguyễn Văn Lành. Dẫn chúng tôi lên xem một phần cơ ngơi là rẫy trồng keo của mình, anh Lành giới thiệu đây là 1ha đất rẫy trước đây anh đã khai hoang được, nay trồng keo tràm, có vụ thì trồng sắn.
 
Anh Nguyễn Văn Lành kể: “Ông bà, cha mẹ miềng trước đây là đồng bào Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn tỉnh Quảng Trị, nhưng do chạy giặc mà di cư ra khai hoang vùng đất này. Cuộc sống lạc hậu nên đời cha mẹ miềng không biết đọc cái chữ. Lớn lên, may mắn miềng được đi học cái chữ. Học đến lớp 9, miềng xung phong đi nghĩa vụ quân sự. Trở về bản miềng lấy vợ. Thời đó, bản còn nghèo, nhà miềng cũng còn nghèo lắm”.
 
Không chấp nhận lối sống lạc hậu và đói nghèo, anh đã nghĩ cách để thoát nghèo. Và hành trình thoát nghèo của anh bắt đầu từ những đợt gùi gạo, thực phẩm đi bộ, trèo đèo, vượt suối hàng tiếng đồng hồ để lên bản Sắt xa xôi. “Gùi hàng thuê cho người dưới xuôi liên tục 3 tháng liền, miềng cũng tiết kiệm được ít tiền. Miềng mua 1 con bò để tập chăn nuôi. Nuôi được 2 năm thì nó đẻ, rồi dần dần miềng có đàn bò 10 con. Nhưng dịch bệnh hoành hành, 9 con bò chết cả còn lại duy nhất 1 con”, Nguyễn Văn Lành cho hay.
 Với nhiều bà con dân tộc Bru-Vân Kiều, anh Nguyễn Văn Lành được ví như một
Với nhiều bà con dân tộc Bru-Vân Kiều, anh Nguyễn Văn Lành được ví như một "kỹ sư" nông nghiệp của bản.
Con đường thoát nghèo không hề dễ dàng nhưng anh vẫn không nản chí hay khuất phục. Tiếp tục đi phát rẫy thuê, rảnh rỗi lại đi lấy mây về bán cho người dưới xuôi, anh lại tiếp tục hành trình thoát nghèo của mình. Có vốn, anh lại kinh doanh, buôn bán tạp hóa. Thấy người dưới xuôi lên hỏi mua lợn bản, anh cũng quây vườn nuôi 30 con lợn bản và nuôi lại 24 con bò cỏ.
 
“Được 1ha đất rừng, trước miềng chỉ trồng keo tràm, nhưng tính ra hết chu kỳ 4-5 năm mới được thu hoạch, lãi không nhiều nên miềng chuyển qua trồng sắn. Tính ra trồng sắn, miềng lãi hơn nhiều, nhưng phải luân chuyển vụ nên có lúc thì chuyển qua trồng keo, tràm trở lại. Khi keo, tràm chưa đến 1 năm tuổi miềng trồng xen với cây sắn”, anh Nguyễn Văn Lành kể lại. Và cứ thế, kinh tế của gia đình anh dần no đủ, khấm khá hơn xưa. Có tiền anh xây nhà, đầu tư cho các con học hành cái chữ đàng hoàng. Từ hộ nghèo, gia đình anh trở thành hộ làm kinh tế giỏi của bản Cổ Tràng và của những bản lân cận.  
 
“Bà đỡ” của bản Cổ Tràng
 
Già làng Nguyễn Văn Sơn, bản Cổ Tràng nhẩm tính, bản hiện có 79 hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Bao đời nay, người Bru-Vân Kiều ở đại ngàn Trường Sơn chỉ biết dựa vào rừng. Khi chính sách đóng cửa rừng của Nhà nước áp dụng để bảo vệ rừng thì bà con chuyển qua làm rẫy, trồng sắn, trồng lạc, trồng keo. Cây sắn trở thành một trong những cây chủ lực thoát nghèo của đồng bào. Thế nhưng do tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao. Đặc biệt do địa hình biên giới cách trở nên thương lái đến mua không nhiều. Có vụ thương lái ép giá nên giá sắn của bà con giảm thấp.
 
Không đành để dân bản chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, anh Nguyễn Văn Lành đã chủ động liên hệ và ký hợp đồng với công ty chế biến tinh bột sắn dưới xuôi bao tiêu thu mua sản phẩm sắn cho bà con dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Cổ Tràng.
 
