Làm giàu từ nghề nuôi chim yến

  • 21:57 | Thứ Bảy, 14/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chim yến được biết đến là loài chim có thói quen sinh sống, làm tổ trên những vách đá cao ngoài hải đảo hoặc các hang động ven biển. Thế nhưng, ở xã Ngư Thủy (Lệ Thủy), anh Nguyễn Văn Sơn đã "dụ" thành công hàng nghìn con chim yến về sinh sống để khai thác và chế biến gần 20 sản phẩm với ước mơ xây dựng thương hiệu yến sào đầu tiên trên đất Quảng Bình.
 
"Đất lành, chim đậu" 
 
Sinh ra ở vùng quê nghèo ven biển, từ nhỏ anh Nguyễn Văn Sơn đã nhìn thấy những con chim yến bay lượn trên mái nhà anh như đi tìm nơi trú ngụ mỗi khi chiều đến, rồi thấy có nhiều con bị lạc bầy trong mưa gió, bão bùng… Sau này lớn lên, nghe tivi nói đến chim yến và sản phẩm yến sào, anh bắt đầu tìm hiểu về chúng và phát hiện chim yến có thể "dụ" về nhà để nuôi lấy tổ thu về tiền tỷ. Giấc mơ nuôi yến đã nhen nhóm khi anh còn là thanh niên.  
 
Tuy nhiên, sinh ra trong gia đình nghèo khó, lấy đâu ra tiền tỷ để đầu tư làm nhà yến, vì vậy giấc mơ của anh đành gác lại. Năm 2011, khi có chương trình xuất khẩu lao động, anh quyết tâm xa gia đình, sang Đài Loan lao động, kiếm tiền để thực hiện ước mơ của mình. Năm 2016, khi có nguồn vốn kha khá, anh Sơn về Việt Nam rồi bắt đầu tìm hiểu và triển khai mô hình nuôi yến.
 
Quá trình tìm hiểu, anh Sơn được biết nhà yến có thể kết hợp với nhà ở. Từ nguồn vốn sẵn có, anh đã vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà 3 tầng trên diện tích 200m2 tại thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy; trong đó tầng 1 dùng để sinh hoạt gia đình, 2 tầng còn lại để dụ yến về nuôi. Sau khi hoàn thành nhà yến, anh tiếp tục đầu tư trang thiết bị cần thiết để dụ yến về làm tổ. Tổng chi phí để thực hiện mô hình nuôi yến ban đầu khoảng 1,5 tỷ đồng.  
 
Anh Sơn kể, sau nhiều ngày mở loa dẫn dụ nhưng không có con chim yến nào đến, anh thấy rất lo lắng. Bởi yến phải có "duyên" chúng mới đến, trên thị trường nhiều người làm nhà lớn để dụ yến nhưng không thành công. Đến khoảng ngày thứ 10 thì có vài con yến bay về, nhưng theo dõi thì thấy chúng ở được vài ngày lại bay mất. Ban đầu, anh cứ tưởng nhà không hợp nên yến không trú ngụ, nhưng hóa ra chúng bay đi để gọi những con khác về. Sau 1 năm kiên trì chờ đợi thì nhà yến của anh Sơn đã có khoảng 30 cặp yến về làm tổ.
Các nhân viên tỉ mỉ nhặt lông bằng phương pháp thủ công trên tổ chim yến.
Các nhân viên tỉ mỉ nhặt lông bằng phương pháp thủ công trên tổ chim yến.
Anh Sơn chia sẻ thêm, khi thực hiện mô hình, điều anh lo lắng nhất là bỏ tiền tỷ làm nhà mà chim yến không về. Vì thế, anh tập trung nghiên cứu để làm nhà cho yến bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh, nếu có trục trặc phải khắc phục kịp thời. Đặc biệt, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Quảng Bình, mùa hè thì quá nóng, mùa đông thì quá lạnh nên vào mùa hè, anh Sơn phải lắp thêm điều hòa, phun sương, tạo độ ẩm, mùa đông thì phải sưởi ấm cho nhà yến. Đến nay, đàn chim yến của gia đình anh đã sinh sôi nảy nở lên đến hơn 2.000 con.
 
"Khi chim yến vào nhà làm tổ rồi, chúng ta không vội thu hoạch sớm. Thường phải sau 2 năm, người nuôi mới có thể bắt đầu thu hoạch bởi trong năm đầu tiên đến ở, chim yến vẫn còn trong giai đoạn thăm dò, nếu khai thác tổ sớm sẽ khiến chúng sợ hãi, bỏ đi. Nuôi yến, chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc là không khai thác những tổ chim non chưa rời tổ. Thời điểm khai thác thích hợp là lúc cả đàn bay đi sạch để kiếm ăn. Để quan sát được quá trình hoạt động của chúng, hiện gia đình tôi có lắp một camera theo dõi trong nhà yến" anh Sơn cho biết.
 
