Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

  • 07:26 | Thứ Hai, 28/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã được thành lập để phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn và nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều HTX đã chú trọng triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trọng tâm là sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, như: Lúa gạo, rau màu, thủy sản…
 
Trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, HTX giữ vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, là đầu mối tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp bà con định hướng sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
 
Tại tỉnh ta, nhưng năm gần đây, nhiều HTX cũng đã tạo lập được các mối liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, ổn định đầu ra sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng. Các HTX đã khẳng định vai trò tích cực trong việc liên kết giữa các hộ nhỏ lẻ để hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, bảo đảm an toàn và chất lượng, tạo thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp bao tiêu.
 
HTX Sản xuất, mua bán và chế biến thủy hải sản Vương Đoàn, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) là một trong những HTX hoạt động hiệu quả theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, HTX đã chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm với ngư dân hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Thông qua liên kết, ngư dân được bao tiêu sản phẩm, giải quyết được nỗi lo bị ép giá bởi các tư thương, yên tâm bám biển đánh bắt, phát triển kinh tế. 
 
Chị Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX cho biết: Vào mùa vụ đánh bắt, mỗi ngày, HTX thu mua khoảng 20 tấn thủy sản cho bà con ngư dân. Hiện, HTX có 20 mặt hàng thủy sản khô và tươi sống, trong đó có 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh gồm: Tôm khô, mực khô xé sợi và cá bờm trắng. Các sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, như: Thanh Hóa, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...
 
Đặc biệt, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng, HTX vừa khai trương cửa hàng tiêu thụ các sản phẩm tại Dinh Mười, xã Gia Ninh (Quảng Ninh). Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm thủy sản Quảng Bình đến với người tiêu dùng trong cả nước. 
Thủy sản được bao tiêu, người dân hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh giải quyết được nỗi lo bị ép giá.
Thủy sản được bao tiêu, người dân hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh giải quyết được nỗi lo bị ép giá.
HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông sản Đức Năm, xã Tân Thủy (Lệ Thủy) cũng tương tự. HTX thành lập nhằm bao tiêu các sản phẩm theo mùa của người dân, như: Mè đen, đậu lạc và mướp đắng. Đặc biệt, Lệ Thủy là địa phương có diện tích mướp đắng khá lớn, toàn huyện có hơn 45ha, nhưng tình trạng "được mùa-mất giá" luôn diễn ra trong nhiều năm qua.
 
Từ khi thành lập cho đến nay, HTX đã thu mua cả mướp đắng tươi và mướp đắng khô, không hạn chế số lượng, giúp người dân tránh được tình trạng ép giá của các thương lái. Được biết, mỗi năm, HTX thu mua khoảng hơn 20 tấn mướp đắng các loại, gần 80 tấn đậu lạc, 1 tấn mè đen để xuất bán ra các tỉnh, thành, như: Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
 
Đặc biệt, nhận thấy nguồn nguyên liệu lạc ở các địa phương trong tỉnh dồi dào, HTX cũng đầu tư mua các loại máy móc để sản xuất dầu lạc, dầu mè, đưa sản phẩm an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng.
 
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Năm, Giám đốc HTX, hiện nay, HTX chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nên chưa được bán vào các kênh phân phối tiềm năng, như: Siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng nông sản sạch... Thời gian tới, HTX sẽ chú trọng đến chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác… nhằm tạo chỗ đứng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con nông dân.
 
Liên kết chuỗi giá trị là hướng đi bền vững của các HTX hiện nay, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc liên kết chuỗi giá trị tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Quy mô sản xuất của các HTX vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; khả năng huy động vốn hạn chế; nhiều HTX mới chú trọng khâu sản xuất, còn yếu kém trong khâu liên kết tiêu thụ; trình độ cán bộ HTX còn rất hạn chế, chưa thực sự năng động trong việc nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm cũng như tiếp cận các thị trường tiềm năng...
 
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hiện nay, số HTX kiểu mới hoạt động theo chuỗi trên địa bàn tỉnh ngày một tăng, góp phần thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động.
 
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về vai trò của kinh tế tập thể, lợi ích bền vững của HTX khi xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh để nhân rộng; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý trong cơ chế thị trường hiện nay; tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm giao lưu, trao đổi, quảng bá sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng; tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức xúc tiến thương mại, tạo thêm cơ hội cho các HTX mở rộng thị trường tiêu thụ...
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 60 HTX kiểu mới sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng, nổi bật, như: HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh; HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp cây dược liệu xã Cự Nẫm; HTX Nông nghiệp An Nông…
 
Nhờ mạnh dạn thay đổi, tiếp cận và thích ứng với sự phát triển mới, các HTX thực hiện thành công các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng lợi nhuận cho HTX, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần tạo việc làm cho lao động vùng nông thôn.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Nhiều cá nhân, đơn vị hưởng ứng chiến dịch "Giờ Trái đất"

(QBĐT) - Hưởng ứng chiến dịch "Giờ Trái đất", từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 26/3, nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tắt các bóng đèn, thiết bị điện không cần thiết tại trụ sở làm việc và các công trình công cộng...

Hỗ trợ 700 cây giống cho phụ nữ phát triển kinh tế vườn

(QBĐT) - Trong 2 ngày 25 và 26/3, Hợp tác xã Sản xuất-Kinh doanh giống cây trồng Đức Hưng (gọi tắt là HTX Đức Hưng) ở xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) đã trao tặng 700 cây giống cho hội viên Hội Phụ nữ ở xã Phú Thủy và Dương Thủy.

Quảng Bình đồng hành cùng doanh nghiệp

(QBĐT) - Không phải ngẫu nhiên mà tỉnh Quảng Bình chọn TP. Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước làm địa điểm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 với chủ đề "Quảng Bình - Thích ứng - Đồng hành - Phát triển".