Giấc mơ… điện lưới!

  • 06:54 | Thứ Năm, 12/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ban, ngành và huyện Bố Trạch, đời sống, sản xuất cña người dân hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) đã có nhiều đổi thay tích cực. Trên hành trình phát triển, điện lưới là giấc mơ không chỉ của riêng đồng bào mà của cả cán bộ, nhân viên các cơ quan đóng trên địa bàn. Qua bao thăng trầm, “giấc mơ điện lưới” đang trở thành hiện thực, hứa hẹn những đổi thay tươi mới cho vùng đất biên cương của Tổ quốc.
 
Những dấu mốc đáng nhớ
 
Cách đây vừa tròn một thập kỷ, trong chuyến đi công tác tại xã Thượng Trạch, chúng tôi được bố trí ở cùng phòng nội trú của các cô giáo mầm non. Thời điểm ấy, giáo viên được dùng nhờ điện từ máy nổ của đồn biên phòng, đến 9 giờ máy nổ tắt và cả khu vực tĩnh lặng, chìm trong bóng tối.   
 
Cũng vào năm 2012, Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình (Dự án điện mặt trời) với tổng số vốn đầu tư trên 13,783 triệu đô la được triển khai tại địa bàn 8 xã miền núi đặc biệt khó khăn, điện lưới không đến được thuộc 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi. Theo tiến độ, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015, nhưng do nhiều nguyên nhân, đến năm 2019, dự án mới hoàn thành. Hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch là những địa bàn hưởng lợi từ dự án. 
Một góc bản 39, xã Tân Trạch.
Một góc bản 39, xã Tân Trạch.
Với quy chuẩn thiết kế điện vùng miền núi của Việt Nam và các tiêu chuẩn khác liên quan đến công suất phụ tải, dự án bảo đảm cung cấp điện cho các hộ gia đình, các đơn vị dịch vụ công tại địa phương với mức 3 bóng đèn led thắp sáng, 1 quạt điện, 1 tivi đối với hộ gia đình. Đối với đơn vị dịch vụ công, tùy nhu cầu thực tế, công suất được thiết kế từ 600W-5.000W. Mặc dù chỉ có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, nhưng điện năng lượng mặt trời đã mang lại ánh sáng văn minh cho nhiều bản làng, trong đó có người dân và cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch.
 
Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, tại nhiều xã, hệ thống điện năng lượng mặt trời đã bị hư hỏng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất ngày càng phát triển, nhu cầu về nguồn điện ổn định trở nên bức thiết. Và điện lưới là phương án khả thi nhất để giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số nói chung, Tân Trạch, Thượng Trạch nói riêng, phát triển sản xuất.
 
Nỗ lực vì đồng bào
 
Năm 2013, khi Dự án điện mặt trời đang trong quá trình khởi động, với sự quan tâm của Chính phủ, của tỉnh, Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Quảng Bình (điện lưới nông thôn) trong Chương trình quốc gia về cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 được Chính phủ, các bộ ngành liên quan phê duyệt và thẩm định với tổng vốn 368 tỷ đồng.
 
Theo dự toán, dự án được chia làm hai giai đoạn 2014-2015 và 2016-2020 với mục tiêu cấp điện lưới quốc gia cho các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Ninh.
 
Năm 2014, trên cơ sở các nội dung phê duyệt của Chính phủ và ý kiến của các bộ liên quan, Sở Công thương đã đề nghị UBND tỉnh cho phép đầu tư điện lưới tại một số vùng đã nằm trong Dự án điện mặt trời nhằm bảo đảm các điều kiện phát triển sản xuất cho bà con. Tuy nhiên tại thời điểm đó, việc triển khai dự án điện lưới gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch, việc thi công qua địa phận Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) là bất khả thi.
Đường về bản Tuộc, xã Thượng Trạch.
Đường về bản Tuộc, xã Thượng Trạch.
Tháng 9/2020, sau chuyến kiểm tra đời sống, sản xuất của đồng bào hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch, trên cơ sở thực tế và nắm bắt nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã chỉ đạo huyện Bố Trạch phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cấp điện phù hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo để nâng cao điều kiện sản xuất, đời sống cho bà con.
 
Với những điều thuận lợi cơ bản ở thời điểm hiện tại và đáp ứng yêu cầu phát triển đời sống, sản xuất của đồng bào, ngày 30/12/2021, trên cơ sở Nghị quyết số 45/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4655/QĐ-UBND về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2022. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) được bố trí với tổng nguồn vốn 110 tỷ đồng, thi công trong thời gian từ năm 2022-2024.
 
Niềm tin và kỳ vọng
 

Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) có tổng nguồn vốn 110 tỷ đồng, được xây dựng với các phương án phù hợp để bảo đảm an toàn khi đi qua Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB.

