Đánh giá hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

  • 12:14 | Thứ Năm, 10/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng 10/3, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thảo khoa học "Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới hiện nay ở tỉnh Quảng Bình". Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Các đại biểu tham gia hội thảo
Đề tài là cơ sở cho cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đưa ra những quyết định, hướng đi để xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng các mô hình có hiệu quả.
 
Cơ sở dữ liệu của đề tài sẽ phục vụ cho những người nông dân, nhà doanh nghiệp tham khảo, tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương, kinh tế gia đình và nhu cầu thị trường.
 
Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát 390 mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, gồm 350 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương và 40 hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp. Các mô hình khảo sát thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh tổng hợp trên 3 vùng: đồng bằng, cát ven biển và trung du miền núi và được chấm điểm theo 3 tiêu chí đánh giá tính bền vững, thang điểm 100.
 
Từ kết quả phân tích, đánh giá hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, cùng các yếu tố khác, nhóm đề tài đã phân các mô hình nông nghiệp ra thành hai nhóm, gồm: nhóm mô hình cần nhân rộng như mô hình chăn nuôi bò, lợn thịt, mô hình trồng rau truyền thống; nhóm mô hình cần duy trì và có giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị, như: Mô hình trồng lúa 2 vụ, nuôi cá nước ngọt trong ao hồ…
 
Nhóm đề tài cũng đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm tiếp theo như: Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đât đai, thổ nhưỡng, khí hậu và kinh tế xã hội theo từng vùng; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung chuyên môn hóa với quy mô phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học, các phương pháp tưới tiêu hiện đại và cơ giới hóa các khâu công việc...
 
Đồng thời, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển; cần xây dựng chiến lược bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân của địa phương mình...
 
Thông qua hội thảo, nhóm đề tài đề nghị các cấp, các nghành xem xét khuyến nghị nhân rộng các mô hình ở nhóm đề nghị nhân rộng trên cơ sở quy hoạch cụ thể, chi tiết. Có cơ chế chính sách về đất đai, vốn, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
 
Đối với nhóm cần duy trì và có giải pháp nâng cao chất lượng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ người sản xuất các giải pháp về khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đề nghị các cấp chính quyền có các biện pháp thiết thực hiệu quả hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư vào tỉnh ta…
Phạm Hà
 
 
 

tin liên quan

Lệ Thủy: Khoai lang được mùa, được giá

(QBĐT) - Xã Thanh Thủy là địa phương có diện tích trồng khoai lang tập trung nhiều nhất của huyện Lệ Thủy, với diện tích khoảng 160ha/năm. Năm nay, bà con nông dân nơi đây phấn khởi vì khoai lang được mùa, được giá, đạt lợi nhuận cao.   

Nông dân Minh Hóa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

(QBĐT) - Trong những năm gần đây, người dân Minh Hóa đã tích cực chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Quảng Ninh: Nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản

(QBĐT) - Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản (NTTS) là một trong những ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân huyện Quảng Ninh.