Vui buồn chuyện trồng dưa hấu

  • 07:13 | Thứ Ba, 10/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, trên các cánh đồng dưa hấu của địa bàn huyện Bố Trạch, bà con nông dân đã bắt đầu thu hoạch. Vụ dưa năm nay gặp thời tiết không thuận lợi nên năng suất chưa cao, có người vui, người buồn bởi giá lên xuống thất thường.
 
Trăn trở với ruộng dưa
 
Thị trấn Nông trường Việt Trung là vùng đất trồng dưa có tiếng lâu nay trên địa bàn huyện và cả tỉnh với các giống dưa chủ yếu, như: Hắc Mỹ Nhân, Thanh Mỹ Nhân, Hắc Long… có vị ngọt đậm đà, vỏ dày, dễ vận chuyển đi xa. “Dưa ruộng lạ, mạ ruộng quen”, đúng như kinh nghiệm đúc kết của người trồng dưa, dưa hấu thường cho năng suất cao ở những ruộng đất mới chưa trồng dưa hoặc trồng đáo vụ sau vài năm trở lên.
 
Thực tế, ở thị trấn Nông trường Việt Trung, để bảo đảm cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, người dân phải đáo vụ sau 5-6 năm. Do vậy, đa số người trồng dưa phải đi thuê đất để trồng vì thiếu quỹ đất đáo vụ.
 
Ông Hoàng Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết: “Vụ dưa năm nay, toàn thị trấn trồng được gần 145ha với 115 hộ tham gia, phần lớn là đất người dân thuê của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 2,5 tháng, cũng là thời gian người nông dân phải “lăn lộn” với ruộng dưa”.
 
Sau khi thỏa thuận với chủ ruộng về giá đất cho thuê, người trồng dưa bắt đầu che chòi, dựng lều ngay chân ruộng để có chỗ ở tạm chăm sóc dưa. Họ bắt tay vào việc lên luống, phủ bạt nông nghiệp, bỏ hạt… rồi chăm sóc cho đến ngày thu hoạch. 
Ruộng dưa của vợ chồng ông Trần Ngọc Thanh (thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch) thu hoạch có lãi, rất phấn khởi.
Vợ chồng ông Trần Ngọc Thanh (thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch) phấn khởi khi ruộng dưa thu hoạch có lãi.
Ông Trần Ngọc Thanh, tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Nông trường Việt Trung, một người có kinh nghiệm trồng dưa hấu lâu năm chia sẻ: “Trồng dưa hấu được xem là nghề “xa xỉ” đối với nông dân chúng tôi bởi người trồng phải “ăn, ngủ” với dưa. Những ngày mưa lớn, chúng tôi luôn thấp thỏm lo lắng, canh chừng mực nước trong ruộng dưa để thoát nước. Nếu không may bị nước ngập nhiều, dây dưa héo thì xem như hết cứu chữa. Đặc biệt, gặp khi hoa vừa mới thụ phấn hoặc trái gần thu hoạch mà gặp mưa to thì tác động rất lớn đến năng suất, sản lượng dưa…”.
 
Bên cạnh việc phụ thuộc nhiều vào tác động của thời tiết, trồng dưa cũng có nhiều “đắng cay, ngọt bùi” bởi thị trường tiêu thụ. Nếu dưa không xuất được và bán giá thấp thì người nông dân phải chịu lỗ khá lớn vì chi phí đầu vào cao (tiền thuê đất, thuê nhân công, giống, vật tư nông nghiệp… khoảng 70 triệu/ha). Tuy nhiên, nếu so sánhvới trồng lúa, ngô thì dưa hấu vẫn mang lại thu nhập cao gấp 4-5 lần. Nếu bị lỗ hoặc ngang vốn, người trồng vẫn có cơ hội gỡ lại ở vụ kế tiếp nên nhiều người vẫn kiên trì với nghề trồng dưa.
 
Người vui, kẻ buồn
 
Những ruộng dưa hấu ở các địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch, như: Nông trường Việt Trung, Phú Định, Lý Trạch, Vạn Trạch, Nam Trạch… đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Để chăm sóc dưa, chủ ruộng phải thuê nhiều lao động làm đất, bỏ hạt, kê dưa… Chưa kể đến ngày thu hoạch, mỗi ruộng dưa cần đến vài chục lao động để cắt và bốc lên xe. Nhờ đó, những lao động này cũng kiếm được trung bình 200.000-250.000 đồng/ngày. Nếu thuận lợi, người trồng dưa cũng có được một khoản thu nhập kha khá.
 
