Phát huy mô hình kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới

  • 07:10 | Thứ Hai, 16/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã và đang phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Các mô hình này đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động của địa phương. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo nông thôn mới (NTM).
 
Thúc đẩy phát triển kinh tế
 
"Sự ra đời và phát triển của mô hình kinh tế tập thể, HTX đã đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết vùng sản xuất và thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Nhờ các mô hình kinh tế tập thể, HTX sản xuất nông nghiệp các địa phương dần chuyển đổi từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô, hiện đại và bài bản hơn", ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch chia sẻ.
 
Thành lập vào thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng HTX Chế biến thủy sản Dương Nga, xã Quảng Phú vẫn tạo được thương hiệu và chỗ đứng cho mình. Sau gần 2 năm thành lập, sản phẩm mực khô của HTX đã được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
 
Anh Phạm Thanh Dương, Giám đốc HTX Chế biến thủy sản Dương Nga cho biết: “Trước đây, HTX chúng tôi chỉ là một cơ sở thu mua và chế biến thủy sản nhỏ lẻ. Do sản xuất và chế biến với phương pháp thủ công nên chất lượng và số lượng không bảo đảm, không được người tiêu dùng đánh giá cao. Chính vì vậy, để thay đổi phương thức sản xuất và hoạt động, chúng tôi đã vận động một số thành viên thành lập HTX Chế biển thủy sản Dương Nga. Sau khi thành lập, chúng tôi đã tập trung xây dựng nhà xưởng, kho bảo quản và máy móc để sản xuất, chế biến bài bản, hợp vệ sinh. Các sản phẩm từ mực khô, cá khô đều được chúng tôi chế biến bằng máy móc và đóng gói bao bì đúng tiêu chuẩn quy định. Từ một sản phẩm chỉ bán ở chợ và người quen, đến nay, sản phẩm mực khô và các hải sản khô của chúng tôi đã có thương hiệu, đầu ra ổn định và được bày bán ở các cửa hàng, siêu thị”.
Các HTX ra đời đã tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.
Các HTX ra đời đã tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.
Là sản phẩm nhiều năm liền được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được xuất bán ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, dầu lạc Trường Thủy của HTX Chế biến nông sản Trường Thủy (xã Liên Trường) là minh chứng về năng lực phát triển của mô hình HTX.
 
Chị Đinh Thị Mai Hoa, Giám đốc HTX cho biết: Thành lập mô hình HTX là hướng đi đúng để sản phẩm dầu lạc Trường Thủy tạo được vị trí và chỗ đứng cho mình. Sau khi thành lập HTX, sản phẩm của chúng tôi đã được đầu tư bài bản cả về chế biến lẫn mẫu mã sản phẩm. Để có nguyên liệu đầu vào ổn định và chất lượng, HTX đã ký kết bao tiêu gần 25ha lạc cho người dân trong xã và các địa phương lân cận. Sản phẩm được chế biến bằng máy móc bảo đảm chất lượng và an toàn nên được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 2.000 lít dầu lạc, lợi nhuận mỗi năm đạt khoảng 450 triệu đồng.
 
Tạo việc làm cho nhiều lao động
 
Năm 2021, HTX Chăn nuôi gà đồi Quý Chiên được thành lập. Dù mới ra đời nhưng HTX đã nhanh chóng khẳng định được tiềm năng kinh tế của mình.
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Chiên, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Quý Chiên cho biết: “Nhận thấy tiềm năng của vùng gò đồi miền núi xã Quảng Thạch phù hợp với việc chăn nuôi, năm 2015, vợ chồng tôi đã mạnh dạn bắt tay vào nuôi gà. Ban đầu là vài chục con, dần dần thấy việc chăn nuôi gà ở vùng gò đồi hiệu quả, chúng tôi đã đầu tư mở rộng chuồng trại để chăn nuôi với số lượng lớn hơn. Ngoài chăn nuôi gà, vợ chồng tôi còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn thịt. Để có thể phát triển mạnh, bền vững hơn, năm 2021, chúng tôi quyết định thành lập HTX. Hiện tại, HTX Chăn nuôi gà đồi Quý Chiên có 10 thành viên. Với quy mô chăn nuôi lớn và số lượng thành viên nhiều nên trong năm qua, HTX đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, trung bình mỗi lao động có thu nhập khoảng từ 4-6 triệu đồng/tháng.
 
Hiện nay, huyện Quảng Trạch có 38 mô hình kinh tế HTX. Hàng năm, các HTX đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của các HTX đã giúp các địa phương đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu.
Nhiều HTX trên địa bàn huyện Quảng Trạch ra đời không chỉ tạo lập thương hiệu và chỗ đứng cho mình mà còn tạo được nhiều việc làm cho người lao động địa phương.
 
Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc HTX Mây tre đan Quảng Tiến (xã Quảng Tiến) cho hay: Mong muốn thành lập HTX để khôi phục lại nghề đan lát truyền thống của địa phương, năm 2016, HTX Mây tre đan Quảng Tiến đã thành lập. Với số lượng 16 thành viên, từ khi thành lập đến nay, HTX luôn duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm, thu nhập thêm cho hàng chục hộ dân  trong địa bàn xã với khoảng 3 triệu đồng/tháng vào những lúc nông nhàn.
 
Có thể nói, mô hình kinh tế tập thể, HTX đang dần phát huy được vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương. Sự ra đời của các HTX không chỉ khẳng định năng lực của một mô hình kinh tế tập thể mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Tiêu chí thu nhập của người dân trên địa bàn nhờ đó cũng được nâng lên.
 
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết: Xác định mô hình kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, huyện đã có những chính sách khuyến khích người dân thành lập mô hình kinh tế tập thể, HTX. Nhiều HTX được thành lập không chỉ khẳng định được năng lực phát triển mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Những hiệu quả mà mô hình kinh tế tập thể, HTX mang lại trong thời gian qua đã góp phần vào quá trình xây dựng NTM của từng địa phương nói riêng và huyện Quảng Trạch nói chung. 
 
Đ.N

tin liên quan

Quảng Bình tham gia ngày hội du lịch tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

(QBĐT) - Từ ngày 13-17/5, ngành du lịch Quảng Bình tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại ngày hội du lịch Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 

Thử nghiệm phần mềm Xác minh thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(QBĐT) - Từ ngày 16/5, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai vận hành thử nghiệm phần mềm Xác minh thông tin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại TX. Ba Đồn trong thời gian 2 tháng, sau đó sẽ bổ sung, hoàn thiện để áp dụng rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh.

Làm giàu từ nghề nuôi chim yến

(QBĐT) - Chim yến được biết đến là loài chim có thói quen sinh sống, làm tổ trên những vách đá cao ngoài hải đảo hoặc các hang động ven biển. Thế nhưng, ở xã Ngư Thủy (Lệ Thủy), anh Nguyễn Văn Sơn đã "dụ" thành công hàng nghìn con chim yến về sinh sống để khai thác và chế biến gần 20 sản phẩm với ước mơ xây dựng thương hiệu yến sào đầu tiên trên đất Quảng Bình.