Đưa sản phẩm chất lượng đến tay người dùng
 
Sau gần 2 năm dụ được yến về nhà làm tổ, anh Sơn bắt đầu thu hoạch tổ yến thô. Năm 2019, năm đầu tiên thu hoạch, gia đình anh thu được khoảng 2kg tổ yến thô. Đến nay, với trên 2.000 con, mỗi năm gia đình anh khai thác khoảng hơn 10kg yến thô.  
 
Tuy nhiên, tổ yến thô thường không được giá cao và hay bị thương lái ép giá nên người nuôi yến sẽ bị mất một phần thu nhập. Chưa kể, tổ yến sau khi thu hoạch nếu không được bảo quản đúng quy trình sẽ làm giảm chất lượng.
 
Với mong muốn gia tăng giá trị cho sản phẩm tổ yến thô của gia đình và xây dựng thương hiệu yến sào trên đất Quảng Bình, năm 2020, anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để thực hiện sơ chế tổ yến thô. Để giới thiệu sản phẩm ra thị trường, năm 2021 anh đã thành lập Công ty TNHH TMDV Sơn Hải Quảng Bình và xây dựng thương hiệu Yến sào Sơn Hải.
Hiện Công ty TNHH TMDV Sơn Hải có gần 20 sản phẩm được tinh chế từ tổ yến thô.
Hiện Công ty TNHH TMDV Sơn Hải có gần 20 sản phẩm được tinh chế từ tổ yến thô.
Việc sơ chế ra sản phẩm từ tổ chim yến tại công ty phải trải qua quy trình chế biến nhiều bước nhưng không dùng hóa chất độc hại để tẩy rửa lông chim yến mà làm bằng thủ công hết sức tỉ mỉ. Đến nay, Yến sào Sơn Hải có các sản phẩm từ tổ yến: Tổ yến thô, tổ yến tinh chế, yến vụn viên đắp tổ, yến vụn viên làm sạch, yến chưng với nhiều hương vị...
 
Với việc đầu tư các thiết bị công nghệ cao trong sơ chế, sản phẩm Yến sào Sơn Hải không chỉ bảo đảm chất lượng mà mẫu mã còn bắt mắt, có khả năng cạnh tranh, chinh phục thị trường trong nước và quốc tế. Hiện sản phẩm của công ty đã có mặt tại một số cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Công ty cũng đang hoàn thành hồ sơ để tham gia các trang thương mại điện tử như Lazada, Tiki…, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
 
Yến nuôi tại gia đình anh Sơn sáng sớm bay từng đàn ra biển khơi và các vùng rừng núi, sông nước Quảng Bình để kiếm mồi và chỉ bay về khi chiều tối để trú ngụ. Do vậy, yến sào khai thác từ gia đình anh là yến sào hoàn toàn thiên nhiên và đạt giá trị dinh dưỡng cao. Hiện các sản phẩm Yến sào Sơn Hải đã có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP, có tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác rất bắt mắt.
Tuy vẫn còn những khó khăn trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm do công ty mới thành lập nhưng có thể khẳng định, mô hình dụ yến về nhà của anh Sơn bước đầu đã thành công khi thực hiện được chuỗi giá trị từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu về hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
 
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho biết: Từ những ngày đầu khó khăn, đến nay, Công ty TNHH TMDV Sơn Hải đang dần khẳng định chất lượng và tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu từ tổ yến thô. Thời gian tới, UBND xã sẽ hướng dẫn, hỗ trợ công ty tham gia chương trình OCOP nhằm làm thước đo chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị, phát triển thêm những sản phẩm mới, tạo cơ hội cho người dân làm giàu chính đáng trên quê hương.
 
Thanh Hoa
 
 

tin liên quan

Làm thủ tục chứng nhận Tiêu chuẩn vàng có hiệu lực để đạt được tín chỉ carbon GS

(QBĐT) - Cụm trang trại Điện gió B&T được Công ty AMI-AC Renewables đưa vào vận hành từ tháng 10/2021, gồm Nhà máy Điện gió BT1, Nhà máy Điện gió BT2-Giai đoạn 1 và Nhà máy Điện gió BT2-Giai đoạn 2. 

TP. Đồng Hới: Năng suất lúa vụ đông-xuân 2021-2022 ước đạt 54 tạ/ha

(QBĐT) - Vụ đông-xuân năm nay, TP. Đồng Hới có tổng diện tích gieo trồng lúa 872 ha với các loại giống chủ lực, như: ST24, đột biến 6, VNX20, ST24, đài thơm 8… 

Bố Trạch được mùa ớt

(QBĐT) - Những ngày này, nông dân huyện Bố Trạch đang tập trung xuống đồng thu hoạch ớt trong niềm vui mừng, phấn khởi, vì ớt được mùa.