“Được sử dụng điện lưới là quyền lợi của mọi người dân. Đưa điện lưới về các vùng miền núi khó khăn sẽ mang lại hiệu quả xã hội to lớn, góp phần bảo đảm an sinh, giúp đồng bào thay đổi tập quán sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bằng và vùng cao!”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng. 

Thông tin về dự án kéo điện lưới về địa phương đã mang lại niềm hy vọng lớn cho cán bộ, nhân dân hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch.

Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Trương Tấn Hưng cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh, Dự án điện mặt trời đã góp phần tạo thuận lợi cho sinh hoạt của bà con và các cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, được thiết kế với mục tiêu cấp điện sinh hoạt cùng những hư hỏng phát sinh sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhu cầu điện lưới đang trở nên cấp thiết.

Đặc biệt, hiện nay đồng bào đang từng bước phát triển sản xuất, việc đầu tư điện lưới là nguyện vọng chính đáng, cũng là điều kiện rất quan trọng để nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội các địa bàn miền núi khó khăn nói chung, xã Thượng Trạch nói riêng.

Ông Bùi Ta Boong, Xóm Mới, bản Nịu, xã Thượng Trạch, hiện đang có cơ sở thu mua các loại nông sản trên địa bàn chia sẻ: Tất cả các hoạt động của cơ sở đều phải dùng máy phát điện. Mặc dù chi phí lớn nhưng công suất vẫn không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Việc tỉnh quan tâm đầu tư điện lưới là rất phù hợp với mong muốn của bà con, nhất là hiện tại cây sắn đang phát triển và nhu cầu chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất là rất cần thiết. Còn hiện tại bà con chỉ có thể bán sắn nguyên liệu với mức giá rất thấp do chi phí vận chuyển lớn nên lợi nhuận không đáng kể.
 
Cụ Đinh Xon, bản Cà Roòng 1 cũng bày tỏ niềm vui và mong muốn tỉnh nhanh chóng đưa cái điện về để bản sáng hơn, giúp bà con làm được nhiều việc hơn, nhất là trong những khi trời mưa gió, điện mặt trời không phát huy được.
 
Cùng với điện phục vụ sản xuất, những năm qua, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn hai xã gặp nhiều khó khăn. Mặc dù trạm y tế xã đã được trang bị máy siêu âm, tủ bảo quản vắc-xin… cùng các trang thiết bị cơ bản khác cần điện để sử dụng, nhưng do nguồn điện không ổn định, hiện máy siêu âm của Trạm Y tế xã Thượng Trạch đã bị hỏng và đang sửa chữa.  
Trạm Y tế xã Thượng Trạch được đầu tư nâng cấp khang trang.
Trạm Y tế xã Thượng Trạch được đầu tư nâng cấp khang trang.
Các nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ, của tỉnh đang tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở. Hiện 2 trạm y tế Tân Trạch và Thượng Trạch đã được đầu tư nâng cấp khang trang, đồng bộ, nhưng thiếu điện luôn là rào cản lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nắm bắt thông tin về dự án điện lưới, Trưởng trạm y tế xã Thượng Trạch không giấu được niềm vui bởi những khó khăn trong công tác chuyên môn và cả đời sống, sinh hoạt của y, bác sỹ sẽ cơ bản được giải quyết khi điện lưới về.
 
Đối với xã Tân Trạch, mặc dù chỉ có gần 100 hộ với khoảng 400 nhân khẩu nhưng “giấc mơ điện lưới” luôn canh cánh. Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Văn Đại cho biết, những năm qua, Dự án điện mặt trời đã góp phần mang ánh sáng văn minh cho bà con, tuy nhiên qua quá trình sử dụng đã nảy sinh nhiều bất cập, hư hỏng. Để nâng cao đời sống, sản xuất cho đồng bào, thì điện lưới là yếu tố rất quan trọng. Việc học tập của con em cũng sẽ thuận lợi hơn để trong tương lai sẽ có nhiều hơn những người dân ARem được đào tạo cơ bản với đầy đủ kiến thức, trở thành những “ông chủ” tự tin, dám nghĩ dám làm, thành cán bộ năng động, sáng tạo ngay trên quê hương mình.  
 
Ngọc Mai

tin liên quan

Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

(QBĐT) - Ngày 11/5, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chương trình hành động số 781/Ctr-UBND. 

Yêu cầu quản lý chặt xe điện bốn bánh tại các khu du lịch

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các địa phương yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động thí điểm xe điện và xe 4 bánh gắn động cơ phục vụ du lịch trong tình hình mới.

Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật tại xã Đồng Trạch

(QBĐT) - Sáng 10/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND xã Đồng Trạch (Bố Trạch) tổ chức hội nghị triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (bệnh dại) cấp xã năm 2022.