“Trước miềng trồng sắn, đến khi thu hoạch, thương lái hỏi mua giá không cao, miềng đã tự thuê xe mang sắn về xuôi bán. Dần dần miềng cũng thu mua cho một số bà con trong bản. Và từ đó, miềng ký hợp đồng với công ty và nhận thu mua số lượng nhiều cho bà con. Giá thu mua của miềng cao hơn 1 giá so với các thương lái khác nên số lượng bà con nhập sắn bán cho miềng ngày càng nhiều. Lúc đầu, chỉ có bà con ở bản Cổ Tràng sau có thêm các bản như Trung Sơn, Cây Cà đều nhập cho miềng”, anh Nguyễn Văn Lành tâm sự.
 
Nhắc đến anh Nguyễn Văn Lành, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì cho biết: Anh Nguyễn Văn Lành luôn phát huy phẩm chất của một đảng viên gương mẫu, làm kinh tế giỏi, có đóng góp không nhỏ trong việc hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong bản và các bản phát triển kinh tế.

Và rồi, cây sắn đã trở thành cơ duyên biến anh Nguyễn Văn Lành trở thành “bà đỡ”, “kỹ sư” nông nghiệp bất đắc dĩ cho bà con Bru-Vân Kiều ở bản Cổ Tràng và những bản lân cận. Đối với những hộ khó khăn không có giống sắn để trồng, anh đã tự nguyện bỏ kinh phí của mình ra mua giống cho bà con. Trung bình mỗi năm, anh đã bỏ ra khoảng 40 triệu đồng để mua giống sắn tốt hỗ trợ cho hộ đồng bào khó khăn. Trồng sắn tưởng rằng là việc đơn giản như cuốc đất, giâm sắn và lấp đất.

Thế nhưng, thực tế trồng được sắn tốt, năng suất cao không hề dễ với bà con Bru-Vân Kiều. Anh Nguyễn Văn Lành chia sẻ rằng: “Trước miềng được UBND xã tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi nên miềng có chút kiến thức về trồng trọt. Thấy bà con trồng sắn không bón phân, chăm sóc, nhổ cỏ, miềng đã hướng dẫn cho bà con cách bón phân hợp lý và thực hiện các khâu chăm sóc để có năng suất cao. Miềng cũng chỉ bà con luân canh, xen canh để sắn phát triển tốt, không bị chết và còi cọc”.

Vui mừng vì giá sắn thu mua của anh Lành năm nay cao hơn so với các thương lái khác, chị Nguyễn Thị Hường (dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Cổ Tràng) cho hay: “Trong bản cũng có một số thương lái đến mua, nhưng giá thu mua sắn không cao bằng của anh Lành. Bây giờ miềng chỉ bán sắn cho anh Lành thôi. Nhờ trồng sắn mà gia đình miềng đủ ăn đủ mặc không còn đói nghèo như trước”.
 
Dưới chân dãy Trường Sơn quanh năm mây phủ, cuộc sống của hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều đang đổi sắc từng ngày. Có được như vậy là nhờ sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của bà con Bru-Vân Kiều và không thể không kể đến vai trò của những “kỹ sư” nông nghiệp bất đắc dĩ như anh Nguyễn Văn Lành. Những đóng góp nhỏ của anh là động lực để bản làng nơi thượng nguồn biên giới dần thay da đổi thịt.
Đoàn Nguyệt

tin liên quan

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm và tặng quà cho ngư dân

(QBĐT) - Ngày 19/1, nhân dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi thăm, tặng quà Tết cho ngư dân tại Cảng cá Nhật Lệ, phường Phú Hải (TP. Đồng Hới). 

Vững tin trên chặng đường mới

(QBĐT) - Đứng chân trên vùng gò đồi trải rộng phía Tây huyện Bố Trạch và TP. Đồng Hới, đã có lúc tưởng chừng "đứng trước bờ vực thẳm", nhưng bằng bản lĩnh vượt khó, sự đoàn kết, sáng tạo của tập thể cán bộ và công nhân, Công ty CP Việt Trung đã vượt khó thành công, vững tin trên chặng đường mới... 

Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất hơn 136 tỷ đồng

(QBĐT) - Ông Võ Văn Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, thực hiện Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ, ngành Thuế đã gia hạn nộp thuế cho 383 người nộp thuế với tổng số tiền hơn 136 tỷ đồng.