Tại thị trấn Nông trường Việt Trung thời điểm này, các hộ dân trồng dưa hấu đang tất bật thu hoạch. Vụ dưa năm nay, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, đan xen nắng to kèm gió hanh khô khiến dưa hấu nhiễm bệnh thối dây do úng nước, trái nhỏ. Năng suất dưa chỉ đạt 16 tấn/ha (giảm 4-6 tấn/ha so với năm 2021), thậm chí có nhiều ruộng dưa chỉ đạt 5-7 tấn/ha, khiến nông dân gặp khó khăn. 
 
Gia đình ông Phan Thanh Thế, tổ dân phố Quyết Thắng, trồng 3ha dưa, thu hoạch được 20 tấn. Thời điểm ông Thế bán, giá dưa chỉ đạt 5.000 đồng/kg, trừ chi phí tiền thuê đất, nhân công, giống, phân bón…, gia đình ông Thế phải bù lỗ gần 100 triệu đồng.
 
Tình trạng dưa hấu mất mùa như gia đình ông Thế không phải hiếm. Tại nhiều hộ trồng dưa ở thị trấn Nông trường Việt Trung hay các xã Vạn Trạch, Lý Trạch…, cây dưa bị ngập nước, nhiễm bệnh chết xanh, thụ phấn gặp lúc trời mưa dẫn đến năng suất giảm mạnh so với năm 2021.
Nhờ việc trồng dưa hấu, nhiều lao động có thêm nguồn thu nhập từ việc cắt, bốc xếp dưa cho các chủ ruộng.
Nhờ việc trồng dưa hấu, nhiều lao động có thêm nguồn thu nhập từ việc cắt, bốc xếp dưa cho các chủ ruộng.
Tuy nhiên, bên cạnh những hộ bị thua lỗ, nhìn chung năm nay người trồng dưa vẫn có lãi vì bán được giá cao. Ông Trần Ngọc Thanh, TDP Thắng Lợi, thị trấn Nông trường Việt Trung phấn khởi cho hay: “Năm nay gia đình tôi chung vốn cùng một người bạn thuê 2,2ha đất trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng dưa cũng đạt năng suất khoảng 15 tấn/ha, với giá bán hơn 7.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, chúng tôi thu lãi tầm 30 triệu đồng/ha.”
 
Đối với người nông dân sản xuất nông nghiệp nói chung và người trồng dưa hấu nói riêng, điệp khúc “được mùa, mất giá” hay “được giá, mất mùa” vẫn là câu chuyện còn nhiều trăn trở. Việc phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ đã khiến cho người nông dân luôn trong nỗi lo lắng vui-buồn, được-mất khi mỗi vụ mùa đến.
 
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung Hoàng Minh Trung cho biết: “Vụ dưa hấu năm nay trên địa bàn thị trấn có năng suất trung bình ước đạt 16 tấn/ha, với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg. Tùy vào từng thời điểm, có những hộ bán giá chỉ 4.000-5.000 đồng/kg cùng với năng suất thấp nên bị thua lỗ, nhưng cũng có những hộ bán giá cao, từ 7.000-9.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao. Nhằm tạo điều kiện cho người trồng dưa có đất canh tác và tạo tính ổn định về đầu ra, địa phương đang phối hợp với các ngành chuyên môn tìm phương án xử lý đất, rút ngắn thời gian đáo vụ, liên kết tạo thị trường đầu ra cho dưa hấu nói riêng và nông sản nói chung…”.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết: “Khi thị trường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị đóng băng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm, phòng đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con phải cân nhắc, tùy tình hình để lựa chọn diện tích trồng dưa hấu hợp lý, không trồng ồ ạt để tránh tình trạng khó khăn đầu ra.
 
Năm nay, toàn huyện trồng khoảng 560 ha tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn, như: Nông trường Việt Trung, Lý Trạch, Phú Định, Nam Trạch, Tây Trạch, Vạn Trạch… Đến nay đã có khoảng 80% diện tích dưa thu hoạch, dự ước năng suất giảm 20-30% so với năm ngoái (22-25 tạ/ha) do thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, nếu mức giá vẫn giữ ổn định từ 6.000 đồng/kg trở lên thì người trồng dưa sẽ có được chi phí trang trải vốn đầu tư ban đầu và có thêm nguồn thu nhập.”
 
Lê Mai

tin liên quan

Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022

(QBĐT) - Ngày 5/5, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 724/UBND-TH về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

TX. Ba Đồn: Phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn

(QBĐT) - Những năm gần đây, TX. Ba Đồn luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn (TTCN và NNNT), góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Đường sắt tăng cường các đôi tàu đến điểm du lịch Quảng Bình trong tháng 5

Trước nhu cầu tăng cao của hành khách đi Quảng Bình, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tăng cường chạy thêm nhiều đôi tàu chặng Hà Nội - Đồng Hới trong tháng 5.